Xóm Mương của tôi

4
1411
THANH MINH
1959, tôi và các bạn cùng xóm vào lớp năm (lớp 1 ngày nay) Trường Sơ cấp Đỗ Văn Huỳnh. Ngôi trường được cải tạo từ cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình tôi hiến cho địa phương.
Thầy giáo đầu tiên của Trường Sơ cấp Đỗ Văn Huỳnh có tên là Thượng. Thầy dáng người nhỏ, hiền lành, nhà ở ấp bên, cách trường học khoảng cây số rưỡi. Lớp học đầu tiên của trường chỉ có mấy đứa trong xóm, như thằng Đẩu, thằng Nếu, thằng Năng, thằng Mường, thằng Lừa, thằng Bên, thằng Châu, con Lắc… Thầy Thượng vừa dạy vừa làm bảo mẫu vừa làm hiệu trưởng. Lúc bấy giờ sách vở không đầy đủ, nhưng những chữ ê, a đầu đời đã in sâu vào tâm trí chúng tôi, không thể nào quên được.
Những ngày mưa dầm, chúng tôi thường về nhà quần áo lắm lem vì đường trơn trợt. Cũng có hôm lợi dụng trời mưa chúng tôi chia phe đánh giặc giả với “vũ khí” là bùn để chọi. Chưa có trận chiến nào mà hai nên đều vui như vậy!
Năm sau (1960), Trường Sơ cấp Đỗ Văn Quỳnh có thêm lớp tư do lứa của chúng tôi đôn lên và nhà trường thu nhận học sinh lớp năm mới. Năm lớp tư, chúng tôi được học thầy Cờ. Thầy Cờ dáng người vạm vỡ, giọng nói oang oang làm chúng tôi sợ, ngồi im răm rắp mỗi khi thầy giảng bài, nhưng thầy ủng hộ chúng tôi chơi đá banh. Hôm đầu tiên, chưa tới lượt tôi chơi thì quả bóng bay ra khỏi sân, trúng vào ngực, tôi té nhào và khóc thê thảm trước mặt mẹ. Bà thấy nguy hiểm quá, vội vã đưa tôi ra về và không cho tham gia đội bóng nữa.
Tôi học hai năm trường làng, đến lớp ba phải thi vào trường tiểu học của quận Cần Đước, cách nhà khoảng 7 cây số. Đây là thời điểm tôi xa bạn bè cùng lớp sơ cấp vì gia đình nghèo không có khả năng cho học tiếp. Tôi mất thằng Mường (có tật chân), con Lắc, thằng Nếu… Có một vài bạn theo học lớp tư nhưng rồi cũng bỏ cuộc. Duy có tôi và Dương Minh Châu tiếp tục học tiểu học, rồi học đến lớp đệ nhị với mong ước thi đậu tú tài 1, tú tài 2 để vào đại học.
Thời điểm nầy chiến tranh diễn ra ác liệt. Nếu chúng tôi không đậu tú tài coi như bế tắc. Tôi còn nhớ câu vè “Rớt tú tài anh đi trung sĩ/ Em ở nhà lấy Mỹ nuôi con”. Chính vì vậy, một mặt chuẩn bị thi tú tài, mặt khác chúng tôi có phương án hai để thoát cảnh đi lính Cộng hòa. Thằng Châu vào Trường Cán sự y tế công cộng, còn tôi phải thay tên sụt tuổi để vào Ba Son.
Nhớ lại ở quê vào những ngày giáp Tết, bọn trẻ chúng tôi kêu nhau ơi ới để khoe những bộ đồ mới. Xóm tôi những ngày Tết kéo dài đến hết mùng 10. Ngày 25 tháng chạp xóm làng chộn rộn vì nhiều gia đình có con ở xa tề tựu về quê tảo mộ, mua sắm. Theo thông lệ “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”. Ngay mùng ba có cuộc họp bà con lối xóm để lo việc cúng đất đai và chuẩn bị cho việc cúng Bà vào mùng chín, mùng mười tháng giêng.
Miễu Bà thờ Bà Chúa Xứ Nương Nương, bà con xóm tôi đặt niềm tin vào sự giúp đỡ của Bà, những gia đình trong xóm gặp chuyện không may đều cầu mong sự trợ giúp của Bà và Bà đã cho toại nguyện, như gia đình hạnh phúc, ăn nên làm ra. Do vậy, việc cúng Bà hằng năm là dịp bày tỏ lòng biết ơn. Không riêng dân địa phương, nhiều người nơi khác, kể cả ở Sài Gòn – Chợ Lớn cũng kéo về viếng Bà. Miếu Bà bên cạnh nhà tôi, chỉ cách mảnh ruộng nhỏ nên mọi hoạt động ở miếu gia đình tôi đều tham gia. Dân xứ tôi rất mê cải lương, mê hồ quảng (thực chất là hò Quảng, do tuồng tích và cách hát có nhiều ảnh hưởng từ vùng Quảng Đông, Trung Quốc). Một người cô của tôi có quen một số đoàn hát nên được làm “bà bầu” để tổ chức đoàn hát đến với lễ cúng Bà hằng năm. Có thể nói, lễ cúng Bà là sự kiện trọng đại của xóm tôi vì vào thời điểm xong mùa gặt, gia đình có đồng ra đồng vào, thời tiết mát mẻ, hơn nữa thói quen “tháng giêng là tháng ăn chơi” nên lễ hội rất đông người tham dự, tổ chức trang trọng và vui vẻ. Đây là sinh hoạt truyền thống từ bao đời nay và vẫn còn duy trì đến ngày nay.
Mấy năm gần đây, khi về quê tảo mộ, có người chào tôi “thưa chú”làm tôi lúng túng vì người thưa gửi quá già. Thì ra đó là thằng Khẩu bạn học năm xưa, là bà con họ hàng nên gọi tôi bằng chú.
Trên 40 trước, mỗi chiều khi con nước lớn, cả bọn đi câu cua với mồi là thân con rắn nước mà không cần lưỡi câu. Cứ thấy cần câu căng là biết cua ăn. Con cua một khi ăn chưa hết mồi thì không chịu nhả ra nên chỉ cần nâng nhẹ cần câu, con cua theo miếng mồi vô tư bơi, thế là bị cái vợt hốt gọn vô giỏ. Mỗi con nước, bọn tôi câu chục ký cua là bình thường.
Vui nhất vẫn là bắt cá đối. Tôi không nhớ vào tháng mấy nhưng nước lớn lấp xấp ruộng thì bầy con cá đối dưới sông ào ào lên ruộng. Bọn trẻ chúng tôi chờ cá vô nhiều thì “bế quan toả cảng”: đắp đất chặn mọi lối ra, trừ một lối đã giăng bẫy. Đó là tấm lưới ny lông, nhưng lưới ny lông kém an toàn vì phần lớn là lưới rách tận dụng lại. Do vậy, chúng tôi đào hầm đặt cái lu bên dưới chỗ thoát nước để cá có thói quen khi chạm phải lưới thì nhảy lên và lọt vào lu.
Năm ngoái tôi về thăm người anh đang ở xóm Mương, ngay trên nền đất mà ba tôi làm cơ sở nước mắm ngày trước. Trên vách nhà người anh còn treo bảng hiệu “Nhà sản xuất nước mắm Việt Tân”, giấy phép đăng ký kinh doanh số…. năm 1957!
Tôi hình dung nơi này súc tỉn (vệ sinh tỉn), nơi kia lăn vôi. Khu vô nước mắm ở chính giữa hai hàng thùng cá chợp. Là cơ sở sản xuất nhỏ nên cả nhà tôi phải tham gia các khâu để hoàn chỉnh sản phẩm. Tôi có thể làm tất cả các khâu, từ súc tỉn, lăn vôi trắng chung quanh chiếc tỉn, vô nước mắm. Tôi cũng làm được cả khâu trét nắp vào dán nhãn. Thắt quai cho tỉn nước mắm để dễ dàng vận chuyển cũng là một khâu quan trọng, vậy mà tôi được xếp vào loại giỏi!
Tôi còn có nhiệm vụ vừa đi học vừa giao nước mắm. Ba tôi giao cho tôi chiếc xuồng tam bản có gắn máy đuôi tôm. Mỗi sáng tôi dậy thật sớm để giao nước mắm cho vựa hay tiệm tạp hóa rồi mới đi học. Nước mắm được chứa trong tỉn bằng sành, trong thùng nhựa 5, 10, 20 lít. Giao hàng xong, khi vào lớp thì người tôi… bốc mùi! Đến giờ, không biết bạn bè có còn nhớ phảng phất đâu đó cái mùi nước mắm đặc trưng ấy không?

Ông Nguyễn Văn Triệu Thủ Bổn – Trưởng ban tổ chức lễ cúng miễu luân phiên. Ban tổ chức lễ cúng miễu Bà xóm Mương gồm 3 người, người đứng đầu là Thủ Bổn và hai trợ lý là phó nhất, phó nhì. Họ là người dân uy tín của xóm, được tiến cử mỗi năm. Năm đầu tiên tham gia ban tổ chức giữ chức vụ phó Thủ Bổn nhì, năm sau lên phó Thủ Bổn nhất và năm thứ ba là Thủ Bổn. Như vậy, trước khi làm Thủ Bổn họ có 2 năm tập sự nên công tác tổ chức khá chu đáo thu hút không những người dân địa phương mà còn nhiều khách phương xa đến viếng. Ban Thủ Bổn có nhiệm vụ tổ chức lễ cúng miễu trong hai ngày mùng 9 bà mùng 10 tháng giêng hàng năm theo theo nghi thức truyền thống của địa phương.

Tuy cả nhà phải cực nhọc để làm ra nước mắm nhưng vào thời điểm đó, ai có cơ sở sản xuất là được xếp vào loại giàu có. Anh em tôi được gọi là “con ông chủ Hãng Việt Tân”. Rất tiếc, “Hãng nước mắm Việt Tân” đã không còn do thời cuộc.
Tôi còn nhớ, sau giải phóng, nước mắm được xếp vào hàng nhu yếu phẩm, chỉ có những người có tiêu chuẩn mới được mua. Cơ sở sản xuất nước mắm của gia đình tôi nằm cạnh bờ sông, ghe lớn nhỏ qua lại dễ dàng nhưng người dân đến mua nước mắm theo tiêu chuẩn phần lớn theo đường bộ. Lúc bấy giờ đường đất hẹp, trời mua trơn trợt nhưng hàng người nối đuôi nhau vào cơ sở cứ kéo dài. Đó là thời kỳ “vàng son”, nhưng chỉ kéo dài được một năm. Sau đó “Hãng nước mắm Việt Tân” bị “áp thuế”, nếu đóng đầy đủ thì chỉ có cách bán hết thùng chợp. Ba tôi suy sụp tinh thần và “Hãng nước mắm Việt Tân” không còn hoạt động kể từ ngày ấy.
Đất phèn mặn xóm Mương quê tôi nhà ngói đã thay thế nhà lá nhiều năm trước. Con lộ chưa thật rộng rãi như những địa phương khác nhưng mùa mưa xe gắn máy chạy được tới nhà. Tuy chưa có đèn đường nhưng nhà nào cũng có điện.
Những học trò nghèo khó của Trường Sơ cấp Đỗ Văn Huỳnh nay không còn nhiều nhưng hậu duệ thì đông đúc, có nhà cửa, có công việc làm ăn, nhất là các cháu nhỏ đến trường với việc đi lại, đưa đón dễ dàng.
Mong rằng lớp trẻ hôm nay biết cái nghèo ngày xưa của cha ông mà tìm cách khắc phục, sớm đưa xóm Mương thành vùng đất giàu có ở xứ Cần Đước.
Thanh Minh
Bài trướcChùa Thiên Mụ và truyền thuyết về vua Gia Long
Bài tiếp theoViết về nhóm “468 Cần Đước”

4 BÌNH LUẬN

  1. Cùng trang lứa, cùng quê Cần Đước với nhau nên ký ức tuổi thơ của anh gợi lại trong mình nhiều kỷ niệm đáng yêu quá! Càng đọc càng xúc động, bao hồi tưởng hiện về khiến mình đọc ngấu nghiến không ngừng!
    Cảm ơn anh, bài viết của anh thôi thúc mình muốn viết về tuổi thơ hồn nhiên, an bình… mãi vẫn theo mình thường xuyên qua những giấc mơ không quên!

  2. Cám ơn chị nhiều, NGƯỜI CẦN ĐƯỚC mới ra mắt còn nhiều thiếu xót, rất mong được đón nhận những ý kiến đóng góp cũng như bài vỡ cho trang nầy nhất là những kỷ niệm thời thơ ấu cũng như chân dung những người con Cần Đước thành công nơi xa xứ,

  3. Bài viết rất hay, đọc xong trong lòng dâng tràn cảm xúc. Cảm ơn tác giả, cậu viết bài làm con nhớ ông Sáu. Hồi nhỏ con xách thùng đi mua nước mắm lần cũng được ông đong cho tràn trề, rồi ân cần căn dặn đi về cẩn thận coi chừng té. Mới đó đã gần 50 năm. Cảm ơn Người Cần Đước. Hy vọng sẽ kết nối nhiều hơn nữa đặc biệt là với những người con xa xứ.

  4. Cám ơn bạn đã nhắc đến Ba của tôi khi còn sinh thời, những kỷ niệm thời thơ ấu của Xóm Mương như ùa về với đám bạn cùng học chung trường sơ cấp Đỗ Văn Quỳnh, bây giờ tất cả đã già, có người đã mất là những người đã gắn bó với Xóm Mương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây