Tục thờ Bà và cúng miễu Bà ở Cần Đước

0
538

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Đình thì gắn với làng còn miễu thì gắn với xóm. Ở Cần Đước và nhất là vùng Hạ hầu như xóm nào cũng có một cái miễu với lịch sử hơn trăm năm. Đình làng thì thờ Thành hoàng Bổn cảnh còn miễu thì thờ Nữ thần theo tín ngưỡng thờ mẫu có nguồn gốc trong lịch sử xa xưa của dân tộc Việt Nam.
Đạo mẩu ở miền Bắc có thờ Bà chúa Liễu Hạnh. Lần vào đến Huế có bà chúa Ngọc thờ ở điện Hòn Chén, Nha Trang có Bà chúa Tiên là hiện thân của nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm. Và lưu dân từ miền Trung vào miền Nam đã mang theo tín ngưỡng thờ mẫu thì thờ Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, Bà Đen (Linh Sơn thánh mẫu) ở Tây Ninh.
Ở Cần Đước thì Bà (Mẫu) được thờ ở miễu xóm và thường thấy thờ Bà chúa xứ và Ngũ hành nương nương (Kim Mộc Thủy Hoả Thổ hay Bà ngũ hành). Riêng dân sống nghề hạ bạc (sông nước) như đóng đáy và ở miễu ao thì thờ Bà Thủy Long.


Thành hoàng được xem là vị thần bảo hộ của làng, còn Bà thờ ở miễu thì được xem là vị thần bảo hộ của xóm, che chở cho dân được sống bình an, mưa thuận gió hoà, làm ăn phát tài, tiêu trừ bệnh tật.
Ngày xưa miễu thường nằm ở ven sông rạch, cạnh cây mấm to, không gian âm u tĩnh mịch nhưng nay nông thôn đã phát triển thì miễu nào cũng được bá tánh đóng góp xây dựng khang trang và niềm tin vào Bà vẫn còn rất lớn trong tâm thức của người dân và trên hết vẫn là sự mong ước cuộc sống được sung túc, bình an, tránh được những xui rủi, bệnh tật.
Mỗi năm tổ chức cúng miễu xóm một lần, thường các miễu cúng rộ sau khi ăn Tết vào tháng Giêng. Thường thì ngày xưa ăn Tết và cúng miễu xong thì mọi người có thể yên tâm xuất hành như lui ghe đi làm ăn.


Miễu ao 

Cúng miễu bao giờ cũng có rước bà bóng thực hiện phần lễ chính vào buổi sáng. Tối hôm trước thì có phần tụng kinh Phật cầu an của chùa. Sau 75 người ta không khuyến khích cúng miễu và cũng cấm luôn bà bóng vì cho là mê tín dị đoan, làm cho bà con cảm thấy cuộc cúng miễu trở nên buồn tẻ và lòng người cũng buồn theo. Để bù lại có miễu được mạnh thường quân ủng hộ tiền rước đoàn hát bội ở Sài Gòn về biểu diễn phục vụ bà con thay phần Bà bóng như miễu xóm Mương xã Phước Đông. Giờ thì lệ cúng miễu được khôi phục lại nhưng xã hội ngày càng phát triển nên cũng không còn ai làm bóng và cũng không còn thấy hát bội mà thay vào đó là chương trình văn nghệ tân thời và có thêm phần múa lân.
Trong xóm Đáy tôi có một bà Bóng, thường gọi là bà Bóng Tót (Bà tên Tốt nhưng dân kỵ tên nên gọi trại ra). Nhiều sinh hoạt tín ngưỡng của bà con trong xóm thường gắn với bà Bóng như cúng miễu, cúng căn cho trẻ con, cúng thượng tran thờ Bà trong nhà cho đàn bà, lên đồng bắt hồn người chết…và từ đó Bà cũng có vai trò quan trọng trong cái cộng đồng nhỏ này, được tin tưởng và kính trọng.
Bà Bóng thường đi cúng với ông đờn cò. Vì ổng tên Kỷ mà có ngón đờn cò nổi tiếng nên người ta gọi là ông Tư Cò Kỷ. Ổng là rể của bà Bóng Tót. Bà Tư vợ ông cũng làm bóng được. Thời kỳ chiến tranh khó khăn sau 196o ông Tư cũng chạy lên ở Sài Gòn và tham gia đờn cho các gánh hát cải lương. Ông Tư Tụi, trưởng dàn nhạc của đoàn hát bội TP. HCM, là học trò của ổng.

Miễu xóm

Bà Bóng Tót người trong xóm kêu là Bà Mười. Bà Mười người đẩy đà, trắng trẻo trông rất đẹp. Khi làm lễ thì bà mặc rất đẹp, áo dài bên trong, áo choàng bên ngoài và quàng khăn trông rất giống cách trang phục của phụ nữ Chăm. Bà múa và rổi rất hay. Khi rổi thì có cầm thêm một cái trống con và vừa rổi vừa đánh trống. Thường múa thì có múa bông và múa mâm vàng, điệu bộ trông rất nhịp nhàng và uyển chuyển. Mâm vàng là cái mâm thau trên có một cái tháp Chăm bằng khung tre dán giấy màu rất đẹp. Hồi nhỏ tôi được thưởng thức nghệ thuật múa đầu tiên là từ các màn múa của bà bóng nầy.
Người trong xóm dự cúng miễu không thiếu một ai. Từ người lớn cho đến trẻ con. Người đi làm ăn xa đến ngày cúng miễu cũng đều thu xếp để về xin Bà phù hộ cho công việc mần ăn. Nếu năm đó gặp may làm ăn được, họ sẽ về sắm lễ cúng rất lớn. Có khi còn rủ thêm mấy người bạn làm ăn chung về xin lộc Bà, có cả những người Hoa ở Chợ Lớn. Bây giờ cúng miễu người ta còn mời thêm đại diện của những miễu khác đến dự nên cũng rất đông đảo, như miễu khu 1b thị trấn Cần Đước khách dự có cả ngàn lượt người, tiền bá tánh cúng cả trăm triệu.
Dự cúng miễu ai cũng phấn khởi, người lớn lạy Bà xin lộc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, được dịp gặp gỡ thăm hỏi nhiều người, trẻ con được xem văn nghệ, múa lân và ai cũng được ăn uống…
Lễ cúng miễu thường kéo dài hai ngày một đêm nhưng chính xác thì từ trưa ngày trước đến trưa hôm sau thì kết thúc với lễ Tống ôn bằng hình thức thả ra sông một tàu chiến kết trên bè chuối với mong muốn tống mọi xui xẻo, ôn dịch ra khỏi xóm làng. Sau đó là công khai tài chính và cử Ban thủ bổn mới để lo cho năm sau.
Lệ thờ Bà và cúng miễu hàng năm ở thôn xóm là tín ngưỡng và lễ hội dân gian làm cho cộng đồng nông thôn vui vẻ, đoàn kết và niềm tin hy vọng vào cuộc sống bình an và hạnh phúc!

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trước“Người Cần Đước” tuổi lên ba!
Bài tiếp theoĐảo Long Hựu – Khu nghỉ dưỡng gia đình đầu tiên ở Cù lao Long Hựu – Cần Đước!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây