Đồn Rạch Cát

0
964

 

Từ trung tâm thị trấn Cần Đước, xe con chạy theo con đường tỉnh 826B chừng 20 phút, sẽ thấy pháo đài cổ thấp thoáng với bức tường thành dài 84m, cao 5m với hàng lỗ châu mai đều tắp phía trên.

Năm 1900, trước nguy cơ Thế chiến 1(1914-1918) bùng nổ, người Pháp đã củng cố các tuyến phòng thủ bờ biển phía Tây Nam của Pháp và hệ thống phòng thủ các pháo đài dọc biên giới Đức – Pháp.


Tại Việt Nam, sau khi chiếm trọn lục tỉnh Nam kỳ
1867, người Pháp tiến hành củng cố hệ thống phòng thủ dựa trên các đồn bốt của nhà Nguyễn để lại, hiện đại hóa nó bằng các lô cốt, pháo đài với các loại súng hiện đại bậc nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Để bảo vệ Sài Gòn – thủ phủ của lục tỉnh Nam Kỳ – trước sự dòm ngó của các cường quốc phương Tây, người Pháp cho xây dựng tuyến phòng thủ bờ biển trải dài từ Vũng Tàu đến Cần Giờ qua Cần Đước nhằm án ngữ các mũi tấn công từ bờ biển vào đất liền.


Họ
đã chọn mõm đất nơi gặp nhau của ba sông Rạch Cát, Vàm Cỏ và Soài Rạp xây dựng pháo đài Rạch Cát thuộc làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn (xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Long An ngày nay), làm vị trí chiến lược án ngữ các tàu chiến từ biển vào Sài Gòn, đồng thời kiểm soát hệ thống đường sông Sài Gòn đi lục tỉnh Nam Kỳ. Tuyến hàng hải Sài Gòn đi các nước cũng nằm trong tầm bắn của pháo đài này.

(Theo Lê Quý Đôn trong sách Phủ Biên Tạp Lục vào thời 1774 tại khu vực đồn Rạch Cát các chúa Nguyễn cũng xây dựng một đồn kiểm soát của sông gọi là Thủ sở Soài Rạp với 50 chiến thuyền và 300 quân, và đến đầu thế kỷ 19 triều Nguyễn cho xây dựng một đồn biển gọi là Lôi Lạp Tấn Bảo tại đây, qua đó cho thấy từ xưa các nhà quân sự đã nhìn thấy vị trí chiến lược quân sự của nơi nầy đối với việc bảo vệ Sài Gòn – Gia Định).

Công trình được khởi công vào năm 1903, dự kiến hoàn thành khoảng hai năm sau đó nhưng do thời tiết nhiều gió bão, đặc biệt là địa chất của vùng này rất yếu, người Pháp phải thay đổi thiết kế nên công trình mất 11 năm sau mới hoàn thành (năm 1913). Người Pháp gọi đây là “Hệ thống phòng thủ các con sông và Cap Saint-Jacques”. Tại Sài Gòn, từ năm 1909, Pháp đã xây dựng một phòng tuyến quân sự với quy mô lớn gồm 9 pháo đài và 8 lô cốt tạo thành một vòng vây bao bọc cả một vùng Sài Gòn – Chợ Lớn từ phía Bc, Tây Bc, Tây, Tây Nam và phía Nam. Phòng tuyến này được gọi là Hệ thống phòng tuyến Sài Gòn hoặc Hệ thống phòng thủ mặt đất ở Sài Gòn.


ThS Nguyễn Văn Đông, Nhà nghiên cứu về Cần Đước đến thăm đồn Rạch Cát.

Công trình pháo đài Rạch Cát được thiết kế hình cánh cung, đối xứng, chiều dài 300m, chiều ngang 100m. Mặt tường của đồn có nhiều lỗ châu mai hình vuông. Tường xây bằng đá xanh, chịu lực, sàn các tầng đổ bêtông sỏi cốt thép. Các cửa ra vào và cửa sổ pháo đài đều bằng thép rất dày.

Công trình gồm 2 tầng nổi và 3 tầng chìm. Hai tầng nổi chứa đạn dược, hầm chỉ huy và phòng ở của trung đội pháo, lương thực thực phẩm dự trữ. Các tầng hầm vừa là móng công trình vừa là hầm chứa nước ngọt.

Ở hai đầu cánh cung, người Pháp lắp đặt hai khẩu trọng pháo lớn. Các nòng pháo này có tầm bắn hơn 20km, khống chế một vùng rộng lớn tới cả vùng Gò Công, Sài Gòn và vùng biển Vũng Tàu. Các khẩu trọng pháo này xoay tròn 360 độ nên có thể kiểm soát được mọi hướng. Theo tài liệu trong hồ sơ di tích đồn Rạch Cát, từng có hai khẩu pháo 605mm trên sân nóc của pháo đài, song đã bị quân Pháp lấy đi, nay chỉ còn hai mâm pháo bằng thép nâu thẫm, đối xứng nhau, mỗi mâm có đường kính 6m, nhô cao, để lộ hai lỗ nòng pháo lớn, người lớn có thể cúi mình đi vào dễ dàng. Đến nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II vẫn còn những văn bản qua lại giữa các chỉ huy quân đội Pháp lên kế hoạch để bắn thử nhiều lần hai khẩu pháo khổng lồ này từ các năm 1908-1914.

Phần sân nóc đồn vẫn còn nguyên lớp gạch tráng men màu nâu thẫm. Quân Pháp còn xây thêm trụ để đặt thêm bảy khẩu pháo 75mm rải trên nóc đồn. Nhưng sau năm 1945, các khẩu pháo 75mm này cũng đã bị mang đi, dấu tích chỉ còn những trụ nổi và cột ốc thép đặt pháo. Hai khẩu pháo 138mm dài hơn 4m vẫn còn nguyên vẹn, kê nòng thép trên thành mâm pháo bêtông.

Cây Trôm trồng trong khuôn viên đồn Rạch Cát

Người Pháp còn lắp đặt hai khẩu Canon loại 240mm để tăng thêm sức mạnh cho trận địa này ở tầm bắn gần hơn. Tại đồn Rạch Cát, người Pháp cho tăng cường 4 khẩu pháo 95mm và 6 khẩu pháo phòng không 75mm lắp ở giữa đồn (cả 4 khẩu pháo này đã bị tháo dỡ). Với tầm bắn và số lượng pháo lắp đặt này, pháo đài Rạch Cát cho thấy quy mô còn hơn cả pháo đài ở Verdun ở Pháp.

Tại trung tâm cánh cung là hệ thống chỉ huy trung tâm điều khiển của pháo đài với lối đi dích dắc theo kiểu các công sự, hầm hào quân sự. Bảo vệ ở tầm gần hơn có hệ thống súng máy 8mm và các lô cốt, đồn bốt, cầu cảng xung quanh đồn.

Về kiến trúc, đây là công trình điển hình cho sự hoàn hảo, quy mô đồ sộ về nghệ thuật xây dựng công sự chiến tranh. Đồn được xây dựng như một hệ thống giao thông liên hoàn, có thể chi viện tối đa cho chiến đấu và dễ dàng ẩn nấp, rút lui khi chiến sự bất lợi. Với bức tường thành kiên cố phía trước, đối phương khó lòng tiếp cận được mặt thành ở cự ly gần khoảng 500m. Đặc biệt, việc xây dựng với kết cấu là những lớp bêtông cốt thép dày theo hình trượt phía trên đồn có thể vô hiệu hóa các súng bắn thẳng từ mặt sông vào.

Đoàn khách du lịch TST tham quan đồn Rạch Cát

Đã qua hơn trăm năm, song đến nay toàn bộ kết cấu đồn Rạch Cát vẫn nguyên vẹn, đủ cho thấy độ bền vật liệu và kỹ thuật xây dựng minh chứng cho sự tập trung đầu tư của quân đội Pháp vào vị trí quân sự đắc địa này. Pháp còn cho xây một cầu tàu và đường ray để vận chuyển đồ trực tiếp từ cầu tàu cửa sông Rạch Cát vào đồn.

Du khách chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để đi từ Tp.HCM về khu vực này theo quốc lộ 50. Nếu theo đường sông Soài Rạp lên phía Bắc, qua bên kia cửa sông Rạch Cát là cảng quốc tế Long An. Theo sông Soài Rạp xuống phía nam, qua bên kia cửa sông Vàm Cỏ đã là đất Gò Công. Đối diện phía bờ bên kia sông Soài Rạp là Cần Giờ, dễ dàng kết nối với khu du lịch Rừng Sác Cần Giờ và trận địa pháo Vũng Tàu.

Cách đồn Rạch Cát chỉ 4km là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Nhà Trăm Cột – một công trình kiến trúc nghệ thuật được các nghệ nhân Huế xây dựng hơn trăm năm trước và đang là một điểm du lịch đón nhiều du khách đến thăm.

Với ý nghĩa lịch sử to lớn của đồn Rạch Cát, cùng với cảnh quan thiên nhiên rừng ngập mặn xung quanh cùng hệ thống kênh rạch lý thú, nơi này xứng đáng được trùng tu, quy hoạch thành điểm tham quan du lịch đặc biệt hấp dẫn, kết nối thành tuyến du lịch đồn Rạch Cát với các điểm du lịch xung quanh.

(Theo báo TTCN)

Bài trướcBánh in Long Hựu
Bài tiếp theoLàng chiếu Long Cang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây