THANH TÙNG
Giáo sư – Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng được rất nhiều người biết đến là cây đại thụ trong lĩnh vực điều trị ung thư. Ông là nhà giáo y học lâu năm, viết báo, viết sách rất nhiều.
Tôi đến nhà GS Nguyễn Chấn Hùng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11.2023) để phỏng vấn.
Thật vui khi thấy GS Hùng rất khỏe ở tuổi 80, vẫn phong thái lịch lăm, như một tài tử điện ảnh (cánh phóng viên y tế chúng tôi trước đây hay gọi ông như thế).
“Từ hồi nghỉ hưu đến giờ, GS làm những gì?” câu phỏng vấn đầu tiên,
là tôi chuyển lại lời nhiều người muốn biết. GS chia sẻ: “Trong thời gian làm
Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, công việc từng giờ cứ như dòng chảy tất bật; và rồi nghỉ hưu ở bệnh viện, nhưng dòng chảy lại tiếp tục, không ngừng. Năm 2007, các báo thấy tôi nghỉ hưu, nên đề nghị cộng tác viết báo. Tôi viết nhiều lắm…”
Khi viết báo cho người dân dọc, hay khi chia sẻ truyền thông về phòng ngừa, điều trị ung thư với bà con, GS thường viết mềm, diễn đạt rất đơn giản dễ hiểu.
Câu nói của ông được nhiều người biết đến là “ung thư biết sớm trị lành” – đây cũng là tựa đề cuốn sách xuất bản vào năm 2013.
Ông có duyên viết báo từ những năm đầu thập niên 1980. “Viết báo nhiều quá, nên đến ngày Nhà báo Việt Nam, tôi cũng nhận được nhiều lời “Chúc mừng nhà báo Chấn Hùng”. “Xúc động lắm”, GS Hùng nói. Gọi là nhà báo cũng đúng, vì ông có 10 năm làm Tổng biên tập Tạp chí Ung thư học Việt Nam.
ÔNG GIÁO GIÀ ĐI CHIA SẺ CHUYÊN MÔN KHẮP NỚI
“Nhiều người hỏi tôi sao lớn tuổi rồi không vui thú điền viên, mà đi suốt. Vui thú điền viên của tôi là đi giảng dạy khắp nơi, gặp lại biết bao học trò giờ là lãnh đạo các bệnh viện lớn tại nhiều tỉnh, thành. Vui khi các học trò giờ là đồng nghiệp uy tín gặp lại “ông thầy già” vẫn tình cảm lắm! Nhờ đi nhiều mới có cơ hội, góc nhìn để viết. Nghề đã chín thì càng phải truyền đạt”, GS Chấn Hùng chia sẻ.
Những năm qua, “người thầy giáo già” (như ông tự xưng) đi giảng dạy, chia sẻ chuyên môn khắp nơi. Mỗi chuyến đi, dưới góc nhìn riêng ông càng thêm cảm hứng, để về ông lại viết sách, như: Sương mù tan biến (2010); Sâu thẳm của sự sống (2010, tái bản 7 lần); Nhẹ bước lảng du (2011); Con người trong vòng vây (2012); Dẳ dìu về thuở ấu thơ (2015);… Bên cạnh đó là những cuốn sách ông viết bề chuyên ngành như: Tìm hiểu bệnh ung thư (1982); Ung thư học lâm sàng (1984); Ung bướu học nội khoa (2004); Ung thư biết sớm trị lành (2013); Cẩm nang phòng trị ung thư (2014)…
XÂY DỰNG MẠNG LƯỚI PHÒNG CHỐNG UNG THƯ
Năm 1975, chỉ có khoa ung thư ở Bệnh viện Bình Dân TP. HCM (sau đó là khoa ung bướu). Từ “ung bướu” xuất phát do Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng đề xuất với lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân và Sở Y tế TP. HCM.
Về sau, xây dựng Trung tâm ung bướu, Bác sĩ Chấn Hùng tham gia ban giám đốc trung tâm này. Sau đó, trung tâm trở thành Bệnh viện Ung bướu TP, HCM đến ngày nay. Bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng được phân công làm Giám đốc Trung tâm rồi Giám đốc Bệnh viện Ung bướu từ năm 1990-2007.
Khi đang là Giám đốc Bệnh viện Ung bướu, chủ tịch Hội Ung thư TP. HCM, Phó chủ tịch, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, GS Chấn Hùng đã quy tụ, gắn kết đồng nghiệp xây dựng mạng lưới phòng chống ung thư trong nước; tổ chức hội nghị ung thư hàng năm ở nhiều tỉnh thành, tạo cơ hội gặp gỡ và trao đổi kiến thức phòng chống ung thư.
“Tôi vẫn đi, đi để bắt được ý, có cái nhìn để viết. Vẫn tiếp tục viết báo, viết sách…Hưu mà hổng có hưu!”, GS-BS Nguyễn Chấn Hùng cười, nói khi kết thúc buổi trò chuyện cùng Thanh Niên.
Thanh Tùng Báo Thanh Niên