Làng ở Cần Đước (2)

0
309

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Và để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới nên làng đã được tổ chức lại với quy mô lớn hơn với một quá trình nhập làng. Năm 1892 ở Cần Đước còn 21 làng và đến khi quận Cần Đước được chính thức thành lập năm 1923 thì còn 16 làng, rồi ổn định 15 làng với ba tổng. Tổng Lộc Thành Thượng 06 làng (Long Định, Long Cang, Phước Vân, Long Khê, Long Trạch, Long Hoà), tổng Lộc Thành Trung 04 làng (Long Sơn, Tân Trạch, Mỹ Lệ, Tân Lân), tổng Lộc Thành Hạ 05 làng (Phước Tuy, Tân Ân, Tân Chánh, Phước Đông, Long Hựu).

Nhà thờ Mỹ Điền, Long Hựu Tây, Cần Đước

Thường thì mỗi làng có một cái đình thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, được xem là vị thần thay mặt vua cai quản và bảo trợ cho dân làng. Ngoài ra đình còn là nơi làm việc của chính quyền ( Ban hội tề), nơi hội họp dân làng và cũng là sinh hoạt văn hoá với sân khấu hát bội (vỏ ca) những dịp cúng đình như lễ Kỳ yên hàng năm.

Do quá trình nhập làng nhỏ thành làng lớn nên trong những làng (sau nầy là xã) còn tồn tại nhiều ngôi đình như xã Phước Tuy hiện có 04 đình gồm đình Phước Tuy, đình Phước Chỉ, đình Phước Khánh và đình Khánh An. Tương tự xã Mỹ Lệ có 03 ngôi đình Long Mỹ, Vạn Phước và Mỹ Lệ. Xã Phước Đông có đình Phước Yên và Phước Yên Đông, nhưng đình Phước Yên giờ chỉ còn dấu tích cái gò đình ở Rạch Su ngay ngả ba Xóm Bến và Vườn Cò.
Ban hội tề làng ban đầu có 14 vị, sau nầy được quy định còn 12 vị gồm Hương cả, Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hương chánh, Hương giáo, Hương quản, Hương bộ, Hương thân, Hương hào, Xã trưởng và Chánh lục bộ, trong đó Hương cả là người đứng đầu. Trong dân gian người ta gọi tắt là ông Cả, ông Chủ, ông Xã, ông Quản, ông Thân…và kèm với tên.
Để quản lý và lo việc tế lễ ở đình thì có Ban hội hương đình đứng đầu là ông Chánh bái, ngoài ra còn có những ông Hương lễ lộ phần tế lễ, Hương nhạc lo ban nhạc lễ, Hương ẩm lo việc ăn uống…và có thêm Hương nhứt, Hương nhì không có nhiệm vụ cụ thể.
Ban đầu Ban hội tề làng và Ban hội hương đình sinh hoạt chung ở đình nhưng sau nầy xã hội ngày càng phát triển có điều kiện thì Ban hội tề có trụ sở riêng và giao đình lại cho Ban hội hương như hiện nay.
Cầu Mỹ Lợi – Chiếc cầu nối liền Cần Đước với Tiền Giang

Từ những lưu dân Việt đầu tiên tự phát đến khai phá Cần Đước từ cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17, lập xóm lập thôn suốt một thế kỷ mới có chính quyền từ năm 1698. Từ đó quá trình khai phá được đẩy mạnh suốt hơn 150 năm công cuộc khai phá Cần Đước mới tương đối hoàn thành vào nữa cuối thế kỷ 19 với 46 làng năm 1871, và đến đầu thế kỷ 20 ổn định với 15 làng lớn.
Quá trình đó đã kéo dài hơn 400 năm, trong đó lập chính quyền hơn 300 năm và huyện Cần Đước có lịch sử 100 năm.

Từ những thôn đầu tiên với khoảng 10 dân đinh, đến vài trăm dân, hiện nay Cần Đước có 16 xã và một thị trấn, mỗi đơn vị có trên dưới 10 ngàn dân thành dân số huyện #180 ngàn người và một lãnh thổ 20 ngàn ha. Từ rừng rậm hoang vu đã trở thành huyện công nghiệp.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcLàng ở Cần Đước (1)
Bài tiếp theoXuân An lạc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây