Trái cây ngày Tết

0
615

THÁI CÔNG TỤNG


Ý nghĩa một số loại quả trên mâm ngũ
1. Dẫn nhập
Ngày Tết mang theo nhiều ý nghĩa nhân văn  vì đó là ngày hội để những người con xa nhà trở về đoàn tụ sum vầy với gia đình, là ngày nhớ ơn các bậc sinh thành và cũng là ngày hi vọng, là ngày để mỗi người thể hiện tình cảm với người thân, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, thầy cô… và cùng chúc nhau những câu chúc may mắn đầu năm mang đầy ý nghĩa.
Vào ngày Tết của dân Việt, trên bàn thờ tổ tiên, thường có mâm ngũ quả, nhằm bày tỏ lòng nhớ ơn con cháu đối với tổ tiên, Tùy theo từng vùng miền, mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên có nhiều loại quả khác nhau. Hình dáng và cấu tạo trái cây trong mâm ngủ quả phải  có tính chất gợi tả điều tốt lành. Ví dụ: trái lựu có nhiều hạt, tượng trưng cho con cháu đầy đàn, trái dưa hấu , trái bưởi căng tròn biểu hiện may mắn. Hương vị trái cây thường phải ngọt, thơm và không đắng, cay.
Nhưng tại sao lại là ngũ quả mà không phải là con số nào khác?

2. Chữ Ngũ trong văn hoá Việt
Trong văn hoá Việt, chữ Ngũ nhan nhản trong nhiều danh từ như ngũ hành, ngũ cốc, ngũ quan, ngũ vị, ngũ tạng, ngũ quả.  Ngũ quả đi liền với văn hoá việt mà văn hoá Việt có nhiều sắc thái đặc thù của Tam Giáo: Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo.
Trong Khổng giáo, ta có khái niệm ngũ thường như nhân, nghĩa, lễ, trí, tính.
Trong Lão giáo ta có khái niệm ngũ hành : đó là kim, mộc, thủy, hoả, thổ, tức  5 yếu tố cơ bản của vũ trụ, với Kim (màu trắng), Mộc (màu xanh), Thuỷ (màu đen), Hoả (màu đỏ), Thổ (màu vàng).
Trong Phật giáo cũng nhiều khái niệm dính liền với chữ ngũ:
• Ngũ căn: tín căn (lòng tin), tấn căn (ý chí kiên trì), niệm căn (ghi nhớ), định căn (tâm không loạn), huệ căn (sáng suốt). Trong Phật học, trong kinh Vu Lan Bồn do Phật thuyết cho Mục Kiền Liên về cách cứu mẹ ông khỏi kiếp ngạ quỷ có nhắc đến việc chuẩn bị mâm ngũ quả dưới hình thức “trái cây năm màu” để cúng dường chư Tăng, vì  trái cây 5 màu tượng trưng cho ngũ căn: tín, tấn , niệm, định và huệ.
• Ngũ uẩn. Theo Phật giáo, con người là một hợp thể của năm yếu tố, gồm có: sắc uẩn  là yếu tố sinh lý – vật lý; thọ uẩn là yếu tố cảm giác; tưởng uẩn là yếu tố tri giác, là sự nhận biết đối tượng giác quan hay tâm lý; hành uẩn  là  những tâm lý tạo động lực đi tới tạo nghiệp và kết quả của nghiệp như ước muốn, quyết định; thức uẩn  là yếu tố nhận thức, phát hiện sự có mặt của đối tượng, và làm nền tảng cho Thọ, Tưởng và Hành.
• Ngũ lực : năm sức mạnh của ngũ căn, giúp vượt qua được mọi dụ dỗ, mua chuộc của Tà giáo, vượt qua những thăng trầm của đời sống thường ngày. Đó là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực.
• Ngũ âm: Trong âm nhạc, có ngũ âm:
Cung, thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trang (Kiều)

3. Ngũ quả trên bàn thờ ngày Tết
Mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa đặc trưng của người Việt, dù có khác nhau giữa các vùng miền nhưng trên hết đều thể hiện sự thành kính và lòng hiếu thảo  đối với tổ tiên, cũng như ước mong hạnh phúc tràn đầy cho một năm mới sắp tới.


Mâm ngũ quả thể hiện ước muốn của gia chủ trong năm mới, mong những điều tốt đẹp đến với gia đình.

Đó  là một mâm trái cây có năm thứ trái cây khác nhau vì theo quan niệm Á Đông,  mọi vật chất đều được tạo nên bởi 5 yếu tố ban đầu gồm: Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ – gọi là ngũ hành.  Các loại trái cây trên  mâm ngũ quả  thể hiện nguyện ước của gia chủ qua tên gọi, màu sắc và cách sắp xếp của chúng. Nước ta trãi dài trên nhiều vùng đất đai và khí hậu khác nhau (nơi mưa nhiều, nơi mưa ít; nơi mưa vào mùa hạ, nơi khác mưa vào đông) nên trái cây cũng khá đa dạng thế nên tùy theo từng vùng miền  mà người ta chọn 5  loại quả khác nhau để bày mâm ngũ quả , với ước muốn được ngủ phúc : Phú – Quý – Thọ – Khang – Ninh (Giàu, Sang, Sống lâu, Khoẻ, Bình An). Cũng cần để ý màu sắc của trái cây trưng bày : màu xanh của nải chuối  tượng trưng Đông phương,  màu vàng quả bưởi  tượng trưng Trung phương, màu đỏ quả hồng tượng trưng Nam phương, màu trắng  quả lê  là tượng trưng cho Tây phương.

4. Ý nghĩa từng loại quả
Mỗi loại quả lại có những ý nghĩa riêng thể hiện qua hình dáng, hương vị, màu sắc và cả cách đọc tên. Vài ví dụ:
• Nải chuối như bàn tay ngửa, hứng lấy những gì tinh túy nhất của mùa Xuân để đọng thành quả ngọt; nó còn có ý nghĩa che chở, bảo bọc.
• Lê , ngọt thanh ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
• Lựu, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
• Đào thể hiện sự thăng tiến.
• Phật thủ giống như bàn tay của Phật, chở che cho con người.
• Táo (loại trái to màu đỏ tươi) có nghĩa là phú quý.
• Hồng, quýt rực lên màu sắc mạnh mẽ, tượng trưng cho sự thành đạt.
• Thanh long Hylocereus undatus , ruột trắng với vỏ hồng hay đỏ.
• Bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
• Quả trứng gà có hình trái đào tiên – lộc trời.
• Dừa có âm tương tự như là “vừa,” có nghĩa là không thiếu.
• Sung gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc.
• Xoài có âm na ná như là “xài”, để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn.
• Lựu thể hiện mong muốn đông con, nhiều cháu.
• Đào ám chỉ cầu mong thăng tiến.
• Quả táo to, đỏ : phú quý.
• Quả hồng, quả quýt, quả cam chín đỏ : mạnh mẽ, thành đạt.
• Quả thanh long: rồng mây gặp hội.
• Quả dưa hấu (Citrullus lanatus) là một loài thực vật thuộc họ  Cucurbitaceae. Dưa hấu là loại trái cây thường dùng quanh năm và cũng là loại quả không thể thiếu trong mâm ngũ quả chưng tết theo phong tục của ông bà ngày xưa, với mong muốn năm mới luôn có những điều tốt đẹp, may mắn đến với gia đình. Vì vậy, ngoài chất lượng thơm ngon, người tiêu dùng còn quan tâm đến vẻ đẹp bên ngoài của dưa.
• Quả trứng gà (lekima – lộc trời), quả sung (sung mãn về sức khỏe, hay tiền bạc), quả đu đủ (đầy đủ thịnh vượng), quả xoài (âm Hán như là “xài”) : cầu mong không thiếu thốn…
• Chuối: tượng trưng cho con cháu sum vầy, quây quần, đầm ấm, hứng lấy may mắn, bao bọc và chở che.
• Phật thủ: (Citrus medica var.sarcodactylis) bàn tay phật che chở cho cả gia đình,  là một loại quả thuộc họ Cam Bưởi nhưng hình dáng  trông giống như bàn tay Phật nên được gọi là Phật thủ. Do đó quả Phật thủ từ lâu đã trở thành loại quả quen thuộc dùng để thờ cúng trong những ngày trọng đại.


• Bưởi: mong muốn an khang, thịnh vượng.
• Lựu (Punica granatum) nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
• Cam (Citrus nobilis), quýt (Citrus reticulata): tượng trưng cho sự thành đạt.
• Dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn.
• Sung ( Ficus racemosa) là cây thuộc họ Moraceae . Gắn với biểu tượng sung mãn, sức khỏe và tiền bạc.
• Đu đủ ( Carica papaya) mang đến sự đầy đủ thịnh vượng.  Quả đu đủ to tròn, dài, có nhiều hạt. Biểu hiệu thịnh vượng, đủ đầy.
• Xoài (phát âm giống như “xài”): Cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn.

5. Mâm ngũ quả 3 miền đất Việt
Việt Nam, với sự đa dạng sinh học nên mâm ngũ quả của mỗi vùng cũng khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa cầu cho cuộc sống no đủ, bình an, phát đạt.Cách bày biện mâm ngũ quả của 3 miền, miền bắc, miền trung, miền nam cũng có sự khác biệt do sự khác nhau về đặc sản vùng miền và do chính cách phát âm khác nhau của từng khu vực.
5.1. Miền Bắc
Thông thường, mâm ngũ quả miền Bắc có bưởi, đào, quýt, chuối, hồng  trình bày theo 5 màu của thuyết Ngũ Hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Và trái cây cũng phải lựa để sao mâm trái cây cũng đủ màu : màu xanh có chuối xanh; màu vàng (Thổ) có cam quýt; màu đỏ (Hoả) có hồng, quất; màu trắng có trái lê; màu đen có măng cụt, mận.
Nải chuối như bàn tay ngửa xòe rộng, mang sự ngọt ngào. Giữa nãi chuối họ để bưởi vàng (hoặc phật thủ) tượng trưng cho hành Thổ, với ý nghĩa lộc trời ban cho, mang lại điềm may mắn.Tiếp theo, ba loại quả khác có màu đỏ ( hành Hỏa), tương ứng với mùa Hạ là hồng, quất, trứng gà…; màu trắng (hành Kim), tương ứng với mùa Thu là roi, đào; màu đen ( hành Thủy), tương ứng với mùa Đông là mận, hồng xiêm.


Mâm ngũ quả miền Bắc

5.2. Miền Trung
Khúc ruột miền Trung nghèo khó, đất đai cằn cỗi, khí hậu khắc nghiệt, ít hoa quả nên người dân nơi đây cũng không quá câu nệ hình thức, ý nghĩa mâm ngũ quả ngày Tết, chủ yếu là có gì cúng nấy, thành tâm dâng kính tổ tiên. Bởi thế, mâm ngũ quả mỗi nhà lại khác nhau, quả gì cũng được, miễn là tươi ngon. Các loại quả thường thấy là: thanh long, chuối, dưa hấu, mãng cầu, dứa, sung, cam, quýt…
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.
Chuối ba hương (còn gọi chuối bà hương/già hương) có quả  không to, vỏ dày vừa phải, khi chín có lấm tấm như trứng cuốc và là loại chuối ngon nhất trong họ chuối tiêu. Lúa nếp một  là giống lúa nếp ngon nhất trong số hàng chục loại lúa nếp được trồng ở nước ta (nên được xếp vào loại 1 – một). Thân cây lúa nếp này cao, cứng, lá to, hạt trắng tròn, dài, là loại lúa dài ngày (tới 5 – 6 tháng mới thu hoạch). “Xôi nếp một” trắng, dẻo, thơm, ngon nổi tiếng .
5.3. Miền Nam
Vào những ngày Tết, trên bàn thờ  thường có mâm ngủ quả gồm có 5 loại trái cây sau đây: mảng cầu, trái dừa, trái đu đủ, trái sung và trái xoài. Ý nghĩa muốn  nói chỉ cầu-sung- vừa- đủ- xài,  tương ứng với 5 loại quả có tên gọi tương tự. Mâm ngũ quả  miền Nam coi trọng nghĩa của quả, thể hiện khí chất, sự thuận lợi về thiên nhiên. 5 loại quả hay được chọn là mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài (khi đọc, phát âm của những loại quả này tương tự câu “cầu sung vừa đủ xài”. Ngoài ra, quả quất cảnh, quả hồng, quả thơm (dứa) được tô điểm xung quanh mâm ngũ quả  vì có màu đỏ, vàng rực rỡ,  biểu tượng cho sự may mắn, thành đạt. Ngoài ra, người miền Nam không thờ cúng một số loại trái cây có cách phát âm mang ý nghĩa không tốt như chuối (Chúi nhủi, làm ăn không phất lên được), lê (lê lết, đổ bể, dễ thất bại).

6. Bàn về các loại thực vật trong mâm ngủ quả
6.1. Chuối (Musa sativa)
Tượng trưng cho cho mệnh Mộc, mang ý nghĩa như bàn tay ngửa che chở, đem lại sự bình an, sung túc, đùm bọc và gắn kết. Nải chuối xanh được để dưới cùng của mâm ngủ quả, nâng đỡ các loại quả khác đã nói lên điều đó. Chuối trong mâm ngũ quả được bày theo nải, phải là chuối xanh, tượng trưng cho sự quần tụ, sum vầy, đầm ấm.
6.2. Phật thủ (Citrus medica var.sarcodactylis)
Như tên gọi, Phật thủ là bàn tay Phật che chở, bảo vệ, phù hộ bàn tay phật che chở cho cả gia đình,  là một loại quả thuộc họ Cam Bưởi nhưng hình dáng  trông giống như bàn tay Phật nên được gọi là Phật thủ .
6.3. Bưởi (Citrus grandis)
Được đặt trên nải chuối xanh, tượng trưng cho phúc lộc với mong muốn an khang, thịnh vượng. Bưởi có màu vàng, tượng trưng cho sự giàu sang, may mắn. Cũng có một số gia đình thay bưởi bằng quả phật thủ (tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên lưu lại trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ).  Có nhiều loại bưởi: bưởi đường hồng , bưởi đường núm , bưởi da láng , bưởi da xanh , bưởi da cóc, bưởi da trơn, bưởi chùm , bưởi ổi,  bưởi Diển, bưởi Đoan Hùng (ngoài Bắc), bưởi Thanh Trà (Huế), bưởi Phúc Trạch, bưởi Nảm Roi (gốc Cần Thơ, Vĩnh Long), bưởi Biên Hoà.  Ca dao Việt nhắc đến cây bưởi:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay


Trưng bưởi trên mâm ngũ quả với mong muốn an khang, thịnh vượng.

6.4. Thanh long (Hylocerus undatus)
Tiếng Anh là dragon fruit . Đây là trái cây vỏ thường màu đỏ, ruột trắng lẫn hạt đen, ăn rất mát. Không chỉ đẹp ở vẻ ngoài mà còn ở tên gọi, bởi theo quan niệm người dân, nếu như đầu năm được rồng ghé thăm nhà thì cả năm được may mắn, phát tài phát lộc. Mang ý nghĩa rồng mây hội tụ, tượng trưng cho sự cát tường, thịnh vượng.
6.5. Dưa hấu
Dưa hấu với vỏ xanh và ruột đỏ sẽ mang lại sự may mắn. Quả căng tròn mọng nước, ngọt thanh tượng trưng sự sung túc và căng tràn sức sống.
6.6. Đu đủ
Giống như tên gọi của nó, chưng đu đủ trong ngày Tết, người Việt Nam mang theo mong muốn được sự đầy đủ, thịnh vượng trong cuộc sống không những trong kinh tế mà còn cả tình cảm.
6.7. Xoài
Người miền Nam phát âm là “xài”, ý muốn cầu mong cho việc tiêu xài không thiếu thốn, cuộc sống sung túc.
6.8. Dừa
Người miền Nam phát âm là “vừa”, ý muốn cầu mong sự vừa đủ, không túng thiếu và viên mãn trong cuộc sống.
6.9. Sung
Người ta chọn sung để biểu trưng cho sự sung mãn không những về tình cảm, sức khỏe mà về cả tiền bạc, như cái tên vốn có của nó.
6.10. Thơm (miền Nam gọi là khóm)
Với dáng như rồng (thân có vảy như vảy rồng) với ý nghĩa mang lại sự giàu có, may mắn và thịnh vượng.
6.11. Cam, quýt, chanh
Người ta tin rằng ba loại trái này có thể mang lại may mắn do hương vị dễ chịu và tinh khiết của nó, tránh được những điều xui xẻo:
•  quýt/quất: (Citrus reticulata)Theo âm Hán của từ “quất” gần giống âm của từ “cát”. Bày quất trên mâm ngũ quả ý nghĩa mang lại sung túc, ăn nên làm ra.
• cam (Citrus nobilis) với nhiều giống như cam Valencia, cam Washington Navel (cam rốn, vỏ hơi dày, không hạt),  cam Xã Đoài, cam giấy, cam đường v.v.  Có loài cam chua/cam đắng:  Citrus aurantium.
Buôn cam, anh tới Xã Đoài
Quả cam đã ngọt, con ngài cũng xinh
Bây giờ tình đã tỏ tình
Ta thương mình lắm, biết mình thương ai?
6.12. Nho
Trong phong thủy, nho tượng trưng cho sự tạo ra sự phong phú của cải vật chất. Nho cũng đại diện cho sự thành công. Đôi khi, nho cũng được sử dụng như là công cụ phong thủy cho việc hóa hung thành cát, biến vận hạn rủi ro thành may mắn.
Ngoài ra, một số loại trái cây khác cũng được sử dụng trưng trên mâm ngũ quả như lựu tượng trưng cho con đàn cháu đống; quả đào thể hiện sự thăng tiến; quả táo thể hiện sự phú quý, giàu sang; quả lêkima (trứng gà) thể hiện lộc trời cho…


Thái Công Tụng
Cựu học sinh Quốc Học Huế, Kỹ sư Nông Học và Cử Nhân Khoa Học tại Toulouse (Pháp). Tiến sĩ Khoa học (1965), Giáo sư các Đại học khác nhau trong nước: Đại Học Khoa học, Đại Học Văn Khoa, Đại Học Nông Lâm Saigon.

Bài trướcTết ở xứ người: Ước gì được món thịt kho của nội!
Bài tiếp theoTự tình người quản trị trước năm mới!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây