Kinh nước mặn – Cần Đước

0
1809

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Ở Cần Đước có kinh Nước Mặn, người Pháp gọi là Canal de Mirador (kinh Vọng Gác). Lúc đầu kinh chưa có tên Việt và dân gọi tạm là kinh Tổng Bính (vì do ông Đỗ Huyết Bính chỉ huy đào kinh), sau đổi gọi là kinh Nước Mặn cho đến ngày nay. Công trình kinh nầy do ông Đỗ Hữu Phương (một trong bốn người được cho là giàu nhất Nam kỳ: nhất Sĩ, nhì Phương, tam Xường…) trúng thầu. Gọi là kinh Nước Mặn vì gần đầu kinh phía hạ lưu sông Rạch Cát đã có con rạch tên Nước Mặn, là con rạch tự nhiên có lâu đời chảy sâu vào trong nội địa làng Long Hựu, có lẻ vì vậy mà dân mượn tên con rạch gọi luôn cho con kinh mới đào. Nước sông vùng nầy mặn quanh năm do gần cửa sông Soài Rạp thông với biển.


Kinh nước mặn ngày nay – Ảnh Thanh Minh

Địa chí Minh Mạng 1836 có chép: Phường Phước Yên đông “ở xứ Cần Đước Rạch Gốc”. Trên thực tế đây là một dãy đất nằm giữa Rạch Su và sông Rạch Cát vắt qua sông Vàm Cỏ, có con rạch Gốc làm ranh giới tự nhiên với thôn Long Hựu. Kinh nước mặn được đào nối sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát trên đất Phước Yên đông phường gần vàm Rạch Gốc bên sông Vàm Cỏ và rạch Nước Mặn bên sông Rạch Cát. Từ đó phần đất Phước Yên đông phường nằm phía đông kinh Nước Mặn trong đó có Rạch Gốc được nhập vào thôn Long Hựu. Giờ Rạch Gốc thuộc ấp Long Hưng xã Long Hựu Tây. Ở bờ Tây kinh Nước Mặn thuộc ấp 7 xã Phước Đông có một ngôi miễu tên miễu Rạch Gốc thờ cọp.
Kinh nước mặn dài gần 2km chảy ngang qua eo đất hẹp nằm giữa sông Vàm Cỏ và sông Rạch Cát, ngăn giữa 2 làng Phước Đông và Long Hựu, được người Pháp cho đào năm 1879 (kinh Chợ Gạo đào năm 1877). Kinh Nước Mặn có vị trí cực kỳ quan trọng, là tuyến giao thông đường thủy chiến lược giữa Sài Gòn và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Ngôi nhà trăm cột – Ảnh Thanh Minh

Ngày xưa khi chưa có con kinh đào này thì tàu thuyền từ Gia Định xuống Lục tỉnh hay ngược lại phải đi vòng ra vàm Bao Ngược, nơi tiếp giáp của sông Vàm Cỏ và sông Soài Rạp. Đi tuyến nầy vừa xa vừa nguy hiểm vì sóng to gió lớn, đặc biệt là những con sóng “lưởi búa” ở Vàm Bao Ngược rất khó chịu cho việc chạy buồm và dễ nhận chìm ghe đang chở khẫm.

Anh đi ghe gạo Gò Công
Về vàm Bao Ngược gió giông đứt buồm!


Du khách đến thăm đồn Rạch Cát – Ảnh Thanh Minh

Vì vậy để tránh ra Vàm Bao Ngược đa số ghe thuyền đã chọn đi tạm bằng ba con đường thủy nội địa trong huyện Cần Đước để từ sông Vàm Cỏ sang sông Rạch Cát. Ghe thuyền từ sông Tiền theo sông Bảo Định sang sông Vàm Cỏ Tây, tiếp tục sang Vàm Cỏ Đông rồi rẽ trái vào kinh Xóm Bồ ngang qua Chợ Đào, vòng ra rạch Nha Ràm đến sông Rạch Cát. Giữa tuyến nầy ghe thuyền dừng lại nơi giáp nước nên đã hình thành ngôi Chợ Mỹ, hiện vẫn còn ấp Chợ Mỹ xã Mỹ Lệ. Con đường thứ hai cũng từ sông Vàm Cỏ vào Vàm Mương sông Ông Quỳnh ngang qua chợ Cần Đước, ra Vàm Tắt đến sông Rạch Cát, trên tuyến nầy cũng có một chỗ giáp nước và hình thành ngôi Chợ Mới, hiện vẫn còn xóm Chợ Mới. Ngoài ra còn có một tuyến đường thủy nội địa nữa từ sông Vàm Cỏ sang sông Rạch Cát ở khu vực ấp 5, ấp 6 xã Phước Đông. Nhìn trên bản đồ chúng ta thấy từ rạch Cần Đước có con rạch chảy vào ấp 6 về hướng sông Vàm Cỏ nên người ta đã đào nối ngọn rạch nầy ra sông Vàm Cỏ để đi tắt từ sông Vàm Cỏ ra sông Rạch Cát, ở khu vực này có hai lò gạch nên gọi là kinh Lò Gạch, và tuyến kinh nầy cũng tạo nên một cái chợ gọi là chợ Lò Gạch. Khi có kinh Nước Mặn thì người ta gọi kinh Lò Gạch là Kinh cũ, nay đã bị bồi lấp nên không còn nhưng tên Kinh cũ thì vẫn còn trong dân gian.


Thánh thất Cao Đài Đàn Chiếu Minh – Ảnh Thanh Minh

Từ khi có kinh Nước Mặn do rộng rải và thuận lợi nên ghe thuyền đã không còn đi theo các con đường thủy nội địa nầy nữa, tử đó Chợ Mỹ (Mỹ Lệ) và Chợ Mới, chợ Lò Gạch (Phước Đông) không còn tồn tại nhưng vẫn còn lưu lại địa danh minh chứng cho một quá trình phát triển của Cần Đước. Nhưng gắn liền với sự xuất hiện của kinh nước mặn là sự có mặt của chợ kinh nước mặn ngay trên bờ đông của kinh rất sầm uất để phục vụ cho nhu cầu phong phú của một lượng lớn ghe thuyền qua lại trên kinh. Sau đó do vị trí nhỏ hẹp nên năm 1914 chợ đã được dời về phía bờ sông Rạch Cát cách chợ cũ không xa và tồn tại cho đến nay.


Ngôi nhà mới ở Long Hựu Tây – Ảnh Thanh Minh

Từ sự phát triển nhanh của vùng Long Hựu do có kinh Nước Mặn nên năm 1891 Pháp đã bắt dân đắp con lộ từ lộ chính (QL 50) về kinh Nước Mặn, dân thường gọi tắt là Bờ lộ kinh hay Bờ lộ me vì dọc con lộ có trồng một hàng me. Chợ kinh Nước Mặn cũng được gọi tắt là chợ Kinh. Năm 1893 Pháp cho bắt cây cầu sắt qua rạch Nước Mặn trên đường từ chợ Kinh về đến cuối xã tức đồn Rạch Cát sau này.

Kinh Nước Mặn ra đời mang lại lợí ích to lớn cho cả Sài Gòn và vùng Nam Bộ nhưng đối với dân cư Long Hựu thì gặp nhiều khó khăn như từ đất liền thì trở thành cù lao phải gặp cảnh đò ngang cách trở, rồi mưa bão thì không có đường chạy, lưu lượng tàu ghe qua lại tấp nập sóng đánh làm sạt lở nhà cửa cả trăm năm nay vẫn chưa dừng…

Trước tình hình đó, sau cơn chạy bão Linda 1997 của 3.000 dân Long Hựu, huyện đã đề nghị tỉnh đầu tư để bắt cầu Kinh Nước Mặn với trọng tải rất lớn. Có được cây cầu 25 ngàn dân Long Hựu xiết nỗi vui mừng, sẽ không còn cảnh đò ngang cách trở sau hơn 100 năm mà đi lại rất thuận tiện với cả phương tiện giao thông lớn. Tiếp theo là một bờ kè vững chắc cũng đang được xây dựng để chấp dứt nạn sạt lở kéo dài qua nhiều thế hệ. Một giai đoạn phát triển mới đang mở ra cho vùng đất nầy được xác định sẽ phát triển thành một khu du lịch sinh thái sông nước gắn với các di tích lịch sử văn hoá như đồn Rạch Cát, một pháo đài của Pháp xây dựng từ năm 1904 – 1910, di tích Nhà trăm cột, một di tích kiến trúc đầu thế kỷ 20 và được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, và được thưởng thức ẩm thực miền Hạ như bánh in Long Hựu, mắm tôm chà, mắm còng, cá ngát, cá dứa, cá chìa nổi tiếng của vùng sinh thái nước lợ….
Vùng cù lao nầy cũng có nhiều cơ sở tôn giáo như đạo Phật, Cao đài, Tin lành, Thiên chúa và tìm hiểu về Đạo Tâm (còn gọi là Đạo nhảy, một đạo được sinh ra ở vùng này). Long Hựu còn được công nhận là xã anh hùng LLVT.


Cầu kinh Nước Mặn – Ảnh Phạm Văn Huyên

Người Long Hựu vui vẻ, mến khách. Từ Long Hựu băng ngang qua sông Soài Rạp là đến khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Rừng Sác (Cần Giờ).

ThS. Nguyễn Văn Đông

Bài trướcTrường Tiểu học Hồ Văn Huê – Cần Đước & Gò lựu đạn năm xưa!
Bài tiếp theoDu lịch Cần Đước, đôi điều

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây