Đổi nước!

0
523

HUỲNH VĂN HẠNH

Từ “đổi nước” ngày nay rất xa lạ với mọi người, nhưng đây là từ rất thân quen với người dân Cần Đước cách nay trên 60 năm. Đây là một nghề chở nước ngọt vào mùa nắng hạn để bán cho dân Cần Đước vì mùa này các sông đều mặn.
Để tránh từ “bán nước” nên dân Cần Đước gọi đổi nước vì đó là sự trao đổi giữa nước và tiền. Phương tiện chở nước là ghe. Ba tôi theo nghề đi ghe từ khi lên 8 với ông cậu, anh ruột của bà nội. Ba tôi nối nghiệp “đổi nước” cũng từ ông ấy.

Hàng năm sắp vào hè. Ba tôi tu sửa ghe lại tránh nước mặn len vào để bắt đầu đi “đổi nước” lấy tiền. Khi còn nhỏ tôi được Ba và anh cho đi theo nên biết được nghề này không vốn nhưng rất cơ cực vì nguồn nước ngọt ở rất xa, tận đầu kinh Chợ Gạo Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Từ Cần Đước đến gần cửa kênh Chợ Gạo phải qua nhiều đoạn sông, nước lớn, nước ròng chảy ngược nhau. Ngày xưa các ghe chở nước hầu như đều chèo tay hoặc chạy buồm. Đi từ chợ Cần Đước đến Cầu Nổi gặp nước ròng, xuôi theo dòng nước thì chèo nhẹ nhàng. Ngược lại từ Cầu Nổi đi đến kinh Chợ Gạo gặp nước ngược nên chèo rất vất vả, đoạn nào gặp may có gió thuận thì vươn buồm lên thay chèo nhưng phải biết “cuốn theo chiều gió” để đưa chiếc ghe vượt lên con nước.

Do thiên nhiên ưu đãi sông Tiền là một trong 9 cửa sông của dòng sông Cửu Long nước ngọt quanh năm, các nơi khác như Cần Đước, Cần Giuộc…là xứ phèn mặn, mùa mưa nước ngọt, mùa nắng nước mặn phải đi tìm nguồn nước. Do vậy muốn có nước ngọt người dân phải đến tận sông Tiền để chở nước ngọt. Vàm Kỳ Hôn nơi giao nhau giữa kinh Chợ Gạo và sông Tiền là nơi lấy nước ngọt tốt nhất và gần nhất đối với xứ Cần Đước.

Khi ghe đến Vàm Kỳ Hôn, nơi đây như “chơi nổi trên sông” của dân đổi nước vì có nhiều ghe khắp nơi đến lấy nước, thời gian chờ đợi nước đầy cũng là cơ hội kinh doanh ăn uống cho dân địa phương tại đây.

Việc lấy nước tưởng chừng đơn giản nhưng phải có kinh nghiệm để lấy nước nhanh. Trước hết mở cái lỗ lù ở đáy ghe để nước tự chạy vào ghe. Lỗ lù là lỗ thoát ra khi sửa chửa ghe trên cạn. Lỗ lù thường rất nhỏ nên nước chảy vào rất chậm, khi nước vào khoảng 1/3 ghe thì nghiêng ghe cho nước tràn vào. Tôi còn nhớ, Ba tôi đặt những thùng nước trên tấm đòn dài đặt một bên ghe để ghe nghiêng một bên và nước tràn vào rất nhanh cho kịp con nước đưa ghe về Cần Đước.

Do tận dụng sức chứa, ghe nào cũng chở nước thật đầy nước trong ghe ngang với mặt nước sông, người chở nước phải quan sát thật kỹ để tránh những sự cố đáng tiếc trong quá trình vận chuyển. Có những chiếc ghe gặp gió lớn hoặc nước xoáy nhận chìm ghe chở nước trong tít tắt, công sức mấy ngày chèo chống đi chở nước tan theo dòng nước!

Tuy vậy nghề chở nước đã giúp Ba tôi thoát nghèo, từ chiếc ghe “mua chịu” sau nhiều năm trả góp cộng với tích góp của gia đình, Ba tôi được lên hàng “chủ ghe” từ ông cậu nhường lại. Niềm vui ấy được nhân đôi khi bà con lối xóm chờ ghe đổi nước của Ba tôi từ từ cập bến.

Hết chuyến nầy đến chuyến khác nghề đổi nước cũng đem lại cuộc sống không riêng cho gia đình tôi mà còn cung cấp nước cho người dân Cần Đước.

Huỳnh Văn Hạnh

 

Bài trướcCần Đước có thể nuôi con càng đước được không?
Bài tiếp theoCây Dầu phát triển trên đất Phước Đông, Cần Đước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây