Làng ở Cần Đước (1)

0
501

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Một điều lý thú việc từ lâu việc đặt tên làng xã Cần Đước được bắt đầu 4 chữ LONG, TÂN, PHƯỚC, MỸ. Về ý nghĩa 4 chữ trên: Long: Hưng long, Hưng thịnh; Tân: mới, sáng tạo; Phước: An lành; Mỹ: Mỹ lệ, Mỹ mãn. Có thể nói Cần Đước là vùng đất địa linh nhân kiệt, vùng đất hưng thịnh tạo nên những con người mới, sáng tạo, đem lại sự an lành và làm rạng rỡ cho quê hương. Như vậy bõn chữ LONG, TÂN, PHƯỚC, MỸ có thể nói là bốn chữ thay cho lời chúc mừng năm mới của Người Cần Đước.

Cụ thể, hiện nay Cần Đước có 16 xã (và 1 thị trấn) trong đó có 8 xã có chữ Long (Lang Cang, Lang Khê, Long Định, Long Hoà, Long Sơn, Long Trạch, Long Hựu Đông và Long Hựu Tây; 4 xã có chữ Tân (Tân Ân, Tân Lân, Tân Chánh, Tân Trạch); 3 xã có chữ Phước (Phước Đông, Phước Tuy, Phước Vân); và 1 xã có chữ Mỹ (Mỹ Lệ).

Người Cần Đước

Theo tư liệu thì đầu thế kỷ 17 di dân người Việt đã có mặt ở đất Đông Phố (Đồng Nai) và Bến Nghé (Sài Gòn). Một thế kỷ sau khi chúa Nguyễn Phúc Chu chính thức lấy đất Đồng Nai – Bến Nghé lập phủ Gia Định với hai huyện Phước Long (Đồng Nai) và Tân Bình (Sài Gòn) thì vùng nầy đã có khoảng bốn vạn hộ và 200 ngàn dân.

Vùng Cần Đước lúc nầy thuộc huyện Phước Long, vị thế nằm ngay cửa sông Soài Rạp trên đường thủy vào đất Gia Định nên chắc chắn đã được biết đến và cũng bắt đầu được khai phá. Năm 1623 chúa Nguyễn đã lập hai trạm thuế ở đất Sài Gòn và năm 1674 Nặc Nộn, phó vương Chân Lạp đã đóng đô ở Sài Gòn. Vì vậy có thể nói trước năm 1698 Sài Gòn đã đông đúc và phát triển. Vùng Cần Đước cách Sài Gòn không xa với non một buổi chèo ghe nên cũng chịu ảnh hưởng nhiều theo sự phát triển của Sài Gòn. (Và mãi về sau nầy cũng như vậy)

Từ khi có chính quyền 1698 cho đến giữa thế kỷ 18 tốc độ khai phá Cần Đước đã được đẩy mạnh hơn trước nhiều do những chính sách khuyến khích và tổ chức hổ trợ của chính quyền. Tổ chức hành chánh được thiết lập gồm phủ, huyện, thôn làng để quản lý và thu thuế. Đi liền với kết quả khai phá thì nhiều làng mới được cho phép thành lập. Làng mới thường được tách ra từ làng cũ. Thường khi đã khai phá được một số diện tích ruộng và có đủ khoảng 10 dân đinh là có thể làm đơn xin thành lập làng mới. Người đứng tên xin lập làng là người có uy tín và nhiều ruộng đất và khi được phép lập làng thì họ được giao luôn nhiệm vụ phụ trách làng, lo tổ chức dân làng giữ an ninh trật tự và thu giao nộp thuế cho cấp trên, huy động dân sưu làm những việc công ích…

Quá trình khai phá lập làng gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện thiên nhiên Cần Đước khá khắc nghiệt hơn nơi khác, ngoài rừng hoang thú dữ còn thêm nước mặn phèn chua. Thôn Tân Trạch được khai phá lập làng sớm, từ năm 1726 đã có chùa Thiên Mụ, và năm 1747 có nhà thờ Nha Ràm. Vùng Long Hựu bắt đầu khai phá từ 1741, sau đó vì quá khó khăn dân không trụ được phải bỏ đi mãi đến năm 1760 mới tái lập được thôn Long Hựu. Giai đoạn này cũng đã có thôn Tân Ân (gồm Tân Chánh) qua năm sanh của Nguyễn Khắc Tuấn là 1767 người quê Tân Chánh là quan triều Nguyễn, hiện thờ ở đình Tân Chánh.

Nhìn chung trong quá trình mở đất chỗ nào thuận lợi thì được khai phá sớm và lập xóm làng như những vùng đất dọc theo mé sông hay theo những ngọn rạch. Bản đồ đất đai hình thành dạng da beo rồi dần dần các làng mở rộng và tiếp giáp nhau. Quá trình khai hoang lập làng ngoài chịu ảnh hưởng yếu tố thiên nhiên còn bị ảnh hưởng của yếu tố xã hội như chiến tranh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh (1776 – 1786) và tác động từ những chính sách quản lý kinh tế xã hội của chính quyền nên đã diễn ra lúc nhanh lúc chậm.

Năm 1808 đời Gia Long huyện Phước Lộc (gồm Cần Giuộc, Cần Đước) được thành lập, có hai tổng Phước Điền và Lộc Thành, đến năm 1836 chia làm 04 tổng là Phước Điền (thượng, hạ) và đến năm 1862 thì có 06 tổng Phước Điền (thượng, trung, hạ) là quận Cần Giuộc và Lộc Thành (thượng, trung, hạ) là quận Cần Đước sau nầy.

Năm 1802 vùng Cần Đước ghi nhận mới có 28 làng, tới năm 1836 có 04 tổng với 30 làng với diện tích hơn 10 ngàn ha, bằng khoảng phân nữa diện tích hiện nay. Quy mô làng thời nầy còn là những làng nhỏ (thôn), dân số mỗi làng trung bình cũng chỉ khoảng 300 đến 500 dân. Đến năm 1871 số làng ở Cần Đước tăng lên 46 làng và đây là số cao nhất cũng có nghĩa là đến thời điểm này Cần Đước đã được khai phá xong.

ThS. Nguyễn Văn Đông

(Còn tiếp)

Bài trướcNgày Xuân Xa Quê Hương
Bài tiếp theoLàng ở Cần Đước (2)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây