Người Cần Đước trên bản đồ giáo dục: Tiến sĩ Trương Thị Tuyết Nương – cả đời gắn với công tác xã hội

0
726

TRƯƠNG THỊ XUÂN SƠN

Nghe bài hát của Trần Tiến vang lên : “Chị tôi chưa lấy chồng…ngày con gái lưng ong có bao chàng quay quanh…” Thật ra chị tôi không có quá nhiều chàng trai vây quanh, nhưng chị cũng có những mối tình, mà có lẽ cuộc đời chị có duyên mà không  nợ với ai, nên chỉ lo việc giúp người và việc học hành, cho đến giờ này chị vẫn độc thân!

Chị là con gái lớn, nhưng sau hai người anh (anh Hai, anh Ba), nên theo thứ bậc người Nam, thì gọi là cô Tư. Xưa ba tôi dù là người Tây học, nhưng cũng rất yêu chuộng nền văn học Việt Nam, ông đã đặt tên chúng tôi theo hai câu thơ trong truyện Kiều của cụ Nguyễn Du:

Làn THU THỦY nét XUÂN SƠN,

HOA ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

Chị được ba tôi đặt tên là Thu Thủy, nhưng trong giấy khai sinh chị là Tuyết Nương.

TS Trương Thị Tuyết Nương

Lúc còn nhỏ chị đi học ờ trường Tiểu học Cần đước. Năm 1954, chị học lớp nhất (lớp 5 ngày nay) quận tổ chức thi tốt nghiệp Tiểu học bao gồm cả học sinh lớp nhất và lớp tiếp liên của toàn quận (tiếp liên là những học sinh lớp nhất năm trước không đậu đươc bằng Tiểu học, nên cho lên học lớp tiêp liên để năm sau thi lại). Cuộc thi còn nghiêm túc hơn các cuộc thi tú tài sau này, ban giám khảo, giám thị đều từ nơi khác đổi đến. Khi công bố kết quả, chị được giải học sinh giỏi văn toàn quận với phần thưởng là chiếc cặp da, tập vở và bút mực.

Sau khi tốt nghiệp Tiểu học, chị về học trường nhà Trương Văn Tráng 4 năm, để lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp. Rồi chị qua học đệ tam (lớp 10) ở Gò công, sau đó chuyển thẳng về trường Gia Long ở Sài gòn để học lớp đệ nhị và đệ nhất (lớp 11 và 12). Cuộc đời tưởng êm xuôi, chị có thể học lên tiếp Đại học để theo đuổi nguyện vọng của mình, nhưng vì cảnh nhà sa sút, chị thi vào học trường Công tác xã hội Caritas (trước đây là trường Thevenet thuộc Hội Hồng Thập Tự Pháp, nơi đào tạo Y tá chương trình Pháp cho bệnh viện tư Grall và Saint Paul của Pháp, trước 1975), điều hành do dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn ở 38 Tú Xương, Sài Gòn.

Sau 3 năm học, chị tốt nghiệp và được tuyển làm việc tại Hội Cha mẹ nuôi Quốc tế (Foster Parents’ Plan). Cũng nói rõ thêm, đây là trường Công tác xã hội đầu tiên ở miền Nam, bằng cấp được Bộ Xã Hội chính quyền cũ công nhận và trường UP (University of the Philippines) cũng công nhận, vì vậy, sinh viên tốt nghiệp có thể chọn làm ở Bộ Xã hội, các NGOs hay tiếp tục du học Master (Thạc sĩ) ở Philippines.      

 

Hội Cha mẹ nuôi quốc tế là một tổ chức phi chính phủ (NGO) lớn nhất miền Nam, với hơn 50 nhân viên xã hội được đào tạo, hoạt động toàn miền Nam trước 1975. Hội giúp trẻ em của các gia đinh nghèo nhiều nước trên thế giới. Hội gây quỹ từ những mạnh thường quân ờ Mỹ, ngay cả các em học sinh ở Mỹ có thể nhận một học sinh nghèo ở VN, gởi tiền (qua Hội) cho các em ăn học hàng tháng và viết thư động viên, thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn, như vai trò của người cha mẹ nuôi, ngoài ra mở các lớp dạy may cho trẻ gái bỏ học, và giúp vốn cho gia đình buôn bán nhỏ để nuôi con đi học. Chính nhờ Hội, mà tôi có được công việc dịch thư từ tiếng Anh ra tiếng Việt và ngược lại, để giúp cha mẹ nuôi và các con nuôi liên lạc, thông hiểu và yêu thương nhau, đồng thời cũng giúp tôi có việc làm thêm cho việc học của tôi. Đặc biệt là Hội không trợ cấp con thương binh, tử sĩ vì thành phần này được chính phủ lo. Với tinh thần cầu tiến và hiếu học, ngoài giờ làm việc, chị học Anh văn và đậu bằng Proficiency Hội Việt Mỹ và ghi danh học Đại học Văn Khoa Sài Gòn (hiện nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), chuẩn bị thi lấy bằng Cử nhân, thì đến ngày 30/4/75.

 

Tháng 4/1975, các NGOs ngoại quốc đều rút về nước! Hội Cha Mẹ Nuôi Quôc tế cũng rời VN. Giai đoạn này thật là khó khăn, thất nghiệp và làm bất cứ việc gì để ổn định cuộc sống, chị xin vào phụ trách phòng Y tế của Nhà máy Len Biên hòa, vì chị có chứng chỉ Y tá trong khi học Cán sự Xã hội. Năm 1986, nhà nước mở cửa, các tổ chức NGOs lần lượt trở qua Việt Nam.

Chị nộp đơn xin việc ở các NGOs vì họ cần Nhân viên xã hội. Chị được tuyển dụng làm dự án trẻ đường phố với Terre Des Homme Lausane; Dự án người cao tuổi. Sau khi trúng tuyển làm Cán bộ đào tạo cho Radda Barnen, một NGO Thụy Điển, chị được các chuyên gia của UNICEF đưa đi tập huấn ở Hà Nội 02 tháng về dự án “Tư pháp vị thành niên” với “phương pháp giáo dục chủ động” và trở về Nam tổ chức 22 lớp tập huấn cho  22 quận, huyện TP. HCM, cho cán bộ làm việc với trẻ làm trái pháp luật, gồm Công an, Viện Kiểm soát, Hội thẩm nhân dân, Thanh niên, Phụ nữ, Ủy Ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em…

Chương trình mỗ mắt miễn phí cho người nghèo – Ảnh: Internet

Để chuẩn bị xin học bổng du học, chị đăng ký học Cử nhân Anh văn tại chức. Vừa đi tập huấn ở khắp 22 quận huyện nội ngoại thành, vừa đi học ban đêm, nhiều lúc chị quá mệt mỏi! Sau khi tốt nghiệp xong Cử nhân, chị nộp đơn xin đi học Thạc sĩ vể Công tác Xã hội tại Philippines, đồng thời nộp đơn xin học bổng. Năm 1999, chị được học bổng toàn phần do 02 nơi cấp. Lúc đó chị 57 tuổi. Sau 03 năm học Master in Social Work tại Asian Social Institute, Philippnes, chị tốt nghiệp Thạc sĩ. Sau đó, một người Mỹ gốc Việt đến Philippines làm thiện nguyện, cảm phục một phụ nữ lớn tuổi mà có tinh thần học tập cao độ như vậy, nên đã tài trợ cho chị học Tiến sĩ  tại  Đại học De La Salle, Manila, Philippines, một trường ĐH quốc tế nổi tiếng ở Philippines. Lúc đó, mọi người trong gia đình và bạn bè đều khuyên chị không nên học tiếp, vì ở tuổi đó có học xong, khi về nước cũng chẳng làm được gì, nhưng chị không nghe và quyết chí học tập.

Sau 3 năm rưỡi, (chương trình học chính qui cho Tiến sĩ là 04 năm), chị tốt nghiệp Tiến sĩ năm 2007 và trở về nước và tham gia giảng dạy tại các trường đại học ở TP. HCM như Đại học KHXH&NV, ĐH Hoa Sen, Đại học Mở, Đại học Bình Dương và là Giảng viên cơ hữu Đại học Nguyễn Tất Thành.

 Ở tuổi 80 chị vẫn còn tiếp tục giảng dạy, mà còn giảng dạy online nữa chứ, vì trong thời đại dịch, học sinh không thể đến trường; ngoài ra còn làm nghiên cứu khoa học, viết tạp chí, tham gia kiểm định chất lượng và mọi hoạt động khác khi trường cần đến. Thấy chị đã lớn tuổi vẫn còn đi giảng dạy nhiều, tôi cũng thường xuyên khuyên chị nghỉ ngơi để vui hưởng tuổi già, nhưng chị bảo: “Làm việc là một niềm vui, đầu óc còn phát triển, tránh sự lãng quên, còn hòa mình vào xã hội và giúp ích cho đời. Nếu nghỉ ở nhà, mình cảm thấy bị đào thải, buồn bã, chán nản rồi sinh bệnh tật!”.

Theo tôi chị không phải là người quá thông minh, nhưng là một người cầu tiến, hiếu học, chuyên cần, nhẫn nại, có ý chí và nghị lực phi thường. Làm việc có kế hoạch và chiến lược, khi đã quyết định làm việc gì thì phải đạt mục đích, làm đến nơi đến chốn, giữ vững lập trường và nhất là giữ chữ tín! Khi nhận học bổng thì hoàn tất việc học đúng thời hạn và trở về phục vụ quê hương như lời hứa. Trong cuộc đời, nhiều lần vấp ngã, thất bại, trắng tay, nhưng chị đã đứng lên từ tận cùng xã hội, dũng cảm đi tiếp đến thành công…Có lẽ biết được tính cách, tinh thần trách nhiệm và sự quả cảm của chị khi làm việc chung, mà các nhà tài trợ mới mạnh dạn cấp học bổng cho chị. Và cũng chính vì vậy, từ 2014, nhà tài trợ vẫn còn nhờ chị làm đại diện phía Nam cho “Chương trình mang ánh sáng cho người nghèo”, mỗi năm mổ mắt miễn phí cho trên 300 bệnh nhân nghèo đục thủy tinh thể, mộng thịt và bắn tia lazer và chương trình này cũng đã thực hiện mổ măt nhiều năm cho Huyện Cần Đước! Chị thường nói với các cháu: “Phải dám dấn thân thì cơ hội sẽ đến!”. 

 Nhìn chung người Cần Đước lâu nay rất có tinh thần vượt khó hiếu học và nhiều người nhiều gia đình cũng góp phần tích cực phát triển giáo dục và Chị cũng là một tấm gương hiếu học có thật ở quê hương Cần Đước. Và cũng xin nói thêm: những thành kiến, mặc cảm về “người cao tuổi” cũng nên xóa bỏ, vì nếu còn sức khỏe, họ là kho tàng kinh nghiệm, tiềm năng mà giới trẻ cần khai thác, học hỏi…

Trương Thị Xuân Sơn

Bài trướcLỡ hẹn quê hương
Bài tiếp theoNhững bước đường hội nhập!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây