Bệnh viện Cần Đước, những ngày đầu tôi đến …

0
1033

BS LÊ VĂN HẬU

Bệnh viện Cần Đước là một bệnh viện tuyến huyện của Huyện Cần Đước, nằm ở vùng hạ của huyện. Vùng thượng của huyện thì có Bệnh xá Rạch Kiến. Người dân ở các xã vùng hạ, khi mắc bệnh thường đến bệnh viện Cần Đước, còn người dân các xã vùng thượng lại đến Bệnh xá Rạch Kiến và khi quá khả năng điều trị thì Bệnh xá chuyển thẳng lên các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM) chứ không chuyển ngược về bệnh viện huyện.

Thời tôi mới về làm việc, Bệnh viện Cần Đước (BVCĐ) giống như một cái “Bệnh xá”, không hơn không kém. Bệnh viện lúc đó 4 bác sĩ (BS): BS Thành, BS Minh, BS Gắng và BS Hậu. BS Gắng là BS Răng Hàm Mặt, BS Minh là BS Ngoại phụ trách Khoa Sản. BS Gắng và BS Minh làm việc ở một cơ sở riêng của bệnh viện, còn lại BS Thành và tôi phụ trách “đa khoa” tại Bệnh viện Cần Đước. Ngoài BS còn có lực lượng y sĩ và y tá giúp sức. Lực lượng y sĩ và y tá này cũng khá giỏi do đã “lâm trận” nhiều lần nên có nhiều kinh nghiệm thực tế rất quý báu. Tôi còn nhớ những anh chị em y tá thời đó “lấy ven” tĩnh mạch “bách phát bách trúng”. Trong những lúc cấp cứu, rất cần những kỹ năng thành thạo như thế để thiết lập ngay đường truyền tĩnh mạch cứu sống bệnh nhân.


BS Hậu và Ông Nguyễn Quốc Ninh

Tại BVCĐ còn có một dược sĩ, đóng vai trò “cốt cán” cho BVCĐ về lĩnh vực dược từ thuở ban đầu. Đó là dược sĩ Loan (dược sĩ đại học). Thời đó, bệnh viện phải tự pha chế dịch truyền để chữa bệnh cho bệnh nhân. Ngày nay, thị trường có rất nhiều loại dịch truyền với giá cả khác nhau nhưng chất lượng thì rất tốt, nhưng thời đó, bác sĩ rất “sợ” truyền dịch với loại dịch truyền tự pha chế bởi vì nếu chai nào có “chí nhiệt tố” thì bệnh nhân sẽ bị “run tiêm truyền” và bác sĩ cũng “run” theo bệnh nhân.

Chị Mai (người đứng bên trái)

“Lãnh đạo” lực lượng y tá có chị Mai, là điều dưỡng trưởng bệnh viện. Chị tốt nghiệp điều dưỡng trung cấp chính quy ở một trường uy tín tại TP HCM. Với những kiến thức và kỹ năng “bài bản”, chị vừa làm, vừa hướng dẫn lại cho lực lượng y tá tại bệnh viện, “đào tạo” nên một đội ngũ y tá hoạt động rất hiệu quả.

Lĩnh vực xét nghiệm thì chỉ có “Công thức máu, ký sinh trùng sốt rét, Hê-ma-tô-crít”. Chỉ thế thôi, BS phải “vận dụng trí não”, qua “nhìn – sờ – gõ – nghe” để chẩn đoán bệnh. Vì thế, BS phải tự học là chính để nâng cao kiến thức nhằm xử trí tốt những tình huống bệnh tật đa dạng.

BS Phạm Chí Thành (ngồi bên phải)

Tôi cũng không quên được người lãnh đạo bệnh viện đầu tiên mà tôi gặp và được làm việc với anh – anh Sáu Ninh. Anh là một y sĩ thời kháng chiến thôi, nhưng anh rất có tâm và biết “trọng dụng người tài”. Là giám đốc bệnh viện, nhưng anh rất tôn trọng ý kiến chuyên môn của các BS, anh chỉ đứng “vai trò trung gian” giải quyết các công việc thuộc về “quản lý bệnh viện”. Các đề xuất của các BS, anh thấy cái nào có lợi cho bệnh nhân anh đều đồng ý và xin ý kiến Ủy ban huyện để thực hiện. Vì thế anh cũng được anh em rất quý mến.

Tôi còn nhớ Bệnh viện có một dãy phòng bệnh làm bằng gỗ. Đây là dãy phòng dành cho bệnh nhiễm. Thời đó, dịch tả, tiêu chảy cũng nhiều, đặc biệt là tiêu chảy ở trẻ em. Ai đi xuống dãy nhà gỗ đó, chưa vào, cũng có thể biết là có bệnh nhân tiêu chảy nằm vì có một “mùi” đặc biệt do điều kiện cơ sở vật chất thời đó khó làm vệ sinh sạch được như bây giờ. Mặc khác, do người bị tiêu chảy quá nhiều nên có lúc phải “khoét” một cái lỗ trên giường và để một cái “bô” ở dưới cho bệnh nhân đi tiêu tiểu tại giường – gọi là “giường lỗ”.

Tôi và BS Thành cũng có những kỷ niệm vui thời điều trị “tiêu chảy”. Một buổi sáng nọ, sau một đêm trực căng thẳng, “vật lộn” với những bệnh tiêu chảy, anh em ra ăn sáng, kêu “bánh mì ốp la”. Chủ quán đem ra mấy ổ bánh mì cùng một đĩa trứng chiên “ốp la”. BS Thành chỉ vào đĩa trứng mà nói: “Ê mày, sao tao thấy cái này giống cái hồi tối ở dưới – ý nói là phòng bệnh nhiễm – quá mậy ? Hai anh em phá lên cười hả hê, mà cũng có một bữa điểm tâm ngon lành !

Mọi người kể chuyện, có một bà mẹ bồng con bị tiêu chảy nằm viện. Do đứa con bị tiêu chảy nhiều quá nên bà mẹ lo lắng: “Bác sĩ ơi, bác sĩ làm sao cho con tôi hết tiêu chảy bác sĩ ăn bao nhiêu ăn!”, nhưng bác sĩ nghe loáng thoáng “Bác sĩ … con tôi bị tiêu chảy … bác sĩ ăn bao nhiêu ăn!”. (Ý nói là bác sĩ đòi bao nhiêu tiền tôi cũng trả!).

BS Thành là một học trò Trường Rạch Kiến. Lúc còn đi học, anh là một “tay trống” cừ khôi trong đội văn nghệ của trường Rạch Kiến. Khi lên Đại học Y-Dược Thành phố Hồ Chí Minh, anh vẫn tiếp tục là một “tay trống” của trường y. Anh là người “có máu văn nghệ”. Lúc làm việc ở BVCĐ, anh có mua một cây đàn violin và tập đàn. BVCĐ lúc đó chỉ có 2 BS là tôi và anh nên hai người “giã chày đôi” – đêm tôi trực thì anh nghỉ và ngược lại. Đêm tôi trực là lúc anh nghỉ, nhưng anh không ở nhà mà vào bệnh viện để tập đàn violin. Sau một thời gian, tôi để ý thấy lúc anh kéo đàn thì … bệnh nhân vào bệnh viện cấp cứu rất đông và liên tục, làm BS phải “thức trắng đờ con mắt”. Lúc đầu anh không tin, nhưng sau đó, ngay những đêm trực của anh mà anh có kéo đàn thì sự việc cũng diễn ra như vậy. Khi nhận ra, anh sợ quá, “dẹp” cây đàn và không dám tập nữa!

Cũng có chuyện “bệnh nhân thử thầy thuốc”! Khi tôi từ Bệnh xá Rạch Kiến mới chuyển về làm việc ở BVCĐ, đêm trực đầu tiên, anh em bảo tôi “Ở đây có hiện tượng là thử thầy, ai mới về trực đêm đầu tiên thì đêm ấy bệnh rất đông mà là bệnh nặng, rắc rối nữa!”. Tôi cũng lo lắng nhưng thầm nghĩ: “Thử xem”! Quả thật, đêm trực đầu tiên, không hiểu bệnh nhân cấp cứu từ đâu mà vào cấp cứu liên tục, toàn là bệnh nặng. Tình trạng đó kéo dài vài ngày rồi mới trở lại “bình thường”! Sau này, tôi để ý những BS khác cũng gặp tình cảnh tương tự.

Phòng cấp cứu thời đó chỉ có một bình oxy rời được đặt dựa vào vách. Để làm ẩm không khí thở, y tá treo một cái chai nước biển bằng thủy tinh chứa nước cho khí ô-xy “lội” qua, chai này được treo trên đầu bình ô-xy bằng sợi dây vải. Người đi qua, đi lại, nếu chẳng may chạm vào cái chai thì nó sẽ va đập vào bình ô-xy nghe tiếng kêu “leng-keng”. Có một hiện tượng mà mọi người ghi nhận, mỗi lần bình ô-xy phát ra tiếng “keng-keng” là người nào trực đêm đó cũng sẽ “vất vả” bởi vì bệnh cấp cứu sẽ vào rất đông! Những hiện tượng có thật mà không ai giải thích được! Có phải là ngẫu nhiên? Vì thế, ai đi ngang cái bình ô-xy cũng phải chú ý …

Công việc dù căng thẳng, vất vả, nhưng mọi người rất chú tâm vào công việc, theo dõi bệnh nhân rất sát, phát hiện kịp thời những diễn biến nặng, gọi BS xử trí hoặc chuyển viện kịp thời. Những kỷ niệm đó có thể dần dần sẽ đi vào quên lãng, nhưng đối với tôi, đó là những kỷ niệm đẹp, thuở mọi người còn hồn nhiên, vô tư, chỉ biết làm việc vì trách nhiệm và có tinh thần đoàn kết một cách chân thành, không vụ lợi. “Bao giờ cho đến ngày xưa”?!

BS Lê Văn Hậu

Bài trướcNghệ nhân NGUYỄN VĂN QUẾ (Bảy Quế)
Bài tiếp theoSự đam mê thơ, ca của Người Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây