Hôm nay giỗ Ba tôi…

2
740
Anh Trần Văn Mui quê xã Long Cang, Cựu Tổng biên tập Báo Thể Thao, cựu phó giám đốc Sở Thể thao TP. HCM anh có nhiều đóng góp cho ngành thể dục thể thao TP. HCM và huyện nhà Cần Đước. Để tưởng nhớ người cha của minh, người đã gắn bó cả đời cho quê hương Cần Đước, chúng tôi giới thiệu về tự sự của anh nhân ngày giỗ cha của anh!
TRẦN VĂN MUI
Ba là con út trong một gia đình có chín người con, thành ra lúc sinh thời bà con gần xa thường gọi là Chú út, anh mười…Quê quán bên nội tôi ở sát biên giới Miên, thuộc huyện Mộc Hoá, Long An. Đây được coi là vùng sâu, vùng xa dân tình sống bằng nghề nông, thiếu thốn đủ thứ từ xa xưa cho đến bây giờ… Sáu năm trước, mấy người bà con xa báo tin cho biết cần bốc mộ ông bà nội, tôi mới có dịp lần đầu tiên về quê nội, gặp được mấy anh chị, chú bác họ hàng xa còn sinh sống ở vùng quê này.
Ông bà nội tôi mất sớm khi ba tôi mới bốn tuổi, bác tư Châu dẫn ba tôi bỏ xứ đi về lập nghiệp ở quê vợ cũng thuộc miệt vườn, ruộng biền của xã Long Cang, Cần Đước, Long An. Ba tôi gắn bó với nơi này cho đến ngày nhắm mắt xuôi tay. Chín tuổi đã biết đi cấy mướn, chưa một ngày đến trường, học lóm đâu đó được ít chữ…đủ để ký tên. Gia đình bên vợ bác tư bảo bọc cho ba cho đến khi trưởng thành, lập gia đình. Má tôi chính là cháu gọi bác tư gái bằng dì…
Long Cang trong những năm chiến tranh là vùng “xôi đậu”, khi tôi được chín tuổi thì máy bay thả bom trúng ngay nhà, không còn chỗ nương thân, má tôi gánh hai anh em tôi lên Sài Gòn chạy giặc, ba tôi làm phu khuân vác ở Bến Bình Đông, tá túc ở căn nhà nhỏ của gia đình bác tư đến cuối năm 1966 thì mua được căn nhà lá ở đường Mặc Vân. Gia đình tôi ở đó đến tháng tư 75 thì ba má tôi về lại Long Cang làm ruộng. Anh em tôi tiếp tục làm …người Sài Gòn từ đó cho tới bây giờ.
Chính cuộc sống mồ côi, cơ cực từ tấm bé cho đến hết cuộc đời của ba tôi khi không có điều kiện học hành, không đủ ăn, đủ mặc thưở nhỏ, khi có gia đình thì nghèo quá không thể lo cho con cái đầy đủ để có tương lai đã thôi thúc ba tôi có khát khao, mong mỏi con cái thành đạt để…thoát nghèo. Ba tôi hay nhắc con ráng học mai mốt làm gì đó cho đỡ khổ đừng như ba, chín tuổi đi cấy mướn, cắm bó mạ xuống giở tay lên máu chảy ròng ròng…Hình ảnh ba tôi vác bao gạo “chỉ xanh” nặng 100 ký từ dưới ghé chày qua tấm đòn dài lên kho Đại Trung Huê ở bến Bình Đông hằng bữa để kiếm tiền nuôi gia đình trong những năm tháng ấy vẫn đọng lại trong ký ức không bao giờ quên của tôi về ba. Đó cũng chính là động lực từ nhỏ của tôi cố gắng để nên người, sống tử tế như ba tôi mong muốn.
Ba tôi còn giỏi nghề mộc, nghề nề. Tự tay cất nhà, xây tường. Tôi đoán làm giỏi là vì không có tiền mướn thợ thì phải…tự tay làm lấy thôi. Căn nhà lá ở đường Mặc Vân do chính tay ba tôi nâng cấp thành nhà có gác, lợp tôn, vách tường, khi đó mới có nhà vệ sinh! Năm 1968 tôi đậu đệ thất vào trường Trung học Cộng đồng Quận Tám, nhớ lời ba tôi ráng học lắm nhưng…chưa bao giờ đứng nhất lớp! Được cái là hồi đó mỗi tháng trường có giấy khen đến hạng năm, trong nhóm sau này có tôi. Mỗi lần thấy tôi mang lúc tờ xanh, lúc vàng, lúc lục về ba tôi vui lắm, ông ngắm nó không nói gì nhưng ánh mắt ngời lên niềm tin con mình rồi sẽ lớn nên người. Ba tôi chưa bao giờ từ chối tiền mua sách vỡ, tiền học thêm dù trong túi lúc ấy không tiền…
Ba tôi đi xa, xa vĩnh viễn đã 26 năm! Ngày ba mất ở dưới quê, bất ngờ chỉ qua một buổi chiều ba thấy mệt. Má tôi tưởng ông bị cảm, ông uống thuốc nằm nghỉ rồi đêm ấy, mùng 6 tháng Chạp ba đi.
Hôm nay là ngày giỗ ba…

 

Bài trướcTản mạn về “Ký tự Đá” của Thanh Minh
Bài tiếp theoGhe mũi đỏ Cần Đước

2 BÌNH LUẬN

  1. Cụ cả đời vì vợ vì con chẳng nghĩ cho bản thân mình! Đúng là tình cha công lao như núi Thái! Xin đốt nén hương lòng tưởng nhớ đến cụ !

  2. Ngày giổ Ba năm nay, Má vừa mất 2 tuần, chỉ còn thím tư Bây thờ lo cúng Ba. Tụi con xa quê không về được đành mời Ba cơm canh nhớ ngày.
    Ba cả đời làm lũ rồi mất sớm, con cháu chưa kịp lo tròn chữ hiếu. Thương Ba mỗi khi lên SG thăm con cháu, từ ngoài cửa rào đã gọi ơi ới “ Na, Vi ông Nội lên nè…”. Dù bệnh đau lên ở nhà con nhưng sáng nào Ba cũng thức sớm nấu nước pha trà, quét sân… chỉ khi mệt lắm mới chịu yên nghỉ.
    Bao năm xa rồi mà lần nào nhắc đến Ba tụi con vẫn không nguôi cảm xúc…! Giờ đây Má đã về với Ba và chú tư Bây, nơi xa ấy Ba không còn cô quạnh.

Trả lời Lê-Tân Hủy trả lời

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây