Bệnh viện Cần Đước xưa với Máy X quang của Việt kiều hỗ trợ.

0
534

LÊ VĂN HẬU

Vào những năm 90, sau một giai đoạn “vất vả” làm việc trong một bệnh viện giống như “Bệnh xá”, anh chị em làm việc ở bệnh viện được chuyển sang một “môi trường” làm việc mới. Đó là Bệnh viện Cần Đước mới, lúc đó đổi tên thành Trung tâm y tế huyện Cần Đước.


Bs Hậu trao đổi với một người Pháp về hướng giúp đỡ cho Bệnh viện Cần Đước.

Bệnh viện mới xây dựng chưa được hoàn chỉnh, phải lấy một phần Khoa Sản làm Khu khám bệnh ngoại chẩn và Khoa Dược; lấy một phần Khoa Răng Hàm Mặt làm phòng cấp cứu và đặc biệt là có một phòng X quang. Có cơ sở mới rồi, nhưng bệnh viện phải chuyển các giường từ bệnh viện cũ sang bố trí cho “Bệnh viện mới”. Trang thiết bị thời đó vẫn còn lạc hậu. Tuy nhiên, bệnh viện may mắn có được sự hỗ trợ từ các anh chị Việt kiều quê hương Cần Đước.

Tôi còn nhớ sự trợ giúp rất nhiều của một người Việt kiều Pháp, quê ở Cần Đước là bác sĩ Chung Minh Hoàng. Anh làm việc ở một bệnh viện của Pháp. Những năm đó, Anh tìm xin những trang thiết bị cũ ở các bệnh viện bên đó, gởi về cho Bệnh viện Cần Đước. Những dụng cụ y tế mà anh gởi về cũng khá nhiều, có những loại không phù hợp, không sử dụng được, tuy nhiên có những loại máy móc thiết bị mặc dù đã cũ, nhưng đối với bệnh viện thời đó là rất hữu ích và rất ít bệnh viện huyện có được như các máy nha (dùng để khám chữa răng), máy X quang và máy siêu âm.

Nói về máy X quang, đây là loại máy giúp ích rất lớn cho bác sĩ trong việc chẩn đoán bệnh. X quang giúp chẩn đoán tốt bệnh về phổi và màng phổi, bệnh xương khớp thời đó và một nhu cầu rất cần thiết và thường xuyên là chẩn đoán gãy xương để điều trị bó bột.

Bác sĩ Chung Minh Hoàng (Việt kiều Pháp, đứng bìa bên trái) cùng với các bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Cần Đước, từ trái sang: Bs Diệu Hiền, Bs Gắng, Bs Nhiều, Bs Hậu, Bs Thành, Bs Minh.

Đường từ Cần Đước đi Thành phố Hồ Chí Minh thời đó rất “gian nan” vì “gập gềnh sỏi đá”, có nhiều tai nạn xảy ra. Tai nạn giao thông thường gặp là gãy xương. Nếu không điều trị được tại chỗ mà chuyển bệnh nhân lên tuyến Thành phố thì rất khó khăn và tốn kém cho bệnh nhân. Chỉ trừ một số trường hợp nặng, gãy xương hở phải chuyển; đa số các trường hợp gãy xương kín đều có thể điều trị được tại địa phương với điều kiện phải có máy X quang.

Máy X quang của bệnh viện thời đó vì là một loại máy cũ nên sử dụng được một thời gian thì hư hỏng liên tục. Bệnh viện lúc đó phải tìm thợ từ Thành phố Hồ Chí  Minh xuống sửa. Mỗi lần sửa thì khá tốn kém, đồng thời cũng chậm, máy phải ngưng hoạt động trong nhiều ngày.

Là một bác sĩ điều trị, tôi cảm thấy rất lo lắng lúc máy hư vì không chẩn đoán và điều trị kịp thời cho bệnh nhân trong những lúc như vậy. Tôi nảy sinh ý tưởng … quan sát các chuyên viên sửa máy xem họ báo hư cái gì trong máy … Tôi phát hiện ra là họ chỉ thay một vài tụ điện trong thùng điều khiển máy là máy hoạt động trở lại. Ghi nhận điều này, lần sau máy hư, tôi mày mò tháo thùng điều khiển ra và tìm hiểu – vì bản thân cũng thích điện tử, tự tìm tòi ráp mạch đồ chơi từ nhỏ. Tôi tháo tụ điện, rờ le … ra đo để tìm chỗ hư. Thế rồi tôi cầm tụ điện bị hư lên chợ điện tử Nhật Tảo ở Thành phố Hồ Chí Minh mua một cái có thông số y như vậy, đem về lắp vào máy. Giá tụ điện mua được quá rẻ so với công sửa máy! Thật mừng vui khi máy hoạt động trở lại. Lúc đó, anh em ở bệnh viện đều mừng vì tiết kiệm được một số tiền khá lớn khi phải thuê chuyên viên sửa máy và máy được “hồi sinh” rất kịp thời. Từ đó trở đi, mỗi lần máy hư thì tôi trở thành “thợ nhà” nghiệp dư!

Ngày nay, máy X quang vẫn là loại thiết bị không thể thiếu trong các bệnh viện nhưng với công nghệ hiện đại và có nhiều chức năng tiên tiến. Đối với người thầy thuốc, dù thiết bị có hiện đại cỡ nào mà thiếu lương tâm thì cũng không giúp ích được nhiều cho bệnh nhân. Những thiết bị ngày xưa dù lạc hậu, nhưng nó đã phát huy tác dụng rất lớn giúp cho các bác sĩ điều trị bệnh nhân một cách nhẹ nhàng, đỡ tốn kém đối với những bệnh không cần thiết phải chuyển tuyến trên. Sự giúp đỡ của những người Việt kiều quê hương Cần Đước đối với ngành y tế là một sự giúp đỡ rất thiết thực, góp phần giúp ích cho biết bao nhiêu người một cách âm thầm lặng lẽ mà không cần một lời khen tặng nào từ các cơ quan chức năng. Đó là những tấm lòng từ thiện đúng nghĩa.

Lê Văn Hậu

Bài trướcMiễu và cúng miễu ở Cần Đước
Bài tiếp theoBà Sáu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây