Du lịch Cần Đước, đôi điều

0
512

NHÂM HÙNG

Có một dạo, khi nhớ về Cần Đước, tôi vẫn luôn nghĩ về một vùng quê nghèo nước mặn đồng chua: “ Gió đưa, gió đẩy về rẫy ăn còng…”; nhất là vào lúc chiến tranh, kéo dài sang thời bao cấp. Lần hồi, đất nước mở cửa, quê nhà khá lên nhờ nuôi tôm, mấy ông chủ sà lan – máy xáng, về làm ăn tận miền Tây; dần dần thanh niên vô làm ở các khu công nghiệp…


Cầu kinh Nước Mặn – Ảnh Nhâm Hùng

Mừng quê hương Cần Đước chuyển mình. Thế nhưng, phải có thêm nhiều con đường nào khác nữa, để Cần Đước mau lên khá giàu. Đặc biệt, là Du lịch, một ngành công nghiệp không khói, mà Cần Đước đang sở hữu biết bao tài nguyên, đang chờ khơi dậy tiềm năng…
Năm 2007, tuyến cao tốc vận tải hành khách đường sông Cần Thơ – Sài Gòn khai trương. Tôi mua vé trải nghiệm ngay và cùng lướt sóng, lạng lách với con tàu gần 4 giờ. Phải nói, không gì thú vị bằng, bởi lần đầu tiên, tôi có cuộc hành trình đường thủy  gần 200 cây số, thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên miền Tây.
Từ bến Ninh Kiều, tàu băng qua sông Hậu, đến chợ nổi Trà Ôn, rồi theo kinh Mang Thít, vượt sông Tiền đến xứ dừa Bến Tre. Nào giờ, biết dải đất đồng bằng này kinh rạch chằng chịt như mạng nhện, nay mới thực chứng. Sẵn máu nghiên cứu, tôi luôn miệng hỏi anh tài công: “Tới đâu rồi “ ? Lát sau, anh chỉ phía trước dòng kinh thẳng tấp: “ Kinh Chợ Gạo đó !”. Tôi reo lên, mắt không rời khung cảnh tấp nập tàu, ghe hàng hóa phía trước, lớp miền Tây lên, lớp vùng trên đồ xuống. “ Ô ! Con đường lúa gạo của miền Hậu Giang xưa, đây sao !? Hồi lâu, tôi lại thắc mắc: “ Hết kinh Chợ Gạo, tới đâu nữa vậy ?” Anh tài công vui miệng: “ chừng nào đụng con sông lớn, nước xanh xanh, hai bờ ngập tràn dừa nước là qua tới sông Vàm Cỏ !” Thế rồi, tàu tăng tốc vào sông lớn, tôi khoái chí vừa la to vừa hát lên, như bắt được vàng: “Vàm Cỏ Đông ơi ! Vàm Cỏ Đông…, nước xanh biên biết chẳng đổi thay dòng”.

Tác giả trên cầu Mỹ Lợi – Sông Vàm Cỏ

Tới đây, hình ảnh quê hương Cần Đước bất chợt hiện ra, gần đó là Cầu Nổi (Phà Mỹ Lợi) chăng ? Tôi hội hộp đoán, có lẽ mình sắp tới con Kinh Nước Mặn, chốn cũ đây rồi ! Thật vậy, đang trên sông Vàm Cỏ mênh mông, tàu rẽ vào con kinh nhỏ. “ Ô ! Kinh Nước Mặn” ! Tôi kêu lên và chụp ảnh lia lịa, đầu óc cứ nghĩ ngợi về con kinh có lịch sử hơn trăm tuổi; một thủy lộ chỉ dài hơn 3 cây số ngàn, nhưng hết sức quan trọng. Bởi sự kết nối chiến lược, thu ngắn khoảng cách giữa miền Tây, với Sài Gòn và miền Đông. Hơn thế, đây còn là ranh giới 2 xã Long Hựu và Phước Đông; một phần xứ sở Cần Đước thân thương. Bỗng dưng, tôi ao ước, tàu chạy chậm hơn, hoặc tôi có thể lên bờ nhìn ngắm một lát cho thỏa lòng. Nhưng, chưa đầy 10 phút, tàu đã ra khỏi kinh, vô sông Cần Giuộc (Rạch Cát), qua cửa Soài Rạp, để đi đoạn cuối cuộc hành trình về thành phố Hồ Chí Minh.
Thời gian ngắn sau đó, tuyến tàu cao tốc này ngưng chạy, tôi thấy tiếc vô cùng. Thế là, tiềm năng vận tải- du lịch đường sông xuyên Đồng bằng Cửu Long, qua con Kinh Nước Mặn, lên Sài Gòn vẫn ngủ yên…

Nông thôn mới ở Cần Đước – Ảnh Thanh Minh

Năm 2010, trong một dịp đi Kinh Nước Mặn, tình cờ tôi được vào thăm ngôi nhà Trăm Cột, đắm say với lối kiến trúc độc đáo. Mấy năm sau đó, lại được tham quan khu pháo đài- đồn Rạch Cát, ở xã Long Hựu Đông. Phải nói là tôi hết sức bàng hoàng, khi tận mắt nhìn một công trình quân sự tuổi trăm; có quy mô, kiên cố vào bậc nhất của người Pháp ở Đông Dương – Nam kỳ xưa; lại cận kề con Kinh Nước Mặn chiến lược, trên đất Cần Đước! Tham khảo tài liệu, càng thấy giá trị và dấu ấn lịch sử của các công trình, chỉ cách Cần Đước 20 cây số.
Tọa lạc ngay đầu nguồn sông Rạch Cát, giao với sông Vàm Cỏ, trong cánh rừng đước mịt mù, hướng ra sông Soài Rạp; khu pháo đài thật đồ sộ nằm án ngử, kiểm soát được tuyến đường thủy chiến lược từ biển vào miền Đông – miền Tây. Chì nhìn bức tường thành cao 5m, chạy dài đến 84m, đã thấy quá ấn tượng rồi. Nói chi, trong ấy còn có 3 tầng hầm chìm, 2 tầng nổi toàn xây bằng bê tông, cốt thép. Phía trên bố trí 5 khẩu đại bác, có cả 2 khẩu 605 ly. Riêng mâm pháo, đường kính đến 6m.


Tác giả tại đồn Rạch Cát

Theo thời gian, công trình tuy xuống cấp, các khẩu đại bác bị gỡ đi, nhưng cấu trúc không gian chung nguyên vẹn, ta vẫn có thể hình dung được mức độ kỳ vỹ của một công trình quân sự, như thế nào. Vào đây, người ta sẽ có cái cảm giác quay ngược dòng lịch sử trăm năm; hình dung đến một thời kỳ người Pháp tập trung nguồn lực chuẩn bị bước vào thế chiến thứ nhứt.
Ngẫm nghĩ, dù ở rất gần, nhưng chưa chắc bao lớp người cao niên ở Cần Đước, thấu hiểu ngọn nguồn về pháo đài này?  Họa chăng, chỉ biết: vào thời chiến tranh chống Mỹ, nơi đây được quân đội Việt Nam Cộng hỏa dùng làm căn cứ pháo binh 155 ly, thường bắn yểm trợ chiến trường Cần Đước – Cần Giở – Cần Giuộc – Gò Công. Thời đi học ở Cần Đước, tôi từng nghe phía Kinh Nước Mặn có đồn Rạch Gốc (Rạch Cát) lớn lắm, nay mới tận mắt mê mẩn ngắm nhìn!
Những năm sau đó, cầu Kinh Nước Mặn liền nối đôi bờ, vùng Long Hựu, Rạch Cát không còn ở tư thế cù lao, tôi lại nhớ đến nguồn tài nguyên du lịch ở đây, rất cần nhanh chóng khai thác. Đó là sự hình thành một khu du lịch sinh thái nước mặn, gắn liền với di tích lịch sử, chiến tranh. Và, nên chăng mở rộng tầm vóc, kết nối các tuyến du lịch đường sông của tỉnh Long An với thành phố Hồ Chí Minh, cùng các tỉnh, thành miền Tây? Làm thế nào, để du khách ghé tàu vô rừng đước, thăm pháo đài Rạch Cát, viếng nhà Trăm Cột, dạo chơi chợ Kinh, ăn bửa trưa hải sản. Đặc biệt là thưởng thức món đặc sản mắm còng, lạp xưởng Cần Đước. Tất nhiên, để chinh phục du khách; các hướng dẫn viên phải có bài thuyết minh” đẹp”, gợi trí tò mò, nhiều chất lạ lẩm, thú vị.


Khách sạn tại Phước Đông, Cần Đước – Ảnh Nhâm Hùng

Qua báo chí, đọc bài trên trang NGƯỜI CẦN DƯỚC, tôi được biết tỉnh Long An, huyện Cần Đước đã có chủ trương khai thác du lich đối với khu di tích pháo đài Rạch Cát. Tôi rất mừng, vì quê nhà sẽ có cơ hội đánh thức tiềm năng du lịch. Bởi, nếu có quyết tâm, hướng đi đúng, tổ chức thực hiện một cách bài bản, chu đáo, hấp dẫn được du khách; Biết đâu, với thế mạnh du lịch đường sông được phát huy; Mai này, người dân cù
Lao Long Hựu (Long Hựu Đông, Long Hựu Tây) sẽ tiến tới làm du lịch cộng đồng; biến nơi đây thành vùng du lịch đặc trưng, trù phú và Kinh Nước Mặn, ngày càng trở nên “ngọt ngào”!

Nhâm Hùng

Bài trướcKinh nước mặn – Cần Đước
Bài tiếp theoMiễu Bà Xẫm – Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây