Miễu Bà Xẫm – Cần Đước

0
417

TRẦN VĂN QUYỀN

Ở cái khu phố 4, Thị trấn Cần Đước của tui nói đến Miễu Bà Xẫm thì ai cũng biết. Thế nhưng, tại sao có tên Miễu Bà Xẫm thì không phải ai cũng biết!


Theo lời kể của ông Sáu Kiệt – bậc cao niên giờ đã ra người thiên cổ – chẳng biết ngôi miễu có tự bao giờ mà chỉ biết ngôi miễu được làm bằng 4 trụ cây cách mặt đất hơn nữa mét, xung quanh được đóng ván, trên thì lợp ngói, chu vi khoảng chừng một mét. Thời gian cũng đã bào mòn màu trắng móc, mối mọt cũng làm cho cái miễu loang lổ.

Đã gần 70 năm rồi, cái thuở mà mặc quần tà lỏn ngồi lưng trâu, nhởn nhơ cho trâu ăn xung quanh ngôi miễu, ngoài những lùm bụi um tùm, đây đó còn sót lại vài góc cây ngâu già ghi dấu một thời nơi vùng đất nầy được khai thác trồng ngâu. Cuộc sống người dân nơi đây đa phần làm nông, trong những lúc nông nhàn, bên chung trà chén rượu lại kể nhau nghe về Miễu Bà Xẫm. Ngày xưa có một bà người Tàu dắt theo một nhóm người từ miệt Chợ Lớn xuống vùng đất này khai phá hơn 1 mẫu đất để trồng cây ngâu. Khi thu hoạch họ mang về Chợ Lớn sấy ướp với trà bán cho miền lục tỉnh.

Trong thời gian nầy cuộc đất trồng cây ngâu mọc lên 1 ngôi miễu do bà người Tàu ấy lập nên. Được biết ngày xưa khi tiến hành khai phá nơi “rừng thiêng nước độc” người ta thường lập nên ngôi miễu nhằm cầu cho bình an tiêu trừ chướng khí, bệnh tật, thú dữ…Từ khi ngôi miễu được dựng nên không riêng người lập ra cúng kiến mà bà con láng giềng cùng nhau tổ chức cúng miễu, nhất vào dịp đầu xuân hàng năm.
Thông thường tên ngôi miễu được đặt tên theo địa phương hoặc lấy tên người lập ra. Theo những bậc cao niên trong xóm thời đó như ông Tám Tàu, ông Bảy Hài, ông Bảy Cọp v.v… sở dĩ có tên “Miếu Bà Xẫm” vì không ai biết tên bà ấy mà hay gọi theo thói quen của người Việt, đàn ông người Tàu gọi là chú Chệch hoặc ông Chệch, đàn bà người Tàu gọi là Bà Xẫm. Chính vì vậy mà ngôi miễu ở xóm tôi được mang tên là Miễu Bà Xẫm cho đến bây giờ.


Đường vào xóm Miễu Bà Xẫm

Chẳng biết ai đặt ra quy ước, nhiều năm nay đã thành lệ cúng miễu vào mùng 5 Tết. Hàng năm cứ vào ngày mùng 4 tết những bậc cao niên trong xóm mở cửa ngôi miễu quét dọn, phát hoang xung quanh, bọn trai tráng thì dựng rạp. Nói dựng rạp cho oai, thời đó rạp được dựng những cây tre, lợp lá dừa nước đã được chuẩn bị từ trước. Sáng mùng 5 lễ cúng chính thức được bắt đầu sau lời khấn vái của đại diện cao niên trong xóm với ba hồi trống chầu, ba hồi chiêng mỏ vang lên như nhắc nhở bà con trong xóm hôm nay ngày cúng Miễu Bà.

Như đã có chuẩn bị từ trước tùy theo tâm nguyện của bà con thời đó mà mang đến những sản vật nhà nông dâng cúng bà như mâm xôi, nồi chè đậu trắng, vịt luộc, gà luộc. Có người mang theo cả bình rượu đế để rồi sau cuộc cúng bà con quây quần bên nhau ăn uống, mãi cho đến ngày mùng 6 mới kết thúc. Theo thông lệ hằng năm cứ vào những ngày rằm lớn trong năm như rằm tháng giêng, tháng 7, tháng 10 điều mở cửa miễu để cúng bà.
Cuộc đất xung quanh Miễu Bà Xẫm hoang phế mãi đến tận năm 1963 lập ấp chiến lược của chế độ Ngô Đình Diệm, có những gia đình ở nơi khác đến ở như ông Hai Tây, ông Năm Ái, ông Năm Thưa, ông Năm Ốm v.v… Cho đến tận bây giờ, điều mà ít ai biết những gia đình nêu trên đến từ vườn cò ấp 2, xã Phước Đông là cơ sở cách mạng từ năm 1963 cho đến ngày giải phóng 30/4/1975.
Theo nhịp bước thời gian đời sống kinh tế dần phát triển ổn định, mảnh đất trồng ngâu ngày xưa giờ đã mọc đầy những căn nhà khang trang, nhiều hộ làm ăn phát đạt góp phần tôn tạo lại ngôi miễu như anh Tư Vấn, cháu Phong, cháu Bình cùng nhiều bà con người góp công, người góp tiền để xây dựng mới ngôi miễu.
Hiện nay ngôi miễu được làm lại bằng tường xi măng vững chắc, có tường rào xung quanh, vỏ ca che mưa, che nắng.

Mỗi độ xuân về gia đình đoàn tụ, những người con xa quê, mang trong lòng niềm hoài vọng về quê hương nơi chôn nhau cắt rún đến dâng hương cầu xin phù hộ, xóm làng được bình an, gia đình hạnh phúc, cháu con thành đạt, cuộc sống vươn lên.
Đó là niềm mong ước của bà con xóm tôi mà hàng năm đến viếng Miễu Bà Xẫm.

Cần Đước, ngày 22 tháng 7 năm 2023
Trần Văn Quyền

Bài trướcDu lịch Cần Đước, đôi điều
Bài tiếp theoVề địa danh Cần Đước – con Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây