Nghề luật sư và những chuyến xe buýt!

0
698

Luật sư Nguyễn Thế Phong là người Cần Đước sinh sống ở Sài Gòn, có thời gian làm việc ở Tân An, anh có nhiều năm gắn bó với nghề đồng thời cũng có nhiều kỷ niệm với những chuyến xe đã đưa anh đi đến nơi về đến chốn. Lần nầy qua nguoicanduoc.vn anh muốn chia sẻ về “chuyện thường ngày” trên xe buýt mà bây giờ mới kể!

Không rõ những luật sư ở các địa phương khác gắn bó với những chuyến xe buýt như thế nào, nhưng riêng ở Đoàn luật sư tỉnh Long An thì rất nhiều luật sư một thời gắn bó rất thân thiết với những chuyến xe buýt 628 (tuyến BX.Chợ Lớn – BX.Tân An).
Xe buýt 628 xuất phát từ Bến xe Chợ Lớn (Quận 6, TP.HCM), chạy tuyến Kinh Dương Vương, đi ngang Công viên Phú Lâm, Bến xe Miền Tây, xuôi Quốc lộ 1A, ngang qua Bình Chánh, Gò Đen, Thị trấn Bến Lức và kết thúc tại Bến xe Tân An (TP.Tân An, tỉnh Long An), cự ly ước khoảng 42 km.
Hồi đó, Đoàn luật sư tỉnh Long An có nhiều luật sư sinh sống tại Sài Gòn, nhưng tham gia luật sư và hành nghề tại tỉnh Long An, chủ yếu tập trung tại TP.Tân An. Do vậy, các luật sư chọn xe buýt là phương tiện đi lại hằng ngày để đi về giữa Sài Gòn và Long An.
Thường thì các luật sư vào sáng sáng sớm sẽ đi từ Sài Gòn về Long An, và trưa hoặc chiều thì từ Long An quay về lại Sài Gòn. Từ năm 1990 đã có các luật sư có nề nếp như vậy. Thỉnh thoảng, các luật sư có thể di chuyển, đi lại bằng xe gắn máy, và sau này, khi thu nhập khấm khá hơn thì có người đi lại bằng phương tiện ô tô cá nhân. Tuy nhiên, xe buýt vẫn là một kỷ niệm rất khó quên đối với nhiều luật sư của Long An, trong đó có tôi.
Nói về chuyện đi xe buýt, từ năm 2000 tôi đã thường xuyên sử dụng xe buýt để đi lại giữa Sài Gòn và Đoàn luật sư tỉnh Long An. Lộ trình ban đầu là đi xe gắn máy ra gửi tại Bến xe Chợ Lớn, hoặc gửi tại Công viên Phú Lâm, rồi leo lên xe buýt đi về Tân An.
Những chuyến xe buýt gắn với cuộc đời hành nghề của tôi trong rất nhiều năm. Ngồi trên xe buýt, có nhiều lúc là đứng trên xe buýt trong suốt chặng đường 42km với thời gian khoảng 90 phút, với rất nhiều cảm xúc, trải nghiệm khác nhau.
Xe buýt là phương tiện đi lại rẻ nhất. Xe buýt 628 hầu hết không trang bị máy lạnh, giá vé rất thấp (Nhà nước cũng có hỗ trợ, bù lỗ một phần). Hành khách sử dụng xe buýt thì rất đa đạng. Có những hành khách sinh sống ở Long An, lâu lâu có công việc nên đi Sài Gòn rồi về, và ngược lại. Nhưng có rất nhiều hành khách sử dụng xe buýt để đi làm hàng ngày. Có nhiều người sống tại Sài Gòn nhưng mỗi ngày đi làm tại Long An, trong đó có nhiều người làm trong các doanh nghiệp, ngân hàng hoạt động tại Long An. Cũng có một số công chức, viên chức sống tại Sài Gòn nhưng làm việc tại Long An. Đi xe buýt nhiều riết rồi cũng quen mặt nhau, hỏi thăm nhau và biết như vậy. Đôi lúc hóng chuyện của người khác nên cũng đoán biết nơi sinh sống, làm việc và lộ trình đi lại của các hành khách có gương mặt quen quen.
Hành khách đi xe buýt thì cũng rất nhiều tính cách khác nhau. Có nhiều người rất lịch sự, đi đứng ý tứ, ăn nhẹ nói khẽ, luôn sẳn sàng  nhường ghế cho trẻ em, người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ. Nhưng cũng có nhiều chị ăn nói bổ bả, quăng bịch nylon ra cửa sổ. Có những đấng mày râu vô tư phì phèo thuốc lá. Có những thanh niên nói tục văng mạng. Nói chung là đủ kiểu hành khách.
Tôi từng đi nhiều chuyến xe buýt khởi hành tại Sài Gòn từ rất sớm, lúc 5 giờ sáng, khi trời còn chưa sáng tỏ, để cho kịp phiên tòa buổi sáng. Và cũng nhiều khi phải đi những chuyến xe buýt muộn từ Tân An về Sài Gòn do bận cuộc nhậu kéo dài từ trưa đến chiều tối. Những giờ giấc này thường mát mẻ, nhưng cũng chứng kiến rất nhiều chuyện phức tạp, trái ngang của cuộc đời. Có đôi khi phải chứng kiến những cải vã giữa các hành khách với nhau. Cũng có lúc chứng kiến những cảnh đời nghèo khó, bươn chải mưu sinh của những người lao động, phải vội vàng đi sớm về muộn trên những chuyến xe buýt trong những cung giờ này.
Thỉnh thoảng có hiện tượng sàm sỡ đối với nữ hành khách trên xe buýt. Các chủ xe thường ngó lơ, không can thiệp. Do vậy, tôi đã từng phải đứng ra can thiệp trong nhiều trường hợp để các chị em thoát khỏi tình huống bị chọc ghẹo thô bạo, bị sàm sỡ.
Lừa đảo, cưỡng đoạt manh động trên xe buýt vẫn hay xảy ra dưới nhiều chiêu trò, hình thức. Tôi đã chứng kiến rất nhiều chuyện như vậy.
Sau đây tôi xin kể lại một câu chuyện rất thật, đã xảy ra vào khoảng nửa cuối năm 2007, trên xe buýt sáng sớm. Hôm đó, tôi đã chứng kiến nhóm đối tượng gồm 3 thanh niên leo lên  xe buýt tại Trạm ngang Bến xe Miền Tây. Một thanh niên mập mạp,  râu ria bặm trợn, mắt đảo láo liên, mang túi xách tự xưng là người bán thuốc. Hai thanh niên còn lại thì chia ra 2 vị trí khác nhau, ngồi tự nhiên, giả đò như hành khách.
Thanh niên bán thuốc ban đầu hỏi ai có bệnh đau lưng, nhức mỏi thì sẽ được tặng thuốc miễn phí. Một số hành khách, thường là nữ hào hứng đưa tay xin nhận thuốc, thế là được phát cho mỗi người một vĩ thuốc (tôi cũng chẳng biết là cái loại thuốc trời ơi gì đó), và thế là mắc bẫy.
Từng người nhận thuốc lập tức lần lượt bị ba thanh niên này bao vậy, ép mua các vĩ thuốc với giá yêu cầu phải trả là 300 ngàn đồng. Ai từ chối lập tức bị bọn chúng nạt nộ, đòi đánh với lý do là tại sao có bệnh mà tiếc tiền mua thuốc, lý do rất vô lý, lý sự của kẻ cướp. Thế là từng người hốt hoảng móc tiền ra đưa cho bọn chúng và run rẩy nhận mấy vĩ thuốc tào lao gì đó. Có người đưa đủ 300 ngàn đồng, có người đưa cho chúng 500 ngàn đồng nhưng chúng không thoái hoàn tiền dư, mà chuẩn bị kéo nhau xuống xe tại trạm ngay gần Chợ Bình Chánh.

Tôi ngồi một mình, máu nóng dồn lên mặt, cất cặp táp gọn xuống dưới gầm ghế và bước về phía cửa trước xe buýt, nơi 03 tên đó đang chuẩn bị leo xuống xe. Khi hai tên leo xuống thì chị chủ xe (khá đẹp gái, đi theo xe và thu tiền xe) lập tức chặn tên mập râu ria, có vẻ là tên cầm đầu, yêu cầu thoái tiền bán thuốc cho hành khách. Do vướng chị chủ xe nên tên này chưa bước xuống xe được cùng hai tên kia. Tôi lập tức dùng tay phải kẹp cổ tên này, dùng lực xoay người thật mạnh, lấy hông làm điểm tựa quật mạnh tên này ngược về phía sau xe. Cú quật làm tên mập này bị quăng lên không trung, văng bật ngửa sóng xoài và trượt dài trên sàn theo lối đi của xe, trôi đến tận cửa sau xe buýt. Tên này đứng dậy mặt mũi bần thần, rớt nón, rớt dép.

Do chuyển biến như vậy, thái độ hành khách khác hẳn, ngay lập tức có 2 nam hành khách ngồi ghế cuối đứng lên hỗ trợ, chặn tên mập lại, không cho bước về cửa sau. Tôi hỏi có bà con nào bị chiếm đoạt tiền hay không, nhưng do sợ quá nên tất cả im lặng, không ai lên tiếng. Tôi bảo chị chủ xe mở cửa trước thả cho hắn xuống xe. Tên mập lập tức bỏ chạy ngay, bỏ lại cả nón, cả dép trên xe. Khi hắn xuống xe, chị chủ xe lập tức lượm nón, dép quăng ra khỏi cửa sổ xe buýt với thái độ rất giận dữ, cứ như cái nón, chiếc dép kia cũng là đồng lõa với tội ác.


Khi tên mập xuống xe, xe chạy một lúc sau thì một chị mới hổn hển lên tiếng là “nó lấy của em 500 ngàn đồng nhưng không thoái tiền, hồi nãy do em sợ quá nên cứng lưỡi, không nói được”. Một số chị nhao nhao là “anh đẹp trai ơi, anh đánh nó nhìn sướng thiệt, nhưng sao anh không dộng vô mặt nó thêm mấy cái nữa cho đã ?”. Tôi chỉ cười: “như thế đủ rồi, đánh thêm lỡ nó chết thì mắc công tui phải đi ở tù”. Cũng nói thêm, do hôm trước tôi dọn dẹp nhà, khuân vác nhiều nên đau lưng, lại phải dùng sức quá mạnh với tên này nên sau đó cái lưng đau thêm cả tuần lễ mới hết.

Về sau này tôi cũng ít đi xe buýt, nhưng vào khoảng năm 2012, tôi có đi trúng chiếc xe buýt đó và gặp lại chị chủ xe. Do chị đẹp gái nên tôi nhớ dai. Tôi bắt chuyện, hỏi ra mới biết chị tên là Loan, kém tôi vài tuổi. Nhắc lại chuyện cũ, chị nhớ như in. Chị cũng biết hầu hết những vị luật sư hay đi xe buýt Sài Gòn – Long An. Riêng tôi, do đi xe buýt thường ít nói, ít bắt chuyện nên chị này không để ý. Nhưng chị vẫn nhớ rõ diễn biến cái ngày xảy ra chuyện tôi quật tên mập râu ria trên xe buýt của chị. Chị nói lúc đó cứ tưởng tôi là cảnh sát hình sự, không ngờ tôi lại là luật sư. Và chị Loan cũng nói thêm, sau cái ngày tôi quật tên mập trên xe, khoảng ba tháng sau thì Công an TP.HCM đã lập chuyên án bắt hết mấy băng nhóm đó.

Lâu rồi do đổi chỗ ở nên tôi không tiện đường đi xe buýt nữa, nhưng mỗi lần nhìn những chiếc xe buýt liên tỉnh là tôi nhớ tới kỷ niệm một thời gắn bó với tuyến xe buýt 628 (Chợ Lớn – Long An), với những chuyến đi về hàng ngày giữa Sài Gòn và Tân An, gắn với cuộc đời nghề nghiệp luật sư của tôi.

Nguyễn Thế Phong

Bài trướcTruyền thống giáo dục ở Cần Đước
Bài tiếp theoCần Đước cần thêm nhiều sản phẩm OCOP.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây