Chùa Cần Đước (Prêk On Đơk) lâu nay là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng, của nhân dân trong tỉnh nói chung. Người ta biết đến ngôi chùa này không chỉ bởi tín ngưỡng, tôn giáo mà còn là hạt nhân của phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới trong đồng bào Khmer.
Chùa tọa lạc tại ấp Cần Đước, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), với diện tích là 3ha. Chùa trải qua nhiều vị trụ trì, mỗi trụ trì đều có công đóng góp to lớn trong quá trình xây dựng, trùng tu, duy trì, phát huy sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, đoàn kết trong cộng đồng 3 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, trong chiến tranh họ cùng nhau chống giặc, trong hòa bình họ cùng nhau chung sức xây dựng quê hương. Hiện tại, trụ trì chùa là Hòa thượng Dương Nhơn, là bậc trưởng lão đức hạnh và uy tín với sư sãi, đồng bào Khmer.
Chùa Cần Đước hiện là điểm nấu hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày phục vụ người dân đang cách ly tập trung. Ảnh: Phước Liêu
Những năm qua, dưới sự điều hành của Hòa thượng Dương Nhơn, Ban Quản trị chùa, sư sãi luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong sinh hoạt tôn giáo, dân tộc cũng như công tác tuyên truyền, vận động phật tử chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để góp phần xây dựng nông thôn mới, chùa đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để xây dựng Trường Tiểu học Thạnh Phú 3, Trung tâm Dạy nghề và Giáo dục thường xuyên của huyện và Trường Trung học Phổ thông Dân tộc nội trú Thạnh Phú; làm đường giao thông, xây cầu, trị giá hàng tỉ đồng… góp phần xây dựng ấp văn hóa tiêu biểu, người dân an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục, xã hội tại địa phương.
Theo Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang – Phó Trụ trì chùa Cần Đước, thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 rất phức tạp, trong lúc cũng là thời điểm đồng bào Khmer có rất nhiều sự kiện lễ hội diễn ra, tuy nhiên chùa vẫn thực hiện nghiêm quy định để đảm bảo công tác phòng chống, tạm đóng cổng, tạm dừng tổ chức tất cả các lễ hội tập trung đông người, nếu trong trường hợp thật sự cần thiết thì nhà chùa sẽ cho vào nhưng phật tử phải đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, khử khuẩn. Bên cạnh đó, chùa Cần Đước còn là điểm nấu hơn 1.000 suất ăn mỗi ngày để phục vụ cán bộ quản lý và người dân tại 3 điểm cách ly tập trung. Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang còn phối hợp với Huyện đoàn Mỹ Xuyên vận động các tổ chức, cá nhân, mạnh thường quân được 7,5 tấn gạo, gần 500 thùng mì và nhu yếu phẩm để hỗ trợ những gia đình khó khăn trong mùa dịch.
Đại đức Lâm Chanh Sầm Nang cho biết: “Với những hoạt động chung tay vì cộng đồng này, chùa mong muốn bà con sống gần gũi và thân thiện, đoàn kết và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Đối với đồng bào Khmer địa phương, chùa Cần Đước không chỉ là nơi bảo tồn nét kiến trúc đặc trưng, là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng mà hơn hết còn là nơi để sư sãi tu học, phật tử thờ phụng, tôn kính theo giáo lý của Đức Phật, là chỗ dựa tinh thần, hướng bản thân họ đến những giá trị tốt đẹp”.
Chùa Cần Đước luôn được cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể và quý phật tử gần xa trong cộng đồng 3 dân tộc đồng hành, hỗ trợ. Chùa Cần Đước cũng phát huy vai trò gắn kết, tuyên truyền cho đồng bào Khmer về chủ chương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động bà con tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo để cùng vươn lên, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Phước Liêu