TRẦN THẾ DŨNG
Dân tộc Dao còn gọi là người Mán, có nguồn gốc xa xưa ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) đã vượt biển, vượt sông, vượt núi di cư vào Việt Nam qua nhiều đợt từ thế kỷ XIII, XIV đến thế kỷ XVII… Trong quá trình di cư, tương tự như người H’mông, họ chịu tác động của giao thoa văn hóa nên dần chia thành nhiều nhánh cũng như biến đổi về tiếng nói, trang phục, cảm nhận về thẩm mỹ …. Dù vậy, về tín ngưỡng họ vẫn thống nhất thờ cúng Bàn Vương là thủy tổ của 12 họ người Dao cùng với tục cấp sắc đối với tất cả con trai đến tuổi trưởng thành – một nghi lể đặt tên thứ 2 (tên âm) cho người con trai để sau này “giao tiếp” với tổ tiên đồng thời kể từ nay chính thức là thành viên cộng đồng người Dao, được quyền lấy vợ, sinh con, làm nhà và quyền lợi về tinh thần khác.
Phụ nữ Dao Đỏ vùng Thông Nguyên- Hoàng Su Phì đang hái chè Shan Tuyết cổ thụ.
Người Dao phần đông sống quần tụ trên các triền núi khắp các tỉnh trung du, miền núi biên giới phía Bắc và sinh sống dựa vào nương rẫy, trông trọt, chăn nuôi … Tuy nhiên một số nhóm lại thông thạo việc đóng vó bè, khai thác thủy sản .. gần sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Điện Biên) và vùng ven biển vịnh Bắc bộ ( Quảng Ninh).
Nhóm nữ giới Dao Đỏ tham dự chợ phiên Sa Pa (Ảnh chụp cách đây 20 năm khị chợ phiên Sapa vẫn tồn tại và bộ trang phục của người Dao Đỏ từ trẻ em đến người lớn rất cầu kỳ, đồng nhất và đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.)
Người Dao Đỏ chiếm số đông trong 7 nhánh tộc người Dao. Gọi là người Dao Đỏ bởi hoa văn trang trí trên trang phục phụ nữ từ áo, yếm, quần, khăn vấn đầu, thắt lưng , đều thêu 5 màu sắc nhưng màu đỏ là màu chủ đạo thể hiện niềm mong ước mang lại một cuộc sống đầy đủ, ấm no, may mắn. Đặc biệt điểm nhấn trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Đỏ là chiếc khăn vấn đầu. Tuy nhiên do bị mai một bởi cuộc sống lại sinh sống ở nhiều vùng nên trong cách ăn mặc, vấn khăn không còn giữ được nét nguyên sơ. Tiêu biểu như người phụ nữ Dao Đỏ sống ở vùng Bắc Quang, khăn quấn đầu thường có hai lớp và toàn bộ mặt khăn được thêu kín các họa tiết đan xen, rất khác nữ giới Dao Đỏ ở Sapa hay đội trên đầu bộ khăn vuông xếp 5 đến 9 lớp toàn màu đỏ. Riêng phụ nữ vùng Bát Xát – Lào Cai quấn cuộn tròn lớp khăn đỏ quanh đầu đồng thời đính kèm nhiều chùm chuông, dây chuyền bằng bạc ..Dù vậy nói chung kiểu cách quần áo, màu sắc hoa văn thổ cẩm thì tương đối đồng nhất .
Ngoài trang phục được thêu hoa văn cầu kỳ, thể hiện trí tưởng tượng phong phú và tinh tế trong việc sử dụng màu sắc, người Dao Đỏ còn hay sữ dụng bộ cúc áo, yếm che ngực, vòng cổ, nhẫn hoàn toàn bằng bạc cho thêm phần lộng lẫy.
Trần Thế Dũng