Bà Sáu Cần Đước

0
742

 

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Ở thị trấn Cần Đước có ba nơi mang tên Bà Sáu là Lầu Bà Sáu, Ao Bà SáuMả Bà Sáu, cái nào cũng to. Đó là tên của Bà Sáu Chắc – Diệp Thị Chắc- sinh năm 1857 ở làng Tân Ân. Góa chồng sớm từ năm 28 tuổi. Bà xuất thân nghèo khó, thường bưng tràng trầu cau đi bán ở chợ Cần Đước. Có được chút vốn bà bắt đầu cho vay và giàu lên từ đó. Có tiền bà mua ruộng và trở thành điền chủ.
Bà Sáu Chắc là điền chủ lớn nhất ở Cần Đước với hơn 800 mẫu ruộng. Bà có ruộng ở Cần Đước và ở cả bên miệt Gò Công. Ruộng nhà tôi làm gốc cũng là ruộng của Bà Sáu. Ruộng nhiều quá nên Bà không trực tiếp quản lý nổi mà giao cho một số người bao tá rồi họ cho tá điền mướn lại.

Tôi có người mợ hồi nhỏ có đi theo hầu Bà Sáu. Mợ kể:
⁃ Bà Sáu không có con trai, chỉ có một cô con gái và vì vậy Bà chỉ có cháu ngoại. Sau nầy cháu ngoại của Bà là Thầy Tý cũng có chức vụ cao trong chính quyền VNCH. Bà Sáu hằng ngày có ba người hầu: một người lo cơm nước, một người xách giỏ trầu cau và nhổ tóc ngứa, một người đọc truyện cho Bà nghe.

Khoảng năm 1932, lúc đã 75 tuổi Bà Sáu cho xây dựng một ngôi biệt thự theo kiến trúc Pháp rất đẹp tại thị trấn Cần Đước theo đồ án của kiến trúc sư Phan Hữu Kinh bạn của Thầy Tý, đồng thời cho đào một cái ao to lấy đất đấp nền xây dựng một khu mộ rất rộng. Từ đó trong dân gian xuất hiện các từ mang tên Bà Sáu còn lưu truyền đến nay. Theo một tài liệu của Pháp còn lưu trữ viết bà Sáu Chắc năm 84 tuổi mua được 800 mẩu ruộng và dành nhiều tiền của để làm phước!

Lầu Bà Sáu thì vì ở vị trí trọng yếu nên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Pháp trở lại tái chiếm Cần Đước đã trưng dụng làm căn cứ quân sự và cũng làm nơi giam cầm, tra tấn những người kháng chiến. Và từ đó Lầu Bà Sáu là cái tên kinh hoàng của người dân Cần Đước bởi sự tàn ác được thực hiện ở đây. Người dân đi ngang đây cũng không ai dám nhìn vào.
Thời nầy, mỗi lần đi hành quân mà bị thiệt hại thì bọn Pháp đem những người bị giam cầm ở Lầu Bà Sáu mang ra Cầu Chùa bắn thả trôi sông để trả thù. Bà con kể ở đây có thằng Tây mặt mèo (Booc-mi-gô) và một con vợ đầm rất hung dữ.
Xóm Đáy tôi ở sát Cầu Chùa, nên đêm đêm thường nghe những tiếng kêu thãm thiết của những người tù bị đem ra đây xử bắn. Họ kêu: -“Bà con ơi, Tây nó bắn tui!» như trường hợp Dượng Ba, chồng của Dì Ba trong xóm!.
Những người bị bắn chết rớt xuống sông, rồi trương sình lên và cứ theo con nước trôi vào trôi ra, dầu rất đau xót nhưng không ai dám vớt đem chôn, vì bà con mình sợ bị Tây bắt bớ vì liên lụy.

Sau năm 1954 Lầu Bà Sáu vẫn tiếp tục là trại lính, là nơi đồn trú của một đại đội bảo an lính quận. Tháng 2 năm 1962 đại đội nầy bị đánh tan tác trong trận Xóm Chùa, Tân Lân. Quận trưởng Đại úy Dương Văn Tư, người từng tuyên bố Việt cộng chỉ có súng ngựa trời nhét thuốc súng bằng phân trâu, đi chung với một cánh lính, đã bị rượt chạy trối chết, chỉ còn mặc cái quần xà lõn chạy về đồn Tân Lân, bị lính trong đồn tưởng nhầm là việt cộng nên bắn xém chết. Và khi hoàn hồn lại thì thấy bị bắn đứt sợi dây thắt lưng mang súng colt và đạn còn bắn bể một gót giày. Đúng là số ông nầy còn lớn nên thoát chết trong gang tấc.
Nhưng Thiếu úy Ngoạn, đại đội trưởng bảo an, chỉ huy một cánh quân đi ngã Phước Tuy sang đã bị bắn vỡ sọ tử trận. Sau đó Lầu Bà Sáu có tên là trại Nguyễn Văn Ngoạn.

Trận tấn công tháng 10/1967, quân giải phóng đã vào đến Lầu Bà Sáu. Ba tên cố vấn Mỹ may mắn được một đứa con lính dẫn đường trốn thoát. Sau đó đoạn đường ngang qua Lầu Bà Sáu bị rào lại hai đầu, chỉ có lính mới được ra vô và chỉ chừa một lối đi hẹp cho dân qua lại.

Sau giải phóng 4/1975, Lầu Bà Sáu được tiếp quản làm cơ quan quân sự Huyện. Người ta cũng muốn giữ lại Lầu Bà Sáu như một di tích lịch sử và kiến trúc ở thị trấn. Nhưng đến khoảng sau năm 2000, di tích nầy do thời gian và bom đạn đã làm xuống cấp quá nặng nên phải đập bỏ. Chấm dứt khoảng 80 năm tồn tại của Lầu Bà Sáu như một chứng tích của thời phong kiến, thực dân và chiến tranh.

Bây giờ ở thị trấn không còn nghe ai là hậu duệ của Bà Sáu. Dường như họ ở Sài Gòn và nước ngoài. Ao Bà Sáu cũng đã được san lấp để xây dựng một ngôi trường cấp hai xinh đẹp. Khu mả Bà Sáu có lúc bị phá tán hoang tàn, nay mới được con cháu về sửa sang lại.

ThS Nguyễn Văn Đông

Ảnh do anh Nguyễn Văn Phục cung cấp

Bài trướcLong – Tân – Phước – Mỹ  
Bài tiếp theoKỷ niệm về mái trường xưa – Cần Đước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây