Chợ Trạm – Cần Đước.

0
2296

ThS. NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Ở xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước có địa danh Chợ Trạm. Chợ Trạm ngoài là tên của một cái chợ nằm ngay dốc cầu Chợ Trạm, thì còn có cầu Chợ Trạm, ngã tư Chợ Trạm và còn để chỉ một khu vực dân cư lớn là ấp Chợ Trạm, chạy dài từ cầu Chợ Trạm đến ngã tư Chợ Trạm, cũng giống như địa danh Cầu Nổi của xã Phước Đông.
Vậy nghĩa của Chợ Trạm là gì? Có thể tạm hiểu: Chợ là chợ, là nơi tụ họp mua bán. Trạm là dịch trạm. Vậy dịch trạm là gì?


Dịch trạm gắn với đường thiên lý hay còn gọi là đường cái quan tức quốc lộ ngày nay. Qua tìm hiểu lịch sử thì đường thiên lý ở nước ta có từ đời nhà Lý, thế kỷ 11 và sau đó lần lượt các triểu đại kế tiếp xây dựng dài ra theo sự phát triển của đất nước. Để quản lý người ta chia đường thiên lý thành những cung đường và trên mỗi cung đường được xây dựng nhiểu trạm thường cách nhau khoảng từ 15 đến 20 km cho vừa với sức ngựa. Trạm nầy được gọi là dịch trạm có chức năng như là một trạm bưu điện trung chuyển công văn giấy tờ chỉ thị từ trung ương xuống địa phương và ngược lại.
(Bên Tàu người ta gọi là đình trạm cũng là nơi tiếp đón các đoàn đi công cán dừng lại nghĩ ngơi, ăn uống, lần hồi đình trạm biến thành nơi hội họp dân làng và sau nữa thì có thờ thêm thần linh và chuyển thành cái đình làng sau nầy).
Ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu là đi bộ, đi kiệu, võng cán và đi ngựa vì vậy mỗi ngày không thể đi xa, nên ngoài chức năng chuyển thư từ thì dịch trạm cũng còn là nơi dừng nghỉ chân qua đêm cho các đoàn công tác của vua quan. Vì vậy dịch trạm thường có nhà cửa, một số lính trạm và ngựa. Công văn có thể chuyển bằng chạy bộ hoặc bằng ngựa và nếu chuyển gấp thì trên đầu ngựa có đốt một cục than cháy làm hiệu nên mới có từ “hỏa tốc” được sử dụng cho đến ngày nay.


Đình Long Mỹ, Mỹ Lệ – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Năm 1790 chúa Nguyễn Ánh đã cho xây dựng thành Gia Định ở Sài Gòn làm kinh đô để củng cố thế lực chống lại quân Tây Sơn. Và ngay sau đó đã cho đấp đường thiên lý nối ra phía Bắc năm 1792 và tiếp tục cho làm đường thiên lý nối với Gò Công, Mỹ Tho…Như vậy đường thiên lý từ thành Gia Định đi Cần Giuộc, Cần Đước, Gò Công đã được xây dựng vào giai đoạn nầy. Đi lại trên đường thiên lý khi gặp sông nhỏ thì bắt cầu cây, gặp sông lớn thì qua bằng đò và theo quy định ngựa của phu trạm được ưu tiên qua đò. [Năm 1892 người Pháp mới làm những cây cầu sắt trên con đường nầy là cầu Mồng Gà, cầu Chợ Trạm và cầu Cần Đước (cầu Chùa)]
Và trên đường thiên lý từ Gia Định đi Gò Công một dịch trạm đã được xây dựng ở cự ly cách Gia Định khoảng 20km cho vừa sức ngựa tại địa điểm cạnh sông Nha Ràm. Và để phục vụ cho nhu cầu của trạm cũng như của dân quanh vùng một cái chợ đã hình thành cạnh bên dịch trạm và từ đó người ta gọi chợ nầy là Chợ Trạm. Từ đó có thể đoán địa danh Chợ Trạm được bắt nguồn từ cái dịch trạm trên đường thiên lý Gia Định – Gò Công từ cuối thế kỷ 18 thời chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định, khi cuộc chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh còn diễn ra ác liệt.

Mộ ông bà Bùi Quang Diệu ở Chợ Đào, Mỹ Lệ – Ảnh Nguyễn Văn Dông

Sông Nha Ràm là con sông nhỏ nối liền sông Rạch Cát (sông Cần Giuộc) đến Chợ Đào, kinh Xóm Bồ rồi thông ra sông Vàm Cỏ Đông chỗ xã Phước Tuy. Thời Địa bạ Minh Mạng 1836 ngoài Xứ Cần Đước thì có nhắc đến Xứ Nha Ràm, như thôn Tân Lân, thôn Tân Trạch đều thuộc xứ Nha Ràm. Vì được bắc ngang sông Nha Ràm nên cầu Chợ Trạm đến trước năm 1975 vẫn còn tên là cầu Nha Ràm, sau đó mới dần mang tên cầu Chợ Trạm như hiện nay. Ở gần bến đò Bến Bạ thuộc xã Tân Trạch còn có một nhà thờ đạo thiên chúa tên là nhà thờ Nha Ràm và nhà thờ nầy đã được nhắc đến trong danh sách các nhà thờ nhà nguyện do các giáo sĩ Pháp lập từ năm 1747.

Địa danh Nha Ràm có nghĩa là gì thi chưa được giải thích thuyết phục. Có người giải thích có lẻ ngày xưa khu vực nầy có rất nhiều con nha, con rạm nên có tên là Nha Rạm, rồi qua thời gian được đọc trại ra là Nha Ràm? Và dầu sao tên Nha Ràm cũng đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử buổi đầu khai phá đất Cần Đước.
Giờ Chợ Trạm là một ấp của xã Mỹ Lệ huyện Cần Đước. Nơi đây có một di tích nổi tiếng là Mộ và đền thờ Tổng lãnh binh Nguyễn Văn Tiếng, người anh hùng chống Pháp bị giặc bắt xử chém đầu tại Chợ Trạm năm 1883. Khí khái anh hùng trước cái chết của ông đã được nhân dân kính phục và lập đền thờ, hiện được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Tương truyền tổ của một dòng họ ở Mỹ Lệ vốn là một vị quan của chúa Nguyễn lánh về đây lập nghiệp từ nửa sau thế kỷ 18. Xã Mỹ Lệ vốn được nhập lại từ ba làng nhỏ vào cuối thế kỷ 19 là Vạn Phước, Long Mỹ và Mỹ Lệ, hiện vẫn còn chứng tích là ba ngôi làng. Trong đó có đình Vạn Phước ngoài thờ Thành hoàng bổn cảnh còn thờ ông Bùi Quang Diệu, người chỉ huy nghĩa quân đánh Pháp trong trận Cần Giuộc nổi tiếng ngày 16/12/1861, được nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu cảm ứng viết nên bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc, một án văn bất hủ trong nền văn học Việt Nam.
Ngoài ông Bùi Quang Diệu, đình Vạn Phước còn thờ ông Nguyễn Quang Đại, một nhạc sư nổi tiếng được xem là hậu tổ của nền âm nhạc tài tử Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản phi vật thể nhân loại. Ngoài ra Mỹ Lệ còn có xứ Chợ Đào, quê hương của thương hiệu gạo Nàng Thơm nổi tiếng khắp vùng, để người đời ca tụng “gạo Cần Đước, nước Đồng Nai…”, tất cả đã làm nên một xã Mỹ Lệ vối những nét văn hóa rất đặc sắc, xứng đáng là một nơi đáng tìm hiểu và đến thăm.

ThS. Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNước mắm đặc sản của Việt Nam – Có nguồn gốc từ Phương Đông?
Bài tiếp theoTrường Tiểu học Hồ Văn Huê – Cần Đước & Gò lựu đạn năm xưa!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây