Tháng Tư 1975 ở Cần Đước

0
403

ThS NGUYỄN VĂN ĐÔNG

Một trong năm cánh quân tiến về Sài Gòn hướng Tây Nam tháng 4/1975 là Đoàn 232 do tướng Lê Đức Anh làm tư lệnh. Hướng Cần Đước có trung đoàn 24, 88 của quân khu 8 và tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 2 của tỉnh đội Long An, mục tiêu là chiếm Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. Trung đoàn 24 là mũi chủ công thọc sâu.


Cần Đước hiện nay

Ngày 18/4/75 tiểu đoàn 5 và 6 của trung đoàn 24 vượt sông Vàm Cỏ Đông đặt chân lên địa bàn Cần Đước chiếm Phước Tuy, Long Sơn và hành tiến theo hướng Cần Giuộc để chiếm cầu Nhị Thiên Đường và cầu Chữ Y để vào Tổng nha cảnh sát.
Ngày 23/4/75 trung đoàn 24 tấn công chiếm Chợ Đào giải phóng xã Mỹ Lệ, đánh sập cầu Chợ Đào.

Ông Hồ Ngọc Lịch (đứng bên phải) Nguyên Bí thư Chi bộ Thị trấn, kiêm chính trị viên đội biệt động. Ông Nguyễn Văn Nam (đứng giữa) Nguyên Chính trị viên Huyện đội Cần Đước và Ông Lê Văn Được (Đô Lương) đứng bên trái – Nguyên Huyện đội trưởng Cần Đước. Ba ông về thăm lại nơi thành lập Đội Biệt động Thị trấn Cần Đứic tại nhà Ông Nguyễn Văn Chống.

Quận trưởng Cần Đước ra lệnh các trưởng đồn phải tử thủ chống lại bước tiến quân cách mạng nên nhiều người lính nghĩa quân ở đồn Xóm Bồ, đồn Ba Cây (xã Phước Tuy), đồn Chợ Đào (xã Mỹ Lệ) bị chết.
Ngày 28/4/75 trung đoàn 24 vượt sông Cần Giuộc đến liên tỉnh lộ 50, lúc nầy phần lớn huyện Cần Đước được giải phóng, bên VNCH chỉ còn cố thủ ở huyện lỵ Cần Đước và Rạch Kiến. Trong tình hình đó huyện uỷ Cần Đước triệu tập cán bộ về họp ở gần cầu sắt Long Sơn để chuẩn bị giành chính quyền. Họp xong khoảng 5 giờ chiều, mọi người vội vã ra về thì pháo binh từ Rạch Kiến bắn cấp tập vào chỗ họp. Ông Tư Côn, bí thư huyện uỷ bị miễng pháo trúng ngay đầu hy sinh.
Trưa ngày 30/4/75 sau khi ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì đại đội địa phương quân huyện C315 tiến vào chiếm Rạch Kiến, một tiểu đoàn lính sư đoàn 22 VNCH đóng ở đây chịu đầu hàng, ngày hôm sau họ được xe đò đưa về Sài Gòn để về quê.


Ông Hồ Ngọc Lịch và Ông Nguyễn Văn Đông, hai ông Nguyên Bí thư Huyện Cần Đước cùng trao đổi về tháng tư lịch sử.

Cũng trưa ngày 30/4/75, khoảng 10 giờ, trung tá Bê, quận trưởng Cần Đước lên xe Jeep chạy về hướng phà Mỹ Lợi để sang Gò Công. 12 giờ thiếu tá Văn, phó quận trưởng cho người đón ông Hai Núi, cán bộ cách mạng vào tổ chức bàn giao chính quyền êm thấm.
Uỷ ban quân quản huyện được thành lập do ông Nguyễn Tân Hoà làm trưởng ban, ông Nguyễn Văn Mỳ làm trưởng ban quân quản thị trấn Cần Đước.
Sau bao nhiêu năm chiến tranh hy sinh mất mát, từ 30/4/75 nhân dân Cần Đước đã thực sự được sống trong hoà bình để xây dựng lại quê hương. 48 năm đã qua với rất nhiều khó khăn khắc phục hậu quả chiến tranh giờ Cần Đước đã thật đổi mới, khởi sắc về kinh tế, văn hoá, xã hội, đang chuẩn bị bảo vệ danh hiệu Huyện Nông Thôn Mới.

ThS Nguyễn Văn Đông

Bài trướcTrường Trung học Cần Đước
Bài tiếp theoCó một tượng Nữ thần Tự do ở chợ Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây