Làng chiếu Long Cang

0
1866

THANH MINH

Hò… hơ… chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây. Chiếu hoa em dệt thật dày. Mong đây với đó… Hò… ơ… Mong đây với đó xuân này nên duyên…”

Thu hoạch lát

Nói đến chiếu Cần Đước, phải nói đến chiếu Long Cang, Long Định, Long Sơn… từ lâu lắm rồi các xã nầy có diện tích trồng cây lát – nguyên liệu làm chiếu – có trên 175 ha. Thế nhưng thời gian gần đây thị trường chiếu lát truyền thống giảm mạnh, hơn nữa vùng trồng lát trở thành khu công nghiệp, người làm chiếu chuyển sang làm công nhân các nhà máy nên nghề dệt chiếu cũng mai một dần. Từ 500 hộ làm nghề dệt chiếu ở Long Cang, Long Định, Long Sơn… hiện nay chỉ còn trên dưới 100 hộ, trong đó chủ yếu ở xã Long Cang.


Hoàn tất chiếc chiếu

Tuy không nhộn dịp như xưa nhưng nghề dệt chiếu truyền thống ở Long Cang vẫn còn duy trì khoảng 14 ha trồng lát, các khâu trồng, thu hoạch, chẻ, nhuộm lát..vẫn theo quy trình cũ, duy phần dệt thủ công được thay thế bằng máy dệt nên năng suất có tăng lên, giá thành giảm có thể cạnh tranh với các làng nghề dệt chiếu ở địa phương khác nhưng sức tiêu thụ thì giảm rõ rệt.

Làng nghề dệt chiếu Long Cang, từ lâu nổi tiếng với chiếu trơn, chiếu hoa, chiếu in…Những loại chiếu nầy được nhiều người khen vì bền, nằm mát, hoa văn đẹp, tính nghệ thuật cao nhất là những đôi chiếu “Uyên ương” được nghệ nhân dệt riêng cho những đôi trai gái vào ngày cưới.

Chiếu Uyên ương

Ngoài chiếu “Uyên ương”, nghệ nhân còn làm những đôi chiếu đẹp cho những lễ hội, cúng miễu, cúng đình, hội thi đơn ca tài tử… Chiếu Long Cang còn được coi đẳng cắp cho những nhà khá giả ở nông thôn. Hơn thế nữa, chiếu Cần Đước đã có mặt khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và được ưa chuộng vì đẹp và giá cả phải chăng.

Hiện nay thì khác, thị trường thu dần, đời sống người dệt chiếu khá vất vả, gia đình có thâm niên hàng chục năm nghề mỗi ngày dệt hai đôi chiếu với hoa văn đẹp bán được 180.000 đồng, nếu trừ chi phí hai người thu được 50.000 đồng/ngày. Đó là lý do tại sao người dân bỏ nghề, đi làm công nhân ở khu công nghiệp thu nhập sẽ khá hơn, ổn định hơn.


Dệt máy thay dệt thủ công như trước đây

Trước tình hình nầy để cứu vãn làng nghề, tỉnh Long An có nhiều biện pháp hỗ trợ như hỗ trợ mua máy dệt, tìm thị trường…nhưng e rất khó khăn vì nhu cầu tiêu dùng đã thay đổi.

Hy vọng tiếng hò làng dệt ngày nào còn níu kéo khách phương xa đến với làng nghề dệt chiếu Long Cang:
Hò… hơ… chiếu Long Cang nhịp nhàng em dệt. Bấy nhiêu tình em gửi hết vào đây. Chiếu hoa em dệt thật dày. Mong đây với đó… Hò… ơ… Mong đây với đó xuân này nên duyên…”


Thanh Minh tổng hợp từ bài và ảnh Báo Long An

Bài trướcĐồn Rạch Cát
Bài tiếp theoMột ngày ở huyện láng giềng: Tân Trụ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây