Những đặc sắc trong lễ hội vía Chúa Bà Ngũ Hành tại tỉnh Long An

0
1403

Tục thờ Ngũ Hành Nương Nương là một trong những văn hoá tín ngưỡng khá phổ biến ở nước ta, đặc biệt là ở các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó tiêu biểu nhất là tỉnh Long An. Để thuận tiện cho việc thờ cúng Chúa Bà Ngũ Hành, người dân nơi đây đã xây dựng miếu thờ, toạ lạc tại huyện Cần Giuộc. Định kỳ hàng năm, nơi đây sẽ diễn ra lễ hội thăm viếng Miếu Bà Ngũ hành để cầu an lành, ấm no. Miếu Bà Ngũ hành tựa như một chỗ dựa tinh thần và là nhu cầu sinh hoạt văn hoá của những người dân nơi đây. Không chỉ là một tục thờ thiêng liêng, lễ hội vía Chúa Bà Ngũ hành còn là nét đẹp tâm linh đáng trân trọng trong văn hoá tín ngưỡng của người dân địa phương.

Sơ lược về Miếu Bà Ngũ hành
Long An là một vùng đất được lưu dân người Việt khai phá sớm, có nhiều tín ngưỡng dân gian, trong đó có tục thờ Ngũ Hành Nương Nương – dân gian còn gọi là Bà Ngũ hành, 5 vị phúc thần quyền năng: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ; bảo hộ cộng đồng cư dân nông nghiệp trong buổi đầu khai phá vùng đất Nam Bộ đầy khắc nghiệt.


Miếu Bà Ngũ hành

Ra đời trong công cuộc khai hoang lập làng của cộng đồng địa phương, Miếu Bà Ngũ hành ở xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An thờ 5 vị phúc thần được triều đình sắc phong (năm Duy Tân thứ 8) là: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh Phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi, Thổ Đức Thánh Phi. Ngoài ra, trong miếu còn thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Quan Thánh Đế Quân, các vị Tiền Hiền, Hậu Hiền, Tả Ban, Hữu Ban,…

Các nghi lễ trong lễ hội
Hàng năm, lễ hội diễn ra từ ngày 18 – 21 tháng Giêng. Ngày 18 là lễ Khai môn thượng kỳ, mở cửa chính của miếu, thượng cờ. Người dân cùng nhau quét dọn, bày biện, trang trí, treo đèn, kết hoa để chuẩn bị cho đại lễ. Tiếp đến là lễ Mộc Dục, tắm rửa thần vị của Ngũ Hành Nương Nương (người thực hiện việc tắm Thần mặc áo dài, khăn đóng, pha nước hoa, dùng khăn sạch nghiêm cẩn lau rửa 5 vị Thánh Phi).


Ngưới dân bày biện cúng lễ.

Lễ Khai chung cổ là nghi lễ đánh những tiếng chuông và tiếng trống đầu tiên trong lễ Kỳ yên/Cầu an. Sau đó, khai mạc lễ hội Miếu Bà. Tối cùng ngày là nghi thức tụng kinh cầu an.

Hát bóng rỗi diễn ra trước sân miếu. Những người diễn xướng, người hát và múa mặc trang phục đặc trưng với áo, mũ, khăn, váy, ngạch quan và trang điểm cầu kỳ. Lễ Khai chung cổ là nghi lễ đánh những tiếng chuông và tiếng trống đầu tiên trong lễ Kỳ yên/Cầu an. Sau đó, khai mạc lễ hội Miếu Bà. Tối cùng ngày là nghi thức tụng kinh cầu an. Nghi lễ sẽ do một vị sư trụ trì chùa hành lễ cùng một vị Hương cả. Họ quỳ trước bàn thờ, khấn Bồ Tát phù hộ cho bá tánh an cư lạc nghiệp, nhà nhà hạnh phúc ấm no. Lễ vật cúng Kỳ yên ở Miếu Bà Ngũ hành ở Long Thượng là những sản phẩm nông nghiệp do địa phương sản xuất. Ngoài ra còn có heo Yết (heo dùng để tế Bà).

Các hoạt động hấp dẫn khác trong lễ hội
Ngày 19 tháng Giêng, cùng với nghi lễ là các trò diễn dân gian đầy hấp dẫn và thú vị. Điển hình như: hát bóng rỗi, múa bóng ca tụng sự linh hiển và công đức của Bà. Tiết mục Hát bóng rỗi diễn ra trước sân miếu. Những người diễn xướng, người hát và múa mặc trang phục đặc trưng với áo, mũ, khăn, váy, ngạch quan và trang điểm cầu kỳ.


Hát bóng rỗi
Hát bóng rỗi có ý nghĩa như một bản nhạc khai tràng cúng Bà. Sẽ có dàn nhạc diễn tấu các điệu nhạc lễ và đệm cho các điệu hát. Sau các điệu nhạc lễ khai tràng là những bài hát bóng rỗi chầu mời Ngũ Hành Nương Nương, chư tiên, chư thánh, các chiến sĩ… về dự lễ. Người diễn xướng, thường gọi là “bóng”. Họ sẽ hát những bài bản có sẵn hoặc ứng tác nội dung phù hợp với đối tượng mời. Họ sẽ sử dụng các làn điệu như tuồng, lý, kể vè…

Nghệ thuật hát múa bóng rỗi

Sau khi hát chầu mời, các “bóng” bắt đầu trình diễn điệu múa dâng mâm vàng một cách nghiêm trang và thành kính. Không khí trang nghiêm của nghi lễ được chuyển dần sang không khí sôi động của sinh hoạt cộng đồng. Các “bóng” bắt đầu trổ tài trình diễn các tiết mục múa đặc sắc. Đó là những màn trình diễn mang tính chất “xiếc” theo sở trường riêng. Thế nhưng chủ yếu là dùng đầu, trán, môi, mũi, mặt. Phải nâng giữ vật nặng, tạo thăng bằng và di chuyển theo các vũ điệu đặc trưng của múa bóng với điệu múa dâng bông và hát theo điệu Xây tá.

Múa bóng rỗi

Bóng nhấc tộ bông có cắm bông vạn thọ, trang, cúc đặt lên bàn tay trái. Xoay người 3 lần rồi đặt tộ bông lên đầu để múa một cách ngẫu hứng. Khi múa phải nhịp nhàng theo điệu đàn, nhịp trống của dàn nhạc bóng. Các động tác múa ở đây hết sức uyển chuyển, mềm mại, khi nhanh, khi chậm. Nó đảm bảo sao cho lễ vật đội trên đầu không rơi xuống đất. Các “bóng” vừa múa, vừa di chuyển đến bàn thờ Bà. Sau đó dâng bông cho chủ lễ đặt lên bàn thờ.

Các trò diễn dân gian
Sau tiết mục múa dâng bông là các trò diễn dân gian. Tiêu biểu như: múa dâng lộc, múa bông huệ, múa ghế, múa khạp, múa dao, múa dâng rượu. Trong đó một số trò diễn mang chất xiếc được cộng đồng rất tán thưởng.


Các nghi lễ truyền thống khác
Buổi tối diễn ra lễ Đại Bội trước khi đoàn hát bội trình diễn các vở tuồng cổ. Lễ Đại Bội gồm 3 nghi tiết: nhứt thái, nhị nghi, tam hiền và gia quan tấn tước. Các nghi tiết diễn ra tượng trưng cho việc khai mở bốn cửa trời, sự hòa hợp trong vũ trụ. Từ đó tạo ra vạn vật, mong muốn cuộc sống thần tiên, vui vẻ.

Nghi thức khác trong buổi lễ

Những ngày tiếp theo, người dân tiếp tục thực hiện các nghi lễ truyền thống. Bao gồm: lễ Túc yết, lễ Đoàn cả – lễ Tạ thần. Bên cạnh đó, trò diễn dân gian hát bóng rỗi, múa bóng vẫn được trình diễn tại miếu Bà. Ngoài ra, trò diễn hát chặp Địa Nàng có sức cuốn hút người xem. Nó có nội dung hài hước thể hiện sự lạc quan, thông minh. Đồng thời còn phản ánh thói hư, tật xấu của con người.
Lễ hội vía Bà Ngũ hành phản ánh một khía cạnh đời sống tâm linh của cư dân trong vùng. Đồng thời thể hiện ước vọng về cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu. Lễ hội còn lưu giữ được nhiều trò diễn dân gian. Nó góp phần bảo lưu nghệ thuật và các giá trị truyền thống của dân tộc. Qua đó tạo nên sự cố kết cộng đồng. Lễ hội vía Bà Ngũ hành được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.

Hà Mỹ theo dsvh.gov.vn

Bài trướcPhong trào yêu nước chống Pháp của người dân Cần Đước
Bài tiếp theoNgười Cần Đước: Tha hương ngộ cố tri!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây