Về địa danh Cần Đước – con Cần Đước!

0
416

NHÂM HÙNG


Trên trang NGƯỜI CẦN ĐƯỚC, Anh bạn Ba Đông vui mừng khi bắt gặp địa danh Cần Đước, ở các xã Thạnh Trị, Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên ( Sóc Trăng). Thấy lý thú, tôi xin góp một ít hiểu biết về câu chuyện này:


Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mạng lưới kinh rạch chằng chịt, cá tôm cùng các loài thủy sinh nhiều vô kể. Thời khẫn hoang, lưu dân nhờ đó mà sống khỏe, đủ sức lao động cấy, trồng. Bởi họ ăn nhiều con vật dưới nước có hàm lượng dinh dưỡng cao; nhất là rắn, rùa, cua đinh, cần đước, mà dân gian thường gọi liền nhau: “cua đinh cần đước” !


Cầu Cần Đước trên QL 1A, Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Về đất Đồng bằng, ta sẽ phát hiện khá nhiều về địa danh, cấu thành từ tên các con vật dưới nước, như : Bàu Sấu, Lung Sấu, Đầu Sấu…Hay, rạch Cá Lóc ( Hậu Giang), rạch Cái Rắn ( Cà Mau), Cù Lao Dung ( Sóc Trăng) , tức cù lao Chàng Bè, người Khmer kêu Koh-tun; Chắc Cà Đao (An Giang), người Khmer gọi là Chắp kdam, nghĩa là bắt cua, vì vùng này xưa có nhiều cua biển…Ngay địa danh Cần Thơ, các nhà nghiên cứu cũng lý giải từ tên con rạch có nhiều cá sặc rằn; người Khmer gọi là Trey kin-tho. Đặc biệt, khá nhiều kinh, rạch mang tên Cần Đước như ở Long An, Cà Mau, Sóc Trăng, hay Càng Đước  (Cần Thơ). Riêng, con rạch Cần Đước – địa danh dân gian, được chuyển đổi thành địa danh hành chính, là huyện Cần Đước, từ cả trăm năm qua.
Trong những chuyến điền dã, tôi gặp vài vị cao niên ở rạch Càng Đước ( dân ở đây kêu con càng đước), thuộc xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Lớp cha, chú họ từng gặp những con Càng Đước tại đây. Xưa kia người ta thường bắt được nó, xẽ thịt ăn; gặp con lớn hơn chục ký lô, ăn không hết phải chia lại cho lối xóm, hay chèo ghe ra chợ Phong Điền bán. Trong sách Cà Mau xưa, nhà nghiên cứu Huỳnh Minh, ghi nhận con cần đước ở trong ngọn rạch Cái Tàu và rạch Tiểu Dừa. Ông cho rằng: “ Cần đước lớn hơn rùa nhiều, có con nặng đến 5-6 ký, thịt dai nhách, ăn không ngon và cũng nấu nướng như thịt rùa”.


Trong lần về vùng Trà Lồng ( Long Mỹ, Hậu Giang), tôi ghé khu xóm – rạch Vàm Đinh, hỏi về đia danh này, có vị cao niên quả quyết: “Hồi xưa, vùng này có rất nhiều con cua đinh ( cùng họ cần đước), nó khỏe lắm, người lớn đứng trên lưng, nó vẫn bườn chạy te te… Có con ngóc đầu lên, thấy gần bằng cái mặt bàn tròn”. Người xứ quê, thường coi tim nước trào lên, biết chỗ con cua đinh ở, liền tìm cách bắt chúng. Do nó rất mạnh, nên 2-3 người phải tìm cách lật ngữa nó, rồi đấm mạnh vô bụng, khi nó bị ngất ta sẽ trói lại bỏ lên ghe.
Ngày nay, nơi Đồng bằng sông Cửu Long, con cần đước gần như tuyệt chũng, họa chăng, chỉ còn là tên rạch, tên địa phương. Không mấy người, hiếm sách vở nói đến loài vật này. Riêng con cua đinh, thỉnh thoảng có người bắt được, nhưng không lớn, chỉ vài ký lô. Không ít nhà nông đã mở trại nhân giống, nuôi được con cua đinh, bán cho các nhà hàng.
Đối với vùng Cần Đước, trong dân gian còn mấy ai biết, nhắc về con cần đước đi liền với con cua đinh không ? Và, mấy vị cao niên ở đây có nghe lớp cha, ông mình kể, đã từng gặp con cần đước trên dòng rạch Cần Đước này ?
Thiết nghĩ, ngoài lý giải về nguồn gốc tên gọi Cần Đước, xuất xứ từ con cần đước, theo tiếng Khmer là On Đok; các nhà nghiên cứu cũng cần tìm hiểu thêm, truy nguyên về loài vật cần đước sinh sống tại đây khi xưa, để xác dịnh rõ địa danh Cần Đước; Giúp các thế hệ con cháu ta am tường hơn về cội nguồn; yêu mến hơn về quê hương, xứ sở !

Nhâm Hùng

Bài trướcMiễu Bà Xẫm – Cần Đước
Bài tiếp theoTừng có tượng Nữ thần Tự do ở miền Tây Nam bộ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây