HUỲNH VĂN HẠNH
Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Sài Gòn năm 1968, tôi về làm việc ở Gò Công. Đến năm 1975 chiến tranh kết thúc và tạm thời thất nghiệp nên về quê làm ruộng. Năm 1979 Cô Sơn, bà xã tôi được chuyển từ Hố Nai, Biên Hoà về Trường Cấp 3 Cần Đước. Gia đình ba mẹ tôi rất đông trên 10 người trong khi đó má vợ sống đơn chiếc tại căn nhà mà khi xưa là ngôi trường Trương Văn Tráng của ba lập. Bà sang gặp ba má tôi ngỏ ý cho phép tôi và Sơn về sống chung bên ấy nhưng ba tôi không đồng ý vì ngại con mình mang tiếng sống nhờ bên vợ.
Cùng Bạn Biên tập Báo Lâm Nghiệp
Sang năm sau 1980 vợ chồng tôi xin ba mẹ được ra riêng và cất một căn nhà lá nhỏ sống bên cạnh và cuộc sống tự lập bắt đầu từ đó. Rồi điều các con lo sợ với tuổi già trên 80 mươi của cha mẹ đã đến. Mẹ tôi ra đi năm 1982 và hai năm sau Ba cũng về bên mẹ khi chưa kịp biết lúc đó Sơn đã mang thai cháu nội được 2 tháng.
Từ khi sanh được bé gái duy nhất, vợ chồng tôi vừa mừng và cũng rất lo lắng khi nghĩ đến tương lai cháu vì đang sống với những khó khăn chung trong hiện tại.
Nhưng dịp may đã đến nhờ đất nước đi vào đổi mới mở cửa với thế giới. Tháng 6/1986 anh Nguyễn văn Thừa, cùng quê Cần Đước, bạn cùng học Đại học Nông Lâm sau tôi 2 năm, ghé thăm. Anh ở Úc vừa trở về sau thời gian dài du học. Qua trao đổi anh cho biết anh đang liên kết với Công Ty Hợp tác Xuất Nhập Khẩu Lào và tỉnh Minh Hải (Cimexcol Minh Hải) để cung cấp máy móc phục vụ lâm nghiệp và cho biết công ty hiện rất cần người chuyên môn như tôi. Nhờ anh giới thiệu và chỉ vài hôm sau anh báo tin lãnh đạo công ty đồng ý tiếp nhận và bố trí tôi là Trưởng Phòng Kỹ Thuật XN Chế biến gỗ Xuất Khẩu. Các đơn vị gia công cho xí nghiệp nằm rải rác trong thành phố nên hàng ngày phải đi chuyển khó khăn bằng xe đạp. Kết quả vô cùng tốt đẹp sau 2 năm đã xuất khẩu được 5 chuyến ghế xếp và 2 chuyến ván sin sang Đông Âu. Với thành quả này Công Ty đã duyệt bán cho một xe honda 87 đã qua sử dụng từ Nhật bằng nửa giá thị trường.
Ông Huỳnh Văn Hạnh và Ông Cazet
Khoảng tháng 7/1988 Cimexcol thay đổi lãnh đạo cùng lúc anh Nguyễn Văn Hỷ khoá đàn anh ở Nông Lâm cho biết Liksin (Liên Hiệp Khoa học sản xuất in) có chương trình trồng cây bạch đàn để làm nguyên liệu giấy và Liksin là Liên Hiệp in lớn nhất Thành Phố lúc bấy giờ. Tổng Giám Đốc cần anh giới thiệu người để chỉ đạo thực hiện chương trình. Anh Hỷ lúc đó là Trợ lý Giám đốc một công ty thành viên của Liksin. Thế là tôi được tiếp nhận với chức vụ ban đầu là Trưởng Phòng Kỹ Thuật.
Chương trình phát triển trồng cây nguyên liệu giấy như bạch đàn, keo lá tràm ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm dần nhập khẩu nguyên liệu giấy và các cây này thích hợp nhiều vùng đất và khí hậu VN. Thủ Tướng lúc đó là Ông Võ Văn Kiệt rất ủng hộ chương trình này và giới thiệu để Liksin dễ thuyết phục lãnh đạo các địa phương. Tổng Giám Đốc đề cử trợ lý của ông, nguyên trước đây là Vụ Trưởng của Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước và tôi cũng được tham dự trong chuyến đi hai tỉnh là Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế ) và Nghĩa Bình (Bình Định, Quảng Ngãi). Tất cả lãnh đạo địa phương rất ủng hộ vì đất đai miền Trung thích hợp với cây trồng này.
Kiểm tra tăng trưởng cây bạch đàn
Nhờ lãnh đạo địa phương và trung ương ủng hộ nên chương trình đã được Uỷ Ban Kế hoạch Nhà nước thông qua. Nguồn vốn do ngân hàng Nga cho vay. Liksin được phép mời gọi đối tác nước ngoài liên doanh thực hiện chương trình. Công Ty Pháp cử đoàn sang VN khảo sát đất đai các tỉnh miền Trung và sau đó ký kết với Liksin thành lập công ty Liên Doanh Nguyên Liệu Giấy (Vinapram).
Phía Pháp đã cử người làm Tổng Giám Đốc Công Ty và chuyên viên của Trung Tâm Kỹ Thuật Rừng Nhiệt Đới (Centre Technique Foret Tropicale CTFT) Ông Cazet sang để thực hiện chương trình trồng cây nguyên liệu giấy đồng thời theo dõi việc trồng rừng và thu mua gỗ bạch đàn để xuất khẩu. Việc hợp tác hai bên có phần thuận lợi, hợp tác tốt vì Ông Cazet năm bắt được quá trình làm việc, kinh nghiệm về nông nghiệp của tôi. Hơn nữa ông biết được thầy dạy về rừng nhiệt đới là Giáo Sư Paul Maurand là người Pháp.
Cùng cán bộ lâm trường Minh Đức (Ông Hạnh đứng thứ ba từ phải sang)
Để giúp việc thực hiện chương trình trồng bạch đàn thuận lợi vì các nhân viên tham gia chương trình đa phần là các sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Nông Lâm, chỉ có anh Giám Đốc lâm trường là có kinh qua thực tế vì đang là Phó Giám Đốc Lâm Trường Vân Canh tỉnh Bình Định được tôi mời vào hợp tác. Tôi viết tài liệu chủ đề: “Kỹ thuật trồng cây bạch đàn“ hướng dẫn cụ thể cách trồng và chăm sóc bạch đàn. Hàng tuần lên theo dõi và giải quyết những khó khăn cũng như nhu cầu của lâm trường.
Đây là chương trình lớn thực hiện đầu tiên tại VN nên rất nhiều đoàn tham quan và tim hiểu. Bộ Trưởng lâm nghiệp lúc đó là Ông Phan Xuân Đợt cảm thấy hài lòng và cử Ban Biên Tập Báo Lâm Nghiệp vào khảo sát để viết bài phổ biến trong ngành. Nhờ nguồn vốn vay dồi dào và đáp ứng kịp thời nên mọi việc đều thuận lợi. Và chuyến xuất khẩu bạch đàn đầu tiên tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng cũng thành công tốt đẹp.
Cũng xin nói thêm trước khi chương trình chuẩn bị tiến hành tôi được Tổng Giám Đốc Liksin kiêm Phó Giám đốc sở văn hóa thông tin Phạm Quang Hưng cử làm Phó Giám Đốc Công Ty Vinapram VN, nhờ vậy được vào biên chế nhà nước đồng thời được chuyển hộ khẩu về Thành Phố. Đối với Công Ty Liên Doanh Vinapram tôi được bổ nhiệm là Trợ Lý Tổng Giám Đốc với những điều kiện làm việc và đi lại rất thuận lợi.
Sau những khó khăn chung của đất nước khi vừa ra khỏi chiến tranh lập lại hoà bình, với lòng nhiệt tình của tuổi trẻ và may mắn tôi đã hội nhập nhanh vào xã hội mới, được góp phần vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước đúng với nghề nghiệp chuyên môn của mình và ổn định cuộc sống. Thật hạnh phúc!
Huỳnh Văn Hạnh