Mộ và đền thờ Lãnh binh NGUYỄN VĂN TIẾN

0
976

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Thực dân pháp nổ súng tấn công Thành Gia Định 2/1859 mở đầu cho cuộc xâm lược Nam Kỳ, cũng ngay từ thuở ấy người dân Cần Đước đã có mặt trong hàng ngũ nghĩa quân để chống Pháp.


Dưới sự lãnh đạo của các sĩ phu yêu nước, nhân dân Cần Đước đã cùng nhân dân các địa phương quanh Sài Gòn – Chợ Lớn tổ chức thành đội ngũ trang bị vũ khí, lương thực kéo về Sài Gòn chặn địch không cho chúng đánh lan ra. Thanh niên vùng Hạ gia nhập nghĩa quân của Bùi Quang Diệu, còn thanh niên vùng Thượng theo nghĩa quân của Phạm Tuấn Phát (Phạm Tiến) kéo về chống giặc ở Chợ Lớn.

Tháng 12/1861 chiến hạm L’Esperance của Pháp bị nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đánh chìm trong trận “Hỏa Hồng Nhựt Tảo” vang dội có sự đóng góp của nghĩa quân và nhân dân Cần Đước như: Quyền Sung Phó quản binh đạo Huỳnh Khắc Nhượng, nghĩa quân Nguyễn Văn Danh, Phạm Văn Hổ, Nguyễn Văn Nên, Võ Văn Mẫn…

Khánh thành Đền Thờ Lãnh bình Nguyễn Văn Tiến

Đến năm 1862  giặc Pháp nhìn chung chưa kiểm soát được Cần Đước trừ một số chợ đầu mối giao thông, làng nào cũng tổ chức nghĩa quân tuần tiểu, canh phòng, nhiều chướng ngại vật được dựng lên do nhân dân nghĩa quân Nguyễn Văn Thế ở Phước Đông đắp hào, đắp lũy để chặn giặc từ Vàm Rạch đến sông Rạch Cát. Ở Tân Lân có Nguyễn Thuyết Xô, Ngô Văn Danh cũng mộ binh tổ chức xây dựng căn cứ, ở Mỹ Lệ có Bùi Quang Diệu chỉ huy; vùng Long Định, Long Cang, Long Sơn, Phước Vân do Phạm Tiến đứng đầu phối hợp với Trần Kỳ Phong lúc bấy giờ là Thượng biện quân vụ đạo Phước Lộc đánh giặc từ Bến Lức đến Cần Giuộc, nhưng về sau các hoạt động vũ trang chống Pháp ở Cần Đước yếu dần với thất bại liên tiếp của những người yêu nước.

Tháng 6/1883 cuộc vận động khởi nghĩa Mỹ Tho thất bại, thũ lĩnh địa phương của cuộc vận động này ở Cần Đước là Nguyễn Văn Tiến bị bắt ở Bình Đăng – Bình Hưng (huyện Bình Chánh) và xử chém ở Chợ Trạm thuộc xã Mỹ Lệ, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.

Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1848, cha ông là Nguyễn Văn Xương một thầy võ nổi tiếng, mẹ tên là Phan Thị Yến ở làng Quảng Tập gần Kỳ Son thuộc huyện Châu Thành ngày nay. Lúc giặc Pháp chiếm Gia Định (28/12/1861) ông mới 13 tuổi. Những biến cố trong vùng lúc này như vụ đốt tàu L’exprance nơi Vàm Nhật Tảo (10/12/1961), trận Cần Giuộc oai hùng (16/12/1961) đã dội vào lòng cậu thiếu niên con nhà võ đất Quảng Tập.

Năm 16 tuổi (1864) Nguyễn Văn Tiến đã tham gia chiến đấu trong hàng ngũ nghĩa quân, dưới cờ của Nguyễn Trung Trực. Sẵn lòng căm thù giặc lại thêm võ nghệ cao cường, Nguyễn Văn Tiến tỏ ra là một người chỉ huy xuất sắc nên được phong làm Chưởng Cơ điều khiển cánh nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An, Vàm Cỏ, Cần Đước, Cần Giuộc ngày nay.

Sau ngày Nguyễn Trung Trực mất (27/10/1868) nghĩa quân tôn ông làm Lãnh binh. Đây cũng là lúc cuộc kháng chiến của nhân dân Lục tỉnh đi vào giai đoạn khó khăn, toàn bộ Nam kỳ rơi vào tay quân Pháp, nhiều lãnh tụ kháng chiến nổi danh như Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân lần lượt bị giết hoặc bị bắt, bị đày. Bùi Quang Diệu, người đã chỉ huy đánh trận Cần Giuộc nổi tiếng cũng đã dao động đầu hàng Pháp (1966). Nguyễn Văn Tiến di binh ra vùng Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa. Tuy rất kiên quyết chống giặc nhưng ông lại độ lượng khoan dung đối với những kẻ tầm thường. Lòng nhân ái bao dung đó đã có tác dụng mạnh mẽ đến đám thân binh theo giặc và gia đình họ lúc bấy giờ.

Trong trận tập kích bất ngờ ở vùng Bình Đăng (Bình Hưng ngày nay) giặc Pháp bắt được ông. Chúng cho một số bạn bè cũ đã đầu hàng và được Pháp trọng dụng, đến khuyên dỗ thuyết phục ông kêu gọi những quân sĩ dưới quyền nên hạ vũ khí ra hàng, nhưng trước sau ông vẫn đều kiên quyết từ chối.

Thấy không thể lay chuyển được lòng dạ và ý chí của ông, nên sáng ngày 3/10 năm Quí Mùi (22/11/1883), bọn giặc đã đưa ông ra xử chém ở Chợ Trạm, làng Mỹ Lệ.

Trước giờ hành quyết, giặc pháp sai người dọn cho ông một mâm cơm thịnh soạn có thịt, có rượu tây, nhưng ông không ăn, dùng chân đá đổ mâm cơm và chửi thẳng vào mặt bọn cướp nước.

Sau khi giặc Pháp rút đi, bà con trong vùng đã làm lễ an táng ông rất trọng thể. Nguyễn Văn Tiến hy sinh ở tuổi 35. Ông chết đi nghĩa quân mất một người chỉ huy tài năng. Ông là một tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Hình ảnh bất tử của người anh hùng chống Pháp vẫn sống mãi trong lòng mọi người dân trong vùng. Hàng năm, đồng bào xã Mỹ Lệ cứ đến ngày Mùng 3 tháng 10 âm lịch đều tổ chức giỗ ông, chăm lo sửa sang phần mộ chu đáo.

Mộ và đền thờ ông ở cách Chợ Trạm 200m, thuộc xã Mỹ Lệ trên mộ chỉ có ghi dòng chữ:

“Việt Nam Ái Quốc Tổng lãnh Binh Nguyễn Văn Tiến, sinh năm 1848, Vị Quốc Vong Thân ngày 3 tháng 10 năm Quí Mùi, tức 22/11/1883”.

Năm 2020 huyện đã đầu tư nhiều tỷ đồng xây dựng lại đền thờ Nguyễn Văn Tiến to đẹp để thuận tiện cho việc thờ cúng và cũng để xứng đáng với công trận của ông.

ThS Nguyễn Văn Đông

 

 

Bài trướcThầy tôi!
Bài tiếp theoViết tiếp Người Cần Đước hiếu học: Trường Trung học Cần Đước – nơi đào tạo nhiều tấm gương hiếu học của vùng hạ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây