Chuyện kể sau hơn 50 năm…

0
196

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Tôi sinh ra ở Xóm Đáy, nhà sát bên sông nên từ lúc mới 6, 7 tuổi là đã biết bơi và đứa nào trong xóm cũng bơi khá giỏi. Năm 1970 lúc 17 tuổi tôi đậu được bằng Tú tài phần một và vào học lớp đệ nhất (lớp 12) trường Trung học Cần Đước để tiếp tục thi lấy bằng Tú tài phần hai.


Chân dung anh Nguyễn Văn Đông

Một buổi chiều cuối năm đang tan giờ học (khoảng 16 giờ), tôi với hai bạn cùng lớp là Tấn và Trương mới về đến cầu chợ, thì có một em bé chạy chiếc xe đạp con đang xuống dốc cầu, va chạm với một em học sinh cấp hai đang chạy từ dưới lên. Em chới với vịn tay hụt lan can cầu và rơi tõm xuống sông ngay sát bên tôi. Tôi chỉ kịp vội quăng mấy cuốn tập xuống sàn cầu và nhảy xuống vớt em, không kịp cởi bớt áo quần. Vì ở Xóm Đáy thường nghe người lớn nói, ai bị rớt xuống sông hụp lên hụp xuống ba lần, nếu không vớt kịp là chìm luôn vì hết hơi.
Lúc nhảy xuống sông, tôi nhìn thấy phía bên kia sông có một chiếc ghe đang đổi nước với một chiếc ghe máy ủi. Bên nầy sông chỗ dinh quận có mấy tay lính đang ngồi câu cá trên chiếc ca nô của quận. Tôi nghĩ rằng mình rán giữ cho thằng nhỏ không bị chìm và người ta sẽ ra vớt hai đứa lên.

Làm ”Hướng dẩn viên” cho bạn bè đi thăm đi tích của Cần Đước – Nơi mà anh đã từng làm lãnh đạo cao nhất của huyện.

Buổi chiều tháng Mười con nước rông đang lớn chảy mạnh. Khi chộp được em tôi sốc nách em đưa lên cao vì sợ em bị uống nước. Em bé vì sợ quá nên ôm chặc lấy tôi, một tay túm ngực một tay nắm lưng làm tôi không bơi được. Còn tôi một tay nâng em cho em khỏi uống nước nên chỉ còn một tay quơ quơ cho khỏi chìm thôi chứ không bơi tới được. Dòng nước chỗ nầy lại chảy cuốn ra ngoài giữa sông. Không ngờ tình thế quá hiểm nghèo. Ở trên cầu học sinh, người dân đứng xem đông nghẹt. Không hiểu sao tôi và em loay hoay dưới sông một hồi rồi mà không thấy ai ra cứu.


Dù đã về hưu nhưng anh thường xuyên cùng đồng hương PGS-TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội Nhân Văn TP. HCM trao đổi về các biện pháp giúp phát triển Cần Đước.

Đuối dần, đuối dần…tôi dơ tay cầu cứu!. Một tay bồng em bé nên tôi chỉ còn một tay bơi, vì vậy khi dơ tay lên thì hai đứa bị chìm ngay. Bị uống nước mấy lần nên tôi không dơ tay cầu cứu nữa!.
(Sau nầy mới biết không ai cứu người đuối nước kiểu như tôi, không ai cho người được cứu nắm lấy mình vì làm như vậy sẽ chết cả hai. Tôi không có hiểu biết nầy, chỉ sợ thằng bé bị ngộp thôi nên mới xốc nách em nâng lên!)
Trong lúc nguy nan nầy bỗng tôi nghe em bé nói bên tai: –“anh ơi anh làm ơn cứu dùm em!”. Em sợ quá nên kêu như vậy nhưng em có biết đâu lúc nầy không phải chỉ cứu em mà tôi còn phải tự cứu mình nữa!. Và với bao nhiêu sức lực còn lại tôi cố chòi đạp để vào bờ. Cuối cùng tôi và em cũng thoát chết!. Vào đến bờ ngay chỗ chiếc ca nô đậu, mấy tay lính vội đở lấy em bé bồng chạy vào trong dinh quận, còn tôi thì mọi người lo tập trung vào thằng bé nên không còn ai kéo lên dùm.
Té ra em là Tùng, sáu tuổi, con của thiếu tá Nguyễn Văn Văn, phó quận trưởng kiêm phó chi khu trưởng chi khu Cần Đước. Hèn chi mấy tay lính đã nhận ra em, nên vội bồng chạy vào!. Sau nầy người ta nói vui rằng : -nếu sớm biết đứa trẻ bị té sông là thằng Tùng con ông phó quận thì mấy tay lính đã tranh nhau nhảy xuống vớt lập công rồi chứ không chờ tới tôi!.
Tôi tự leo lên cầu tàu tìm đường đi ra khỏi chi khu để về nhà thì chợt nhớ tới cái bóp giấy tờ để ở túi quần sau thì mới biết bóp đã bị rớt trôi đâu mất rồi!. Tôi muốn chết luôn vì bao nhiêu giấy tờ quan trọng để hết trong đó gồm thẻ căn cước, bằng tú tài 1 và quan trọng hơn cả là cái giấy hoãn dịch học vấn, là thần hộ mạng mà lúc nào tôi cũng mang theo bên người. Trương và Tấn còn đứng trên cầu thấy tôi cứ ngoái đầu tìm bóp thì cũng đoán được nên hỏi vọng vào : -mất bóp rồi hả Đông!. Như vậy mọi người ở đó đều biết tôi bị mất bóp giấy tờ.


Tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Đông được nhiều người quan tâm

Tôi đi luồn trong dinh quận để ra ngoài. Đang loay hoay tìm đường ra thì gặp một người phụ nữ còn trẻ đứng trước mặt và nói: -“em vào nhà nghỉ một chút, rồi thiếu tá sẽ lo giấy tờ cho em”. Sau đó tôi mới biết đó là mẹ của Tùng. Vào nhà, ở trong dinh quận, tôi thấy em nằm trên giường, nhiều người ở chợ vào thăm bao quanh em. Mẹ Tùng đưa cho tôi cái áo để thay, vì lúc nầy tôi vẫn còn mặc bộ đồ ướt nhũng, nhưng tôi không thay vì ngại làm bẩn cái áo trắng mới tinh. Ngồi một lát tôi xin phép ra về vì lúc nầy sao tôi chỉ muốn về nhà. Anh năm Hảo, bạn học, đi lính ở dinh quận biết nhà tôi nên tình nguyện lấy xe Honda đưa dùm tôi về nhà. Ba đang chuẩn bị đi đóng đáy. Mọi người ở nhà tưởng tôi đánh lộn với ai mà đầu cổ loi ngoi!.Tôi mệt quá chưa kịp kể, thì anh Năm Hảo lại chở ông Văn sang nhà. Cả xóm chạy lại…
Ông Văn khen tôi nhân hậu dũng cảm và bày tỏ lòng hết sức biết ơn và cảm phục gia đình có một người con biết thương người mà không kể đến thân mình. Và ông bày tỏ lòng ray rức khi cho rằng nếu không may vì cứu Tùng mà tôi có bề nào thì vợ chồng ông không còn biết phải nói làm sao với gia đình, tôi lại đang là học sinh tú tài!. Cuối cùng ông nói ơn nầy khó trả được. Biết là không phải nhưng ông xin gia đình nhận cho một số tiền xem như là nhận sự biết ơn của vợ chồng ông!. Bà nội tôi nói với ông là những lời ông nói như vậy là quý rồi. Thôi chuyện đã qua rồi và may là hai cháu đều còn sống, xem như là Phật trời phù hộ!. Vậy nên ông cũng đừng bận tâm nữa, gia đình xin ghi nhận lòng biết ơn của ông và xin không nhận tiền của ông tặng!.
Hôm sau, ông Văn làm cho tôi cái giấy xác nhận của quận để đi đường vì tôi không còn giấy tờ gì cả. Thời kỳ đó thanh niên đi đường bị xét hỏi giấy hoãn dịch rất căng. Và ông cho một chiếc xe Dogde nhà binh chở tôi đi các nơi để làm lại giấy tờ. Việc này mất rất nhiều thời gian. Tôi phải xin nghỉ học để đi Sài Gòn làm lại bằng tú tài, xuống Mỹ Tho làm lại giấy hoãn dịch, về tỉnh Gia Định làm lại thẻ căn cước…vì lúc nầy sổ gia đình của tôi ở nhà chú Ba trên Gò Vấp. Các giấy tờ làm lại thủ tục cũng dễ, chỉ tốn thời gian và mất công đi lại, mà tôi thì đang cần tập trung để ôn thi. Tội nghiệp bạn Trung ở nhà chép bài dùm tôi. Tôi gặp rủi mà cũng may. Nếu không phải là Tùng mà vớt một em khác, chắc tôi sẽ gặp khó khăn hơn khi phải đi nhiều nơi để làm lại giấy tờ.
Rồi ngày thi tú tài II lại đến. Tôi cũng về Sài Gòn thi, ở trường trung học Chu Văn An, quận 5. Kết quả thi hai lần tôi đều bị rớt. Bạn Trung cũng cùng số phận như tôi. Buổi chiều biết kết quả buồn, hai đứa lang thang trên đường phố Sài Gòn, cảm thấy sao lạc lõng giữa phố thị đông người. Thi rớt về nhà buồn hiu, có hôm ông Văn đi ca nô vào thăm an ủi.

Thăm họ hàng ở nước ngoài với trang phục giản dị.

Gia đình ông Văn sùng đạo Phật, vợ chồng tính tình hiền hòa, bình dân. Trưa ngày 30/04/75, Trung tá Nguyễn Văn Bê, quận trưởng, bỏ chạy. Ông Văn ở lại, cho treo lá cờ giải phóng lên dinh quận và chờ đón cán bộ cách mạng vào tiếp quản, nghe nói có ông Hai Núi, ông Bảy Tân Hòa. Xong việc ông trở về nhà ở thị trấn. Ông Văn đi học tập khoảng bảy năm. Sau đó gia đình sang Mỹ theo diện HO. Tùng sang Mỹ mới có vợ, một lần trở về Việt Nam vợ chồng em có ghé thăm tôi và cho vài vật kỷ niệm mà đến giờ tôi vẫn còn giữ và xài như cái đồ cắt móng tay…Tưởng là đã thoát chết năm 6 tuổi nhưng số phận xui rủi sao cứ đeo bám lấy Tùng!. Em bị bệnh K. và mất ở Mỹ lúc khoảng 40 tuổi (sinh 1964) có vợ và hai con.
Sang Mỹ em Tùng mất và sau đó ông Văn cũng mất. Bà Văn giờ vẫn khỏe mạnh, còn hai con trai và một con gái đều sang Mỹ. Lần đi Mỹ năm 2019 vợ chồng tôi muốn ghé thăm nhưng không gặp được dù đã đến rất gần.
Tùng nếu còn sống thì nay cũng ở tuổi 60, hai con Tùng đã trưởng thành. Thỉnh thoảng có người về VN Bà Văn cũng có gửi lời thăm và quà. Mới hôm nào mà nhớ lại đã 54 năm rồi!

ThS Nguyễn Văn Đông

 

Bài trướcGiáo sư Nguyễn Chấn Hùng – Bác sĩ đa tài
Bài tiếp theoXin chào Madam Lạp xưởng Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây