Mẹ tôi – Bà Mẹ Cầu Bà Tượng

0
794

BS LÊ VĂN HẬU

Cho đến tận bây giờ không ai nhớ chính xác về cái tên CẦU BÀ TƯỢNG ở xã Tân Trạch, huyện Cần Đước có tự bao giờ. Chính nơi nầy đã ghi dấu biết bao kỷ niệm đau thương, chết chóc và cũng chính nơi nầy có những bà mẹ đã sản sinh ra những con người ưu tú. Chúng tôi muốn giới thiệu Mẹ Lê Thị Dư một nắng hai sương, chịu biết bao khó khăn trong chiến tranh để nuôi nấng nên những đứa con, cháu nên người tử tế giúp ích cho xã hội.

                                     Người Cần Đước

Mẹ tôi là người sống gần Cầu Bà Tượng từ những năm 50 – 60 (Bà sinh năm 1925, giờ đã qua đời). Có những ký ức mà bà không bao giờ quên và đã kể lại cho con cháu nghe.

Mẹ kể rằng “thời Pháp”, mỗi đêm, khi nằm nghe có tiếng xe lớn đến Cầu Bà Tượng là mọi người đều hãi hùng, bởi vì đó là những xe chở những người bị Pháp bắt, khi đến cầu thì họ dẫn xuống, bắt ngồi cạnh thành cầu rồi bắn cho rớt xuống sông – đó là một cách tử hình man rợ.


Bà và cháu nội

Có những năm, nhà mẹ tôi là nơi “nuôi giấu” du kích. Đêm đến du kích về thì mẹ tôi nấu cơm cho ăn, sau đó đến sáng thì các anh lại ra đi. Tuy nhiên, mẹ tôi kể: “Có những lúc tao mới nấu cơm cho nó ăn thì nó lại ra sau hè bắn máy bay! Có chết không chứ ?”. Tại sao mẹ tôi lại sợ, bởi vì đó là những tiếng súng “chỉ điểm” và có thể sau đó nơi này sẽ nhận những trận pháo kích. Thật vậy, nhà mẹ tôi không biết bao lần đã bị “ăn bom”. Nhà sập và mẹ tôi phải cất lại nhiều lần, lúc thì nhà ngói, lúc thì nhà tôn. Mẹ tôi nói bây giờ nếu đào đất phía dưới lên sẽ thấy rất nhiều gạch ngói bị vùi lắp do nhà cửa bị bom nhiều lần.

Mẹ tôi sống với một người chị ruột và mở quán tạp hóa nơi đó, thời đó người ta thường gọi là “Quán hai cô”. Mẹ kể thời đó có một ông “cán bộ nằm vùng” giả làm thợ may đến dạy mẹ tôi may đồ. Thực tế, ông ấy là thợ may thật và mẹ tôi cũng thành “thợ may” từ đó. Ông ấy ăn ở sinh hoạt tại nhà mẹ tôi để hoạt động cách mạng nhưng bí mật không ai biết. Ông là người rất đạo đức, giao tiếp xã hội rất lịch sự và ông cũng thường hướng dẫn mẹ tôi về những kỹ năng giao tiếp xã hội. Khi được xóm làng mời đám tiệc, ông thường ra cửa xem trước, xem mọi người ăn mặc quần áo như thế nào để mặc theo cho phù hợp. Hoạt động được một thời gian thì ông được chuyển đi nơi khác và sau đó mẹ tôi không được tin tức gì về ông ấy nữa.

Gia đình BS Hậu – Nhà ở gần Cầu Bà Tượng.

Sau đó, có một ông cán bộ cách mạng khác lại đến quán, lần này là bỏ mối đường cho mẹ tôi bán. Lúc đầu mẹ tôi cũng không biết ông là “cán bộ cách mạng nằm vùng”, nhưng sau đó mới biết ông ấy sử dụng nhà mẹ tôi làm địa điểm liên lạc bí mật. Ông thường xuyên đi lại nhà và không biết đường “ngọt” như thế nào mà ông ấy lại trở thành ba tôi sau này ! Tôi ra đời trong hoàn cảnh đó. Đêm đến, mẹ con phải chui vào hầm để ngủ, thời đó không biết có sữa hay không mà đêm nào mẹ cũng mang theo một chai xá – xị vào hầm cho tôi uống. Sau này, anh em bà con nói vui “Chắc nhờ hồi nhỏ nó uống xá xị nên thông minh?”.

Trong chiến tranh, có biết bao sự hy sinh thầm lặng mà không cần một bằng khen, giấy khen nào cả! Trân trọng những sự hy sinh đó, không nhất thiết phải có những khích lệ về vật chất mà chủ yếu là “sự tôn trọng” về tinh thần, nêu gương sáng để con cháu đời sau noi theo và con cháu phải hiểu, học và trân trọng những tư tưởng, đạo đức cao đẹp của người xưa, có thế xã hội mới phát triển đúng hướng, văn minh, giàu đẹp.

BS Lê Văn Hậu

Bài trướcTân cổ – Đôi chiếu Long Cang
Bài tiếp theoNghệ nhân PHẠM HỮU HINH (Mười Út)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây