Chùa Thiên Mụ và truyền thuyết về vua Gia Long

0
715

Có lẽ không ít người biết đến truyền thuyết về chùa Thiên Mụ ở Huế gắn với chúa Nguyễn Hoàng nhưng cũng không nhiều người biết có một ngôi chùa cũng mang tên Thiên Mụ ở Cần Đước, Long An gắn với truyền thuyết về vua Gia Long lúc còn gian khó trước sự rượt đuổi của quân Tây Sơn.
Đi qua chợ Rạch Kiến nơi có Di tích Vành đai diệt Mỹ Rạch Kiến khoảng 1 cây số, rẽ vào cổng ấp văn hóa 1B, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước sẽ thấy chùa Thiên Mụ tọa lạc giữa màu xanh của cánh đồng lúa, ẩn mình dưới những tàn cây như ôm vào lòng mái nhà chung của cộng đồng. Quyện trong tiếng công phu hai buổi sớm chiều, chùa Thiên Mụ tự tại, trầm mặc trong không gian tĩnh lặng của chốn Phật đường và trong sự yên ắng của miền quê thanh bình. Nhưng có ai biết rằng ngôi chùa này có lịch sử gắn liền với một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử dân tộc.
Theo tài liệu Lịch sử xã Tân Trạch, tài liệu Phật giáo và tư liệu của Chùa cho biết chùa Thiên Mụ hiện diện ở đây từ năm 1726, bấy giờ chỉ là một thảo am nhỏ, chưa có tên tự mà chỉ là tên dân gian, đến nay cũng không ai còn nhớ tên.
Đầu năm Đinh Dậu (1777), Tây Sơn tiến vào Nam lần thứ hai, quân Nguyễn Huệ đã truy bắt được và giết hai chúa Nguyễn là Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần ở Long Xuyên (Cà Mau) và Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương ở Ba Vạt (Mõ Cày Bắc, Bến Tre).
Nguyễn Phúc Ánh là con của Nguyễn Phúc Luân, cháu gọi Nguyễn Phúc Thuần bằng chú lúc đó mới 15 tuổi (sinh năm 1862) chạy thoát. Quân Tây Sơn lúc bấy giờ rất mạnh, Nguyễn Ánh bị truy lùng khắp nơi, phải trốn tránh rất vất vả.

Sau khi giết được các chúa Nguyễn thì Nguyễn Huệ rút quân về Quy Nhơn. Lợi dụng tình hình đó và được sự ủng hộ của quân tướng và nhân dân Nguyễn Ánh đã nhanh chóng chiếm lại Gia Định cuối năm 1777 và xưng vương năm 1780.

Trong hai năm 1782, 1783 Nguyễn Huệ lại liên tiếp đem quân vào Nam để tiêu diệt Nguyễn Ánh. Lúc nầy thế lực của Nguyễn Ánh vẫn còn yếu không chống nổi quân Tây Sơn nên phải bỏ Gia Định chạy về phía Nam và ra tận Phú Quốc.
Trên đường lui quân về phía Nam nầy một lần Nguyễn Ánh đã hành quân ngang Cần Đước, đến thôn Tân Trạch thì người ngựa đều mỏi mệt, bèn ghé vào ngôi thảo am ở giữa đồng vắng để nghỉ ngơi. Tại đây Nguyễn Ánh đã được sư trụ trì là Hòa Thượng Thủ Minh (thế danh Nguyễn Tấn Đức) ân cần tiếp đãi và báo tin cho xã trưởng làng Tân Trạch là ông Mai Văn Hiến biết. Là người có lòng trung với chúa Nguyễn, ông Hiến đã huy động tiền bạc, lúa gạo và tuyển 50 quân cung cấp cho Nguyễn Ánh.

Một đêm nọ đang ngủ trong am Nguyễn Ánh bỗng nằm mộng thấy một bà lão đầu tóc bạc phơ gọi dậy và chỉ tay về hướng Tây. Nguyễn Ánh giật mình tỉnh giấc, nghe trong dạ không an bèn truyền lệnh cho quân lính gấp rút rời chùa, vượt sông Vàm Cỏ Đông lánh nạn. Ba ngày sau, quân Tây Sơn kéo đến vây chùa nhưng không tìm được tông tích Nguyễn Ánh nên đã bắt giết xã trưởng Mai Văn Hiến và Hòa Thượng Thủ Minh.

Sau chiến thắng trận Rạch Gầm – Xoài Mút đầu năm 1785 Nguyễn Huệ lại trở về Quy Nhơn và tiến hành các chiến dịch trong năm 1786 chiếm Phú Xuân và Thăng Long. Nhưng sau khi ở Thăng Long trở về thì anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ nảy sinh mâu thuẫn bất hòa trầm trọng dẫn đến mang quân đánh nhau, từ đó Nguyễn Nhạc đã cho rút đại bộ phận quân Tây Sơn ở Gia Định về để bảo vệ Quy Nhơn.

Lúc nầy Nguyễn Ánh đang lánh nạn bên Xiêm (Thái Lan) nắm được nội tình Tây Sơn và thấy thời cơ đã đến nên quyết định trở về mang quân chiếm lại Gia Định năm 1787. Thế lực của Nguyễn Ánh lúc nầy đã khác thời kỳ 1782,1783: quân đội, vũ khí, tàu chiến hùng mạnh và hiện đại theo kỹ thuật phương Tây và một quyết định quan trọng đã được đưa ra là xây thành Gia Định để làm kinh đô tính kế lâu dài khôi phục vương triều. Và từ đây quân Tây Sơn cũng không còn có dịp vào Nam nữa cho đến khi bị diêt vong năm 1802.

Trong bối cảnh thế lực đã tương đối vững vàng đó Nguyễn Ánh đã có thời gian nhớ và trả ơn những nơi đã cưu mang mình thời nguy khó nên đã cho người tìm về thôn Tân Trạch tìm lại ân nhân thì mới hay ông xã trưởng Mai Văn Hiến và hòa thượng Tấn Minh đã bị giết vì tội che chở cho mình.
Bồi hồi nhớ lại giấc mộng xưa tại ngôi chùa ở thôn Tân Trạch, Nguyễn Vương đã sắc tứ cho chùa mang tên Thiên Mụ Tự (天姥寺), tặng hai tượng Phật bằng đồng đặt trong hai phổ đà bằng gỗ chạm lọng, một mõ, một trống sấm và hai đôi câu đối viết theo lối quán thủ (hai chữ đầu mỗi cặp câu đối ghép lại thành tên chùa) như sau:
Thiên Việt Cao Hoàng Tân Khải Trình Tường Thế Giới
Mụ Nam Hoằng Tứ Trạch Nhuận Kiết Khánh Nhân Gian
Thiên An Thánh Chế Thiên Niên Thạnh
Mụ Tự Hoằng Phong Vạn Đại Hưng
Nguyễn Vương còn khâm ban hai bài vị thờ hai ông Mai Văn Hiến và Nguyễn Tấn Đức như sau:
Hiến Húy Viết Giác Linh Chi Vị
Phụng Vị Diên Thức Sa Đà Nguyễn Tấn Đức Thượng Thủ Hạ Minh Giác Linh Chi Vị
Thông tin từ lạc khoản ghi trên những hiện vật chúa Nguyễn ngự ban cho chùa đề niên hiệu “Cảnh Hưng Ngũ Thập Niên” (1790) vì lúc này, Nguyễn Ánh chưa xưng đế, chưa đặt niên hiệu, vẫn giữ niên hiệu Cảnh Hưng của Vua Lê Hiển Tông. Dân gian vẫn còn truyền tụng rằng bộ ván mà Nguyễn Ánh đã nằm lúc nương náu tại chùa Thiên Mụ rất linh thiêng, không một ai dám nằm lên đó.
Theo chân Đại đức Thích Tắc Minh, trụ trì chùa, chúng tôi khảo sát lại những di vật của Nguyễn Ánh tặng thấy: -nội dung câu đối mà Nguyễn Ánh ban tặng vẫn còn lưu lại trên hai cặp liễn viết bằng chữ Hán sơn son thếp vàng do Phật tử phụng cúng đề năm 1950 trên dòng lạc khoản. Cái mõ được chùa gìn giữ cẩn thận ở hậu liêu dù đã có dấu tích hư mục do thời gian. Đại đức Thích Tắc Minh cho biết, cái trống sấm xưa rất dài, nay ngắn dần do cắt bỏ phần hư mục ở tang trống sau những lần thay da trống. Rất tiếc là 02 tượng phật bằng đồng đặt trong phổ đà cũng đã bị mất, phải thay thế bằng tượng khác.
Bài vị của hai ông Mai Văn Hiến và Nguyễn Tấn Đức bị hư mục nên cố Hòa Thượng Thượng Đạt Hạ Sanh đã cho phục chế lại vào năm 2001. Trong đó bài vị xã trưởng Mai Văn Hiến hiện được nhân dân đưa vào thờ trong đình Trạch An ở sát cạnh chùa. Trong lần khảo sát cách đây 23 năm, người viết còn trông thấy bộ ván được cho là Nguyễn Ánh nằm khi xưa. Nhưng tiếc thay nay không còn nữa.
Trở lại truyền thuyết chùa Thiên Mụ, chúng ta hãy khoan bàn đến chi tiết Thiên mụ (bà Trời) trong giấc mộng của Nguyễn Ánh, bởi gạt bỏ yếu tố hoang đường vốn là thành tố đặc trưng của truyền thuyết, người ta thấy hiển hiện những yếu tố lịch sử.
Từ truyền thuyết Thiên Mụ gắn với chúa Nguyễn Hoàng ở Thuận Hóa đẩu thế kỷ XVII đến truyền thuyết Thiên Mụ gắn với Nguyễn Ánh ở Long An thế kỷ XVIII phải chăng đây là dị bản mà qua đó là sự khẳng định chủ quyền của ông cha ta trong cuộc hành trình đi khai mở đất phương Nam của người mở đầu cho cơ nghiệp này là thủy tổ Nguyễn Hoàng ở dãy đất miền Trung và người hậu bối sau cùng là Nguyễn Ánh ở đất phương Nam – cũng là người mở ra kỷ nguyên Vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam. Dưới góc nhìn văn hóa, người ta gọi đó là sự tái cấu trúc văn hóa Việt trong trên vùng đất mới.
Việc ngôi chùa Thiên Mụ (Tân Trạch, Cần Đước) ra đời từ năm 1726 cho thấy lịch sử khai phá ở vùng đất này là rất sớm. Thậm chí nơi đây đã định hình về mặt tổ chức xã hội, bởi chùa là một thiết chế văn hóa cơ bản của làng xã. Có đình, có chùa, có miễu, có chợ v.v. thì làng xã mới được công nhận chính thức.
Mặt khác, sự có mặt của ông xã trưởng (trưởng thôn) và việc huy động được 50 tráng đinh trong thời gian ngắn, dù chưa thể xác tính tính chính xác của con số này nhưng qua đó cho thấy cộng đồng ở đây lúc bấy giờ đã đi vào hình thái định cư, ổn định và là một xã hội có nhân lực, vật lực.
Việc chúa Nguyễn sắc tứ tên Thiên Mụ Tự cho chùa (1790) chính là sự khẳng định chủ quyền pháp lý của ông cha ta từ rất sớm trên mảnh đất phương Nam mới khai phá.
Câu chuyện phản ánh sinh động một giai đoạn đầy biến động, chiến tranh liên miên giữa hai tập đoàn phong kiến Tây Sơn – Nguyễn Ánh vào giữa cuối thế kỷ XVIII ở phương Nam (1776-1786), làm chúng ta liên tưởng đến sự tích sông Song Ma hay sông Tình Trinh (tức Vàm Đôi Ma ở ranh giới hai xã Long Sơn và Long Cang, Cần Đước) mà một số chi tiết được Trịnh Hoài Đức ghi trong sách Gia Định thành thông chí, qua đó phản ánh vùng Cần Đước từng là địa bàn hành quân và giao tranh ác liệt của hai thế lực phong kiến này trong lịch sử dân tộc.
Chùa Thiên Mụ nay được trùng tu khang trang, dù trở nên khác xưa nhưng vẫn lưu giữ những di vật lịch sử cùng truyền thuyết văn hóa trong dân gian, phản ánh đậm nét lịch sử khai phá đất phương Nam.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, chùa không những là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đáp ứng nhu cầu tâm linh, đời sống tinh thần của cộng đồng, mà nay với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo” chùa còn là một địa chỉ của các hoạt động văn hóa, xã hội và từ thiện ở địa phương.
Chùa Thiên Mụ (Tân Trạch, Cần Đước) với những chứng cứ tư liệu và hiện vật cùng những yếu tố văn hóa phi vật thể phản ánh giá trị lịch sử-văn hóa xứng đáng là một ngôi “danh lam cổ tự” ở miền Nam.

Ths. Nguyễn Tấn Quốc
Ths. Nguyễn Văn Đông
Bài trướcBộ ảnh chùa Phước Lâm
Bài tiếp theoXóm Mương của tôi

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây