Tín ngưỡng dân gian ở Xóm Đáy Cần Đước (tiếp theo và hết)

0
1248

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Người Xóm Đáy chủ yếu theo đạo thờ ông bà tổ tiên. Trong dòng họ con cháu dòng chính thì ở nhà thờ và có trách nhiệm thờ và cúng giỗ tổ tiên của dòng họ, thường thì còn duy trì giỗ từ đời ông bà sơ trở xuống, tức bốn đời. Bàn thờ đặt ở giữa nhà trước, vách có treo một tấm liễng tranh kiếng. Tranh thường vẻ cảnh xóm làng, sông nước, ghe xuồng. Trước bàn thờ là cái ghế bàn dài, hai bên đặt hai bộ ván, vẫn gọi là ghế thờ và ván thờ. Hầu như toàn bộ nhà  trên là không gian dành để thờ tự, luôn được giữ sạch sẽ trang nghiêm. Đây là không gian thờ tự và lễ nghi, đàn bà con gái không được nằm ngồi ở đây.


Nhà thờ ông bà nên mỗi năm cũng có nhiều ngày giỗ. Trong đó có chọn một cái giỗ chánh để làm lớn nhiều mâm mời đông đảo họ hàng, hàng xóm, bạn bè để thù tạc qua lại. Còn lại những cái giỗ khác thì làm nho nhỏ, chủ yếu để nhớ kỷ niệm ngày mất và ăn uống trong gia đình thôi, không có mời khách. Nhà khá giả thì đám giỗ chánh thường chiều hôm trước có làm vài mâm gọi là cúng tiên thường để thỉnh ông bà về và cũng để có cơm đãi cho bà con ở xa về và những người đến phụ việc.

Đám giỗ ngoài mâm bày cúng trên bàn thờ tổ tiên thì bao giờ cũng có thêm mâm cúng đất đai tức cúng ông bà chủ thổ, để tưởng nhớ những người đã có công khai mở để lại cho mình cuộc đất để ở. Ở Cần Đước khi cúng chủ thổ thì người ta không vái chung chung mà vái cụ thể là ông Bang, Bà Thục (Nguyễn Văn Bang, Đào Thị Thục), chắc chắn là ông bà này có công lớn trong việc khai phá đất Cần Đước nhưng chỉ nghe và ghi lại vậy thôi chứ chưa có tư liệu để giải thích rõ thêm. Và thêm một mâm cúng chiến sỹ và những người “chết bờ chết bụi” mà vong hồn chưa siêu thoát được, đang vất vưởng đói khát ngoài đường. Hai mâm nầy thì được bày cúng ngoài hàng tư, chứ không cúng ở trong nhà, vì người ta cho rằng hồn những người chết kiểu nầy không dám vào nhà để thọ thực.

Ở Xóm đáy, khi đám giỗ thường thấy bà con làm những món như: cháo gà hay cháo vịt, có thêm món gỏi gà hay thịt vịt chấm nước mắm gừng. Kèm theo có món bún gạo xào với lòng gà, lòng vịt. Món thịt ba rọi luộc ăn với bún, rau sống và mắm biển hay mắm tôm chua. Món chả cua, vì đóng đáy thường có cua gạch son, lấy gạch cua làm mặt chả có màu đỏ rất đẹp. Món cà ry gà hay món ra-gu nấu với thịt gà hay thịt bò. Đặc biệt là món cà ry gà nấu với nước cốt dừa hương vị đậm đà, ăn với bún tươi hay bánh mì thì hương vị rất ngon. Món bánh xèo nhân tôm thịt, món nầy thì ăn thoải mái vì đóng đáy có rất nhiều tôm. Và cuối cùng là món cơm ăn với thịt kho tàu. Món thịt kho tàu nầy cũng rất đặc biệt, có kỹ thuật kho riêng mà không phải ai cũng kho ngon được, từ việc lựa đúng loại thịt heo đến việc ướp gia vị và thời gian kho cũng như canh lửa. Món thịt kho tàu ăn với dưa giá làm chua, chuối chát và quệt với món mắm biển bằm thì rất ngon miệng!.
Bánh trái tráng miệng thì có bánh chưn, bánh tét, bánh ít, cơm rượu-xôi vò, xôi vị…Tất cả các món nầy đều do các bà các chị ở nhà làm. Từ nhiều đời họ cũng được truyền lại những khả năng chế biến ẩm thực cũng khá ngon, đủ sức làm các đám tiệc của gia đình hay giúp chòm xóm khi có hữu sự mà không cần đến dịch vụ ăn uống như ngày nay.

Bàn thiên

Ngoài đám giỗ thì trong nhà còn có đám đầy tháng, đám «tôi tôi» (thôi nôi). Trẻ con sinh ra được khoảng một tháng thì mới yên tâm là nuôi được, nên người ta mới làm lễ cúng đầy tháng để mừng và mới chính thức đặt cho bé một cái tên để kêu. Ngoài tên để khai sinh thì còn có một cái tên dân dã dễ kêu và cũng để dễ nuôi.
Lễ vật cúng thường chỉ là con vịt luộc còn để nguyên con, chè đậu trắng và xôi. Tất cả được bày trên bộ ván chứ không đặt trên bàn tròn. Bày lễ trên bộ ván là để có chỗ rộng rãi, vì còn dành chỗ để đặt bé nằm lên. Sau đó thường thì bà nội bé ăn mặc chỉnh tề đốt nhang khấn vái 12 Mụ Bà, 13 Đức Thầy phù hộ độ trì cho cháu bú ngoan mau lớn. Xong lấy một cánh bông điệp nhúng vô tô nước sạch rồi vẫy vẫy lên trán, lên miệng bé và dặn rằng: -“Mở miệng ra có bông có hoa. Mở miệng ra kẻ yêu người chuộng…”. Sau đó thì đến phần bà con tặng quà mừng cho bé.

Bé mạnh giỏi được một năm thì làm lễ cúng “tôi tôi” (thôi nôi) cho bé. Lễ vật trong lễ nầy cũng làm tương tự như lễ cúng đầy tháng. Ngoài ra còn có thêm một mâm bày những vật dụng tượng trưng cho khuynh hướng một số ngành nghề như gương, lược, kéo, thước, cục đất, nắm xôi…
Bé được cho mặc quần áo đẹp. Có thể là những bộ đồ đẹp nhất vừa được tặng. Sau phần cúng vái xong thì bé được cho ngồi bên mâm đồ thường có cục đất, cục xôi, cái lược, cái kiếng soi, cuốn tập, cây  viết, cây thước may… và mọi người vây quanh khuyến khích bé chọn. Bé quan sát một chút rồi chọn lấy một món. Nếu lỡ bé chọn nhầm cục đất thì mẹ bé sẽ là người buồn nhất vì nghĩ con mình sau nầy cũng không thoát được cái cảnh mần ruộng nhọc nhằn như cha mẹ nó!. Còn nếu bé chọn cái lược cái kiếng thì cũng rầu vì nghĩ chắc bé suốt ngày chỉ lo sửa sạng. Còn chọn cuốn tập cây viết thì rất mừng vì sau này sẽ học giỏi làm thầy cô giáo! Đối với một đứa bé được nuôi khỏe mạnh bình thường thì đến khi được làm lễ cúng thôi nôi thì xem là xong. Từ đó trẻ cứ ăn cứ lớn và hàng năm không có kỷ niệm ngày sinh nhật như bây giờ.

Cúng căn. Đối với những đứa trẻ hơi khó nuôi, sau khi được một tuổi làm lễ cúng thôi nôi, thì còn có thêm lễ cúng căn vào những độ tuổi ba, sáu, chín và mười hai tuổi mới xong. Cúng căn được hiểu như là van vái trừ được những căn xấu cho dễ nuôi. Lễ nầy cũng được cúng tại nhà và cũng có rước bà bóng đến làm lễ. Cũng có phần múa bông, múa mâm vàng và hát bóng rổi. Xong lễ thì đốt mâm vàng, còn ba chén bông thì giữ lại để trên bàn thờ. Chị tôi hồi nhỏ cũng được bà nội làm cho lễ cúng căn nầy.

Trong nhà ngoài bàn thờ ông bà tổ tiên thì còn có lập tran thờ để thờ Bà và thờ Ông. Tran thờ nầy thường đặt phía trên hai cửa buồng đi xuống nhà sau và ở hai bên bàn thờ tổ tiên. Hàng đêm cũng đều được thắp nhang như bàn thờ tổ tiên. Người ta cho rằng những người đàn ông và đàn bà trong nhà khi được khoảng 40 tuổi trở lên thì nên thờ Ông và thờ Bà để được độ cho đời sống tinh thần vững vàng hơn. Và nếu không thờ thì sẽ long bong lắm. Bà đây là Bà Mẹ sanh Mẹ độ. Còn Ông là ông Quan Công, biểu tượng của khí tiết trung nghĩa, cương trực, ghét bất công…vốn cũng gần gủi với tính cách người Nam bộ.
Muốn thờ Bà thì phải chuẩn bị nơi thờ phượng rồi rước bà bóng đến nhà để giúp làm cái lễ thượng tran. Những người đàn ông khi đã lập nguyện thờ Ông rồi thì phải cử không được ăn thịt trâu, nếu không sẽ bị “Ông hành”. Khi đã lập tran thờ Ông thờ Bà rồi thì dường như trong nhà có hai cái vòng kim cô, luôn nhắc nhở họ phải sống sao cho ngày càng tốt hơn và cũng rất yên tâm sống và làm ăn vì tin là đã có Ông, Bà phù hộ độ trì. Và phải sống tốt hơn vì nhất cử nhất động gì đều có Ông, Bà giám sát.
Từ việc thờ Ông thờ Bà trong nhà nầy mà trong dân gian có câu: -“cha nầy coi bộ thờ Bà rồi”. Đây là câu thường được dùng để chê bai những người đàn ông sợ vợ quá đáng, giống như đưa vợ lên tran mà thờ như thờ Bà, sợ vợ một phép và việc phải trái gì cũng không dám có ý kiến!. Hay khi nói người nào đó bị: -“Ông hành Bà hành”, -“Ông nhập Bà nhập”…là để chỉ những người có những lời nói hay cử chỉ tưng tưng không được bình thường. Ở Xóm Đáy không thấy người ta thờ ông Địa, Thần tài trong nhà. Nhưng họ vẫn tin và cầu Ông Địa khi có nhu cầu. Thường là những khi bị mất đồ thì: -“vái ông Địa cúng nải chuối” để “hối lộ” ông Địa giúp tìm dùm.

Ngoài phần thờ trong nhà thì phía trước sân nhà thường có lập Bàn Thiên (bàn Thông thiên). Bàn Thiên thường làm bằng gỗ, cao khoảng ngang ngực. Mỗi tối đều được thắp nhang rất thành kính. Ở Bàn Thiên thường chỉ chưn bình bông điệp và một ly nước lạnh mà thôi.
Ở trong xóm người ta hay trồng bông điệp, bông trang để có mà chưn vào những khi có nhu cầu như cúng ở bàn thiên, cúng đầy tháng, thôi nôi. Ngày Tết trên bàn thờ thường chưn bông vạn thọ mua ngoài chợ hay là cành mai vàng. Ngoài ra không thấy có loại bông nào khác. Đặc biệt hoa quả chưng trên bàn thờ thì kiêng cử không được chưn chuối già, vì cho rằng có khi loại chuối nầy được sử dụng vào chuyện sinh lý dơ bẩn!

Gần xóm có một cái chùa -chùa Phước Sơn của ông sư Thiện Chí- nhưng cũng ít thấy bà con đi chùa. Bà nội tôi thì siêng đi chùa  nên còn được người ta gọi cái tên là Bà Vãi. Chú Năm hồi nhỏ cũng được gửi vô ở trong chùa nầy tu mấy năm.

Ở vùng Cần Đước Phật giáo cũng xuất hiện khá sớm cùng với quá trình dân cư vào khai khẩn. Có nhiều chùa cổ được lập từ giữa thế kỷ 18. Các thầy trụ trì đều có vợ con và gia đình cũng ở trong khuôn viên chùa. Vai trò của bà vợ thầy trụ trì cũng rất quan trọng trong việc lo chuyện hậu cần giúp ông chồng cúng kiến. Cũng nhờ có con mà chuyện tu hành trong chùa cũng có người nối dõi từ đời nầy sang đời khác, mãi cho đến bây giờ cũng vậy. Và có một đặc điểm nữa của chùa ở Cần Đước là chùa đều có chủ gọi là chủ chùa. Đó là những gia đình điền chủ giàu có bỏ tiền ra xây chùa và rước một ông thầy tu về trụ trì chùa. Và gia đình dòng họ chủ chùa cũng có vai trò và trách nhiệm quan trọng trong sự tồn tại của ngôi chùa.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcĐời sống tâm linh ở Xóm Đáy – Cần Đước.
Bài tiếp theoChuyện Xóm Đáy Cần Đước: ngày xưa làm ruộng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây