TÂN CHÁNH Vùng quê lưu giữ nhiều giá trị văn hoá lịch sử lâu đời huyện Cần Đước

0
779

TRẦN NGỌC TRIẾT

Năm 2015, xã Tân Chánh được huyện Cần Đước chọn làm xã điểm “Về nguồn” của huyện, thông qua các hoạt động trùng tu, tôn tạo các di tích có giá trị trên địa bàn xã.


Lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn – Ảnh Trần Ngọc Triết

Lần trở lại lịch sử, nếu như Cần Đước được xem như là nơi được khai phá sớm nhất trên địa bàn tỉnh Long An hiện nay thì Tân Chánh là một trong số những vùng đất được người xưa đặt chân đến đầu tiên.
Nằm về phía nam của huyện Cần Đước, với điều kiện thuận lợi là nằm bên bờ sông Vàm Cỏ (trong số 16 xã của huyện Cần Đước thì có đến 10 xã nằm ven Sông Vàm Cỏ)
Tân Chánh sớm đón nhận những cư dân từ vùng Ngũ Quảng, theo con đường biển từ cửa Soài Rạp ngược lên sông Vàm Cỏ để đến đây.

Gắn với quá trình khai hoang, mở đất lập làng của người Việt ở vùng đất mới bên cạnh việc hình thành cơ cấu tổ chức làng xã thì yếu tố tín ngưỡng cũng có vai trò quan trọng không thể thiếu được.
Cùng với chùa và đền, đình là thiết chế văn hóa tâm linh gắn bó lâu đời trong đời sống người dân, nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử, văn hóa, tư liệu, kiến trúc…

Đình Tân Chánh – Biểu tượng lịch sử, văn hóa huyện Cần Đước – (Ấp Đình -Xã Tân Chánh – huyện Cần Đước)
Trên địa bàn Cần Đước có rất nhiều ngôi đình, tuy nhiên để chọn ra ngôi đình tiêu biểu phải nhắc đến đình Tân Chánh, bởi nơi đây còn lưu giữ những giá trị về tư liệu và lịch sử.

Hiện nay chưa có tư liệu nào ghi chép chính xác về thời điểm ra đời của đình Tân Chánh. Nhưng theo việc tìm hiểu gia phả của những dòng họ lâu đời ở Tân Chánh và năm sinh của ông Nguyễn Khắc Tuấn thì có thể đoán định rằng: đình có thể được xây dựng vào đầu thời kỳ vua nhà Nguyễn bởi ngôi đình là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và ông Nguyễn Khắc Tuấn (1767 – 1823) một võ quan triều Nguyễn làm quan dưới đời vua Gia Long và Minh Mạng lập nhiều công lao binh mã. Sau khi mất, ông được thờ như một vị phúc thần ở nơi đây.

Hiện vật: hiện tại đình lưu giữ một số lượng lớn những văn bản cổ có đóng dấu ấn triện màu son của vua Gia Long và Minh Mạng. Đó là những văn tự bản gốc về nội dung liên quan đến lịch sử – văn hóa vùng đất Tân Chánh nói riêng và Cần Đước nói chung trong tiến trình khai phá và tồn tại
Trong đó nhân vật Nguyễn Khắc Tuấn – người được người dân thờ cúng ở đình đến nay – là một nhân chứng quan trọng trong việc tìm hiểu về thời điểm ra đời của vùng đất Tân Chánh.


Ảnh Báo Long An

Lễ hội Kỳ Yên (Cầu an)
Được tổ chức vào các ngày mùng 05, 06/02 (âm lịch), tại Di tích lịch sử, văn hóa đình Tân Chánh và lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn.
Lễ Kỳ yên cúng Thần Thành Hoàng bổn cảnh và được người dân nơi đây xem như ngày giỗ ông Nguyễn Khắc Tuấn – người được tôn kính như thần của làng Tân Chánh xưa. Trong lễ Kỳ Yên, không có lễ nghi riêng cúng ông Nguyễn Khắc Tuấn mà nghi thức và lễ cúng tế thần (tạ ơn thần) được ngầm hiểu là cúng thần Thành Hoàng và thần Nguyễn Khắc Tuấn.

Làng nghề đóng ghe nổi tiếng cả lục tỉnh Nam Kỳ
Ghe ai đỏ mũi xanh lườn
Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em”

Trại đóng ghe tại Tân Chánh – Ảnh Thanh Minh

Hình ảnh chiếc ghe lườn xanh mũi đỏ của xứ Cần Đước đã nhanh chóng in sâu vào trong tâm thức dân gian của cư dân vùng Lục tỉnh, nó trở nên tiêu biểu và đặc thù cho ghe của vùng Gia Định.
Phải nói rằng với hệ thống sông rạch chằng chịt, vào buổi đầu khai hoang vùng đất mới, khi mà chưa có phương tiện phong phú như bây giờ thì ghe xuồng là nhu cầu cần thiết nhất khi đó, việc xuất hiện nhiều làng nghề đóng ghe khắp nam kỳ lục tỉnh là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên cùng với vùng Long Hựu, Tân Chánh là nơi hợp lưu của những con sông, kinh rạch lớn ở hạ lưu sông Vàm Cỏ. Đây là điều kiện thuận lợi để sớm hình thành nên những trại ghe lớn và ảnh hưởng bậc nhất trong vùng, Cần Đước được xem như là địa phương đầu tiên và cũng không địa phương nào ở miền lục tỉnh có mật độ làng nghề dày đặc như làng nghề đóng ghe Cần Đước. Một khúc sông Vàm Cỏ kéo dài từ Tân Chánh tới Phước Đông, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây, thời cao điểm có tới hơn chục xưởng đóng ghe.
Theo “Gia Định thành thông chí” Trịnh Hoài Đức (Quyển 2 Mục Xuyên Sơn Chí” thì Đỗ Thành Nhơn- một trong ba vị tướng Gia Định Tam Hùng đã xây dựng xưởng đóng ghe, thuyền đi sông và đi biển bên bến Vàm Cỏ.

Tiềm năng trong khai thác du lịch
Lợi thế của Tân Chánh là các di tích hầu hết cùng nằm trên tuyến đường và nằm cạnh nhau, hiện tại TL24 đã được đầu tư mở rộng, các phương tiện từ trung tâm huyện có thể vào đến di tích rất dễ dàng (trừ làng đóng ghe Tân Chánh đường vào khá khó khăn vì nằm trên đê ven sông Vàm Cỏ).
Hiện tại khu lăng mộ đã được huyện trùng tu lại nên rất khang trang
Có thể nói rằng cùng với khu lăng mộ Nguyễn Huỳnh Đức ở phường 5 thành phố Tân An, thì lăng mộ Nguyễn Khắc Tuấn là hai lăng mộ cổ có kiến trúc cổ và có giá trị lịch sử nhất tại Long An, rất đáng để đến tham quan tìm hiểu.

ThS Trần Ngọc Triết

 

 

Bài trướcThêm một gợi ý cho cảnh quan Cần Đước!
Bài tiếp theoCa ngợi đất và người Long An (1)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây