Công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Cần Đước, tại sao không?

0
392

NHÂM HÙNG

Hồi làm tổng đạo diễn Lễ hội bánh dân gian Nam bộ – Cần Thơ, trên đường tìm, mời nghệ nhân tham gia trình diễn các món bánh độc đáo, tôi nghĩ ngay tới quê hương Cần Đước. Bởi nơi đây, từng in hằn trong ký ức tôi với tiếng rao ở Ngã ba bến xe, hay trước cổng trường: “ Ai ăn bánh vòng bánh neo hông “ !?. Những cậu học trò nhỏ chúng tôi, ai chẳng thích ăn hàng ? Đứa con nhà khá giả, được bỏ túi vài cắc bạc, thì giỏi lắm mua được cái bánh neo, hay bánh vòng đeo vô cổ lủng lảng, ăn từ từ, sợ hết. Trong khi, mấy đứa khác phải nhịn thèm!

Bánh vòng làm bằng bột nắn thành vòng tròn, chiên chín, xõ xâu khoảng 20 cái vào cọng dây lác; bánh neo thì hình vòng tròn to gần bằng cườm tay, có ngào đường; miền Tây gọi bánh còng. Tiếc là khi tôi tìm hiểu, hóa ra các loại bánh này gần như tuyệt tích. Thế nhưng, lục lại tư liệu, thấy nó vẫn tồn tại trong sáng tác của anh bạn- nhà thơ Trần Thy Dạ Thảo (quê Tân Lân), mà tôi và Lê Hồng Hoàn, từng say sưa ngâm nga:

Con đứng bên bờ cửa Tiểu Dương,
Khát khao từng chiếc bánh neo đường…

Cần Đước còn nổi tiếng với nghề làm lạp xưởng. Ngay từ năm 1959, khi gia đình tôi từ Ao Xoài ra lập nghiệp ở Ngã ba bến xe đò, đã thấy gia đình Bà Chín Túc làm lạp xường, phơi minh đỏ ao, trên những cây sào tre. Khi mở tiệm ăn, cha tôi cũng làm lạp xưởng, nướng bán cơm, làm đồ nhậu và bán cho các xe đi du lịch biển Tân Thành ( Gò Công).

Tác giả đi thực tế tại các đình, lăng thuộc ấp 5 xã Phước Đông.

Gia đình tôi nghỉ bán tiệm, rời Cần Đước từ năm 1965. Nghe nói Bà Chín Túc cũng còn làm, sau năm 1975 mới nghỉ. Tới thời mở cửa, một số hộ lại khôi phục nghề này, tiếng tăm “lạp xưởng Cần Đước” ngày càng vang xa, khẳng định thương hiệu.

Đâu chỉ có văn hóa ẩm thực, Cần Đước còn bao vốn quý về văn hóa phi vật thể khác!


Thời nhỏ, nhớ năm đó xứ Cần Đước gặp hạn hán. Đám con nít tự nguyện theo dòng người lớn ở Xóm Ao Xoài đi “hồ bơi”. Nghe nói phải kêu lớn, thấu trời ổng mới nghe, mà cho mưa xuống. Vì vậy, dù đi giữa trời nắng lửa, đất nẻ khô cằn, nhưng đứa nào cũng rán la đến khàn cổ:
“Hồ bơi! hồ bơi! Lạy trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, cho ruộng tôi cày…” Phong tục này, đến thời bom đạn, từ năm 1960, thì không còn nghe ai nhắc. Sau này, tôi mới nhận ra, đây là phong tục cầu mưa ở Cần Đước, ít thấy ở nơi nào.

Tôi nghỉ, Văn hóa dân gian Cần Đước khá đa đạng, có nét riêng; bởi theo thống kê của ThS. Nguyễn Văn Đông, trong sách Người Cần Đước, trên địa bàn có khoảng 200 đình, miễu, đền, lăng. Các nghi thức cúng tế hay lễ kỳ yên hằng năm diễn ra như thế nào; Và các lễ cúng Ao, tống phong, cúng Hỗ, tế cá Ông ra sao? Tôi chưa nghiên cứu, nhưng có lẽ rất độc đáo và phong phú, lưu giữ được giá trị truyền thống.

Mặt khác, trong quá trình cộng cư; người Hoa ở rải rác tại các chợ Cần Đước, Long Hựu, xã Tân Trạch… lập nên bang Triều Châu, có trường dạy tiếng phổ thông là Kiều Quang học hiệu, tôi từng theo học. Ở các chợ thường có chùa Ông Bổn, với lễ vía Quan Thánh Đế hàng năm. Ở ngoại vi xã Tân Ân, còn có một nghĩa địa Triều Châu. Tôi còn nhớ, các ngày rằm tháng giêng, tháng bảy và trung thu, bang Hoa Kiều đứng ra tổ chức cúng kiến, thí giàn, cộ đèn rôm rả, khi chiến tranh ác liệt mới mất dần.

Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em…

Nhớ khi công tác Văn hóa ở huyện Phụng Hiệp (1982-1994),  mỗi ngày đi làm việc, phải qua đò ngang qua kinh Ngã Bảy, tôi hay nán lại, tìm xem có chiếc ghe mũi đỏ nào không, bởi tôi biết đó là kiểu ghe Cần Đước. Như ông Trời xui khiến, một hôm tôi bất ngờ gặp lại ông thầy Quá (anh BS Nhiều, từng dạy thêm lớp năm ở xóm Trễ). Giờ đây, sau “năm chìm bảy nổi” ông đã thành dân thương hồ chánh hiệu, chuyên chở lu, hủ, khạp từ miệt Lái Thiêu về bán chợ Ngã Bảy, có khi cả tuần. Nhậu với Thầy mấy lần trên mui ghe, thầy cho biết: rất nhiều ghe Cần Đước xuống chợ Ngã Bảy, Cái Răng mua bán. Sau này, đi vào công việc nghiên cứu, tôi cứ mơ mơ màng màng về cái kiểu ghe mũi đỏ và nghề thương hồ Cần Đước – Cần Thơ! Một công trình nghiên cứu, một tác phẩm nghệ thuật ra đời từ đây, được chăng?

Văn hóa dân gian Cần Đước, với tôi bao nhiêu đó cũng đã là vốn quý! Người cao tuổi ở Long Hựu, Phước Đông khoảng 80 tuổi trở lên chắc nhớ rõ về kiểu lễ, đi “hồ bơi”, hay các nghi thức gốc về cúng tế khác. Cở tuổi tôi và trang lứa, có lẽ biết rành về cái bánh vòng, bánh neo, bánh in hay nghề làm lạp xưởng truyền thống. Tôi nghỉ, nếu có điều kiện, cơ quan chức năng của huyện nên làm một đề tài nghiên cứu sâu, chi tiết, nhằm bảo tồn và phát huy tốt Văn hóa dân gian Cần Đước. Không chỉ để lưu giữ, mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về các thế hệ tiền nhân đã góp nhiều công sức xây dựng Văn hóa Người Cần Đước hôm qua, hôm nay và mai sau.

Nhâm Hùng

Bài trướcThanh Minh quà tặng!
Bài tiếp theoVài loại rau trong nông thôn Việt

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây