Người Hoa ở Cần Đước

0
547

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG


Ngoài chùa Tiều ở Tân Ân thì còn có chùa người Hoa ở xã Tân Thạch và Long Hựu Đông, thường gọi là chùa Ông Bổn thờ Quan Thánh Dế Quân (Quan Công) – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Trong thành phần người Cần Đước ngoài người kinh còn có một nhóm nhỏ người Hoa. Người Hoa từ Trung Quốc đến Biên Hoà, Mỹ Tho rất sớm từ năm 1679 tức cuối thế kỷ 17 và thời huyện Phước Lộc 1808 đã có hơn 300 người Hoa. Tư liệu cho thấy năm 1886 người Hoa buôn bán ở chợ Rạch Kiến đã hiến tặng cho đình Long Hoà một đôi liễn có nội dung: “Thành đức nguy nga, vạn tải hồng hưu phù khách sĩ / Hoàng ân hạo đãng, thiên thu hậu trạch ấm thương dân” (Vòi vọi đức thần, muôn thuở xin phù trì khách Bắc / Mênh mông ơn thánh, ngàn thu xin giúp đỡ người buôn).


Con cháu người Hoa Vân tiếp tự sinh sống và mua bán ở chợ Càn Đước – Ảnh Nguyễn Văn Đông.

Hiện toàn huyện có khoảng 100 gia đình người Hoa. Phần đông là người Tiều (Triều Châu), một số ít người Quảng Đông. Có cả người Hà Nàm (Hải Nam) và người Hẹ. Họ sang Cần Đước làm nhiều đợt và đợt sau cùng có lẽ từ năm 1945 đến 1949.
Người Hoa thường sống tập trung ở các chợ trung tâm như chợ Cần Đước, chợ Kinh Nước Mặn, chợ Trạm, chợ Rạch Kiến và những khu đông dân. Người Hoa ở Cần Đước thì người Tiều chiếm đa số chuyên bán tạp hóa và sửa đồng hồ. Một ít gia đình người Quảng bán cà phê, hủ tiếu và mở tiệm bán và hốt thuốc Bắc. Người Hà Nàm chuyên trồng răng…Họ mang họ Trịnh, họ Dư, họ Văn. Người Hoa khi đến Cần Đước phần lớn kinh tế khó khăn nhưng nhờ năng khiếu mua bán cộng thêm cần cù, có sự đoàn kết tương trợ trong bang hội nên họ ổn định nhanh và chiếm độc quyền mua bán mà đa số người Việt không quen làm lại sống ở nông thôn


Ngôi nhà người Hoa xưa vẫn còn ở chợ cũ Cần Đước – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Nhiều người Hoa khi đến Cần Đước thì đã có vợ bên Tàu nhưng họ thường lấy thêm vợ người Việt để thuận lợi cho sinh sống và làm ăn. Khi sinh được con trai đầu thì gửi về bên Tàu. Sau năm 1975, những người nầy có trở qua Việt Nam thăm mẹ và anh em. Nhưng họ không nói được tiếng Việt, còn anh em bên Việt Nam thì qua mấy đời không còn nói được tiếng Tàu. Thành ra anh em ruột mà nói chuyện với nhau phải có người thông dịch!. Có lần sau năm 1975, một anh vừa từ bên Tàu mới qua đến chợ Cần Đước tìm thăm mẹ thì mẹ cũng vừa mất và kịp dự đám tang của mẹ mình luôn!.
Người Hoa ở Cần Đước tính toán rất hay. Ngày xưa khi mới đến thì nghèo khó và không có gì. Rồi họ lấy vợ Việt và được những người đi trước giúp đở, lần hồi họ chiếm lỉnh hầu hết việc bán buôn ở chợ. Hai dảy phố chính ở Chợ Cần Đước đa số đều thuộc người Hoa. Sau khi làm ăn khá giả thì họ đã mua đất lập trường học, lấy tên là Kiều Quang Học Hiệu để dạy tiếng Hoa cho con em. Rồi họ còn mua cả mẫu đất ở xã Tân Ân để làm nghĩa trang, chuyên dành chôn cất người Tiều. Họ có cất ở đây một ngôi miếu thờ Quan Công mà dân thường gọi là chùa Tiều. Họ cũng có ban đại diện và hàng năm cũng tề tựu cúng bái đông vui.


Nghĩa trang người Hoa ở chùa Tiều – Ảnh Nguyễn Văn Đông

Người Việt và người Hoa ở Cần Đước sống đoàn kết, và đến nay dường như trong cuộc sống hằng ngày không còn phân biệt Hoa hay Việt. Sau năm 1975 thì vài gia đình còn liên lạc bên Tàu nhưng nay thì thưa dần và mất liên lạc vì thời gian ly hương đã quá lâu.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcNgười Cần Đước với Hội kín Phan Xích Long
Bài tiếp theoVẽ đẹp vùng ngoại vi thị trấn Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây