NGUYỄN GIA VIỆT
Chỉ một ngày Chúa Nhựt mời bạn đi du lịch dọc Quốc Lộ 50 không tốn tiền, không bực mình.
Sài Gòn là đất trung tâm, từ đây bạn có thể đi xung quanh những vùng đất phên dậu của nó mà tìm hiểu khám phá.
Tôi sẽ cho các bạn một hướng du lịch và đi về chỉ trong một ngày, đi gần xịt mà thoải mái, nhẹ nhàng, không tốn tiền nhiều.
Vừa lòng vòng chơi vừa ôn lại lịch sử khai khẩn, lập xứ, lịch sử từng vùng đất chung quanh Sài Gòn, Gia Định .Một chuyện rất đáng để mà làm.
Từ cầu Nhị Thiên Đường bạn chạy xe Honda theo QL 50 chạy thẳng về bến xe Ký Thủ Ôn, vựa vịt Bình Hưng, qua Phong Phú, Đa Phước, cầu Ông Thìn hướng về Long An, Gò Công.
Long An là cái tỉnh trái độn, không phải Miền Tây, cũng không phải Miền Đông. Sông Vàm Cỏ lờn vờn với sông Sài Gòn,sông Đồng Nai chứ không chơi với Tiền Giang, Hậu Giang nên Long An thiên về Đông hơn.
Ngày xưa Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Chợ Lớn, xưa hơn nữa thì Gò Công Tân Hòa cũng thuộc về Gia Định.
Đất Long An đón bạn từ ngã ba Tân Kim, chạy thẳng vào cầu Cần Giuộc. Khu này là khu chợ Trường Bình của nghĩa sĩ Cần Giuộc ngày xưa. Bạn có thể quẹo phải về hướng Mỹ Lộc, Thanh Ba ở ngã năm vào thăm chùa Tôn Thạnh năm xưa có bước chân Đồ Chiểu.
Chùa Tôn Thạnh – Ảnh Thanh Minh
Khu vực đài nghĩa sĩ Cần Giuộc có nhiều quán ăn rất ngon, từ bún riêu tới hủ tíu,bún bò, bò nướng lá lốt, bánh mì kẹp thịt,bún thịt nướng. Ăn sáng xong có thể ghé cafe nhà cổ ở xế đó,nghe nói nhà đốc phủ sứ ngày xưa nên rất đẹp.
Chạy theo QL 50 bạn qua cầu Mồng Gà tới Thuận Thành, Vĩnh Nguyên xuống ngã tư Chợ Trạm. Từ ngã tư này nếu queo trái có thể qua Chợ Núi thăm chùa cổ Núi.
Chợ Núi
Chợ Núi thời Nguyễn thuộc thôn Phước Vĩnh Tây, Tổng Lộc Thành, huyện Phước Lộc, phủ Tân An, tỉnh Gia Định. Ngày nay thuộc ấp Tây- xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc- tỉnh Long An.
Rạch Núi hay chợ Núi xuất xứ từ một cái gò đất tự nhiên có từ ngày xưa, gò đất rộng 1 ha hình núm tròn, cao chừng 6 mét so với mặt đất xung quanh.
Trên gò có vô số cây cổ thụ lâu năm tươi tốt, bao quanh gò là một con rạch nhỏ tên Rạch Núi,một nhánh nhỏ bắt từ sông Cần Giuộc (Rạch Cát).
Dân gian gọi gò này là gò Thổ Sơn tức Núi Đất. Rất kỳ lạ, dân ở đây không gọi là Gò Đất mà gọi là Núi Đất.
Phàm giữa vùng sông rạch mà có gò cao thì người xưa hay cất chùa chiền trên đó.Trên đỉnh gò có ngôi chùa cổ tên là “Linh Sơn Tự” tên tục là chùa Núi có từ năm 1867.
Xế bên chùa có ngôi chợ quê gọi là chợ Rạch Núi ,gọi tắt là chợ Núi, rồi sau đó nguyên vùng này được mặc định là vùng chợ Núi.
Con đường hương lộ 12 vắt ngang chợ Núi chạy thẳng về Nhà Bè
Chợ Trạm
Tại ngã tư Chợ Trạm còn cái cầu Chợ Trạm và Chợ Trạm thuộc địa phận Cần Đước .Chữ 站 Trạm tiếng Hán có nghĩa là cái nhà trú tạm giữa đường để hoán chuyển giao thông.
Cầu Chợ Trạm – Ảnh Nguyễn Gia Việt
Chợ Trạm là một cái xứ mang tính lịch sử của Cần Đước
Tại làng Mỹ Lệ của Cần Đước xưa có một dịch trạm nằm trên đường thiên lý từ Gia Định về Gò Công,cái dịch trạm này nằm mé bên cái Rạch Đào ,các anh lính chạy ngựa từ Sài Gòn về phải ghé dịch trạm Mỹ Lệ nghĩ ngơi chờ thay ngựa và mượn xuồng qua sông.
Chắc chắn cái dịch trạm ở Mỹ Lệ này có tên đàng hoàng, nhưng giờ chẳng ai biết, ai nhớ,chỉ còn nhớ Chợ Trạm.
Lâu dần hình thành địa danh “Chợ Trạm“ tới ngay nay, một cái chợ kế bên cái dịch trạm, lâu ngày thành một thị tứ tên Chợ Trạm. Đây là vết tích duy nhứt còn tồn tại của những cái trạm thời Nam Kỳ lục tỉnh.
Tân Lân
Chạy từ Chợ Trạm xuống bạn sẽ đụng Tân Lân. Cái xứ tên Tân Lân cũng là vết tích của thời khai khẩn Nam Kỳ Lục Tỉnh.
“Vốn chẳng phái quân cơ quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh
Chẳng qua là dân ấp dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ”(Đồ Chiểu).
Thời Nguyễn ở Nam Kỳ có 3 loại hành chánh địa phương:
– Vùng lớn- đại thôn gọi là xã
– Vùng vừa gọi là trung thôn
– Vùng nhỏ gọi là tiểu thôn,còn gọi là phường, lân, ấp, xóm mạn, nậu…
Mỗi xã có thể chia ra 2,3 thôn. Mỗi thôn có thể chia ra 2 – 3 ấp hoặc 2 -3 lân. Nói chung hành chánh cấp địa phương thời Nguyễn là: xã, thôn, phường, lân, ấp, xóm.
Đồ Chiểu viết trong văn tế là “dân lân,dân ấp”.
Gia Định Thành Thông Chí – Trịnh Hoài Đức viết năm 1830 thời Minh Mạng – quyển 3 – cương vực chí. Huyện Phước Lộc, Phủ Tân An, Tỉnh Gia Định là đất khi xưa của hai huyện Cần Giuộc, Cần Đước.
Tổng Phước Điền huyện Phước Lộc có ghi ra đủ hết tên những xã ngày nay có tên rất quen đó là: “Thôn Tân Lân. Thôn Long Hựu, Phường Mỹ Lệ. Phường Vạn Phước. Thôn Tân Trạch. Thôn Long Sơn. Thôn Long Hòa…”
Như vậy đủ biết là khi xưa, năm 1830 thì Tân Lân ở cấp trung thôn. Trước 1830 thì thôn Tân Lân từng là “lân” – ấp ,và tách ra mới nên có tên là “Tân Lân”.
Tân Lân là xứ mặt tiền, có con đường lộ “ngựa trạm” từ Gia Định chạy về Gò Công vắt ngang, có đình làng khá lớn, có chùa cổ Phước Lâm nổi tiếng,ruộng đất cũng bao la.
Chùa cổ Phước Lâm và Xóm Chùa
Từ ngã ba Tân Lân quẹo phải bạn đi về hướng Chơ Đào. Tới Xóm Chùa bạn phải quẹo trái ghé thăm chùa cổ Phước Lâm.
Chùa Phước Lâm – Ảnh Công Toại
Phước Lâm tự là ngôi chùa cổ nhỏ nhưng sang trọng của đất Cần Đước và Gia Định xưa. Chùa sang vì giàu, nó thuộc sở hữu của gia tộc nhà đại điền chủ làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh.
Làng Tân Lân và làng Mỹ Lệ xưa là hai làng thuộc loại giàu có của Cần Đước với ruộng tốt gạo ngon.
Năm 1880 ông Bùi Văn Minh xây chùa này với cách phối tự trước là chùa sau cũng là nơi thờ tự ông bà tổ tiên.Kiến trúc ngày nay của chùa là kiến trúc những năm 1920 ở Nam Kỳ, nó lai Pháp.
Một dãy nhà ngói xưa có những hàng cột tròn đen bóng cất kiểu bánh ít, chánh điện nối với nhà tổ, nhà tăng là những mái chồng mái kiểu sắp đọi có máng xối.
Nền chùa đúc đá xanh Biên Hoà rất cao, có tam cấp bước lên
Chùa có tường, trên cửa và cột có nhiều hoa văn trang trí kiểu thuộc địa Pháp.
Tên chùa theo Hán tự là “Phước Lâm tự” nhưng xưa dân làng không ai biết đọc chữ Hán thành ra kêu theo tên người lập chùa là “Chùa Ông Sáu” hoặc đọc chệch từ ông Minh ra thành “Chùa Ông Miêng” .
Chùa của đại điền chủ nên rất giàu
Trước 1975 chùa có 32 mẫu ruộng để cho thuê lấy huê lợi mà cúng kiếng và tu sửa. Nay chùa chỉ còn 80 sào ruộng.
Là chùa cổ và có tính gia tộc nên Phước Lâm rất yên tĩnh, chùa chỉ có hai sư một già một trẻ, tiếng kinh kê khoai thai dè dặt rất đời thường.
Đây là ngôi chùa cổ rất có giá trị của đất Cần Đước
Xứ Chợ Đào
Ca dao có câu:
“Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai,
Hết củi đã có Tân Sài chở vô”
Gạo Cần Đước ở đây chính là gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
Cần Đước là một vùng đất khai phá khá sớm của Nam Kỳ lục tỉnh.
Có một xứ nhỏ xíu ở Cần Đước nằm dựa lưng vô một con rach tên là Rạch Đào của Mỹ Lệ.
Vạn Phước và Mỹ Lệ ngày xưa thời Nguyễn là Phường thuộc huyện Phước Lộc, tổng Phước Điền phủ Tân An, tỉnh Gia Định.Đọc “Gia Định Thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức có thấy chép.
Kêu là phường thì biết chắc rằng là một làng nghề sung túc.
Vạn Phước trù phú, nép mình vào con kinh Rạch Đào ,vùng Chợ Đào nổi tiếng gạo nàng thơm, làm nghề ruộng,trữ lúa,xay hàng xáo và chở ghe chài lên Sài Gòn Chợ Lớn bán, khu Cầu Chùa đông nghẹt ghe chài chở lúa gạo.
Vạn Phước có cái đình lớn, cái nôi tổ sư nhạc tài tử Nam Kỳ Ba Đợi từng sanh sống.
Rạch Đào không phải do người đào hay xáng đào, đào ở đây là mềm mại uốn éo như tấm lụa, nước rạch lúc nào cũng có màu đỏ gạch tôm –màu đào nên có tên Rạch Đào.
Rạch Đào là địa danh khá phổ biến ở Nam Kỳ.Tại Bến Lức, Thủ Thừa, Vĩnh Long cũng có,duy chỉ Rạch Đào, Chợ Đào Cần Đước mới nổi danh.
Con rạch uốn khúc từ sông Vàm Cỏ Đông chạy qua Chợ Đào về tới Chợ Trạm qua bên mé Rạch Cát, có một khúc nước mặn một khúc nước lợ. Vậy mà tạo ra một vùng thổ nhưỡng đặc biệt để sản sanh ra một giống lúa độc nhứt vô nhị ở Nam Kỳ lục tỉnh.
Lúa Nàng Thơm tạo ra gạo Nàng Thơm Chợ Đào danh tiếng. Gạo có hột lựu ở giữa ,dẻo hột,trong veo và nấu thì có mùi thơm thoang thoảng như mời gọi.Nấu ơ cơm mà hàng xóm,du khách ngoài đường còn nghe mùi thơm, cơm nguội vẫn thơm.
Ngày xưa, từ lúc lưu dân Nam Kỳ đặt chưn tới vùng này đã có gạo Nàng Thơm Chợ Đào, lúc này cũng làm gì có cái gọi là “Thơm Thái” như ngày nay, để biết gạo này nó trứ danh ra làm sao.
Một loại lúa mà được nâng lên hàng “Nàng” thì biết nó quý cỡ nào rồi!
Nàng Thơm Chợ Đào là một loại thổ sản quý được tiến cho các vua nhà Nguyễn của Nam Kỳ hồi xưa.
Hàng trăm năm danh tiếng “gạo Cần Đước – nước Đồng Nai”
Lăng mộ Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn và ngã tư Đình Tân Chánh
Từ ngã ba chợ Cần Đước bạn có thể chạy về Tân Chánh tới Ngã ba Đình viếng thăm lăng mộ của Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn. Trước khi ghé vào khu lăng mộ ông Nguyễn Khắc Tuấn bạn sẽ chạy ngang khu mộ mẹ ông Nguyễn Khắc Tuấn ở ven lộ, cái mả ô dước hình miên ngưu cổ xưa không còn cổ hơn đặng.
Tại Long An chỉ có hai khu lăng mộ cổ nổi tiếng thời Nguyễn, một là ông Nguyễn Huỳnh Đức ở Khánh Hậu, hai là ông Nguyễn Khắc Tuấn ở Cần Đước.
Thống Chế, Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823) xuất thân con nhà nghèo ở làng Tân Chánh là một võ quan của chúa Nguyễn Ánh, ông còn có tên là Nguyễn Phước Xuân hay Nguyễn Hầu Xuân.
Được mang chữ lót Phước của vua Gia Long thì đủ biết vua tin ông thế nào. Vua Minh Mạng phong tước lúc ông còn sống là Khâm sai – Chưởng cơ thống quản Trung quân trấn định thập cơ, tước Hầu (Xuân Quang Hầu).
Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) Nguyễn Khắc Tuấn mất, được truy tặng Nghiêm oai Tướng quân, Thượng hộ quân Thống chế, thụy là Tráng Nghị.
Sau khi ông mất vua Minh Mạng cho di quan tài ông về Tân Chánh.
Thống Chế Nguyễn Khắc Tuấn là niềm tự hào của người Cần Đước.
Kinh Nước Mặn
Chạy theo Quốc Lộ 50 về hướng cầu Mỹ Lợi, tới ngã ba Kinh bạn quẹo trái về xứ Kinh Nước Mặn, Long Hựu.
Cầu Kinh nước mặn – Ảnh Phạm Huyên
Kinh Nước Mặn dài chỉ 1,9 km nối sông Vàm Cỏ (sông Bao Ngược) với sông Cần Giuộc (sông Rạch Cát), rút ngắn đáng kể thì giờ trên con thủy lộ độc đạo từ Sài Gòn về miệt dưới Nam Kỳ.
Năm 1867, sau khi chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ, Pháp thành lập ngay một uỷ ban nằm trong Soái phủ Sài Gòn, nghiên cứu xác định những kinh rạch cần ưu tiên nạo vét, mở rộng theo thứ tự trước sau nhằm mục đích quân sự và kinh tế.
Năm 1875, Pháp thành lập một uỷ ban việc hoàn chỉnh hệ thống đường thuỷ từ Sài Gòn đi các tỉnh Miền Tây.
Năm 1877 hoàn tất hoàn thành đào kinh Chợ Gạo.
Tới năm 1879 đã đào xong kinh Nước Mặn. Ngày xưa Kinh Nước Mặn có tên là Kinh Cột Cờ – Mirador – Vọng Gác – Hiến Binh.
Tức là thông hoàn toàn thủy lộ từ Sài Gòn về Miền Tây, mục đích quân sự là hàng đầu.
Kinh Nước Mặn dài 1,9 km cắt cái eo nhỏ của làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn, ngày nay là Cần Đước Long An. Vô tình biến làng Long Hựu từ bán đảo thành ra một đảo nhỏ giữa sông.
Bến đò Kinh Nước Mặn ra đời từ đó và kéo dài tới những năm 2010 khi có cầu bê tông thay thế.
Để kiểm soát quân sự thủy lộ, trấn giữ phòng thủ thành Sài Gòn, năm 1903 Pháp xây một pháo đài lớn nhứt Việt Nam tên là Rạch Cát ở đầu làng Long Hựu, mặt nhìn ra 3 nhánh sông.
Kinh Nước Mặn do đại Việt gian Đỗ Hữu Phương (Tổng đốc Phương) trực tiếp cầm đầu.
Trong ” Lịch sử khẩn hoang Miền Nam ” Sơn Nam viết:
” Tổng đốc Đỗ Hữu Phương … Năm 1878, điều khiển việc sửa con kinh Nước Mặn, bắt dân ở tổng Lộc Thành Hạ làm xâu, dân vùng này nổi tiếng là cứng đầu. ”
Người Nam Kỳ gọi là kinh Nước Mặn, bằng chứng là kế bên có ngôi chợ rất lớn tên là Chợ Kinh Nước Mặn, nhưng sau 1975 ghi trên bản đồ là Kênh Nước Mặn.
Từ chợ Kinh chạy chừng một km là bạn thấy có cái nhà cổ trăm cột nổi tiếng của ông hương sư làng Long Hựu Trần Văn Hoa.
Nhà trăm cột
Nhà trăm cột là cái nhà bề thế dài 42m, ngang 21m gồm 3 gian 6 chái, 32 lớp cửa, 160 cột. Sau này còn 120 cột ,nhà nầy là bối cảnh cho nhiều bộ phim.
Ngôi nhà trăm cột – Ảnh Thanh Minh
Nhà cổ nguyên bổn là nhà rường Huế nhưng con cháu sau này đã thế cửa kiểu Huế đổi thành xây tường có ô thông gió bằng sành kiểu Biên Hòa và làm cửa lá sách kiểu thập niên 1960 ở Miền Nam nên ít nhiều làm biến dạng ngôi nhà.
Lạp xưởng Cần Đước – Ảnh Thanh Minh
佑 – hựu có nghĩa là bảo hộ, phò hộ. Vậy Long Hựu ở Cần Đước có nghĩa là bảo hộ cho sự thạnh vượng.
Ngày nay do chiến tranh tàn phá, con cháu vì túng mà xây tùm lum, đổi cửa lá sách làm giảm giá trị nhà rường kiểu cổ.
Mua đồ đặc sản của Cần Đước và Cần Giuộc
Cần Giuộc có cốm ngò ngon nổi tiếng mà ăn vô sẽ nhớ cái vị nó đặc biệt không nơi nào có đặng. Bạn có thể mua cốm ngò ở khu vực chợ Cần Giuộc.
Cần Đước có hai loại đặc sản nổi tiếng là lạp xưởng Cần Đước và gạo Nàng Thơm Chợ Đào.
Lạp xưởng tươi Cần Đước mập ú, bự, thẳng, dài và rất thơm, mềm, trong bóng, có vị không lẫn lộn với lạp xưởng xứ khác. Lạp xưởng Cần Đước ngon hơn Sóc Trăng mấy chục lần. Lạp xưởng Gò Công không thể nào sánh đặng.
Xứ sở của đờn ca tài tử
Cần Đước và cả Cần Giuộc là xứ sở, cái nôi của đờn ca tài tử.
Tại đình Vạn Phước ở Cần Đước có thờ ông tổ đờn ca tài tử Nam Kỳ, ông ba Đợi – Nguyễn Quang Đại. Vạn Phước là đình làng duy nhứt Việt Nam thờ và làm giỗ lớn cho một người xuất thân đờn ca hát xướng.
Sinh hoạt CLB Đơn ca tài tử xã Mỹ Lệ tại đình Vạn Phước – nơi thờ Nhạc sư Nguyễn Quang Đại – Ảnh Thanh Minh
Nguyễn Quang Đại (1855-?) vốn là nhạc sư trong đội nhã nhạc của cung đình Huế. Sau trận thất thủ kinh thành Huế năm 1885 ông lưu lạc vô đất Nam Kỳ tha phương sống bằng nghề đờn, ông biến thể từ nhạc cung đình Huế ra đờn ca tài tử Nam Kỳ.
Đờn ca tài tử là cái nền, là “chị hai” của cải lương sau nầy.
Hán văn ,chữ 才子 (tài tử) là học trò giỏi, sau hiểu là những bực kỳ tài trong thiên hạ. Tánh tài tử luôn có trong con người Nam Kỳ của chúng ta xưa rày.
Chữ “Tài tử” có nghĩa là “người có tài” mà cũng có nghĩa là “không chuyên nghiệp”về nghề hát xướng.
Mà không chuyên nghiệp không phải là tài nghệ không cao, không cần luyện tập. Những người nổi tiếng trong giới Tài tử đều là những bực thầy, bài bản đầy đủ, lại có những ngón đờn, những chữ nhấn độc đáo, tuyệt diệu, bản lãnh thiệt cao thủ phi thường.
Những tài tử cũng là nhà Nho đầy tự hào, kiêu hãnh.
Những thầy đờn hồi xưa cũng đầy kiêu hãnh, các bạn biết đờn mà thiên hạ kêu là thầy là sẽ rõ, đó là những nhà Nho, quan quyền, nhà giàu Tây học, những trí thức đương thời.
Nhưng muốn nghe tiếng đờn kỳ diệu đó, không phải có tiền mà được. Người đờn “Tài tử” chỉ gặp nhau trong những buổi hòa nhạc để thưởng thức tài nghệ chớ không phải đờn để kiếm tiền mưu sống.
Đờn ca tài tử Nam Kỳ là vậy.
Người đờn hay thì người nghe cũng cần tinh tế, đặng hiểu tiếng đờn, như Tử Kỳ hiểu được tiếng đờn của Bá Nha xưa vậy.
Ông Diệp Văn Cương một trí thức Nam Kỳ thời Pháp lúc hồi hưu nói về tiếng đờn của ông Tư Triều: “Sau khi tôi nghe Tư Triều đờn kìm và tiếng đờn tì bà của ông Năm Diệm thì tôi không muốn nghe bất kỳ tiếng đờn của ai khác”.
Minh-quân lương-tướng tao-phùng dị,
明 君 良 相 遭 逢 易
Tài-tử giai-nhân tế-ngộ nan
才 子 佳 人 際 遇 難
(Minh quân lương tướng gặp được nhau là chuyện dễ
Tài tử giai nhân gặp được nhau mói là khó).
Nam Kỳ có 2 người trong làng đờn ca vang đang, ,ông ba Nguyễn Quang Đại là chủ súy nhóm nhạc Miền Đông, ông Kinh lịch Trần Quang Quờn – Kinh lịch Quờn (1875-1946) ở Vĩnh Long là chủ súy nhóm nhạc Miền Tây.
Ông Ba Đợi nổi tiếng với” bộ ngũ châu” và tám bài ngự. Kinh lịch Quờn nổi tiếng với “tứ đại oán” và “Văn Thiên tường”
Ông ba sống rày đây mai đó, lang thang khắp Gia Định, Chợ Lớn, Cần Giuộc, Cần Đước …
Trong bước đường lưu lạc đó ông sống ở vùng chợ Trạm Cần Đước một thời gian khá dài, đờn ca hát xướng tài tử và nhận học trò truyền nghề. Những đệ tử chân truyền của ông ba ở Cần Đước rất đông, đờn ca bài bản, đúng bản tổ và rất chắc nhịp.
Vào năm 1996 – nhơn dịp giỗ ông ba ngày 19 tháng giêng AL năm đó, tỉnh Long An đã rước linh vị của ông ba từ nhà văn hóa quận 8 về đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước để thờ cúng nhang khói.
Kết luận:
Một ngày bạn quậy ở Cần Đước, Cần Giuộc là đủ thời gian. Ăn uống, lòng vòng tới 5 giờ chiều chạy tót về tới quận 8 dư sức. Ban đêm QL 50 khúc Long An sáng choang đèn đường.
Đi gần không mệt, không tốn sức, ít tốn tiền mà những địa phương gần Sài Gòn, Gia Định thì con người cũng dễ thông cảm, chia sẻ và hòa nhập. Bài sau tôi sẽ chỉ cách đi du lịch ở Gò Công và Chợ Gạo, Mỹ Tho.
Nam Kỳ Lục Tỉnh yêu thương!
Hồ Biểu Chánh từng nói vầy:
“Chúng ta tựu hội nhau đây, từ mấy ông trộng tuổi xuống tới các anh em cường tráng…Thuở nay chúng ta chịu chung một ánh nắng, hấp chung một ngọn gió, bởi vậy tâm chí của chúng ta như nhau.
Trước khi cất nhà lầu, cần phải có nền cho vững, cột cho lớn, đá gạch cho đủ thì nhà mới chắc..”(Hồ Biểu Chánh).
Nguyễn Gia Việt
(Bài do anh Nguyễn Tiến Đạt sưu tầm và gửi cho Người Cần Đước)