Trường Trung học Cần Đước

2
1742

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Khi rút khỏi Việt Nam năm 1954, người Pháp đã để lại ở Cần Đước một hệ thống giáo dục chỉ ở bậc tiểu học với một ít phòng học ở huyện lỵ dạy đến lớp Nhất và ở các làng dạy đến lớp Ba.

Đến khoảng năm 1956, 1957 mới có những người tâm huyết đứng ra mở trường tư ở chợ Cần Đước. Đầu tiên là trường Lê Thánh Tôn, chỉ dạy có hai lớp đệ thất và đệ lục nhưng trường chỉ hoạt động được một hai niên khoá thì đóng cửa. Sau trường Lê Thánh Tôn thì có thêm hai trường trung học tư thục là trường Trương Văn Tráng và trường Tấn Thành được thành lập dạy  từ lớp đệ thất đến đệ tứ.

Trường Trung học Cần Đước được chính thức thành lập từ niên khóa 1958 – 1959 với trường sở ban đầu lấy tạm nhà thương của quận và 5 phòng của trường tiểu học. Theo tài liệu để lại thì đến năm 1974 diện tích của trường là 2.200m2.

Từ năm 1958 đến năm 1962, mỗi năm trường tuyển vào 2 lớp, như vậy đến năm 1962 trường đã có tất cả 8 lớp từ đệ thất đến đệ tứ (lớp 6 đến lớp 9) và là năm đầu tiên có học sinh thi lấy bằng Trung học đệ nhất cấp (THCS). Học xong lớp đệ tứ học sinh phải chuyển lên học các lớp đệ tam và đệ nhị (lớp 10 và 11) tại trường Trung học Cần Giuộc. Học sinh đậu Tú Tài 1 lại chuyển lên Sài Gòn học tiếp lớp đệ nhất (lớp12) ở trường Trung học Chu Văn An hoặc Petrus Ký hoặc Trung học Gia Long hoặc Trung học Trưng Vương tại Sài Gòn để thi lấy bằng Tú Tài 2. Sau 1968 trường mới mở cấp ba.

Hiệu Trưởng trường:
.Đầu tiên là ông Phạm Văn Cầm, tiếp đến là ông Lê Văn Các, là Hiệu trưởng Trường Tiểu học kiêm nhiệm.
.1960-1964: ông Đinh Văn Triển
.1964-1966: ông Nguyễn Vân Chương
.1966-1970: ông Bùi Đồng Dần
.1970-1972: ông Nguyễn Văn Thiệu
.1972-1975: ông Nguyễn Thành Hải

Tính đến năm 1975 trường đã tuyển tất cả 17 khóa, trong đó có 10 khóa đã tốt nghiệp và 7 khóa còn học.
-Từ 1975 – nay:
Sau ngày thống nhất đất nước tháng 4/1975, Trưởng ban điều hành trường cô Tạ Kim Đính, thầy Nguyễn Văn Dương, thầy Nguyễn Văn Hồng, tên trường là Trường cấp 2-3 Cần Đước. Năm 1976 trường tách cấp 2 và cấp 3 ra nhưng vẫn sử dụng chung cơ sở vật chất.
-Hiệu trưởng Trường cấp 3 Cần Đước:
-1976-1978: thầy Nguyễn Khắc Hòe
-1978-1980: thầy Nguyễn Tiến Rãm
-1980-1983: thầy Nguyễn văn Hồng
-1984-1985: thầy Trần Bân
-1985-1992: thầy Lê Công Minh

Đến năm 1992-1997 cấp 2 và cấp 3 lại nhập lại, tên trường là Trường cấp 2-3 Cần Đước. Thầy Lê Công Minh Hiệu trưởng, thầy Trương Văn Điểm, cô Võ Thị Thanh Kiều phó hiệu trưởng. Có lúc trường lên đến 61 lớp. Bác Nguyễn văn Nam, nguyên Bí thư huyện ủy Cần Đước, đã vận động nhân dân khu 1B thị trấn hiến 2 hecta đất xây mới Trường cấp 3 Cần Đước, nay là cơ sở của trường THPT Chu Văn An. Đến năm 1997 huyện đã có điều kiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trường Trung học phổ thông Cần Đước trên diện tích hơn 4 ha tại trung tâm thị trấn như hiện nay.


Cựu học sinh lớp đệ tứ P1 năm 1968 (nhóm 468 Cần Đước) – Ảnh Lê Hồng Hoàn

Nếu trước 1975 học sinh thần tượng các thầy cô như Thầy Bùi Quốc Vượng dạy Toán, Thầy Trương Lạc Hồng, Thầy Trần Thế Dũng dạy Hóa, Thầy Phạm Quang Chiêu, Cô Tạ Kim Đính dạy môn Sinh vật, Thầy Đào Hữu Nguyện, Cô Nguyễn Thị Ngọc Dung, môn Pháp văn, Cô Trần Thị Ngọc Đồng, Cô Trần Thị Trúc Diệp,Thầy Đặng Xuân Dũng, Thầy Nghiêm Dũng, môn Văn, Cô Phạm Thị Hường, môn nữ công….thì các thầy cô thế hệ sau cũng tiếp nối truyền thống dạy tốt được học sinh tôn vinh trong công tác chuyên môn, bồi dưởng học sinh giỏi và chủ nhiệm như: Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Cô Phan Thị Thu Hồng, Cô Phạm Thị Bé (Nhà giáo ưu tú), Cô Phạm Thị Thanh, cố giáo viên Nguyễn Thị Tuyết Thơ (Văn). Thầy Lâm Hồng Nghệ, Thầy Văn Công Thành, Thầy Ngô văn Dưởng (Toán). Thầy Nguyễn văn Nhương, Thầy Nguyễn văn Tân (Tin học). Thầy Trương văn Điểm, Cô Phạm Thị Quyến (Lý). Cô Nguyễn Thị Phương, Cô Phạm Thị Quân, Cô Nguyễn Thị Dưởng (Sinh vật). Cô Xuân Sơn, Cô Dư Khai (Địa).
Thời chiến tranh đường đi khó khăn dù Cần Đước-Sài Gòn có hơn 30 cây số. Sáng nào đường cũng bị đấp mô nhưng thầy cô đã ngày ngày bất chấp hiểm nguy lội qua mô để về Cần Đước mang con chữ đến cho học sinh mình.
Cần Đước đã hân hạnh tiếp đón nhiều thầy cô nhận nơi nầy làm quê hương thứ hai như các thầy Từ Nghiêm Tứ, Phạm Quang Chiêu, Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Mạnh Tiến, Nguyễn Văn Hồng, Lê Công Minh, Bùi văn Phùng, cô Trần Thị Ngọc Đồng, cô Giang Thị Mỹ Hương, cô Nguyễn Thị Hạnh, cô Lê Thị Thanh Nhàn, cô Thi Ngọc Cam, cô Nguyễn Thị Nhuần, cô Võ Thị Đào.

Với tình yêu gắn bó với Cần Đước, Thầy Nghiêm Dũng sáng tác bài hát: -“Về Cần Đước”:

Ta người Cần Đước vui bên đồng xanh, hát khúc ca triền miên, theo tiếng ru mẹ hiền. Ta thương người đất Cần…ớ ơ ờ ờ ơ
– Chiều qua đồn Tân Lân, thấy bé thơ tan trường về, ánh mắt xanh bên trời hồng, mà lòng dâng lên tình quê…ớ ơ ờ ờ ơ
– Hương gạo Cần Đước nước sông Đồng Nai, đã thắm sâu vào tim nuôi máu ta hiền hòa. Ta thương người đất Cần…ớ ơ ờ ờ ơ
– Mẹ ta từ bao năm gánh trên vai bao nhọc nhằn, gói nắm cơm trong phần quà, gởi đàn con chờ mong. Ta thương người đất Cần…ớ ơ ờ ờ ơ
– Ai từ Tân Chánh, Phước Tuy đổ ra, giữa sớm mai mờ sương, lo bán buôn tảo tần…Ta thương người đất Cần…ớ ơ ờ ờ ơ
Tình quê mãi khắc sâu trong hồn nầy, mãi vấn vương trong lòng nầy…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rồi chiến tranh biên giới Tây Nam nhiều học sinh trường Trung học Cần Đước cũng đã xếp bút nghiên vào chiến trường, có người đã trở thành thương binh như anh Hồ Chí Thiện, học sinh khóa 1; có người trở thành liệt sĩ như anh Nguyễn Văn Hoàng, anh Nguyễn Thế Hùng, hs khóa 7; anh Dư Bửu, HS khóa 13.

Cựu học sinh đệ tứ P2 năm 1968 (468 Cần Đước) – Ảnh Lê Hồng Hoàn

Học sinh Cần Đước hiền lành, chân chất. Trong mọi hoàn cảnh học sinh trường Trung học Cần Đước đều cố gắng khắc phục khó khăn để được đến trường. Phụ huynh học sinh rất quí mến thầy cô. Rời ghế nhà trường học trò trường Trung học Cần Đước đều thương nhớ mái trường xưa, trở về thăm lại trường cũ, tiếp sức cho học sinh vật chất lẫn tinh thần.
Với truyền thống hiếu học nhiều học sinh đã vượt khó trưởng thành đạt trình độ bác sĩ, kỹ sư, cán bộ giảng dạy các trường đại học danh tiếng, nhiều người đạt  học vị thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, nhà giáo ưu tú. Đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện, sĩ quan cao cấp trong quân đội, thành đạt trong sản xuất kinh doanh, lãnh đạo các phòng ban huyện, Ban giám đốc Sở giáo dục, Hiệu trưởng trường đại học, Ban giám hiệu các trường trung học phổ thông, trường THCS, tiểu học, mầm non ở huyện nhà và nhiều nơi khác.
Có thể kể vài cựu học sinh như: Nguyễn Văn Đông, cựu học sinh khóa 7, nguyên Chủ tịch UBNDH, Bí thư huyện ủy Cần Đước. Nguyễn Ngọc Chánh, cựu học sinh khóa 15, Chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Huyện ủy Cần Đước, nguyên PCT UBND Huyện. Huỳnh Văn Đệ, cựu học sinh khóa 12, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện.Trần Văn Ốm, Giám đốc NHCS huyện Cần Đước. Nguyễn Thị Nghiệm, Phó giám đốc NHNN Cần Đước. Đổ Thị Ngọc Ẩn, Giám đốc Kho bạc huyện. Nguyễn Đông Phong, GS-TS, Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế TpHCM. Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở giáo dục TP. HCM. Ngô Văn Dưởng, nguyên Trưởng phòng giáo dục Cần Đước. BS Trần Văn Nhiều, BS Nguyễn Hoàng Giúp, BS Nguyễn Văn Hiền, BS Trần Kim Lang, BS Cao Hoàng Thế Dũng, BS Nguyễn Văn Ru By (BV Cần Đước); BS Võ Công Khanh, BS Trần Chánh Tín (BV Chợ Rẩy); BS Nguyễn Ngọc Châu, BS Trần Thanh Phong (Bệnh viện Bình Dân); BS Phạm Trần Diệu Hiền (BV Nhiệt đới); BS Trần Thị Thanh Châu, BS Trần Thanh Phong (BV115); BS Nguyễn Xuân Vũ, giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM, BS Huỳnh Thị Mười (BV Thống Nhất). Bùi Duy Đức, Tổng giám đốc công ty Vissan. Tiến sĩ Nguyễn Văn Thọ, TGĐ công ty thẩm TĐGMN. Nguyễn Thanh Minh, nguyên TBT báo Doanh nhân Sài Gòn…

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcCần Đước – Nhận diện buổi đầu chiến tranh (1)
Bài tiếp theoTháng Tư 1975 ở Cần Đước

2 BÌNH LUẬN

  1. Trường Trương văn Tráng đầu tiên dược mở năm 1954 gần cầu qua chợ Cần đước chỉ có bậc Tiểu học sau đó dời ra tỉnh lộ 15 ( gần cây xăng hai Tích , bậc học từ đệ thất đến đệ tứ( sau nầy gọi là lớp 6 đến lớp 9)

  2. Có một cô giáo dạy văn cấp 3 rất giỏi, hát hay học trò rất yêu mến là cô Khuyên , dạy trường Cần đước cho đến khi về hưu mà sao không nghe nhắc đến.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây