Th.S NGUYẾN VĂN ĐÔNG
Hàng năm vào mùng 6 Tết đến rằm tháng giêng Người Cần Đước tổ chức cúng miễu nhằm mang lại cuộc sống bình yên trong xóm làng, xua tan dịch bệnh…trở thành truyền thống của địa phương.
Ở Cần Đước, nhất là vùng Hạ hầu như xóm nào cũng có một cái miễu. Hình ảnh một cái am nhỏ nằm dưới cây mấm to cheo leo, huyền bí ở ven rạch ven sông đã rất quen thuộc từ thời thơ ấu và cúng miễu là lễ hội đầu tiên mà những đứa trẻ biết được trong đời.
Miễu thường thờ nữ thần như Bà Ngũ hành hay Bà Chúa Xứ, nhưng cũng có một vài xóm ở Cần Đước không có miễu mà có Nhà vuông (ở Tân Lân, Long Hựu…) và thờ Tiên sư chứ không thờ nữ thần.
Nhà vuông được xem một dạng đình ở thôn nhỏ được xem như tiền thân của đình làng sau nầy, Tiên sư được xem như tiền hiền ở xóm, có đóng góp nhiều trong việc lập xóm và dạy dỗ nhân dân làm ăn.
Miễu thường làm bằng cây, nho nhỏ rộng khoảng 2m², đủ để có chỗ thờ Bà. Phía trước miễu thường có cái vỏ ca hơi rộng để bà con có chỗ tụ họp chuẩn bị lễ bái. Miễu thường nằm dưới góc cây mắm to, cạnh mé sông mé rạch. Khung cảnh ở đây trông cũng âm u, tịch mịch nên ngày thường trẻ con ít dám đến chơi. Bây giờ thì miễu nào cũng được xây dựng khang trang, thoáng mát.
Miễu chủ yếu thờ Bà và người ta tin nhiều điều linh thiêng về Bà, như:
- Bà mang lại sự yên ổn trong cuộc sống cho dân thôn, xua tan dịch bệnh, phù hộ nuôi con nít không bị bệnh tật vì ngày xưa chưa có chương trình tiêm ngừa các bệnh trẻ em nên đẻ con nít rất khó nuôi và cũng là nỗi ám ảnh thường xuyên của nhân dân và của các bà mẹ!.
- Và khi ai có hành vi hay ăn nói hổn láo với Bà thì Bà sẽ vật chết liền! Có lẽ vì vậy mà trong dân gian có từ “Bà vật” dùng để rủa người có hành vi trái khoái.
Cúng miễu thường diễn ra trong tháng Giêng, thường từ Mùng 6 trở đi, diễn ra trong 2 ngày, kinh phí thường do nhân dân trong ấp đóng góp và của những người ngoài địa phương, thường là những người mua bán muốn xin lộc may của Bà để làm ăn!. Cũng có người cầu Bà xong và sau đó ngẩu nhiên được may mắn nên càng tin tưởng Bà và năm sau trở lại cúng rất lớn!.
Ngày xưa cúng Bà không thể thiếu phần diễn của bà bóng và thường có một ông đờn cò đi theo đờn cho bà bóng diễn. Bà bóng múa rất hay: múa bông, múa mâm vàng và hát rổi những bài cúng bà. Riêng mấy bà trong xóm thì chờ nhất là phần ợ ngáp lên đồng của bà bóng để hỏi chuyện gia đình mình và Bà sẽ phán. Và cũng vì phần nầy mà sau giải phóng chính quyền cho là mê tín dị đoan và dẹp luôn bà bóng.
Bây giờ người ta thay Bà bóng bằng múa lân và chặp hát bội. Cúng miễu còn có phần tụng kinh niệm phật của ông thấy chùa và nhóm phật tử và hầu như toàn thể nhân dân trong ấp đều tham dự. Trong một gia đình từ ông bà, cha mẹ cho đến con cháu đều dự cúng miễu. Vì vậy người ta mới nói rằng ai đi xa lâu ngày mới về quê, nếu muốn gặp đông đủ bà con mà không có điều kiện thì cứ chờ đến dự đám cúng miễu.
Kết thúc cuộc cúng miễu là phần Lễ tống gió (tống ôn): người ta thã xuống sông một chiếc bè chuối có mô hình chiếc tàu chiến có binh lính, súng to theo gió trôi ra sông với mong ước tàu sẽ mang theo mọi rủi xui, bệnh tật ra khỏi xóm làng trong năm.
Nói chung dù tổ chức với hình thức nào thì cúng miễu đều mang một ý nghĩa lớn nhất là cầu an, cầu cho xóm làng an lành suốt một năm, thoát khỏi thiên tai, dịch bệnh. Đó cũng là mơ ước của những người lưu dân xưa và cũng là mơ ước ngàn đời của nhân dân ta.
Ngoài cái miễu của xóm, nếu chịu khó quan sát thì sẽ thấy ở cạnh cái ao nào cũng có một cái miễu nhỏ. Miễu nầy thờ Bà thủy để lấy uy Bà mà giữ gìn trông coi dùm nguồn nước quí giá cho cuốc sống của bà con. Vì ao thường được đào ở xa khu dân cư nên rất khó cho việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Trẻ con hay người lớn nếu kém ý thức có thể nhảy xuống tắm. Hoặc trâu bò nếu không được giữ cẩn thận cũng có thể lội xuống uống nước rồi ỉa đái làm bẩn nguồn nước.
Miếu Bà Xóm Mương được trùng tu năm 2021 từ gia đình Ông Mai Văn Bực (Tám Rặc).
Và để giải quyết vấn đề khó khăn nầy, những người khôn ngoan của cộng đồng đã biết dựa vào uy lực của thần linh để hù dọa những người kém ý thức không dám xâm hại nguồn nước có tính sống còn của làng xóm nầy. Thế là ngay sau khi đào ao xong, bổng một hôm người ta phao tin truyền tai nhau là lúc nửa đêm có thấy một vầng sáng xẹt xuống ngay ao. Và cho đó là Bà giáng. Như vậy là Bà đã hiển linh hiện về ngự trị ở ao. Nên dân trong xóm phải hùn tiền xây một cái miễu để thờ Bà.
Vậy là xuất hiện cái miễu cạnh ao và từ nay ai mà dám cả gan phá nước ở ao thì sẽ bị “Bà vật” chết. Và cũng từ đó trong ngôn ngữ dân gian có thêm từ “Bà vật”. Từ nầy thường được sử dụng để thề hay rủa xả. Và cũng có thêm từ “Bà nhập” để chỉ những người đôi lúc tính tình bất thường.
Từ khi ngôi miễu được lập nên thì nước ao được giữ trong lành mà không cần ai phải canh gác vì đã có Bà làm thay rồi. Cái miễu nhỏ nầy cũng có người chăm sóc và hàng năm đều được cúng bái đàng hoàng.
Mỗi năm tổ chức cúng miễu một lần, thường các miễu cúng rộ sau khi ăn Tết vào tháng Giêng. Cúng miễu bao giờ cũng có rước bà bóng. Sau 75 người ta không khuyến khích cúng miễu và cũng cấm luôn bà bóng vì cho là mê tín dị đoan, làm cho bà con cảm thấy cuộc cúng miễu trở nên buồn tẻ và lòng người cũng buồn theo. Cấm cúng miễu làm dân tình bực bội, lại trùng hợp trong xóm có mấy đứa con nít khó nuôi, họ bèn có dịp đổ thừa tại mấy ông cách mạng vô lễ với Bà nên xóm đã bị Bà quở!.
Người trong xóm dự cúng miễu không thiếu một ai. Chuyện kể: -có một ông trong xóm sau nhiều năm đi kháng chiến trở về, than thở không biết làm sao để gặp lại đông đủ bà con! Người cháu bèn khuyên ông nên về dự ngày cúng miễu của xóm. Quả thật trong lễ cúng miễu năm đó ông đã được gặp tất cả mọi người sau bao năm xa cách mà không phải đến từng nhà để thăm.
Người đi làm ăn xa đến ngày cúng miễu cũng đều thu xếp để về xin Bà phù hộ cho công việc mần ăn. Nếu năm đó gặp may làm ăn được, họ sẽ về sắm lễ cúng rất lớn. Có khi còn rủ thêm mấy người bạn làm ăn chung về xin lộc Bà, có cả những người Hoa ở Chợ Lớn. Bây giờ cúng miễu người ta còn mời thêm đại diện của những miễu khác đến dự nên cũng rất đông đảo, như miễu ấp Bà Chủ lễ cúng năm 2016 khách dự có cả ngàn lượt người, tiền bá tánh cúng được bảy, tám chục triệu.
Người ta đi cúng miễu là để vái xin Bà phù hộ cho một năm được mạnh giỏi, gia đạo bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn suông sẻ và đặc biệt là nhờ Bà phù hộ nuôi con nít được khỏe mạnh. Vì thời trước chưa có chương trình tiêm ngừa các bệnh trẻ em nên con nít rất khó nuôi.
Th.S Nguyễn Văn Đông