Đỗ Hữu Trường Giang – Người khiếm thị luôn khát khao gieo “ánh sáng” cho người đồng cảnh ngộ!

0
332

HUỲNH VĂN HẠNH

Bạn thử tưởng tượng sau một đêm thức dậy không còn nhìn thấy vợ con, bạn bè, nhà cửa, tất cả mọi sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự giúp đỡ người khác!

Chân dung Đỗ Hữu Trường Giang

Việc đi lại, sinh hoạt cá nhân có thể nhờ người khác trợ giúp nhưng tâm thần bấn loạn, đầu óc căng thẳng tột độ thì…chịu đựng một mình! Tối hôm qua còn ăn cơm với gia đình, trước khi đi ngủ còn đùa giỡn với con, còn hẹn cuối tuần đưa con đi siêu thị để mua đồ dùng học tập mà bây giờ không nhìn thấy gì cả. Đó là tâm trạng của anh Đỗ Hữu Trường Giang đang sống hạnh phúc với gia đình có vợ hiền, con ngoan. Anh làm việc ở công ty xuất nhập khẩu thu nhập ổn định, ở nhà người vợ lo nội trợ và đứa con gái đang học phổ thông. Ở lứa tuổi U40 anh đã dành dụm tạo được căn nhà trên đường Điện Biên Phủ quận Bình Thạnh. Có thể nói anh được nhiều người ngưởng mộ về cuộc sống gia đình, thế mà chứng bệnh thoái hoá thần kinh thị giác đã cướp mất ánh sáng của anh, dù được gia đình người thân tìm đủ thầy thuốc giỏi ở trong và ngoài nước nhiệt tình cứu chữa. Bệnh viện ở Singapore, bác sĩ thân thiết với gia đình người Mỹ…cũng đành bó tay với căn bệnh tưởng chừng có thể chửa khỏi.

Cùng Chủ tịch Hội Người Mù bàn bạc với các mạnh thường quân tìm giải pháp chăm lo đời sống người khiếm thị.

Tuy được nhiều người khuyên nhủ, an ủi, tự động viên mình tự vượt qua “tăm tối” nhưng tâm trạng không thể đối diện với cảnh mù loà. Cuộc sống dừng lại, nhiều lần anh muốn “chết đi cho rồi”. Anh nhớ lại những ngày cùng chở vợ con rong rủi hết nơi nầy nơi khác, chứng kiến thay đổi của thành phố, nhất là sự đổi thay của quê mình. Đó là những năm tháng sống cùng ông ngoại – Ông Trương Văn Tráng, Hiệu trưởng trường Trương Văn Tráng Cần Đước. Nhà ông ngoại ở ngay đầu cầu chợ,  mẹ mở tiệm sách lấy tên “Thư quán Diên Hồng”. Nhờ sống trong “kho sách” nên Trường Giang có nhiều cơ hội thu nạp kiến thức, hành trang cho cuộc sống, nền tảng cho công việc. Anh mong muốn với kiến thức, khả năng vốn có của mình được làm việc gì đó, ít nhất nuôi sống bản thân, nếu được giúp đỡ cho những người cùng cảnh ngộ. Đó là lý do anh tìm đến Hội Người Mù quận Bình Thạnh, nơi anh sinh sống.

Nhờ mối quan hệ trước đó, anh được hỗ trợ của nhiều mạnh thường quân là bạn bè, là đồng nghiệp, là đồng hương…


Người khiếm thị làm kỷ thuật viên masage có cuộc sống thiếu thốn rất cần được giúp đỡ.

Cụ thể, có lần gia đình Chị Thanh Hà ở Cần Đước tổ chức cho các người khiếm thị khó khăn ở quận Bình Thạnh đi du lịch Vũng Tàu. Một ngày ở bãi biển, người khiếm thị có dịp cảm nhận được niềm vui khi lần đầu tiên tiếp cận với sóng biển, được ăn bữa cơm ngon ở nhà hàng…Đó là một trong những “cái được” cho người khiếm thị Bình Thạnh khi Trường Giang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Người Mù ở quận nhà.

Năm nay, anh được nhận trọng trách lớn hơn là Phó chủ tịch Hội Người Mù Thành phố, anh cùng các thành viên trong Ban chấp hành Hội phải lo cho gần 1500 người khiếm thị là hội viên của hội, trong đó có gần 60 người Hội trực tiếp chăm sóc.


Người phụ nữ khiếm thị không có gia đình người thân, cả cuộc đời nhờ vào chăm sóc của Hội.

Khó khăn lớn nhất là theo điều lệ hội, hội viên phải là người mù cả hai mắt nên trong hội không có “người sáng mắt” để chủ động tổ chức hoạt động, chăm lo đời sống hội viên tốt hơn, phần lớn lệ thuộc vào sự giúp đỡ của các mạnh thường quân.

Được đồng tình của Chủ tịch Hội, anh chủ động liên hệ bạn bè, người thân tìm mọi giải pháp để hỗ trợ người khiếm thị, trước mắt giúp người khiếm thị có cuộc sống ổn định bằng chính khả năng của mình. Trước mắt, có mạnh thường quân nhận đào tạo tay nghề miễn phí cho người khiếm thị phù hợp với khả năng của họ và có nhiều người ủng hộ quà Tết cho người khiếm thị mà Hội trực tiếp chăm sóc.

Như ông chủ tịch Nguyễn Đình Kiên, mỗi ngày Trường Giang đến Hội phải mất ít nhất 50 – 60 ngàn tiền xe ôm chiếm 1/3 tiền lương ít ỏi của mình nhưng họ rất vui vì ít ra đã làm được “cái gì đó” cho người đồng cảnh ngộ của mình, trong đó có Đỗ Hữu Trường Giang, người con của xứ Cần Đước!

Huỳnh Văn Hạnh

Bài trướcTâm sự người thầy: Viết muộn…
Bài tiếp theoHái ‘quả ngọt’ từ đam mê

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây