Cần Đước – Nhận diện buổi đầu chiến tranh (1)

0
365

NHÂM HÙNG 

Nhân ngày 30/4, nhớ về Cần Đước một thời khói lửa…

Người Cần Đước

Những năm 1957-1967, gia đình tôi bán tiệm hủ tiếu tại Ngã Ba  bến xe, ngang Chi Công An, trụ sở Hội đồng xã Phước Đông. Khu vực này, cũng là cửa ngõ chiến lược, bảo vệ đầu não quận lỵ Cần Đước. Mỗi ngày, người qua lại khá đông, nên tin tức thời sự cũng nóng hổi, lan nhanh. Nhất là vào những ngày không khí chính trị nặng nề, chiến tranh rục rịt bùng nổ!


Chợ Cần Đước – trung tâm quận – luôn bao trùm không khí chiến tranh

Vào một sáng, tôi thấy 2-3 nhân viên công an áp giải bác Ba “Kỳ Đà” từ xóm Ao Xoài ra quận. Đi ngang tiệm nước, bất ngờ bác xông vô, chụp cây dao xắt thịt của cha tôi, rồi tự đâm vô bụng tự sát. Cha tôi kịp ngăn lại, rồi bác bị đưa vô Chi công an, trước sự thương cảm của bao người. Mới hay, bác Ba bị bắt để điều tra về tông tích người con – anh Hai Sanh, từng  theo Việt Minh, kháng Pháp giờ ở đâu, sao không chịu ra đầu thú?

Dần dần tôi được biết thêm, chính quyền Quốc gia đang truy lùng, bắt bớ, bắn giết những người kháng chiến cũ; khủng bố tinh thần người thân họ, tạo nên bầu không khí sợ hải khắp thôn quê. Ngoài phố chợ thì tai mắt, mật vụ rình rập. Cũng thời điểm này, gia đình tôi đau đớn, nhận được tin: người anh thứ ba của tôi vừa bị giết tại quê nhà Cần Thơ. Và, tôi bắt đầu nhận ra rằng: Nhà mình thuộc phía bên kia, đang chạy trốn, nương nhờ nơi xứ sở Cần Đước này. Cho đến một hôm – lớp ba trường Phước Đông, bỗng vắng bóng thầy dạy chúng tôi: Thầy Tư Lịch! Nghe đâu, Thầy vô khu, theo phía bên kia…

Thời gian sau, nhiều buổi tối liên tiếp, cứ đỏ đèn là dân ấp Châu Thành – khu ngã ba bến xe, đều nghe tiếng đám đông phía xa xa, hô to: đã đảo! đã đảo Ngô Đình Diệm, hòa cùng tiếng trống, mõ, thùng thiết vang dậy. Tiếp đó, lính bảo an ở lầu Bà Sáu, cùng dân vệ vác súng đi đầy đường, thỉnh thoảng có tiếng súng nổ. Mọi người tụm ba, tụm bảy nghe ngóng, tìm hiểu, chưa biết rõ, chuyện gì đang xãy ra?.Có người nói, người  bên trong  Xóm Bến, Xóm Trễ, Xóm Ao Xoài…, có súng ngựa trời, lựu đạn, mã tấu… Chắc những ngày tới có đánh nhau với lính. Và họ đã đánh thật: Trưa hôm đó, mấy ông bên trong cải trang hành khách đi xe đò, đánh chớp nhoáng một đồn dân vệ phía Cầu Nổi ( Gò Công), bắt lính, tước súng thị uy. Tin lan nhanh, khiến lính tráng ở Cần Đước hết sức hoang mang, người dân thì vừa phấn khởi, vừa e sợ vì chiến tranh đang thật sự tới gần!

Khu vực Ngã Ba ngày ngày xôn xao, đón nhiều tin giật gân về chiến sự, đêm nào cũng nghe tiếng súng từ xa vọng lại. Những năm 1961, 1962 chính quyền Quốc gia thực thi “Quốc sách Ấp chiến lược”. Khu vực dân cư giáp chùa Phước Thiện, trở thành  “Ấp chiến lược – ấp Châu Thành”, xã Phước Đông. Phía Ngã Ba Kinh, thành ấp chiến lược của dân Ao Xoài. Họ bị lùa ra cất nhà ờ, giữa bốn bề hàng rào kẻm gai, chông tre. Nơi đây, đã diễn ra một sự kiện đổ máu: Ông Đại diện xã bị dân đánh tử vong, khi đang chỉ huy làm ấp chiến lược.

Thời gian sau, tình hình càng căng thẳng, vì  nhiều đơn vị chủ lực Quốc gia đổ quân bằng xe GMC về hướng sông Vàm Cỏ, Cầu Nổi – Tân Chánh để ruồng bố .Nghe đâu, bên xã Tân Ân, Phước Tuy đã có đơn vị lính biệt kích hàng đêm canh giết “Việt cộng nằm vùng”. Ô ! vậy là bên Quốc gia, kêu bên kia là Việt Cộng (VC)! Nhưng người dân thì ngại miệng, chỉ gọi “ mấy Ổng” hay” mấy ông bên trong”. Lúc này, cụm từ “ Mặt Trận Dân tộc Giải phóng miền Nam”, còn ít người biết.

Không khí chiến tranh và học sinh – Ảnh Internet 

Khu vực Ngã Ba bến xe, quen dần hình ảnh xe nhà binh, lính tráng, cảnh sát. Năm đó, chúng tôi chứng kiến máy bay trực thăng chở 2 cây đại bác 105 ly, đặt xuống sân banh, cạnh ao Bà Sáu. Nơi đây biến thành căn cứ pháo binh, luôn có một trung đội đóng giữ; thỉnh thoảng khai hỏa ầm ầm. Từ đó, không còn các cuộc đá banh hội; mỗi chiều chúng tôi cũng không còn chơi đá banh.

Chiến tranh càng ác liệt hơn, người dân quen nghe chuyện đánh đấm, qua thông tin từ cái radio Ấp chiến lược. Nhưng đau buồn nhất là cứ 5-10 bữa, lính lại đưa về một xác chết “VC” vừa bị giết, đặt phơi mình, giữa ngã ba bến xe. Có khi suốt buổi, suốt ngày mới đem chôn. Đi ngang, thoáng nhìn ai cũng rớt nước mắt. Không mấy thực khách nào dám ăn, uống, nhưng, quán không dám đóng cửa vì sợ bị quy chụp. Tôi liên tưởng, khi anh tôi bị giết chắc cũng như vậy, nên lòng thêm oán hận. Chiến tranh  tàn nhẫn đến thế sao ?

Hình như năm tôi lên lớp nhứt, tiểu đoàn 2 Thủy quân lục chiến về đóng quân trên địa bàn Cần Đước. Ở Ngã Ba dài xuống chùa Phước Thiện cả đại đội, ngày đêm hành quân, gây bao tang tóc, đau thương trong vùng quê. Lúc này người dân đã phá ấp chiến lược, trở về đất cũ.

Một sự kiện đặc biệt, tôi không nhớ rõ năm nào? Là trưa đó, sau khi hành quân về, đoàn thiết vận xa M 113 chạy qua cầu chợ Cần Đước. Do tải trọng xe quá nặng, bất ngờ cầu gãy sập, khiến 1 chiếc chở lính bị chìm dưới sông, dù là xe lội nước, nhưng trở tay không kịp. Một số lính bơi thoát vô bờ, còn 2 người bị chết chìm, phải lặn mò cả tiếng đồng hồ, mới vớt xác được. Cầu sập, những chiếc đò ngang kịp thời đưa khách qua lại mua bán, học hành. Để đảm bảo lưu thông, vài ngày sau, công binh bắt ngay chiếc cầu phao qua sông. Tôi còn nhớ, đám học trò chúng tôi rất khoái qua, lại cầu phao; đi nhiều lần để “thưởng thức” cái cảm giác bập bềnh, kỳ lạ chưa từng trải qua.

Thủy quân lục chiến rút đi, trung đoàn 46, sư đoàn 25 thế chân. Chúng tôi cũng đã vào đệ thất, lên trung học. Bạn bè đứa dân chợ, thằng thì ở quê, nên ”chính kiến”, cũng có khác. Tôi nghe đồn, mấy công an, mật vụ cài cắm người vô trường. Tuy cũng e sợ, nhưng cũng có lúc nổi hứng binh vực phía bên kia. Có lẽ vì vậy, tôi chơi khá thân với bạn Dương Thế Hùng, nhà ở phía bên trong – Kinh Nước Mặn. Nhưng, vừa lên đệ lục mấy tháng, Hùng bỏ học vô khu . Cuối năm đó, nhóm bạn Lâm Huỳnh Sen, Nhâm văn Kính, Lê Hồng Hoàn, Nguyệt Ảnh…, rũ nhau đi Kinh Nước Mặn chơi, giữa đường Lâm Huỳnh Sen bị du kích bên trong bắt. Khi được thả về, nói có gặp bạn Hùng trong vùng Giải phóng. Chỉ mấy tháng, nghe tin Hùng hy sinh, tôi đau buồn vô hạn.

Khói lửa, đạn bom lan rộng, khiến đường xe Sài Gòn – Cần Đước – Gò Công thêm trở ngại. Phía bên trong, cứ một vài đêm đưa dân công ra đắp “mô” đất giữa lộ, để ngăn cản kế hoạch hành quân của lính Quốc gia. Xe đò tới đó phải dừng lại chờ phá mô, mới chạy tiếp. Do bị mô, đi dạy trễ, thầy Đặng Xuân Dũng (dạy Văn), tức cảnh sinh tình, làm bài thơ “ Tình bị mô”, cả trường Trung học Cần Đước ai cũng biết:
Mỗi ngày đi Cần Đước
Sáng ấy phải bị mô
Xuống xe em lội bộ
Gặp chàng trai khôi ngô……”

Đó là ký ức buổi đầu nhận diện chiến tranh, với những kỷ niệm buồn, vui thời học trò ở Cần Đước. Do moi lại trí nhớ, nên không tránh khỏi những thiếu sót, mong bạn đọc góp ý, bổ sung.

Nhâm Hùng
(Xem tiếp phần II, Cần Đước – chiến tranh vào phố, thị)

Bài trướcHọp lớp thuở học trò Trường Trung học Cần Đước: Mỗi năm có tăng thêm và hụt dần!
Bài tiếp theoTrường Trung học Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây