Cúng miễu ở Cần Đước

0
530

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Chuyện xóm làng ở Cần Đước
Nhà tôi ở Xóm Đáy tính đến nay đã được tám đời, nghe đâu từ giữa thế kỷ 19. Gọi là Xóm Đáy vì bà con xóm nầy ngoài làm ruộng thì có thêm nghề đóng đáy, cứ nối truyền nhau từ đời ông cha. Mãi đến năm 1976 chính quyền cho đấp con đập Cầu Chùa để ngăn mặn giữ ngọt từ đó sông không còn chảy thì nghề đáy cũng ngừng theo.
Tôi được sinh ra và lớn lên gắn bó với cái Xóm Đáy nầy từ thập niên 50 thế kỷ 20. Một cái xóm nhỏ nhưng nhớ lại từ chuyện sản xuất làm ăn cho đến những sinh hoạt văn hoá tinh thần có những nét vừa đặc thù vừa đặc trưng của một vùng đất sông nước Miền Hạ Cần Đước, vốn cũng có lịch sử hơn 300 năm cùng với Sài Gòn-Gia Định.
Ghi lại câu chuyện của cái xóm này để nhớ về tuổi thơ, về cha ông và giới thiệu bà con đọc chơi trên người Cần Đước online…

——————————-

Cúng miễu Bà
Đình thì gắn với làng còn miễu thì gắn với xóm. Ở Cần Đước và nhất là vùng Hạ hầu như xóm nào cũng có một cái miễu có lịch sử hơn trăm năm. Đình thì thờ Thành hoàng còn miễu thì thờ Nữ thần theo tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn gốc từ miền Bắc trong lịch sử xa xưa của dân tộc với Bà chúa Liễu Hạnh đến nữ thần Thiên Y A Na ở miền Trung và vào đến miền Nam thì thờ Bà Chúa Xứ hoặc Bà ngũ hành (Kim Mộc Thủy Hoả Thổ), nên thường nói theo dân gian là thờ Bà hay cúng miễu Bà. Riêng dân sống nghề sông nước như đóng đáy thì thờ Bà Thủy Long.
Thành hoàng được xem là vị thần bảo hộ của làng, còn Bà thờ ở miễu thì được xem là vị thần bảo hộ của xóm, che chở cho dân được sống bình an, mưa thuận gió hoà, làm ăn phát tài, tiêu trừ bệnh tật. Lễ cúng miễu mỗi năm một lần và thường được tiến hành vào tháng Giêng. Thường thì ngày xưa ăn Tết và cúng miễu xong thì mọi người có thể yên tâm xuất hành như lui ghe đi làm ăn.
Ngày xưa miễu thường nằm ở ven sông rạch, cạnh cây mấm to, không gian âm u tĩnh mịch nhưng nay xã hội phát triển miễu nào cũng được đóng góp xây dựng khang trang và niềm tin vào Bà vẫn còn rất lớn trong tâm thức của người dân và trên hết vẫn là sự mong ước cuộc sống được bình an, thoát được những xui rủi.

Miễu bà Xóm Mương, Phước Đông, Cần Đước

Ngoài miễu xóm thì còn có miễu ao. Ao là một sáng tạo độc đáo của tổ tiên người Cần Đước để trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho đời sống trong vùng đất nước mặn phèn chua, thiếu nước ngọt trầm trọng trong 6 tháng mùa khô, không có nước ngọt thì không thể tồn tại được.. Ao thường được đào ở vùng đất cao xa nguồn nước mặn, xa xóm dân cư thường ở cạnh các con rạch nên rất khó trông giữ, vì vậy dân phải dựng miễu thờ Bà để những người kém ý thức vì kiêng sợ Bà mà không dám phá bẩn nguồn nước này. Miễu ao cũng thờ Bà thủy Long.

Ngoài ra còn có miễu Ông hỗ thờ cọp như miễu Ông hổ ở ấp 4 xã Tân Ân. Sự tồn tại của miễu Ông hổ chứng tỏ những ngày đầu đến Cần Đước ông bà ta phải đối đầu với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ như cọp. Và trong cuộc đối đầu với cọp dân chúng vừa ghét vừa sợ, có khi cũng bất lực và để yên ổn làm ăn người ta phải thể hiện sự kính thờ.

Đước

Miễu Ao Xoài, Phước Đông, Cần Đước

Ở vùng Hạ Cần Đước dường như xóm nào cũng có một cái miễu thờ Bà Ngũ Hành hay Bà Chúa Xứ. Miễu thường làm bằng cây, nho nhỏ rộng khoảng 2m², đủ để có chỗ thờ Bà. Phía trước miễu thường có cái vỏ ca hơi rộng để bà con có chỗ tụ họp chuẩn bị lễ bái. Miễu thường nằm dưới góc cây mắm to, cạnh mé sông mé rạch. Khung cảnh ở đây trông cũng âm u, tịch mịch nên ngày thường trẻ con ít dám đến chơi. Bây giờ thì miễu nào cũng được xây dựng khang trang, thoáng mát.

Mỗi năm theo lệ tổ chức cúng miễu một lần, thường các miễu cúng rộ sau khi ăn Tết. Cúng miễu bao giờ cũng có rước bà bóng. Sau 75 người ta không khuyến khích cúng miễu và cũng cấm luôn bà bóng vì cho là mê tín dị đoan, làm cho bà con cảm thấy cuộc cúng miễu trở nên buồn tẻ và lòng người cũng buồn theo.
Phần lễ còn có nội dung tụng kinh cầu an do ông sư ngôi chùa trong xóm và phật tử đảm nhiệm. Sau này còn bổ sung thêm phần văn nghệ cây nhà lá vườn hoặc có Mạnh thường quân rước đoàn hát từ Sài Gòn về trước cúng Bà sau cho bà con mình xem.
Người trong xóm dự cúng miễu không thiếu một ai. Người đi làm ăn xa đến ngày cúng miễu cũng đều thu xếp để về xin Bà phù hộ cho công việc mần ăn. Nếu năm đó gặp may làm ăn được, họ sẽ về sắm lễ cúng rất lớn. Có khi còn rủ thêm mấy người bạn làm ăn chung về xin lộc Bà, có cả những người Hoa ở Chợ Lớn. Bây giờ cúng miễu người ta còn mời thêm đại diện của những miễu khác trong vùng đến dự nên cũng rất đông đảo, như miễu ấp Bà Chủ nay là khu 1b thị trấn Cần Đước lễ cúng khách dự có cả ngàn lượt người, tiền bá tánh cúng được bảy, tám chục triệu.

Chuyện kể: -có một ông trong xóm sau nhiều năm đi kháng chiến trở về, than thở không biết làm sao để gặp lại đông đủ bà con!. Người cháu bèn khuyên ông nên về dự ngày cúng miễu của xóm. Quả thật trong lễ cúng miễu năm đó ông đã được gặp tất cả mọi người sau bao năm xa cách mà không phải đến từng nhà để thăm.
Người ta đi cúng miễu là để vái xin Bà phù hộ cho một năm được mạnh giỏi, gia đạo bình an, mưa thuận gió hòa, làm ăn suông sẻ và đặc biệt là nhờ Bà phù hộ nuôi con nít được khỏe mạnh. Vì thời trước chưa có chương trình tiêm ngừa các bệnh trẻ em nên con nít rất khó nuôi.
Thường cuối buổi lễ cúng miễu có lễ Tống ôn bằng cách thả ra sông một chiếc tàu chiến làm bằng giấy đặt trên bè chuối, có đầy đủ súng ống quân lính, với ước muốn là sẽ tống ra khỏi xóm những rủi xui, bệnh tật. Kết thúc lễ cúng miễu là phần ban tổ chức công khai thu chi cho bà con trong xóm biết, nếu có dư thì bàn làm những việc công ích trong xóm.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcKỷ niệm về mái trường xưa – Cần Đước.
Bài tiếp theoGần 150 nghệ nhân, tài tử dự Liên hoan Đờn ca tài tử Nam Bộ tại Cần Đước, tỉnh Long An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây