Phong trào yêu nước chống Pháp của người dân Cần Đước

0
822

ĐẶNG TRƯỜNG VÂN

Người dân Cần Đước tham gia đấu tranh chống Pháp nửa cuối thế kỷ XIX

Ngày 17/2/1859, Pháp nổ súng tấn công thành Gia Định, với khí thế chống giặc ngoại xâm của người dân Cần Đước, ông cha ta đã đứng lên tham gia đấu tranh bảo vệ quê hương.

Tháng 2/1861 Pháp phá vỡ đại đồn Chí Hoà – phòng tuyến do Nguyễn Tri Phương dựng nên để bao vây địch.

Tháng 3/1861, Pháp đánh chiếm địa bàn huyện Phước Lộc: Gò Đen, Cần Giuộc, Rạch Kiến, Cần Đước…Từ đó phong trào đánh giặc giữ làng đã dấy lên mạnh mẽ ở Cần Đước. Lúc bấy giờ địa bàn Cần Giuộc, Cần Đước và Gò Công là địa bàn chống Pháp của Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định. Để tập hợp lực lượng kháng chiến Trương Định đã vận động các phú hộ, nhân sĩ trí thức điền chủ yêu nước tham gia hàng ngũ lãnh đạo kháng chiến.

Ở Phước Yên Đông có ông Nguyễn Văn Thế là người tích cực tham gia đấu tranh, ông đã góp gia sản ra để chiêu mộ nghĩa quân cùng Trương Định chống Pháp. Ông trở thành Lãnh binh phụ trách vùng hạ Cần Đước, nên được mọi người gọi là Lãnh Thế.

Tại Phước Yên và Phước Yên Đông, Lãnh Thế cùng Thống Xô (Nguyễn Thuyết Xã – ở Chợ Mới Phước Yên Đông, nay là ấp 2 Phước Đông) lãnh đạo đào nhiều chướng ngại để chống Pháp, như: Gò Hội, Mương Hội, Xóm Luỹ…

Đêm 16/12/1861, Lãnh Thế cùng Thống Xô và Bùi Quang Diệu (vùng thượng Cần Đước) tập kích đồn Trưởng Bình (nay là chợ Cần Giuộc). Chiến công này đã được cụ Nguyễn Đình Chiểu khắc họa qua áng văn bất hủ “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”.

Tháng 2/1863, Pháp tấn công phá vỡ căn cứ Gò Công, tiếp tục tấn công Cần Đước, Pháp chiếm Phước Yên và Phước Yên Đông. Mặc dù chiếm được Phước Yên Đông và Phước Yên hưng chúng bị tổn thất nặng nề tại phòng tuyến Xóm Luỹ (nay thuộc xã Tân Lân và ấp 1 và ấp 2 xã Phước Đông).

Tháng 8/1864, Trương Định hy sinh ( do Huỳnh Công Tấn phản bội), phong trào kháng chiến chống Pháp ở Cần Đước không có chỉ huy thống nhất nên Lãnh Thế, cùng Đội Chương, Đội Vạn bị Pháp bắt đưa về giam giữ ở Sài Gòn.

Tháng 6/1867 sau khi chiếm xong 3 tỉnh Miền Đông Nam kỳ, Pháp thả Lãnh Thế, Đội Chương và Đội Vạn và ép Lãnh Thế làm Cai Tổng Lộc Thành Hạ, Đội Chương và đội Vạn làm Phó tổng.

Từ cuối năm 1867, lãnh Thế cùng đội Chương đội Vạn  móc nối với Lãnh Binh Tiến (Cần Giuộc); Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Văn Vàng (Long Cang); Đinh  Đạo, Đinh Đức (ở Long Sơn) tiếp tục chống Pháp.

Từ năm 1870 trở đi Pháp đàn áp mạnh, Lãnh Binh Tiến bị xử chém tại Chợ Trạm, Đội Chương, đội Vạn bị chém ở Xóm Luỹ, Thống Xô (Nguyễn Thuyết Xã) tử tiết mộ phần ông được chôn cất ở ấp 6 Phước Đông. Lãnh Thế trốn xuống Châu Đốc và chết tại đó, mộ phần được con cháu ông di quan về chôn cất tại ấp 5 xã Phước Đông.

Tính từ năm 1858 đến những năm 1880 thế kỷ XIX, phong trào chống Pháp của người dân Cần Đước rất kiên cường, chiến đấu suốt 20 năm để bảo vệ quê hương đất nước. Rất tiếc đến nay trên địa bàn huyện Cần Đước chưa có con đường nào được đặt tên các cụ để tưởng nhớ công lao của các cụ trong công cuộc khai hoang và chiến đấu để bảo về quê hương Cần Đước./.

Đặng Trường Vân

Bài trướcThầy giáo Nhàn!
Bài tiếp theoNhững đặc sắc trong lễ hội vía Chúa Bà Ngũ Hành tại tỉnh Long An

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây