Lăng Hoàng Gia – Lịch sử và giai thoại

0
460

THANH NGUYỆT

Đi về phía Nam cầu Mỹ Lợi – nối liền Cần Đước và Gò Công – khoảng 10 cây số, Lăng Hoàng Gia là một trong những di tích hiếm hoi ở phương Nam có kiến trúc cung đình đặc sắc. Đó là nơi thờ tự của dòng họ Phạm Đăng, cũng là họ ngoại của triều đình Nguyễn kể từ thời Tự Đức.

Lăng Hoàng Gia 

Tương truyền, vùng hạ lưu sông Mékong, đổ ra biển đông tiếp giáp sông Vàm Cỏ, chim công thường xuất hiện, lúc đầu có tên Khổng Tước Khâu, sau này gọi theo Việt ngữ là Gò Công. Nhận thấy đất lành chim đậu, họ Phạm đã tiến hành khai khẩn và định cư từ cuối thế kỷ 17. Đến đời thứ 4 thì phát tích, ông Phạm Đăng Hưng trở thành đại thần nhà Nguyễn, hàm Nhất phẩm ở cả hai triều Gia Long và Minh Mạng. Sau khi con gái ông là bà Phạm Thị Hằng (tức đức Từ Dụ) được tôn xưng Hoàng Thái hậu, ông được vua Tự Đức thụy hiệu Đức Quốc Công. Họ Phạm kể từ đó được liệt vào hàng hoàng tộc.
Đó là khoảng đất rộng hơn 3.000m2, xưa là nơi ở của gia đình, nay trở thành khu thờ tự và lăng mộ, xung quanh vườn tược mát mẻ xanh tươi. Ngay phía sau chiếc cổng bề thế chạm trổ cầu kỳ là Đức Quốc Công Từ, nơi thờ 5 đời tiền hiền họ Phạm. Nhà thờ có cửa vòm và phù điêu hoa lá theo lối kiến trúc phương Tây, kết hợp với hàng cột có câu đối chữ Hán đậm nét phương Đông. Bên trái đền là dòng chữ “Thành Thái Quơn niên kiến tạo 1888” bên phải là “Khải Định Lục niên Tân Dậu trùng tu 1921”. Ngay bên trong bức bàn bằng gỗ quý phong cách truyền thống Huế, khắc con tiện tinh xảo trên từng lá cửa, các gian thờ được bố trí song song, chính giữa là án thờ Đức Quốc Công, sơn son thếp vàng long lân quy phụng, phía trước là tượng bán thân Đức Từ Dụ hương khói quanh năm. Tại đây chúng tôi được nghe thuyết minh về công đức khai hoang, truyền dạy chữ thánh hiền và hướng dẫn người dân an cư lạc nghiệp của giòng họ Phạm Đăng, cũng như ân sách các đời chúa Nguyễn ban cho Nam phần thời mở cõi.

Mộ Quốc công Phạm Đăng Hưng

Trên nền nhà xưa là chiếc giếng cổ xây bằng gạch vồ, đến tận ngày nay vẫn còn tuôn trào nước ngọt trên vùng đất gần như phèn mặn quanh năm. Tương truyền, khi sinh ra bà Từ Dụ, nước giếng trở nên càng trong trẻo và ngọt lịm nên mọi người tin rằng “Lệ thủy trình tường ngoại/ Quy khâu trúc phước cơ” (Nước ngọt trổ điềm lành/ Gò rùa vun đất phước).


Phía sau là mộ của Đức Quốc Công không xây theo lối “ngưu phanh, mã phục” truyền thống, mà có biểu tượng tam tài Thiên – Địa – Nhân, ngũ đẳng Công – Hầu – Bá – Tử – Nam, với nét kiến trúc khá đặc sắc giao thoa văn hóa Đông-Tây. Bên trái khu mộ là tấm bia bằng đá cẩm thạch huyền thoại. Giải thích cho việc xuất hiện hình Thập tự giá màu đen và dòng chữ Pháp trên văn bia thờ một đại công thần nhà Nguyễn (tạm dịch nghĩa “Nơi an nghỉ của Barbé, Đại úy thủy quân lục chiến, tử trận trong cuộc phục kích ngày 7-12-1860. Các chiến hữu đồng lưu niệm”) là câu chuyện dài suốt 140 năm gắn với lịch sử bi hùng của dân tộc!

Tấm bia đá Cẩm thạch ca ngợi công đức của Quốc công Phạm Đăng Hưng do vua Tự Đức bạn đã được an vị sau 140 năm thất lạc.

Chuyện kể năm 1857, nhằm ca ngợi công đức của Quốc công Phạm Đăng Hưng, vua Tự Đức cho làm văn bia bằng đá cẩm thạch trắng Quảng Nam, Đại thần Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng đích thân soạn thảo các dòng văn tự. Bia được chở bằng thuyền vào Gò Công, nhưng cửa Ô Cấp thì bị quân Pháp tịch thu, đưa về cất giấu tại chùa Khải Tường (hiện nay là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh TP.HCM). Do không tìm ra tung tích tấm văn bia, nên vào năm 1899, vua Thành Thái ngự ban chiếc khác bằng đá hoa cương, gần như cùng nội dung với chiếc kia (hiện được đặt bên phải mộ của Đức Quốc Công).

Giếng ngọt trên vùng đất phèn mặn

Khi đại úy Nicolas Barbé bị nghĩa quân ám sát, binh lính Pháp dùng tấm bia này và khắc dòng chữ trên đè lên các dòng Hán tự và đặt trước mộ Barbé ở Đất Thánh Tây. Năm 1983, TP.HCM giải tỏa nghĩa trang xưa để xây dựng công viên Lê Văn Tám, người ta tìm thấy được tấm bia đá lớn gần như còn nguyên trong cỏ dại và đưa về bảo quản tại Bảo tàng TP.HCM. Năm 1998, sau khi có kết quả khảo cổ, xác định nguồn gốc, báu vật vua ban này được trả về đúng vị trí của mình tại khu di tích Lăng Hoàng gia.

Những năm gần đây, nhất là sau khi Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có quyết định công nhận Khu lăng mộ Hoàng Gia là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1992, nơi đây được nhiều người biết đến, nhiều đoàn khách tham quan du lịch, các nhà nghiên cứu lịch sử, kiến trúc, hội họa trong và ngoài nước đến thăm viếng, không khỏi trầm trồ trước công trình văn hóa tuy không đồ sộ nhưng thể hiện được tài hoa của các nghệ nhân, tôn vinh nhân sinh quan phương Đông và tinh thần dân tộc Việt trong quá trình hội nhập.

Bài và ảnh Thanh Nguyệt – 23/10/2022
Đồng hành cùng Topgo Tourist – Loạt bài “Tìm về di sản trăm năm”

Bài trướcCâu chuyện: Đầu cá chấm mới thấm nước mắm!
Bài tiếp theoThơ – Góc quê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây