Truyền thống giáo dục ở Cần Đước

0
671

ThS. NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Chuyện học hành ở Cần Đước trong suốt quá trình khai phá và hình thành hơn 300 năm có thể kể đến các giai đoạn như sau: 1698 – 1859, 1859 – 1954; 1954 – 1975; 1975 – nay

1- Giai đoạn 1698 – 1859: Từ lúc thành lập Phủ Gia Định (1698) đến trước khi thực dân Pháp xâm lược Nam Kỳ

Cùng với Đồng Nai – Gia Định thì người Việt cũng đã đến Cần Đước từ rất sớm nhưng việc khai khẩn chỉ được đẩy mạnh từ sau năm 1698 đến giữa thế kỷ 18 (1747) và qua đó dân cư đông dần lên, xóm làng được hình thành, cuộc sống cũng đi vào ổn định. Từ đó cũng sớm phát sinh nhu cầu học hành.

Từ sau năm 1698 dù Gia Định đã có chính quyền nhưng chính quyền chưa lo được việc học hành cho nhân dân mà chủ yếu là do người dân tự lo. Nhà giàu có  thì nhờ thầy đồ nho tới nhà dạy cho con cái hoặc ông thầy đồ nho mở lớp dạy cho trẻ con trong thôn xóm và thường thì không có lấy tiền mà nhà học trò có thứ gì thì mang cho thầy thức nấy.


Thầy cô Trường Tiểu học Cần Đước sau 1954

Những ông thầy nầy là những ông đồ nho từ ngoài Trung vào cùng với dòng người Nam tiến, và ngoài họ ra còn có các ông thầy thuốc, thầy chùa, trong đó thầy đồ thì thường làm luôn thầy thuốc…

Đến năm 1802 Nguyễn Ánh thống nhất đất nước lập nên triều Nguyễn thì ngoài Quốc Tử Giám ở kinh đô, triều đình cũng dần dần cho lập các cơ quan và bổ các chức quan lo việc học ở tinh và huyện, bên cạnh đó các lớp học của thầy đồ vẫn tồn tại song song.

Các kỳ thi Hương đầu tiên cũng được tổ chức ở Gia Định. Ngay kỳ thi Hương lần  thứ hai năm Gia Long thứ 18 (Kỷ Mão) 1819 chỉ lấy đậu có 12 Hương Cống (cử nhân) thì ở làng Tân Lân (Cần Đước) có hai người là Mai Thăng Đường đậu hạng 6 sau làm Án sát và Trần Vĩnh Lại đậu hạng thứ 12 sau làm Tri huyện; đến khoa thi Tân Tỵ 1821 năm Minh Mạng thứ 2 tiếp tục có Bùi Nguyên Thọ cũng làng Tân Lân đậu thứ 2/16 sau làm Án sát và khoa thi Mậu Tý 1828 có Phạm Như Bá làng Tân Trạch.

Sự hiện diện khá sớm của các nhà nho Cần Đước trong hàng ngũ các Hương cống triều Nguyễn kể trên là một sự kiện có nhiều ý nghĩa, nó cho thấy trong giới hạn của tổ chức xã hội đương thời nhưng xứ Cần Đước đã sản sinh được những trí thức đạt được trình độ chung của trí thức toàn quốc, có khả năng tham gia vào việc quản lý đất nước và xã hội. Đó cũng là kết quả kết tinh từ hơn 100 năm khai hoang mở đất, lên ruộng lập làng.


Học trò xưa (minh họa)

Qua trình bày trên, chúng ta thấy ngay những năm đầu trên vùng đất mới người Cần Đước khi đã tạm ổn định cuộc sống đã rất quan tâm và coi trọng việc học và đã đạt được những kết quả cao mà tiêu biểu là những nhân vật nêu trên. Từ đó truyền thống hiếu học cũng đã sớm hình thành ở Cần Đước được mãi lưu truyền và là một nhân tố quan trọng trong suốt quá trình phát triển của vùng đất nầy.

2- Giai đoạn 1859 – 1954: -Giai đoạn cai trị của thực dân Pháp

Đến thời kỳ thực dân Pháp xâm lược và cai trị suốt gần 100 năm (1859 – 1954) thì họ tổ chức việc học ở cấp quận chỉ giới hạn ở trình độ tiểu học.

Ở tại quận lỵ Cần Đước chỉ có một trường tiểu học có một dãy 05 phòng và một ngôi nhà riêng dành cho ông đốc (hiệu trưởng) ở và làm việc. Do có lúc quận lỵ đóng ở Rạch Kiến thời Sở Đại Lý Rạch Kiến (1909 – 1923) nên tại Rạch Kiến cũng có một ngôi trường tương tự. Còn lại ở các làng thì chỉ có trường dạy đến lớp Ba và thường chỉ có hai ba phòng học.

Khi học hết lớp ba trường làng thì học trò thi lấy bằng Sơ học tiểu học và thi lên lớp Nhì trường quận. Nếu đậu thì học tiếp ba năm gồm hai năm lớp Nhì và một năm lớp Nhất thì thi lấy bằng Cao đẳng Tiểu học. Chương trình học gồm có tiếng Pháp và tiếng Việt.

Thường thì học trò phải học suốt ngày, mang theo giỏ cơm ăn trưa và chính quyền cũng có dành một căn nhà gọi là Ngọ Phạn Điếm để học trò có chỗ ăn trưa, hoặc có khi cũng có cơm miễn phí. Ngọ Phạn Điếm ở Cần Đước nằm bên trái Nhà hội làng Tân Ân, bây giờ là trụ sở UBND thị trấn Cần Đước. Sau này Ngọ Phạn Điếm nầy được trưng dụng làm những phòng học đầu tiên của trường Trung học Cần Đước khi mới thành lập năm 1958. Hai phòng nầy được học sinh THCĐ gọi là phòng “cứt dơi” vì dơi ở rất nhiều và thải phân đầy mùi rất khai. Những lứa học trò trước năm 1975 đều có kỷ niệm sâu sắc với hai phòng cứt dơi nầy.

3- Giai đoạn 1954 – 1975: thời VNCH

Khi rút khỏi Việt Nam năm 1954, người Pháp đã để lại ở Cần Đước một hệ thống giáo dục chỉ ở bậc tiểu học với một ít phòng học ở huyện lỵ và ở các làng. Khi học hết tiểu học và ai có điều kiện thì lên Sài Gòn học tiếp bậc trung học trường công hoặc trường tư nhưng số nầy cũng rất ít, thường là con của quan chức, thầy giáo và điền chủ, còn con tá điền nghèo khó thì thường mù chữ hoặc học hết lớp ba trường làng là giỏi lắm rồi.

Đến khoảng năm 1956, 1957 mới có những người tâm huyết đứng ra mở trường tư dạy từ lớp đệ thất đến đệ tứ ở chợ Cần Đước.

Đầu tiên là trường Lê Thánh Tôn do ông Ba Ất mở ở Xóm Trầu. Trường chỉ dạy có hai lớp đệ thất và đệ lục và mời hai ông thầy từ Sài Gòn xuống dạy là thầy Hiệp dạy Toán Lý Hoá và thầy Huỳnh dạy Văn, Anh văn. Thầy Hiệp thì đem vợ con xuống ăn ở tại trường, còn thầy Huỳnh thì đi về Sài Gòn. Nhưng trường chỉ hoạt động được một hai niên khoá thì không biết gặp khó khăn gì đã đóng cửa. Dầu tồn tại không lâu nhưng trường Lê Thánh Tôn đã đánh dấu bước mở đầu của giáo dục trung học ở Cần Đước.

Cũng trong thời kỳ sau 1954 với chế độ  VNCH, sau trường Lê Thánh Tôn thì có thêm hai trường trung học tư thục là trường Trương Văn Tráng và trường Tấn Thành được thành lập. Trường Trương Văn Tráng tọa lạc ở khu 4 thị trấn bây giờ, còn trường Tấn Thành thì ban đầu mở ở Chợ Trạm và sau đó dời về gần chợ Cần Đước bây giờ là khu 5 của thị trấn Cần Đước. Trường TVT hoạt động một vài năm rồi cũng nghỉ, còn trường Tấn Thành tồn tại đến năm 1973 thì chuyển sang thành trường Bán công cho đến năm 1975.

Phải ghi nhận sự đóng góp lớn của các trường trung học tư thục nầy cùng với những người lập trường đối với việc phát triển giáo dục ở Cần Đước khi quận chưa có trường trung học hay ngay khi có trường trung học công lập rồi thì vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu học tập của nhân dân khi mỗi niên khoá chỉ tuyển một lượng hạn chế khoảng 150 – 200 học sinh.

Sau năm 1954 trong khi quận chưa mở được trường trung học thì học sinh Cần Đước phải lên học cấp hai ở trường trung học Cần Giuộc đã được mở sớm hơn, một số thì ở trọ đi học, số thì mỗi ngày đi về bằng xe đò rất vất vả.

Đến niên khoá 1958 – 1959 do công sức vận động của nhiều người có uy tín thì trường trung học Cần Đước mới được quyết định thành lập nhưng muộn hơn ngày khai giảng. Từ đó quận Cần Đước đã chính thức có trường hệ trung học đầu tiên trong lịch sử phát triển giáo dục của mình.

Và đến năm 1966 cùng với việc thành lập quận Rạch Kiến thì trường trung học Rạch Kiến cũng được thành lập.

Khi mới thành lập trong bối cảnh gấp gáp chưa chuẩn bị kịp cơ sở vật chất nên chính quyền quận đã trưng dụng cơ sở của nhà thương quận (bệnh viện) và nhà Ngọ Phạn Điếm (phòng cứt dơi) để làm văn phòng và những phòng học đầu tiên. Do vốn là nhà thương nên kề bên có một hồ nước xây bằng bê tông rất lớn để chứa nước mưa sử dụng và cái hồ nầy tiếp tục nằm giữa sân trường cho đến sau năm 1975 và mặt hồ thường được sử dụng làm sân khấu biểu diễn văn nghệ trong các dịp lễ Tết của trường. (Có thể tìm hiểu chi tiết hơn trong bài Vài nét về truyền thống trường Trung học Cần Đước).

Trong giai đoạn nầy thì ở các xã vẫn sử dụng y nguyên các lớp trường làng thời Pháp chứ cũng không có xây gì thêm, học sinh học hết lớp ba vẫn phải thi lên lớp nhì trường quận mãi đến sau năm 1960 mới bỏ lệ thi nầy.

Đến khoảng năm 1973 do nhu cầu phát triển giáo dục chính quyền VNCH đã có chủ trương xây dựng trường trung học đệ nhất cấp (cấp hai) ờ một số cụm xã và gọi là trường Trung học Tỉnh hạt như trường Tỉnh hạt Long Hựu, trường Tỉnh hạt Chợ Trạm…

Khi trường Trung học Cần Đước được thành lập năm 1958 thì bắt đầu từ các lớp hệ trung học đệ nhất cấp (cấp hai) và cứ theo đà phát triển thì tiếp tục mở thêm các lớp trung học đệ nhị cấp (cấp ba) từ năm 1964,1965. Trong thời gian đó học sinh cấp hai đã được học tại quận nhưng học sinh cấp ba vẫn tiếp tục lên học ở Cần Giuộc. Do đặc điểm lịch sử nên giáo dục ở Cần Giuộc luôn phát triển hơn ở Cần Đước một bước.

Đến niên khoá 1970 – 1971 trường trung học Cần Đước cũng chỉ có hai lớp đệ nhất (lớp 12) với khoảng 50 học sinh tham dự thi Tú Tài phần hai, trong đó ban B (Toán-Lý Hoá) có 13 học sinh và ban A (Vạn Vật-Lý Hoá) có khoảng 25 học sinh.

4- Giai đoạn 1975 đến nay…

Khi nước nhà được độc lập thống nhất năm 1975 đã mở ra một bước phát triển mạnh mẻ vượt bậc cho sự nghiệp phát triển giáo dục Cần Đước. Hệ thống trường lớp được xây dựng đạt chuẩn rộng rải khang trang từ mẩu giáo mầm non cho đến các cấp 1,2,3.

Đến năm 2020 toàn huyện có 05 trường cấp 3, các xã đều có trường từ mầm non cho đến cấp hai, tất cả đều được xây dựng kiên cố rộng rải khang trang theo chuẩn quốc gia. Mỗi năm số học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông lên khoảng 3 ngàn em, so với trước năm 1975 số học sinh lớp đệ nhất thì Tú Tài chỉ có khoảng 200 em.

Hiện tổng số giáo viên các cấp trong toàn huyện có khoảng 3 ngàn người và đa số là người gốc địa phương, trong khi trước năm 1975 giáo viên bậc trung học đa số là người từ nơi khác đến và người gốc địa phương rất hiếm.

 

Bài trướcTS.LS Nguyễn Văn Thọ – người con của quê hương Cần Đước
Bài tiếp theoNghề luật sư và những chuyến xe buýt!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây