Cần Đước là quê hương thứ hai của mình!

0
930

LÂM HỒNG NGHỆ

Tôi về Cần Đước dạy học từ năm 1974 cho đến khi nghỉ hưu nên xem nơi đây là quê hương thứ hai của mình.

Cần Đước có nghĩa là gì?
Long An ngày nay là cái tỉnh trái độn, không phải Miền Tây, cũng không phải Miền Đông.
Sông Vàm Cỏ thích chơi với sông Sài Gòn, sông Đồng Nai chứ không chơi với Tiền Giang, Hậu Giang nên Long An thiên về văn hóa Đông hơn. Mà Long An là một tập hợp 2 tỉnh xưa là tỉnh Tân An và Chợ Lớn theo địa hình.
Hòa ước Nhâm Tuất (1862), triều đình Huế nhượng 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định và Định Tường) cho thực dân Pháp làm thuộc địa.
Pháp lập tỉnh Tân An riêng từ cầu Bến Lức đổ về Tân Hương, khi đó Cần Đước, Cần Giuộc thuộc tỉnh Chợ Lớn. Tức là Miền Đông tới Mỹ Tho, qua bên kia là 3 tỉnh Miền Tây. Cần Đước là một vùng đất khai phá khá sớm của Nam Kỳ lục tỉnh.
Ta nhớ mùa xuân năm Mậu Dần 1698 khi chúa Nguyễn Phước Chu sai tướng Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược xứ Nam Kỳ thì Cần Đước thuộc huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.
Tức là Cần Đước có lịch sử khai phá bằng Sài Gòn
Thời chúa Nguyễn lập ở Nam Kỳ Cửu Khố, 9 trường biệt nạp tức trạm thâu thuế thì trên đất Cần Đước đã có 2 là Thiên Mụ, Cảnh Dương.
Ít ai ngờ Nam Kỳ cũng có chùa Thiên Mụ như xứ Huế, chùa này hiện nằm ở Rạch Kiến.
Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công là ba vùng liền kề nhau, cùng làm “phên dậu” cho đất Gia Định Sài Gòn.
Thời Nam kỳ lục tỉnh của vua Minh Mạng, Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định. Năm 1867, Cần Đước là huyện của phủ Phước Lộc, tỉnh Gia Định.
Pháp qua, năm 1871 Cần Đước thuộc Chợ Lớn, phủ Phước Lộc nhập vào tỉnh Chợ Lớn.
Cũng do người Pháp mà địa danh Cần Đước xuất hiện khi năm 1923 Pháp dời trung tâm của đại lý hành chánh từ Rạch Kiến về ngay khúc chợ Cần Đước xưa. Năm 1928 chánh thức lập quận Cần Đước tỉnh Chợ Lớn với quận lỵ đặt ngay làng Tân Ân, chợ Cần Đước.
Năm 1930, tỉnh Chợ Lớn có dân số 227.588 người gồm bốn quận trong đó quận Cần Đước có ba tổng Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung và Lộc Thành Hạ.

Cầu Cần Đước ngày xưa.

Cần Đước là một địa danh thuộc trường phái bắt đầu bằng chữ “Cần” trong Nam Kỳ lục tỉnh như Cần Thơ,Cần Giờ, Cần Giuộc…mà nếu tách chữ Cần đó ra thì không hề có ý nghĩa.
Quận lỵ Cần Đước xưa đặt tại chợ Cần Đước,ngay trước đình làng Tân Ân,ngay doi đất nhô ra giữa sông mà ngày nay khúc sông này đã bị lấp mất làm đường Trần Hưng Đạo kéo dài ra Quốc Lộ 50.
Pháp lấy tên chợ Cần Đước đặt tên cho quận Cần Đước.

Làm ơn giải thích tên “Cần Đước” dùm coi?
Biết chắc Cần Đước là xuất xứ từ tiếng Khmer rồi đó, vì năm 1956 ông TT Ngô Đình Diệm mộ Hán Việt đã đặt lại là quận Cần Đức nghe thiệt dị hợm, cái tên đã chết yểu sau đó.
Có người nói Cần Đước là con rùa thì bán tín bán nghi, vì thực tế trong đời sống dân ở đây xưa giờ chưa thấy có con rùa tự nhiên nào trong vùng.

Vậy Cần Đước là gì?
Tại Sóc Trăng có một cái ấp tên Cần Đước thuộc xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên. Cái ấp này lấy tên từ chùa Khmer là chùa Prêk On Đơk còn gọi là chùa Cần Đước. Prêk là rạch. Đọc là hiểu liền!
Trong tiếng Khmer chữ On Đơk (អណ្តើក) có nghĩa là con rùa. Nhưng nhiều phụ lão ở Cần Đước Long An xưa nay nói xứ mình là “xứ cua đinh”, quê xứ cua đinh. Con cua đinh tức là con ba ba, ba ba cũng giống rùa, trúng nghĩa On Đơk rồi, Cần Đước là On Đơk.

Nói thêm về chợ Cần Đước xưa. Trung tâm Cần Đước xưa rất dễ hình dung. Nhà việc làng nằm đầu mặt chợ Cần Đước xưa.
Đầu chợ có hai dãy phố toàn gạch ngói mà nhà tiệm vàng Hiệp Tài của bà Năm Bỉ nằm căn đầu tiên. Cái đuôi chợ khúc chợ cá thì de thẳng ra mé sông, ghe tàu cặp bến sau dãy Hiệp Tài. Khúc chợ cá nhìn thẳng qua bên đường lộ, tức Quốc Lộ 50 ngày nay, cách một khúc sông nước chảy xiết khá rộng hồi đó có cây cầu sắt trên QL 50 gọi là cầu Chùa.
Cầu Chùa là vì sát đó có chùa Phước Sơn, dốc cầu là vựa vật liệu xây dựng Tiến Nghĩa (này cho thuê làm bách hóa Xanh).
Từ Sài Gòn muốn vô dinh quận Cần Đước phải chạy qua cầu Chùa, trên cây cầu nầy đã nhìn thấy bên kia sông chợ Cần Đước rồi, chạy chừng vài trăm mét tới ngã ba Lộ Cũ (nay là Nguyễn Văn Trỗi) quẹo phải và phải đi đò qua sông.

Chợ Cần Đước ngày xưa

Sau làm lộ mới ở ngã ba Năm Tích ngày nay, trước 1975 là cây xăng Sanh Lợi, chổ ngân hàng cũ kế bên là dãy nhà của hành chánh xã Phước Đông, có cái bến xe thì quẹo phải vô đường Nguyễn Khắc Tuấn (nay là Nguyễn Trãi) chạy ngang qua khu nhà lầu bà Sáu Chắt (Nay là huyện đội), cuối đường có một cây cầu sắt, qua cầu là thấy dinh quận, vô khu vực trung tâm chợ. Con đường độc đạo khi đó, dân các làng xã Tân Ân, Tân Chánh, Phước Tuy muốn ra lộ cái về Sài Gòn đều phải đi đường nầy.

Sau 1975, để hạn chế thủy triều sông Vàm Cỏ nước lợ lên xuống ruộng lúa bên kia Tân Lân làm nhiều vụ, người ta lấp ngang QL 50 xóa sổ Cầu Chùa, lấp luôn cầu Cần Đước. Sau đó giải tỏa luôn chợ Cần Đước cũ, đắp một con đường từ chợ cũ thẳng ra QL 50 thành đường Trần Hưng Đạo ngày nay.

Chợ Cần Đước hiện nay là chợ mới, đã thay đổi vị trí ra sát Quốc Lộ 50, chợ Cần Đước cũ là khúc đường Trần Hưng Đạo trước UBND thị trấn.

Xin liệt kê vài xóm làng cũ chung quanh chợ Cần Đuớc từ gần tới xa, những quý vị nào gốc Cần Đước hoặc dâu, rể xứ này sẽ nhớ hén:

  • Xóm Trầu
  • Xóm Rỗi
  • Xóm Đáy
  • Xóm Chài
  • Xóm Bà Lựu
  • Xóm Ao Bà Sáu
  • Xóm Lộ Cũ
  • Xóm nhà máy
  • Xóm Cầu Nhứt Bạn
  • Xóm Bà Thoại
  • Xóm Cầu Xây
  • Rạch Lóc
  • Xóm Nhà Dài
  • Xóm Ao Gòn
  • Xóm Bà Nhờ
  • Xóm Bà Chủ
  • Xóm Bà Nghĩa
  • Xóm Hồ Nước
  • Xóm Ao Xoài
  • Xóm Chùa
  • Xóm Nhà Thờ
  • Xóm Bờ Mòi
  • Xóm Mương

Cần Đước là nơi góp phần ra đời đạo Cao Đài nên có vô số thánh thất xung quanh.

Những cái nhứt của Cần Đước
Quận Cần Đước có nhiều cái nhứt trong văn hóa, lịch sử, ẩm thực Nam Kỳ:


Ngôi nhà trăm cột

Có cái nhà cổ có nhiều cột nhứt VN, đó là Nhà Trăm Cột ở Long Hựu. Xế chợ Kinh có cái nhà cổ trăm cột nổi tiếng của ông hương sư kiêm hội đồng làng Long Hựu Trần Văn Hoa, cái nhà bề thế dài 42m, ngang 21m gồm 3 gian 6 chái, 32 lớp cửa, 160 cột. Sau này còn 120 cột, nhà nầy là bối cảnh cho nhiều bộ phim. Ngày nay do chiến tranh tàn phá, con cháu vì túng mà xây tùm lum, đổi cửa lá sách làm giảm giá trị nhà rường kiểu cổ.

  • Có cái pháo đài lớn nhứt VN là đồn Rạch Cát.
    Cơ sở đóng ghe ở Tân Chánh
  • Một cái chùa cổ có từ 1880 là chùa Phước Lâm. Phước Lâm tự là ngôi chùa cổ nhỏ nhưng sang trọng của đất Cần Đước và Gia Định xưa. Kiến trúc ngày nay của chùa là kiến trúc những năm 1920 ở Nam Kỳ, nó lai Pháp. Chùa sang vì giàu, nó thuộc sở hữu của gia tộc nhà đại điền chủ làng Tân Lân là ông Bùi Văn Minh. Tên chùa theo Hán tự là “Phước Lâm tự” nhưng xưa dân làng không ai biết đọc chữ Hán thành ra kêu theo tên người lập chùa là “Chùa Ông Sáu” hoặc đọc chệch từ ông Minh ra thành “Chùa Ông Miêng”. Trước 1975 chùa có 32 mẫu ruộng để cho thuê lấy huê lợi mà cúng kiếng và tu sửa. Sau 1975 chùa chỉ còn 80 sào ruộng. Là chùa cổ và có tính gia tộc nên Phước Lâm rất yên ắng, tịch liêu. Chùa chỉ có hai sư một già một trẻ, tiếng kinh kệ khoan thai dè dặt rất đời thường. Đây là ngôi chùa cổ rất có giá trị của đất Cần Đước.

  • Chùa Thiên Mụ
  • Có gạo Nàng Thơm Chợ Đào nổi tiếng.

        Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai
        Hết củi đã có Tân Sài chở vô

  • Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công đều có lạp xưởng tươi, nhưng lạp xưởng Cần Đước vẫn ngon nhứt.
  • Là cái nôi đầu tiên của đờn ca tài tử Nam Kỳ. Đất nầy là nơi ông Ba Đợi – Nguyễn Quang Đại – tổ sư nhạc tài tử dừng chưn và truyền nghề cho học trò. Nhạc lễ Cần Đước luôn là khuôn mẫu chánh thống trong nghề đờn ca tài tử.

  • Đồn Rạch Cát

  • Cánh đồng lúa Nàng thơm Chợ Đào
  • Là quê hương của Khâm sai -Thượng hộ quân Thống chế-Xuân Quang Hầu Nguyễn Khắc Tuấn (1767-1823) – một đại thần của vua Gia Long. Hiện nay ở Tân Chánh còn lăng mộ của hai mẹ con ông Tuấn. Mộ Nguyễn Khắc Tuấn và mộ Nguyễn Huỳnh Đức là hai ngôi mộ cổ thời Nguyễn tiêu biểu của Long An.
  • Cần Đước có lăng mộ, đền thờ lãnh binh Nguyễn Văn Tiến ở Chợ Trạm, Nguyễn Văn Tiến (1848-1883) là một thủ lãnh kháng chiến chống Pháp trong vùng.
  • Cần Đước là quê hương nhà chánh trị Hồ Văn Ngà (1902- 1945). Là đảng trưởng Việt Nam Quốc Gia Độc Lập, nổi tiếng với câu nói trước khi bị Việt Minh thủ tiêu :”Các anh giết qua thì giết, nhưng đừng nói qua là Việt gian!.” Ông Hồ Văn Ngà trước 1975 có tên đường ở Sài Gòn, sau 1975 thì đặt là Lê Thị Hồng Gấm, ông em Hồ Văn Huê được đặt tên.
  • Cần Đước là nơi sanh ra cô Ba Trà nổi tiếng thời Pháp.
  • Cần Ðước còn là nơi nổi tiếng về nghề đóng ghe chài.

      “Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
       Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em?”
Ghe Cần Ðước được nổi tiếng khắp miền lục tỉnh, chở nặng, di chuyển chậm nhưng đầm, mũi quớt, cặp mắt lớn, lộ ra ngoài, màu đỏ sẫm, xách ngược lên như đôi mắt Quan Công.


Lâm Hồng Nghệ

 

Bài trướcChiếu Long Cang
Bài tiếp theoNội!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây