Người Cần Đước ở Sài Gòn mà tôi biết!

0
561

THANH MINH 

Cho đến bây giờ chưa có thống kê đầy đủ về Người Cần Đước đang sinh sống tại Sài Gòn nhưng họ đã đóng góp cho Sài Gòn – TP. HCM một nguồn nhân lực không nhỏ góp phần xây dựng thành phố. Đây cũng là nhưng người luôn hướng về Cần Đước – quê hương của mình.

Trong ảnh từ trái sang phải:1. Nguyễn Thành Bá, 2. Bùi Duy Đức, 3. Nguyễn Tiến Đạt, 4. TS.LS Nguyễn Văn Thọ, 5. GS.TS Nguyễn Đông Phong, 6. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, 7. BS Lê Văn Hậu, 8. LS Nguyễn Thế Phong, 9. LS Trương Trọng Nghĩa, 10. ThS Cổ Đức Trọng 11. HS Võ Công Chiến, 12. TS Ngô Trần Công Luận,13. Huỳnh Công Du,14. Đoàn Văn Ánh, 15. BS Nguyễn Văn Toàn, 16. Nguyễn Thanh Hà.

Trong lãnh vực giáo dục phải kể đến anh Nguyễn Tiến Đạt, dù ở bất cứ cương vị nào có cơ hội là giúp cho Cần Đước. Khi anh còn công tác ở Phòng giáo dục quận 10, nơi đây có nhiều trường mẫu giáo hàng năm phụ huynh đóng góp cơ sở vật chất để bổ sung cho đồ dùng học tập, trò chơi cho các bé, đồng thời thải ra những đồ chơi cũ mặc dù còn khá tốt. Trong khi đó nhiều trường mẫu giáo ở Cần Đước thiếu thốn đủ điều và số vật dụng ấy được anh “xin” cho các trường của Cần Đước.

Mỗi năm đến ngày tựu trường, phụ huynh khổ sở để đăng ký vào lớp một theo nguyện vọng như gần nhà nhưng xa hộ khẩu, cần bán trú nhưng địa phương không có…thì anh Tiến Đạt Phó giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM cũng ra tay giúp đỡ bằng mối quan hệ cá nhân của mình. Nhiều người đến tạ ơn nhưng bị từ chối thẳng thừng vì đơn giản anh giúp cho con em người Cần Đước!

Người thứ hai có vị trí trong bản đồ giáo dục là Người Cần Đước là GS.TS Nguyễn Đông Phong cũng là người quê Xóm Trầu cùng với Nguyễn Tiến Đạt, anh đã trãi qua nhiều chức vụ khác nhau nhưng gắn liền với Đại học Kinh tế TP. HCM, anh đã tham gia xây dựng nên trường đại học có nhiều đề tài góp phần phát triển không riêng TP.HCM mà các vùng lân cận trong đó có Cần Đước và cả nước.

Người thứ ba, tuy không sinh ra và lớn lên ở Cần Đước nhưng quê hương họ hàng, cha của chị sinh ra ở Xã Tân Chánh. Chị luôn hướng về quê hương, nhiều hội thảo chuyên ngành về phát triển văn hoá xã hội được tổ chức tại Cần Đước. Chị cũng giúp cho Cần Đước phát triển theo chương trình OCOP (One Commume One Product) “Mỗi xã mỗi sản phẩm”.

Người Cần Đước được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường TCN KTNV Tôn Đức Thắng TP. HCM của anh Đinh Minh Nghĩa quê Phước Tuy. Ở lãnh vực giáo dục Người Cần Đước có nhiều thầy cô giáo giảng dạy ở các trường đại học của thành phố như Võ Thị Lánh, Nguyễn Thị Tiết, Võ Công Chiến…các anh chị đã đóng góp không nhỏ trên bản đồ giáo dục của Việt Nam.

Theo ngành khoa học chuyên tập trung nghiên cứu và tổ chức sản xuất kinh doanh về nấm có Thạc sĩ Cổ Đức Trọng, quê Long Trạch, anh là một trong nhưng chuyên gia về nấm có tên tuổi ở Việt Nam.

Đối với lãnh vực Y tế có BS Lê Văn Hậu, quê Tân Trạch, anh đã từng đảm trách chức vụ Phó giám đốc Sở Y tế Long An nay làm cố vấn cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, anh luôn quan tâm đến Y tế cộng đồng. Người có nhiều năm cống hiến cho ngành thú y thành phố là BS Nguyễn Văn Toàn,  cựu Phó Trưởng trạm phòng chống dịch và phòng dại Chi cục Thú y Thành phố. Ngoài ra còn có các bạn từng làm việc trong ngành y đang sinh sống ở thành phố như Dương Minh Châu, Phan Văn Xuân, Nguyễn Thành Minh, Võ Công Chiến, Nguyễn Thị So, Đoàn Văn Ánh…


Tượng đài Hoà thượng Thích Quảng Đức được Hoạ sĩ văn Công Chiến thiết kế và tổ chức sản xuất tại Cần Đước và đặt tại Công viên Tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức (ngã tư Cách Mạng Tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu).

Với anh Võ Công Chiến, quê Nhà Dài ngoài vai trò thầy giáo trường ĐH Mỹ thuật Thành phố, anh là điêu khác gia tài ba, anh là người tạc tượng đài Hoà thượng Thích Quảng Đức – Người đã tẩm xăng tự thiêu tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng (nay là Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu) vào năm 1963 để phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Đây là tượng đài được Hội đồng tuyển chọn trong số nhiều tác phẩm cùng tham dự.

Tham gia lãnh vực văn hoá, báo chí có anh Trần Văn Mui, quê Long Cang theo nghiệp thể thao và trở thành Tổng biên Tập Báo Thể Thao TP. HCM, tờ báo nổi đình nổi đám một thời trong giới thể thao của cả nước. Anh được giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Thể dục Thể thao vào thời điểm Việt Nam tổ chức SEA Games lần thứ 22 năm 2003 với vai trò người tham gia đIều hành giải. Trong giới truyền thông phải kể đến Chị Phạm Thị Hường quê Phước Đông là phóng viên Đài Tiếng nói nhân dân TP. HCM, anh Đặng Trường Vân dân truyền thông và tôi, Nguyễn Thanh Minh, Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn.

Tôi đóng hai vai vừa Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn vừa Chủ tịch CLB/Hội Doanh Nhân Sài Gòn nên có cơ hội vận động anh chị em doanh nhân hỗ trợ cho Cần Đước. Đó là trường mẫu giáo, những căn nhà tình nghĩa, ở xã Phước Đông, những buổi khám chữa bệnh miễn phí cho hàng trăm người nghèo ở Tân Lân, Phước Đông…


Anh Nguyễn Văn Thọ trao quà cho bà con nghèo Long Hựu Tây

Trong giới doanh nhân còn có TS LS Nguyễn Văn Thọ, Giám đốc Công ty Thẩm định giá miền Nam. Lãnh đạo trong công ty của anh phần lớn dành cho “Người Cần Đước” nhất là quê hương Long Hựu của anh. Ngoài vai trò Chủ tịch Hội đồng hương Long An, anh còn là Chủ tịch Hội đồng hương Cần Đước nên anh cũng có nhiều hoạt động xã hội. Từ thiện giúp cho bà con nghèo Cần Đước.

Nói về kinh doanh vãi sợi phải nhắc đến Nguyễn Thành Bá, quê thị trấn – con của Bác Ba Tưởng, chủ nhà máy đèn Cần Đước, anh Bá là nhà kinh doanh có uy tín tại chợ Soái Kình Lâm Chợ Lớn. Nhân vật khá im tiếng là Đoàn Văn Ánh, quê Tân Lân,  chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiến Việt kinh doanh dược phẩm và sản xuất bao bì dược.

Có lẽ tôi hoạt động trong lãnh vực doanh nghiệp doanh nhân nên có cơ hội gặp gỡ và biết nhiều bạn bè doanh nhân nhiều hơn các lãnh vực khác, doanh nhân là người Cần Đước thành đạt khá nhiều như Nguyễn Thanh Hà, quê Cầu Nổi kinh doanh nhiều lãnh vực nay tập trung cho khu nghĩ dưỡng Omirita ở Đà Lạt, bản thân chị cũng dành thời gian để hoạt động xã hội từ thiện, trong đó có giúp cho người dân Cần Đước. Trong giới doanh nhân Sài Gòn là Người Cần Đước phải nhắc đến các tên Bùi Duy Đức, Cựu Tổng giám đốc Vissan, Hồ Văn Bền – Cọ Sơn Thanh Bình, Đặng Thanh Bình, Nguyễn Mạnh Quân, Ngô Thị Tuyết, Huỳnh Công Du, Tổng giám đốc VICASA, Ngô Trần Công Luận…

Sẽ thiếu xót nếu không nhắc đến lãnh vực pháp luật, Cần Đước có hai luật sư nổi tiếng tham gia vào Ban Thường Vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam xuyên suốt ba nhiệm kỳ qua, tức là từ khi thành lập cho đến bây giờ. Đó là LS Nguyễn Thế Phong, quê Tân Lân và LS Trương Trọng Nghĩa quê Lòng Hựu Tây. Luật sư Trương Trọng Nghĩa vừa là đại biểu quốc hội suốt ba khoá vừa qua.

Hiện nay Người Cần Đước ở Sài Gòn rất đông, nhiều người đã sản sinh ra thế hệ tiếp theo, học hành đến nơi đến chốn tại các trường đại học trong và ngoài nước. Các em đang là kỹ sư, bác sĩ, kiến trúc sư, doanh nhân… với học hàm thạc sĩ, tiến sĩ…đang đóng góp công sức của mình cho thành phố, cho xã hội trong đó có cho Cần Đước.

Hy vọng qua Người Cần Đước Online, các bạn tiếp tục cung cấp thêm những Người Cần Đước ở Sài Gòn, ở khắp nơi trên đất nước nầy, cũng như các nước khác có quan tâm, có đóng góp cho xã hội nhất là đóng góp cho Cần Đước sẽ được lần lượt giới thiêu đến các bạn.

Thanh Minh

 

 

Bài trướcThầy Chanh và các món ngon Cần Đước!
Bài tiếp theoLớp 12AP luôn gắn bó với trường PTTH Cần Đước

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây