“Phố Wall” trên ngã ba sông

0
765

Có người ví khu vực chợ Cần Đước như phố Wall. Thật khập khểnh nếu so sánh phố Wall ở New York với khu đô thị mới trên ngã ba sông Cần Đước. Thế nhưng nếu nhìn lại mấy chục năm về trước thì mới cảm nhận được sự phát triển “thị trường tài chính” của Cần Đước.

Nếu không phải là Người Cần Đước thì không thể biết được khu đô thị sầm uất nhất Cần Đước hiện nay nằm trên ngã ba sông. Đó là kết quả của công trình thế kỷ “đắp đập Cầu Chùa” để ngăn mặn, giữ nước ngọt cho người dân Cần Đước.

Tôi nhớ hồi thập niên 60 chính quyền lúc bấy giờ đã tổ chức khoan giếng nước ngọt nhưng không thành công, xứ sở phèn mặn từ tạo thiên lập địa tiếp tục chịu cảnh uống nước mưa, đổi nước ngọt từ Chợ Gạo chở sang. Thế mới thấy công trình “Đắp đập Cầu Chùa” giá trị cỡ nào!

Đập Cầu Chùa không chỉ trữ nước ngọt mà dần dần trở thành khu đô thị sau khi con sông được lắp dần, hai cây cầu được tháo bỏ để thay vào đó những căn nhà khang trang, lịch sự.

Nhớ lại hồi còn đi học ở trường Cần Đước, trừ các bạn ở Tân Ân, tất cả học sinh các nơi trong huyện phải đi qua cây cầu chợ để đến trường. Cây cầu bắc qua sông khá lớn để xe ô tô qua lại và khá cao để ghe tàu di chuyển không bị vướng. Do vậy, đối với chúng tôi những đứa trẻ 9-10 tuổi phải đi bộ qua cây cầu rộng và cao

mà những thanh gỗ lót cầu có chỗ hở cả tấc là nổi sợ hải tột cùng, chúng tôi lẳng lặng qua cầu không dám nhìn xuống dòng sông. Chỉ cần sơ ý là chúng tôi có thể lọt chân xuống khe, bị chấn thương là chuyện thường ngày.

Do đó việc đắp đập thay cầu không những ngăn mặn mà còn giúp cho người dân đi lại dễ dàng, kinh tế phát triển.

Mỗi lần trở lại Cần Đước đều thấy là lạ. Nếu như một vài năm trước đây khu vực Chợ Cũ êm đềm với vài cửa hàng bán lạp xưởng, sửa chửa đồ điện thì hiện nay tiệm cafe, cửa hàng kinh doanh mở ra khá nhiều. Ngay cả tiệm vàng Hiệp Tài có truyền thống hơn 100 năm cũng mở lại chỗ cũ sau nhiều năm “đi theo chợ mới”!

Đối với đập cầu Chùa là một kỳ tích vì những năm đầu mới giải phóng, thiết bị thô sơ chủ yếu dùng sức người để lắp dòng sông rộng hơn 100 mét là điều không thể. Thất bại lần đầu làm cho những người hoài nghi công việc “đội đá vá trời” của chính quyền. Thế nhưng đến khi người dân cả huyện cùng nhau hợp lực để ngăn được dòng sông nối liền “hai nhịp bờ vui”đã làm thay đổi cách nhìn của người dân về chính quyền Cần Đước.

Có thể nói Cần Đước phát triển từ khi đắp đập cầu Chùa và khai thác được nước ngọt từ các giếng khoan. Hiện nay Cần Đước đã khai thác được nước ngầm nên đời sống người dân Cần Đước thoải mái hơn, chấm dứt một thời cơ cực do thiếu nước ngọt.

Thật ra, khu đô thị trung tâm Cần Đước chưa thể hiện hết thế mạnh về kinh tế, văn hoá, xã hội Cần Đước nhưng bộ mặt Cần Đước khang trang hơn, hơn nữa các di tích văn hoá, lịch sử, đặc sản… được nhiều người biết đến thông qua những đoàn khách du lịch làm cho hình ảnh Cần Đước ngày nay ngày càng tốt hơn.

Đặc sản của Cần Đước như gạo Nàng Thơm Chợ Đào tiếp tục giữ vị trí gạo ngon, lạp xưởng Cô Châu được công nhận sản phẩm đạt OCOP, con tôm Cần Đước có giá trị kinh tế cao, đình Vạn Phước – nơi thờ Người Thầy đờn ca tài tử nam Bộ Nguyễn Quang Đại cũng được huyện trùng tu, lối vào Ngôi nhà trăm cột được mở rộng…

Bộ mặt Cần Đước dần dần thay da đổi thịt từ khi đắp đập Cầu Chùa, từ khi nước ngọt các giếng khoan “phụt lên”, chấm dứt một thời Cần Đước là vùng phèn mặn, cơ cực để trở thành một huyện khá giả, phải chăng hình tượng “phố Wall trên ngã ba sông” không quá cường điệu cho diện mạo Cần Đước.

Thanh Minh

Bài trướcVăn học dân gian Cần Đước
Bài tiếp theoNghệ nhân Võ Văn Chuẩn (Tư Bền)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây