NHÂM HÙNG
Những lần về Cần Đước, trong các dịp “ trà dư tửu hậu”, tôi cùng anh bạn Ba Đông, Bảy Đua – dân cố cựu ở đây, cứ mãi nhắc nhớ, hoài niệm về Cần Đước một thời chiến tranh, mà lúc thiếu thời chúng tôi từng trải qua, với bao kỷ niệm. Nhưng gần đây, về quê hương thứ hai, tôi lại phát hiện nhiều điều mới, lạ với Cần Đước hôm nay.
Tác giả tại hương lộ đã được mở rộng
Bây giờ, từ Cần Thơ, tôi đi cao tốc một mạch đến thị trấn Bến Lức, rẽ vào đường tỉnh 830 đi Cảng Quốc tế Long An (Tân Tập), khỏi ngã ba Chợ Đào mấy cây số, là tới thị trấn Cần Đước. Xem đồng hồ, trên 2 tiếng một chút ! Như vậy, Cần Đước kết nối với các tỉnh miền Tây ngày càng nhanh hơn, gần hơn. Hèn gì, ở Cần Thơ thỉnh thoảng tôi hay gặp du khách Cần Đước.Chợ Đào nhộn nhịp với người mua đông đúc, hàng hóa dồi dào
Khoảng cách được rút ngắn, là điều đáng mừng. Bởi giao thông phải đi trước, minh chứng là hầu hết tuyến hương lộ về các xã trong huyện Cần Đước, đến nay đã mở rộng, trải nhựa thật khang trang. Việc giao thương, đi lại rất thuận tiện. Nên mỗi sáng, chiều, hàng đoàn xe ca đưa rước công nhân; những chiếc xe máy, xe đạp của sinh viên, học sinh đến trường bon bon trên đường, đảm bảo giờ giấc.
Đường tỉnh 830 về Cảng quốc tế Long An
Đề tăng tốc phát triển, sự tập trung đầu tư cho thị trấn huyện lỵ Cần Đước khá rõ nét và mang lại hiệu quả, từ nhiều thập niên qua. Dự án làm đập Cầu Chùa – ngăn mặn đầu tiên, không chỉ mang ý nghĩa mở ra hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, mà còn là điều kiện thúc dẩy tiến trình đô thị hóa. Rồi những bước đi tiếp: Đoạn sông Cần Đước, rạch Bà Lựu lấp dần. Sau cây cầu Chùa, cây cầu Sắt qua chợ năm xưa, cũng “ra đi”. Sông trở thành đường, thành phố, thành ngôi chợ huyện xứng tầm; kết nối nhiều ngã ba, ngã tư và nhiều khu dân cư. Đặc biệt là sự kết nối về kinh tế, đời sống để người Cần Đước thêm tự hào, vì đã xa rồi cái cảnh “ nước mặn đồng chua”, tiến lên thành huyện Nông thông mới, huyện Công nghiệp, đang trên đà mở hướng phát triển du lịch. Và một diểm đến mới đã ra đời: Khu Du lịch Đảo Long Hựu !
Đường phố Cần Đước
Như một nhà báo, tôi phỏng vấn bạn Ba Đông, được biết thêm nhiều thông tin mới, lạ: thị trấn ước khoảng 30 đường phố, còn tồn tại vài căn nhà xưa, ngói đỏ. Về tình hình dân nhập cư, độ vài ngàn; mấy chục người bén vé số, nhưng hầu hết từ nơi khác tới. Có người còn thuê nhà trọ ở lâu dài. Dân Cần Đước khá lên, mới có tiền mua vé số đó chớ ! Thế nhưng, tôi khoái nhất, là khi được anh bạn cà phê bên cạnh nói rằng: chỉ loanh quanh khu vực thị trấn, đã có gần mười doanh nghiệp kinh doanh xáng cạp, sà lan chở thuê. Địa bàn làm ăn khắp miền Tây. Thú vị quá, vậy là hình ảnh chiếc ghe thương hồ mũi đỏ Cần Đước thuở xưa, nay dịch chuyển thành xáng cạp, sà lan cơ giới. Cho thấy: tính năng động, miệt mài vượt khó của người Cần Đước, luôn nỗ lực đi lên.
Những người bạn thời niên thiếu của tác giả: Ông Nguyễn Văn Đông (Ba Đông) Nguyên Bí thư huyện ủy huyện Cần Đước, Ông Lê Hồng Hoàn, doanh nhân tại Cần Đước.
Về Cần Đước hôm nay, mới sáng ra đã thấy hàng quán chật ních, người đi bộ tập thể dục một cách sảng khoái, thong dong đi dứng nói cười. Trên các xe máy, xe đạp bao cô cậu học sinh vui đến trường, anh chị công nhân hướng đến các khu công nghiệp. Phố “cổ” hay phố mới đều nhộn nhịp như vậy . Thị trấn không hối hả lắm, nhưng toát lên bầu không khí tươi mới, tinh thần lạc quan.
Đêm đêm, xe vừa vào ngã ba Tân Lân, đã thấy đường phố rực sáng những hoa đèn, người xe chen chút bên siêu thị, cà phê vỉa hè, khu công viên – giải trí. Có thể nói: Nếu không có các sinh hoạt sống động này, thì Cần Đước đã ngủ vùi như xưa.
Lần nào về quê hương thứ hai, cũng nghe trào dâng cảm xúc. Không còn cảnh cũ, lại ít người xưa, nhưng lòng sao vẫn bồi hồi. Trong thoáng chốc hoài niệm, chợt nghĩ về Cần Đước mai này sẽ là một đô thị vệ tinh của TP Hồ Chí Minh…
Về Cần Đước hôm nay
Sau mưa trời lại nắng
Hoa lại tươi sắc thắm
Mơ vầng trăng tương lai.
Bài và ảnh: Nhâm Hùng