Đặc điểm phát triển tôn giáo ở Cần Đước

0
555

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Tôn giáo thường gắn liền với dân cư. Trong tiến trình dân cư từ miền ngũ Quảng từ thế kỷ 17, 18 đi về phương Nam thì cũng mang theo Phật giáo và Phật giáo cũng đã được ghi nhận có mặt từ rất sớm ở Cần Đước với sự xuất hiện của tiền thân chùa Thiên Mụ ở thôn Tân Trạch từ đầu thế kỷ 18 (1726) và 80 năm sau -năm 1790- chùa được mang tên Thiên Mụ gắn với câu chuyện chúa Nguyễn Ánh ban tặng để đền ơn cưu mang thời bôn tẩu năm 1783.

Trở lại lịch sử khai phá vùng Cần Đước tính từ mốc năm 1698 khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định thì Cần Đước thuộc huyện Phước Long của phủ nầy. Lúc nầy toàn phủ có khoảng 4 vạn hộ với 200 ngàn di dân tự phát, như vậy ở Cần Đước chắc chắn đã có dân cư dù có thể còn thưa thớt.

Từ sau 1698 đến giữa thế kỷ 18, với những chính sách khuyến khích di dân cụ thể của các chúa Nguyễn thì qua tư liệu cho thấy vùng Cần Đước được khai phá mạnh hơn, dân cư tăng nhanh và hình thành nhiều xóm làng. Theo sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì khoảng giữa thế kỷ 18 người ta đã thấy ở cửa sông Soài Rạp ghe thuyền mua bán rất tấp nập, chủ yếu là ghe thuyền từ Thuận Hóa vào mua gạo cho nhu cầu của vùng nầy và có tư liệu cho rằng hàng năm có khoảng 1000 thuyền chuyên buôn gạo cung cấp cho Thuận Hóa. Cần Đước về mặt địa lý thì nằm ngay cửa sông Soài Rạp nên chắc chắn dân cư và kinh tế cũng đã khá phát triển trong bối cảnh chung nầy.

Nhưng ngoài chùa Thiên Mụ xuất hiện khá sớm ở thôn Tân Trạch (1726)  thì suốt thế kỷ 18 không còn ghi nhận thêm một ngôi chùa nào nữa ở Cần Đước. Đây là một hiện tượng cần tìm hiểu. Tuy nhiên có thể lý giải là tuy chưa có nhiều nhưng chùa Thiên Mụ không phải là ngôi thảo am duy nhất có ở Cần Đước trong giai đoạn nầy, mà có lẽ vì chùa Thiên Mụ có gắn với chuyến tạm trú của chúa Nguyễn Ánh năm 1783 nên có điều kiện tồn tại và được biết đến nhiều hơn!

Mãi sang đến thế kỷ 19 mới thấy xuất hiện thêm chùa mới và trong suốt thế kỷ ghi nhận cũng chỉ có 10 ngôi chùa. Các ngôi chùa này rải đều từ vùng Hạ tới vùng Thượng và xuất hiện cách nhau từ 10 đến 20 năm mới có thêm một ngôi chùa.

Chùa gắn liền với dân cư nên qua đó cũng cho thấy vào thế kỷ 19 nầy dân cư đã quần tụ nhiều khắp trên địa bàn Cần Đước. Từ Tân Ân, Phước Tuy, Tân Lân, Phước Đông ở vùng Hạ cho đến Long Định, Long Trạch, Tân Trạch, Long Hòa ở vùng thượng.

Tính từ đầu thế kỷ 19 đến thời điểm thực dân Pháp bắt đầu đặt chân đếm Nam Kỳ 1860 thì ở Cần Đước mới có 07 ngôi chùa. Ba mươi năm đầu được ghi nhận sự xuất hiện 03 ngôi chùa là chùa Phước Hưng năm 1805, làng Phước Tuy; chùa Long Phước năm 1823, làng Long Định và chùa Phước Lâm năm 1826, làng Tân Ân. Đây là những địa bàn nằm cạnh sông Vàm Cỏ Đông và sông Cần Đước, là những vùng dân cư đầu tiên được hình thành sớm ven sông do đặc điểm di chuyển lúc ban đầu từ miền Thuận Quảng vào chủ yếu đi bằng đường biển rồi rẻ vào các con sông. Chùa Phước Lâm được xây dựng sớm từ năm 1826 tại khu vực chợ Cần Đước (nay là khu phố 5 thị trấn Cần Đước), vùng kinh tế phát triển sớm của vùng Hạ Cần Đước.

Đến thập niên 40 thế kỷ 19 ghi nhận sự xuất hiện thêm hai ngôi chùa là chùa Hội Phước năm 1840 ở làng Long Trạch và chùa Long Nghĩa năm 1847 ở làng Long Hòa. Qua đó chúng ta thấy từ ngoài ven sông thì dân cư đã tiến sâu vào nội địa như vùng Long Hòa, Long Trạch và cùng với đó thì cũng lập chùa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Chùa Long Nghĩa được xây dựng ngay chợ Rạch Kiến nơi đã có đông dân cư và kinh tế phát triển đã thành chợ. Sau khi có chùa Long Nghĩa ở Long Hòa năm 1847 thì 13 năm sau, năm 1860 xuất hiện chùa Khánh An ở xã Long Sơn. Đến thời điểm nầy trên địa bàn Cần Đước về mặt tôn giáo đã có đạo Phật với 07 chùa.

Sau sự xuất hiện của chùa Khánh An xã Long Sơn năm 1860 thì 20 năm sau đó không thấy có thêm ngôi chùa nào do xã hội mất ổn định từ cuộc xâm lược của thực dân Pháp trên địa bàn huyện.

Chúng ta nhớ thời điểm tháng 2/1859 thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm thành Gia Định, đến tháng 2/1861 chiếm đại đồn Chí Hòa và tiến đánh lấn ra chiếm Tân An, Biên Hòa, Gò Công…và Cần Đước từ rất sớm đã trở thành địa bàn chiến đấu của nghĩa quân dưới cờ của những thủ lĩnh như Bùi Quang Diệu, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Văn Thế, Nguyễn Văn Tiến…nhằm ngăn chặn bước tiến quân của Pháp.

Vì là chiến trường nên xã hội bị xáo trộn không ổn định và mọi nguồn lực cần tập trung cho mục tiêu chống Pháp nên những nhu cầu khác phải dừng lại, đó là lý do rất thuyết phục để giải thích vì sao trong suốt 20 năm từ sau 1860 đến 1880 ở Cần Đước không xuất hiện thêm một ngôi chùa nào.

Nhưng những cuộc khởi nghĩa ở Cần Đước dù rất kiên cường cũng sớm lụi tàn do tương quan lực lượng không cân sức và cũng do thực dân Pháp tập trung đàn áp. Năm 1862 Pháp chiếm ba tỉnh miền Đông. Từ sau trận đánh chìm tàu giặc ở Vàm Nhật Tảo ngày 10/12/1861 thì Nguyễn Trung Trực đã rút về Biên Hòa và sau đó lui về Rạch Giá; năm 1864 Trương Định tuẫn tiết ở Gò Công và trong bối cảnh cùng đường đó Bùi Quang Diệu đang hoạt động ở Cần Đước buộc phải chọn con đường bãi binh và ra hàng Pháp tháng 9/1866. Như vậy thực dân Pháp đã bình định được vùng Cần Đước ngay nữa đầu thập niên 60 của thế kỷ 19 và xã hội đã không còn chiến tranh, trở lại yên ổn dù dưới sự cai trị của giặc ngoại xâm. Và chính sự ổn định tạm thời nầy mà chùa chiền tiếp tục được xây dựng ở Cần Đước như Phước Đông, Tân Lân, Tân Trạch.

Trong tình thế Pháp đã bình định xong Nam Kỳ, các cuộc đấu tranh chống Pháp ngày càng đi vào bế tắt và lắng dịu, tình hình xã hội tạm yên ổn nên Pháp đã cho đào con kinh Nước Mặn trên địa bàn Cần Đước năm 1879 và chùa chiền cũng đã tiếp tục được xây dựng như chùa Phước Lâm xã Tân Lân năm 1880, chùa Phước Sơn xã Phước Đông 1884, chùa Quang Minh xã Tân Lân và chùa Định Phước xã Tân Trạch 1890.

Cho đến hết thế kỷ 19 ở Cần Đước đã có 10 chùa Phật và đều là những chùa được xây dựng to lớn. Các chùa Phước Lâm xã Tân Ân; chùa Phước Lâm, chùa Quang Minh xã Tân Lân; chùa Phước Sơn xã Phước Đông tuy ở khác địa bàn hành chính nhưng trên thực tế thì nằm rất gần nhau trên địa bàn vùng đông dân cư quanh chợ Cần Đước. Nay các chùa nầy đều thuộc thị trấn Cần Đước. Điều nầy cho thấy vào cuối thế kỷ 19 khu vực chợ Cần Đước kinh tế xã hội cũng đã khá phát triển.

Thời điểm nầy Nam Kỳ đã nằm dưới sự thống trị của thực dân Pháp song song đó là một quá trình tập trung ruộng đất vào tay điền chủ. Và những người điền chủ có tâm đã bỏ tiền xây chùa.Chùa Phước Lâm và chùa Quang Minh (1890) ở làng Tân Lân, chùa Phước Sơn làng Phước Đông (1884)…đều do điền chủ bỏ tiền xây dựng. Chùa Phước Lâm là do họ Bùi (ông Hội đồng Tôn) và chùa Quang Minh là do họ Đinh (ông Hương thân Cang), chùa Phước Sơn do dòng họ Lê bỏ tiền xây dựng và rước sư về làm trụ trì.

Từ đó chùa ở Cần Đước có một đặc điểm là có chủ chùa tức là người bỏ tiền ra xây dựng chùa, hiến ruộng đất cho chùa để hổ trợ kinh tế cho nhà chùa tồn tại và hoạt động. Ông sư trụ trì chủ yếu lo phần nghi lễ cúng tế và có một gia đình gồm vợ con ở cạnh chùa,  bà vợ cũng có vai trò giúp đở cho ông chồng trụ trì nhiều việc trong sinh hoạt thường ngày của chùa.

Từ đặc điểm nầy nên chùa không còn là những thảo am nhỏ bé thời còn hoang sơ mà thường được xây to lớn, đẹp, hoàn chỉnh theo một mô thức kiến trúc từ chùa chính cho đến nhà trù. Kiến trúc, tượng phật được chạm trổ tinh vi, kèm theo là một hệ thống hoành phi câu đối. Chùa được hiến ruộng như chùa Phước Lâm, Tân Lân có đến mấy chục mẩu ruộng và từng là tổ đình của dòng Lâm Tế ở Cần Đước, nuôi dưỡng đào tạo rất nhiều tăng tài.

Có thể nói thế kỷ 19 là thời kỳ kinh tế xã hội Cần Đước đã khá phát triển và kèm theo đó Phật giáo cũng có điều kiện phát triển theo với sự hiện diện của những ngôi chùa to trên các khu vực đông dân như chợ Cần Đước, chợ Rạch Kiến, làm chỗ dựa tâm linh và góp phần làm phong phú đời sống tinh thần và đạo đức xã hội.

Đạo công giáo đã bám rễ ở Cần Đước từ đầu thế kỷ 18 với những giáo dân chạy nạn từ miền ngoài, họ đi bằng đường biển hòa trong dòng lưu dân vào cửa Soài Rạp rẻ vào sông Vàm Cỏ Đông, ghé vào những biền lá ven sông phá rừng và lập thành những xóm đạo. Nhà thờ Nha Ràm được ghi nhận ở xã Tân Trạch năm 1802, đây là thời điểm chúa Nguyễn Ánh đã đánh bại hoàn toàn nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên ngôi với niên hiệu Gia Long và đã có chính sách cởi mở đối với đạo công giáo. Đến năm 1870 ghi nhận thêm sự có mặt của nhà thờ Mỹ Điền ở xã Long Hựu và nhà thờ Vạn Phước ở kinh Xóm Bồ, xã Mỹ Lệ. Đáng chú ý là hai nhà thờ nầy xuất hiện chỉ sau ba năm khi người Pháp đã chiếm xong Nam Kỳ (1867) và chắc là sự có mặt của người Pháp đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời của hai nhà thờ công giáo nầy.

Như vậy đến cuối thế kỷ 19 ngoài chùa chiền Phật giáo thì ở Cần Đước đã xuất hiện thêm những nhà thờ Công giáo với đặc điểm là đều nằm ở ven sông Vàm Cỏ Đông và nhánh rẻ kinh Xóm Bồ, Mỹ Lệ.

Sự hiện diện của người Pháp vào giữa thế kỷ 19 cũng là chỗ dựa thuận lợi cho sự ra đời của hai nhà thờ công giáo Mỹ Điền ở làng Long Hựu và Vạn Phước ở làng Mỹ Lệ vào năm 1880, trong khi những giáo dân đã vào định cư hơn 100 năm trước.

Bước sang thế kỷ 20 là giai đoạn Phật giáo phát triển mạnh ở Cần Đước với 45 chùa cùng với sự xuất hiện của đạo Cao Đài và Tin Lành vào những năm 20, 30 của thế kỷ. Đây là giai đoạn thực dân Pháp đã thôn tính xong đất nước Việt Nam và đi vào tăng cường khai thác thuộc địa, xã hội không còn loạn lạc chiến tranh, không còn những cuộc đấu tranh vũ trang chống Pháp.

Ngay thập niên đầu đã xuất hiện thêm 04 ngôi chùa Phật đều ở vùng Thượng như Thiên Phước (xã Long Trạch, 1900); Tam Bửu (xã Phước Vân, 1900); Phước Linh (xã Long Hòa, 1904); Phước Diệu (xã Mỹ Lệ, 1908).

Đến 15 năm sau vào thập niên 20 mới tiếp tục xuất hiện 04 chùa ở Phước Đông và vùng Long Định, Long Cang như chùa Đông Lâm xã Phước Đông, 1923; chùa Long Phước xã Long Định, 1923; chùa Thọ Vức xã Phước Đông, 1926; chùa Linh Bửu xã Long Cang, 1927.

Đến thập niên 30 xuất hiện một loạt chùa ở Phước Vân như chùa Thiện Phước, 1930; chùa Vĩnh Phước 1932; chùa Tấn Bửu, 1937 và ba chùa ở vùng Hạ là chùa Hưng Long xã Tân Ân, 1935; chùa Phước Long xã Long Hựu, 1938; chùa Phật Sơn xã Tân Lân, 1940.

Như vậy ta thấy trong 40 năm đầu của thế kỷ 20 và trước Cách mạng Tháng 8/1945 đã xuất hiện thêm 14 chùa, nhiều hơn số lượng chùa đã có trong hai thế kỷ 18, 19; đặc biệt là có tới 04 chùa ở làng Phước Vân, chứng tỏ vào đầu thế kỷ 20 vùng nầy cũng đã rất phát triển.

Cũng trong 40 năm nầy, Đạo Cao Đài xuất hiện ở Nam bộ năm 1926 thì cũng rất sớm ảnh hưởng mạnh ở Cần Đước. Trong vòng khoảng 15 năm từ 1926 đến 1940 với sự ra đời của 08 thánh thất cao đài, đặc biệt là ở vùng Hạ như ở các xã Tân Chánh, Tân Ân, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu.

Ngay khi đạo mới ra đời đã có ngay thánh thất Đông Nhì Tân Chánh /1926/ và xuất hiện liên tục đến năm 1935 khi thành lập Hội thánh Ban chỉnh đạo đã lên đến 06 gồm thánh thất Phước Đông /1927/; thánh thất Rạch Kiến /1929/; thánh thất Tân Lân /1929/; thánh thất Cầu Làng Mỹ Lệ /1932/; thánh thất Long Hựu /1935/.

Đạo Cao Đài xuất hiện sớm ở Cần Đước có nhiều nguyên nhân nhưng trong đó có ảnh hưởng của ông Nguyễn Ngọc Tương. Ông Nguyễn Ngọc Tương sinh năm 1881, quê ở Bến Tre, có bằng tú tài Pháp và tham gia làm công chức chính quyền Pháp với hàm tri huyện. Năm 1924 khi 43 tuổi ông được thăng hàm tri phủ và bổ đi làm quận trưởng Cần Giuộc. Trong thời gian nầy ông tìm hiểu và năm 1925 nhập môn đạo Cao Đài. Ông là một vị quan được tiếng là nhân từ thương dân và đạo đức thanh liêm nên rất có uy tín và được lòng dân. Thường có câu: “Ông phủ Ba hiền như Phật, Ông phủ Ba thật từ bi” để ca ngợi ông Tương thời làm quan huyện.

Ông tích cực truyền giảng giáo lý Cao Đài và năm 1926 được phong phẩm Phối Sư rồi Chánh Phối Sư tại chùa Vĩnh Nguyên quận Cần Giuộc. Có lẽ từ uy tín và những mối quan hệ có được khi làm quận trưởng Cần Giuộc và lại là chức sắc Cao Đài nên khi đạo ra đời năm 1926 đã được đông đảo nhân dân Cần Đước, Cần Giuộc mà trong đó nồng cốt là đội ngũ quan chức làng cùng với tầng lớp điền chủ giàu có đã nhanh chóng tiếp nhận đạo Cao Đài.

Năm 1930 ông Nguyễn Ngọc Tương khi đang còn là công chức,  được phong quyền Thượng Đầu Sư và năm 1931 ông chính thức  xin nghĩ hưu để toàn tâm làm việc đạo, được người Pháp đồng ý cho hưu trí và phong hàm Đốc phủ sứ. Sau khi về hưu ông về làm việc ở Tòa thánh Tây Ninh và được giao làm chấp chưởng có nhiệm vụ quan hệ với chính phủ và xin phép thành lập các thánh thất.

Do những bất đồng nghiêm trọng giữa các chức sắc cao cấp không giải quyết được, ông rời tòa thánh về ẩn tu ở núi Kỳ Vân (Đất Đỏ, Bà Rịa) và sau đó trở về Bến Tre thành lập Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo và được suy tôn làm Giáo tông của Hội thánh nầy chính thức vào đầu năm 1935. Có lẽ do ảnh hưởng sẵn có từ ông Tương nên tất cả 06 họ đạo Cao Đài đang có ở Cần Đước năm 1935 đều tùng theo về hội thánh Ban chỉnh đạo Bến Tre. Và tính đến năm 1940 thì có thêm hai thánh thất là thánh thất Phước Tuy /1938/ và thánh thất Tân Ân /1940/ cũng tiếp tục gia nhập hội thánh Bến Tre và như vậy đạo Cao Đài ở Cần Đước đã có tất cả 08 thánh thất.

Ngoài đạo Cao Đài xuất hiện ở Cần Đước thì giữa những năm 30 cũng đồng thời bắt đầu xuất hiện đạo Tin Lành với hai nhà thờ là hội thánh Tin Lành VN ở chợ Cần Đước /1936/ và hội thánh Tin Lành VN ở ngả tư Xoài Đôi, xã Long Trạch /1937/.

Và trong thập niên nầy cũng xuất hiện thêm nhà thờ công giáo Long Kim ở Long Định (1934), nâng số nhà thờ công giáo lên 04 cơ sở cũng từ đó cho đến mãi về sau nầy không có thêm một nhà thờ công giáo nào nữa ở Cần Đước.

Như vậy trong 40 năm đầu của thế kỷ 20 các cơ sở tôn giáo chính thống đã lần lượt có mặt ở Cần Đước là Phật giáo, Công giáo, Cao đài và Tin lành. Ngoài ra ở làng Long Hựu còn xuất hiện một đạo bản địa gọi là “đạo Tâm” hay còn gọi là “đạo nhảy” vào thập niên 20…

Từ năm 1940 đến 1945 đã không ghi nhận thêm sự xuất hiện của bất cứ một cơ sở tôn giáo nào ở Cần Đước. Chúng ta có thể giải thích cho thực tế nầy là từ tình hình chung đã có dấu hiệu mất ổn định trở lại từ sự kiện thế giới đã bắt đầu đi vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), riêng ở Cần Đước thì phong trào cộng sản cũng đã có ảnh hưởng khá sâu rộng trong xã hội và đã nổi dậy với cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, dù đã bị thất bại nhưng xã hội Cần Đước cũng đã không còn yên ổn như trước, từ đó tình hình cũng không thuận lợi để xây dựng chùa chiền, nhà thờ, thánh thất…

Vào thời kỳ 1945 -1954 mặc dù là thời kỳ thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và đã nổ ra cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng chúng ta thấy ở Cần Đước phật giáo vẫn tiếp tục phát triển với sự xuất hiện đều đặn của 06 ngôi chùa gồm chùa Linh Phước (Long Hựu, 1946); chùa An Hòa (Tân Trạch, 1947); chùa Phật Bửu (Phước Vân, 1950); chùa Long Bửu (Long Khê, 1952); chùa Đông Sơn (Long Sơn, 1954); chùa Hưng Quang (Tân Lân, 1954).

Và đạo Cao đài cũng tiếp tục phát triển với 05 thánh thất thuộc Hội thánh Bến Tre gồm nhà tu Tân Trạch /1946/; thánh thất Long Trạch /1951/; thánh thất Long Khê /1952/; thánh thất Long Định /1952/; thánh thất Tân Trạch /1954/ và bắt đầu xuất hiện 01 cơ sở thờ tự hệ Cao Đài Tây Ninh là đền thờ Phật mẫu ở Phước Đông (1947) nay là thị trấn Cần Đước.

Chúng ta thấy các ngôi chùa Phật và các thánh thất Cao Đài xây dựng ở giai đoạn nầy ở Cần Đước có xu hướng phát triển lên ở các xã vùng Thượng. Và Cao Đài Tây Ninh mới bắt đầu bám rể được ở Cần Đước trong lúc Hội thánh Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre đã có 11 thánh thất từ vùng Hạ đến vùng Thượng Cần Đước.  

Giai đoạn 1955-1975 thời chế độ VNCH

-Mặc dù đây là một giai đoạn đầy biến động ở miền Nam, chiến tranh rất ác liệt nhưng trong giai đoạn nầy ở Cần Đước chùa chiền Phật giáo vẫn xuất hiện đều đặn gần như năm nào cũng có và cũng rải khắp địa bàn huyện với 19 chùa, đặc biệt ở xã Phước Đông có thêm đến 06 chùa, xã Mỹ Lệ có thêm 04 chùa. Riêng ấp Xóm Chùa xã Tân Lân đến năm 1967 đã có 04 ngôi chùa.

19 chùa gồm chùa Phước Linh (Phước Đông, 1955); chùa Hưng Cần (Phước Đông, 1957); chùa Phật Quang (Tân Lân, 1958); chùa Từ Ân (Long Khê, 1958); chùa Long Hoa (Long Trạch, 1960); chùa Vạn Phước (Phước Đông, 1961); chùa Pháp Hòa (Mỹ Lệ, 1963); Tân Quang Viện (Tân Lân, 1967); chùa Pháp Minh (Mỹ Lệ, 1969), TX Phụng Hoàng (Long Hựu, 1969); chùa Tường Quang (Phước Tuy, 1970); chùa Hưng Hòa (Mỹ Lệ, 1970); chùa Thiên Sơn (Long Sơn, 1970); chùa Phổ An (Long Trạch, 1970); chùa Linh Phước (Mỹ Lệ, 1972); chùa Long Phước (Long Hòa, 1972); chùa Quan Âm, Tịnh Thất Phước Đức (Phước Đông, 1972); Tịnh Xá Phổ Hiền (Phước Đông, 1975)

Giai đoạn nầy Cao Đài Ban chỉnh đạo Bến Tre tiếp tục có thêm 06 cơ sở, đặc biệt là từ năm 1970 đến 1973 có đến 05 cơ sở trong đó xuất hiện 03 cơ sở dạng nhà tu trung thừa gồm thánh thất Long Cang (1956);  thánh thất Tân Ân (1970); nhà tu Long Ninh xã Long Hựu (1972);  thánh thất ấp 2 Phước Đông (1973);  nhà tu Ao Gòn xã Tân Lân (1973);  nhà tu Long Hưng xã Long Hựu (1973).

Đối với Hội thánh Cao Đài Tây Ninh ngoài Đền thờ Phật mẫu ở chợ Cần Đước có từ năm 1947 thì gần 10 năm sau từ năm 1956 đến 1970 đã có bước phát triển mới với thêm 04 thánh thất là thánh thất Mỹ Lệ (1956); thánh thất ấp Đình Tân Chánh (1960); thánh thất Long Hựu (1964); thánh thất Rạch Kiến (1970) và không phát triển thêm cơ sở nào nữa cho đến ngày nay.

Đạo Cao Đài ngoài hai hệ phái Bến Tre và Tây Ninh thì đến năm 1968 xuất hiện thêm Cao Đài Chiếu Minh với đàn Chiếu Minh ấp Rạch Cát xã Long Hựu. Như vậy xã Long Hựu là xã có nhiều tôn giáo nhất trong huyện từ Phật giáo, Tin Lành, có đủ ba hệ phái Cao Đài Bến Tre, Tây Ninh và Chiếu Minh, lại có thêm Đạo Nhảy xuất hiện ở địa phương. Có thể xem đây là một đặc điểm tôn giáo ở vùng cù lao nầy.

Giai đoạn 10 năm sau ngày thống nhất đất nước (1975-1985)

là giai đoạn được quản lý theocơ chế tập trung quan liêu bao cấp thì mọi hoạt động tôn giáo đi vào tình trạng trầm lắng. Suốt 10 năm chỉ ghi nhận có thêm ba cơ sở tôn giáo là Tịnh thất Tam Bửu xã Phước Vân, 1976; nhà thờ Tin Lành VN xã Long Hựu Đông, 1981/ và chùa Liên Trì xã Long Khê, 1983.

Giai đoạn từ 1986 trở đi là thời kỳ đổi mới nên tư duy quản lý đối với tôn giáo cũng cởi mở hơn trước. Về Phật giáo từ 1992 đến 1996 có thêm 04 chùa là chùa Phổ Minh xã Phước Vân, 1992; chùa Huệ Đăng, 1992; chùa Tân Long, 1993 ở thị trấn Cần Đước; chùa Tào Khê xã Long Khê, 1996 và đến đây thì không còn thêm chùa mới nữa từ chủ trương chung.

Đối với đạo Cao Đài thì Cao Đài Bến Tre không có thêm cơ sở mới từ 1970, và Cao Đài Tây Ninh cũng không có thêm cơ sở mới từ 1973, mãi đến năm 2008 thì mới có một cơ sở sinh hoạt của Cao Đài Tiên Thiên ở ấp 4 Long Định và năm 2011 Cao Đài Chiếu Minh có thêm Đàn Chiếu Minh thị trấn Cần Đước tách ra từ Đàn Chiếu Minh Long Hựu Đông . Như vậy ở Cần Đước có cơ sở của 04 hệ phái Cao Đài là Bến Tre, Tây Ninh, Chiếu Minh và Tiên Thiên.

Riêng đối với đạo Tin Lành thì nhà nước đã có chính sách cởi mở hơn với việc công nhận Hoạt động hợp pháp của cơ sở Hội thánh Tin Lành Mennonite Thiên Đăng xã Mỹ Lệ, 2007;  điểmsinh hoạt Tin Lành Liên hữu cơ đốc xã Tân Lân , 2011 và điểm sinh hoạt Tin Lành Phúc âm ngũ tuần thị trấn Cần Đước, 2014.

Như vậy tính từ sau năm 1986 với chính sách đổi mới sinh hoạt tôn giáo ở Cần Đước đã khởi sắc, tất cả các cơ sở thờ tự tôn giáo đều đã được đầu tư xây dựng mới chưa từng có trong lịch sử phát triển tôn giáo ở địa phương.

Phật giáo đã bám rể vào dân cư từ rất sớm từ rất sớm từ thế kỷ 18, cùng theo đó là đạo Công giáo. Bước vào thế kỷ 20 là sự xuất hiện của đạo Cao Đài và đạo Tin Lành Điểm đặc biệt là lại có tôn giáo xuất hiện ở địa phương là đạo Tâm hay đạo Nhảy ở xã Long Hựu cùng vào thời gian những năm 20, cũng có chùa chiền, tín đồ, kinh tụng ảnh hưởng từ Phật giáo và Tin Lành, nhưng đạo nầy đã sớm lụi tàn theo thời gian.

Đạo Phật có hệ thống chùa chiền có mặt khắp các xã, nhiều nơi tập trung rất nhiều chùa như thị trấn Cần Đước, xóm chùa Tân Lân; nhiều ngôi cổ tự trăm năm tuổi, có giá trị kiến trúc văn hóa cao như chùa Phước Lâm xã Tân Lân được công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, và cũng là tổ đình của dòng Lâm Tế. Các chùa ở Cần Đước phần lớn đều theo dòng Lâm Tế, hệ phái Phật giáo cổ truyền Tịnh độ tông; các nhà sư đều có gia đình và sống gần gủi với thôn xóm, nhân dân. Chùa ở Cần Đước thường do tư nhân xây dựng nên có chủ chùa, chủ chùa có ảnh hưởng lớn đối với chùa và cũng có trách nhiệm đối với chùa, có những lúc do hoàn cảnh chủ chùa giao chùa cho chính quyền nên gọi là chùa làng như chùa Quang Minh xã Tân Lân; có những chùa được xây dựng từ gốc là chùa mục đồng rồi dần phát triển lên; từ buổi đầu chùa cũng tọa lạc gần sông rạch, từ thế kỷ 20 trở đi do giao thông bộ đã phát triển nên chùa được xây dựng gần đường hơn; chùa xưa ở Cần Đước thờ rất nhiều tượng Phật như Thích ca, Quan Âm, Di đà, ông Thiện ông Ác, tổ sư Bồ Đề Đạt Ma…sau nầy các chùa mới thuộc giáo hội Phật giáo VN thống nhất thì chỉ thờ tượng Phật Thích ca trong chánh điện…

Hầu hết đất xây dựng thánh thất đều do điền chủ hiến ruộng và tín đồ góp công sức xây dựng. Thánh thất Tân Lân, thánh thất Tân Chánh do Thầy cai Dương (Cai tổng Dương) ở xã Tân Chánh hiến; thánh thất Phước Tuy do ông Năm Oanh, chủ hảng nước mắm Tam Hiệp Hương xã Phước Đông hiến; thánh thất Phước Đông do bà Cả Mọi là một điền chủ ở Phước Đông hiến…Ngoài đất dùng đắp nền để xây dựng ngôi thánh thất thì các thánh thất cũng còn được hiến thêm ruộng để làm giống như các chùa Phật giáo. Nền ngôi thánh thất rất rộng, ngoài ngôi để thờ phượng sinh hoạt nằm ngay giữa thì còn rất nhiều đất để trồng rau, thường được quy hoạch có hai cái ao nước rộng hình chữ nhật ở hai bên để cung cấp nước sinh hoạt và trồng trọt rau màu để tự cải thiện vì vùng Cần Đước rất khó khăn về nguồn nước. Nước của hai cái ao nầy còn phục vụ cho nhu cầu của bà con trong vùng cho nên rất được lòng dân. Ngoài ra thánh thất còn có trại hòm ngoài phục vụ chung thì còn sẵn sàng làm từ thiện cho những trường họp nghèo khó. Do được xây dựng lúc giao thông đường bộ đã phát triển nên hầu hết thánh thất các xã cũng thường ở ngay trục giao thông chính rất thuận tiện đi lại sinh hoạt…

                                                                                                        Ths. Nguyễn Văn Đông

Bài trướcCòn thiếu con tem Linh chi!
Bài tiếp theoCổ nhạc Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây