THANH NGUYỆT
Khi những đợt chướng mằn mặn đầu tiên mang hơi ẩm se lạnh của sớm mai thổi từ biển vào đất liền, thì hương vị Tết cũng bắt đầu len lỏi vào từng ngõ nhỏ của cù lao Long Hựu.
Bà con mua hoa vạn thọ cúng tảo mộ những ngày giáp Tết – Ảnh Nam Việt
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt của một xã vùng sâu, từng bị chia cắt với đất liền hàng trăm năm trước. Đường liên ấp tráng nhựa rộng rãi, hai bên là hoàng yến trổ vàng tươi, rẽ ngang rẽ dọc đến tận các rặng bần và dừa nước bao bọc xung quanh ốc đảo này. Nhà nào cũng có mai vàng, cúc thọ, mào gà… tất cả đều chớm nụ chờ bước qua thời khắc giao thừa sẽ bung cánh rực rỡ đón chào năm mới. Thi thoảng, một vài cây quách trĩu quả, tròn vo, to nhỏ, lúc lỉu như những quả cầu trang trí mùa đông. Vào độ này, cái rẻo đất dường như cả năm yên ắng bỗng rộn rịp hẳn lên. Đó đây, thoang thoáng khói đốt đồng là là như sương giăng mặt ruộng, tiếng chày giã nếp bánh in, bánh phồng văng vẳng đều đều, những sàng khô cá dứa, cá kèo… vàng hực, xếp từng dãy từng dãy ngay băng. Lòng tôi dạt dào cảm xúc khi được nhìn thấy một Long Hựu sẵn sàng tiếp nhận, hòa nhập với cái mới, vẫn duy trì được những nét riêng có bao đời.
Cầu Kinh Nước Mặn – Công trình nối liền Cù lao Long Hựu với đất liền.
Trước mắt tôi là chợ Kinh Nước Mặn, gần như nguyên trạng từ lúc mới xây dựng, nằm sát ngã ba sông, ghe tàu tấp nập, chen chúc nhau chật bến đò chờ con nước thuận. Thôi thì đủ loại hàng hóa: lu hủ, gạo thóc, cá mắm… nhưng sắc màu năm mới được thể hiện rõ nhất trên các ghe trái cây và hoa kiểng. Quýt hồng, Phật thủ, Dưa hấu, … chất cao có ngọn tươi roi rói, khẳm mấp mé lườn, từ miệt Chợ Lách, Cái Mơn, Gò Công, Chợ Gạo…. dong lên. Hoa kiểng sặc sỡ đủ loại, có nguồn gốc từ thủ phủ Sa Đéc, Phước Định, Mỹ Phong… được bọc lót cẩn thận, chuẩn bị ngược về phía Phú Xuân, Nhà Bè, rồi men theo Kinh Đôi, Kinh Tẻ vào tận bến Bình Đông, Vân Đồn. Trong số đó, có nhiều cây bon sai giá trị hàng vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, sẵn sàng cho cuộc thi nghệ nhân tổ chức hàng năm tại hội hoa xuân Tao Đàn.
Trên bờ cảnh vật cũng náo nhiệt không kém, người mua, kẻ bán chào mời rôm rả. Ngay cổng chợ, một cây nêu được dựng lên từ ngày đưa ông Táo, phần ngọn vẫn còn vài nhánh lá tươi xanh, được trang trí thêm những dải màu kim tuyến óng ánh dưới nắng hồng rực rỡ. Những đốt tre già thẳng đuột như những bậc thang nối đất với trời, giao cảm giữa con người với thần linh, mang sinh khí tốt tươi từ vũ trụ tưới tắm cho vạn vật thế gian. Cây nêu ngày Tết cũng là phương tiện để con người gởi gắm niềm mong mỏi về một cuộc sống bình an, xua đuổi ma quỷ, khai trừ dịch bệnh, tiếp nhận điềm lành – một nét văn hóa xưa mà ít nơi nào còn lưu giữ được.
Chợ Kinh Nước Mặn với nhiều trái cây phục vụ bà con trong dịp Tết
Cũng như các chợ khác, chợ Kinh không thiếu một món nào, khác chăng là đa phần hàng hóa được bày bán ở đây là sản vật địa phương, được chính tay người dân trong làng chế biến từ nguồn nguyên liệu tại chỗ. Mứt dừa đủ màu cắt tỉa khéo léo, mứt chuối, mứt mãng cầu thơm dẻo gói thành từng viên kẹo vuông vắn xinh xinh. Đặc biệt là mứt me vồng trong suốt, vàng ươm, chua chua ngọt ngọt, nếm vào là thấm tận chân răng. Thổ nhưỡng khắc nghiệt của vùng đất phèn mặn quanh năm đã nuôi dưỡng những cội me vài mươi năm tuổi, sai oằn những quả dài cong tròn lại, vồng lên những mắt me ú nụ. Bên cạnh những sọt trái cây đủ màu sắc: mãng cầu, đu đủ, sơ ri, mận sọc… là những tràng quách da dẻ xù xì, nhưng bên trong là cả một thế giới của mùi vị: một chút chua, một chút ngọt, một chút hăng nồng, lẫn chút mùi thơm thơm thuốc bắc. Không cần bày vẽ cầu kỳ, ly quách dầm đá đường cũng đủ mát lòng người ưa chuộng. Đến với chợ Kinh, nhiều người không khỏi ngạc nhiên vì ngoài những loại bánh thường thấy, còn có những phong bánh in vỏ nếp rang trắng nuột, những thếp bánh tráng phồng mịn màng, bóng mượt. Đối với người dân Long Hựu, bánh in, bánh phồng là món không thể thiếu trong ngày lễ tết. Hình ảnh hoa văn rồng, phụng hiện lên trên bề mặt của từng chiếc bánh in làm tăng thêm vẻ đẹp tinh tế, hòa quyện giữa mùi thơm nếp mới, vị chuối ngọt thanh, gừng ấm áp và béo giòn của đậu phộng. Bánh phồng quết nếp và khoai mì trong veo, nở bung giòn trên lửa rơm mới gặt thơm nức, ngọt dịu, tan ra ngay đầu lưỡi. Tất cả đều nói lên khát vọng đẹp đẽ của người dân Long Hựu về một mùa màng sung túc, đậm đà tình làng nghĩa xóm.
Càng cận Tết, khi ghe thương hồ các tỉnh miền Tây lui bến, cũng là lúc Kinh Nước Mặn dang tay đón chờ những người con mần ăn xa xứ. Hai bên bờ sông ken cứng tàu to, tàu nhỏ “đỏ mũi xanh lườn”, có cả những xà lan tải trọng hàng ngàn tấn. Đó là những con tàu đi sông, đi biển, cả năm cập bến đôi lần, thời khắc trời đất giao hòa, muôn dặm quay về nguồn cội, để rồi ra ngày rộng tháng dài lại nhổ neo bươn trải cuộc mưu sinh. Vậy mới thấy hết được cái tình quê hương xứ sở nặng biết nhường nào! Bất giác tôi nhớ những câu thơ ngọt ngào, sâu lắng của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân (nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An):
“Cũng là biển mà sao không có cát
Không dạt dào sóng vỗ với phi lao
Biển của mẹ một đời tần tảo
Biển của chiều Long Hựu nhớ thương nhau…”
Thanh Nguyệt – 04/01/2023
Đồng hành cùng Topgo Tourist – Loại bài “Tìm về di sản trăm năm”