Nhà Cần Đước học

0
1035

THANH MINH

Người Cần Đước Online ra mắt bạn đọc gần xa đúng 1 tháng, có nhiều bạn chia sẻ động viên Ban quản trị trong việc cung cấp thông tin về văn hoá, lịch sử vùng “cua đinh – cần đước”. Không ít người thông qua Người Cần Đước Online biết được vùng đất nầy có nhiều di sản văn hoá như Di tích lịch sử văn hoá quốc gia Nhà trăm cột, dấu tích Vua Gia Long ở Cần Đước, chùa cổ Phước Lâm, đồn Rạch Cát…và một số đặc sản mà không phải nơi nào cũng có. Đó là công sức đầu tiên thuộc về nhà sưu tầm lịch sử địa phương Nguyễn Văn Đông, anh đã từng là cán bộ giảng dạy trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trước khi chuyển về công tác ở quê nhà Cần Đước.

Anh Nguyễn Văn Đông và gia đình

Anh Nguyễn Văn Đông đã trãi qua nhiều vị trí khác nhau từ cán bộ Ban Tuyên giáo đến chánh văn phòng, phó chủ tịch, chủ tịch huyện rồi Bí thư huyện uỷ. Ở vị trí nào anh cũng dành thời gian nghiên cứu, ghi chép tư liệu về lịch sử-văn hoá -truyền thống địa phương.

Với vốn kiến thức từ các chương trình đào tạo nghề giáo, đào tạo trình độ sau đại học anh đã thu lượm những tinh hoa của văn học dân gian Cần Đước, tìm hiểu sâu về Cần Đước, cái nôi đờn ca tài tử Nam Bộ qua cuộc đời và quá trình dạy đờn của Cụ Ba Đợi ( Nguyễn Quang Đại) – Người Thầy của đơn ca tài tử.

Hơn 30 năm tham gia quản lý nhà nước tại huyện nhà, anh hiểu rõ những khó khăn cũng như thành tựu của địa phương, trong đó ba sự kiện tiêu biểu làm thay đổi lớn cho Cần Đước. Đó là việc đắp đập Cầu Chùa Cần Đước để ngăn mặn và giữ nước ngọt cho người dân Cần Đước. Sự kiện thứ hai là khai thác nước ngầm phục vụ sinh hoạt đời sống của nhân dân vùng đất ngàn đời nước mặn phèn chua. Sự kiện thứ ba là bắc cầu qua kinh Nước Mặn, nối liền huyện với hai xã ven biển, nâng cao đời sống người dân, phát triển kinh tế, trong đó có du lịch.

Cầu Ba Đông
Từ lâu kinh Nước Mặn đã giúp kinh tế đồng bằng sông Cửu Long phát triển mạnh mẽ nhờ vào giao thông đường thuỷ thuận lợi. Hàng hoá từ miền Tây đến TP. HCM đều qua kinh Nước Mặn chỉ mất 15 – 30 phút qua con kinh chỉ có 2 cây số thay vì đi vòng 30 cây số ra cửa Soài Rạp rồi vòng vào sông Rạch Cát phải mất 3-5 giờ đồng hồ. Từ việc “đi ngang về tắt” nầy kinh Nước Mặn đã mang lại lợi ích to lớn cho giao thương giữa Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng người dân hai bờ kinh Nước Mặn lại chịu biết bao thiệt thòi như cảnh đò ngang cách trở, nhiều thế hệ phải dời nhà cửa vì đất liên tục sạt lở do tác động của hàng ngàn ghe tàu qua lại ngày đêm, từ con kinh đào nhỏ bây giờ đã lỡ rộng hàng trăm mét, khoảng cách hai bờ xa dần nhưng không có chiếc cầu qua lại hàng trăm năm nay, rồi những đe dọa chực chờ của những cơn bão hàng năm nhưng khó chạy bão vì con kinh rộng đã nằm chắn lối rồi.

Cơn bảo LynDa 1997 tưởng chừng như muốn nuốt chửng dân hai xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây vì cách trở giữa cù lao Long Hựu với đất liền. Với tinh thần trách nhiệm được giao phó anh Nguyễn Văn Đông đã trực tiếp chỉ đạo di dời hơn 3 ngàn dân vất vả vượt kinh về trú bảo an toàn ở thị trấn với sự chăm sóc ăn ở tận tình của bà con. Cũng chính từ hiểm họa nầy mà ý tưởng về xây cầu kinh Nước Mặn đã được huyện đề xuất với sự đồng tình cao của hơn 20 ngàn dân ở cù lao Long Hựu nầy.

Dù việc trả lại cho người dân Long Hựu một cây cầu là nhu cầu đúng đắn, bức xúc nhưng cũng phải trải qua nhiều năm với nhiều khó khăn cầu mới được hình thành từ sự thấu hiểu và đáp ứng đầy trách nhiệm của cấp trên.

Cầu được xây rộng đẹp vững chắc, giờ đây cù lao Long Hựu, vùng đất đắc địa đã được nối liền, bà con đã thoát được cảnh đò ngang, chạy tránh bão đã dễ dàng, bờ kè cũng đang được xây dựng hứa hẹn một hình ảnh dòng kinh Nước Mặn thật xinh, bù đắp lại những thiệt thòi do đóng góp cho lợi ích chung, và hứa hẹn một cù lao Long Hựu phát triển mạnh mẻ về kinh tế văn hoá du lịch trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Trong những bữa trà dư tửu hậu nhìn cây cầu vững chải nối hai nhịp bờ vui nhắc chuyện xưa có người nói vui cầu nầy là cầu “Ông Ba Đông”.

Anh rất quan tâm đến các hoạt động về nguồn, văn hoá, thể thao, du lịch.

Người Cần Đước
Anh sinh ra và lớn lên ở Xóm Đáy, thị trấn Cần Đước trong gia đình sống nghề hạ bạc. Từ bé đã xuống ghe vất vã theo cha làm nghề, những tháng ngày cắp sách đến trường tiểu học, rồi trung học, anh nhớ rõ những diễn biến xảy ra ở mảnh đất bé nhỏ nầy. Từ chiếc cầu chợ bị sập do xe thiết giáp M113 chạy qua, dinh quận bị pháo kích giữa ban ngày…anh đều ghi nhớ. Hơn nữa gia đình anh có người bên nầy người bên kia nên anh hiểu được tâm tư của người dân, nhất là những năm mới giải phóng.

Hiện nay anh vẫn tiếp tục nghiên cứu về đất và con người Cần Đước, từng bước lý giải về những vấn đề về văn hoá, lịch sử Cần Đước như quá trình khai phá và nguồn cội của người Cần Đước, nguồn gốc của địa danh Cần Đước, tìm hiểu về truyền thống đấu tranh bất khuất của người dân Cần Đước chống ngoại xâm, về văn hoá tôn giáo tín ngưỡng Cần Đước, về lịch sử của những nhân vật của Cần Đước như Nguyễn Khắc Tuấn, Hồ Văn Huê, Bùi Quang Diệu, Mai Văn Hiến…

Với những hiểu biết về vùng đất nầy anh cũng đã hỗ trợ cho những luận văn cao học về những đề tài liên quan đến văn hoá, lịch sử du lịch Cần Đước.

Ở tuổi U70 anh còn dành thời gian tiếp tục tìm hiểu về Đất và Người Cần Đước và cùng những người bạn yêu quê hương xây dựng trang Web Người Cần Đước Online để giới thiệu về Cần Đước đến những người con của Xứ Cần, là một sự cống hiến đáng trân trọng.

Có thể gọi Anh là Nhà CẦN ĐƯỚC HỌC

 Thanh Minh
Mùng 1 Xuân Nhâm Dần

 

Bài trướcNgười Cần Đước luôn hướng về quê hương!
Bài tiếp theoVăn học dân gian Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây