Phong trào yêu nước đấu tranh chống Pháp trong ba thập niên đầu thế kỷ XX (1900 – 1930) trên địa bàn huyện Cần Đước.

0
658

ĐẶNG TRƯỜNG VÂN

Phong trào vũ trang chống Pháp do các ông Lãnh binh Tiến, Lãnh Thế, Thống Xô, đội Vạn, đội Chương…trên địa bàn Cần Đước bị đàn áp. Pháp bắt đầu áp đặt bộ máy cai trị của chúng trên địa bàn Cần Đước. Cuối năm 1899 Pháp chia Nam kỳ thành 23 tỉnh, Cần Đước thuộc khu Tham biện Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn. Năm 1923 Pháp tách ba Tổng: Lộc Thành Thượng, Lộc Thành Trung, Lộc Thành Hạ thành lập Quận Rạch Kiến. Đến năm 1928 đổi thành Quận Cần Đước thuộc tỉnh Chợ Lớn.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Cần Đước xuất hiện nhiều điền chủ giàu có, hương chức hội tề…bóc lột người lao động. Vì vậy, trên địa bàn Cần Đước xuất hiện mâu thuẫn gay gắt giữa nông dân với Thực dân Pháp, giữa nông dân với địa chủ giàu có… dẫn đến những phong trào đấu tranh với hình thức mới điền hình là phong trào Thiên Địa Hội;  Phan Xích Long; Hội kín của cụ Nguyễn An Ninh.

– Thiên Địa hội là một tổ chức của người Hoa, tôn chỉ của tổ chức này là “Phản Thanh phục Minh ( nhà Minh bị nhà Thanh lật đổ năm 1644). Số người Hoa trốn sang VN tị nạn và tổ chức này vẫn ngấm ngầm hoạt động. Do đồng cảm cảnh ngộ mất nước, tổ chức Thiên Địa hội ở Nam kỳ được hình thành với tôn chỉ là “Phản Pháp phục Nam”. Phong trào Thiên Địa hội ở Cần Đước do những người đi ghe thương hồ đến các tỉnh miền Tây Nam Kỳ mang về với hình thức “tương trợ những người đồng hương cùng hội cùng thuyền” sau phát triển bí mật thành hội của những người “ Hành hiệp trượng nghĩa” chăm lo giúp đỡ những người bị nguy khốn…. Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở Phước Yên Đông xuất hiện tổ chức Thiên Địa hội với những người chủ chốt, như:  Xã Bửu, Xã Tài, Nguyễn Văn Hiếu, Nguyễn Văn Xuyến, Ngô Thuyết Tùng, Phạm Văn Cứ… Các ông này thường tập hợp tại nhà ông Xã Tài (ấp 5 Phước Đông) luyện tập võ nghệ, mưu tính việc đánh Pháp. Sau thời gian hoạt động Thiên Địa hội bị Pháp truy nã gắt gao, nên giải tán. Đến khoảng năm 1905, nhóm người này chuyển sang ủng hộ phong trào Phan Xích Long (Rồng Đỏ).


– Phan Xích Long tên thật là Phan Phát Sanh, là người có lối sống phóng túng theo kiểu “Giang hồ hảo hớn”. Lợi dụng tâm lý tôn quân và căm ghét Pháp của dân Nam bộ lúc bấy giờ, Phan Phát Sanh cho mình là người có chân mạng đế vương, nên tự xưng là Xích Long ( Rồng Đỏ), theo quan niệm Ngũ hành màu đỏ ứng với Phuong Nam.

Khoảng năm 1909, Phan Xích Long đến Cần Đước tuyên truyền công cuộc đánh Tây giành lại đất nước do mình làm vua. Ngay sau đó được đông đảo người dân Cần Đước ủng hộ, nhóm Thiên Địa hội của Xã Tài ở Phước Yên Đông cũng theo Phan Xích Long, phong trào tập võ, rèn đúc vũ khí, quyên góp tiền bạc ủng hộ Phan xích Long diễn ra sôi nổi.

Ngày 27/2 năm Quý Sửu ((24/3/1913, theo  lời kêu gọi một số người dân Cần Đước cùng dân Tân An, Chợ Lớn mặc áo bà ba ba trắng, quần đen, đầu chít khăn trắng kéo về Sài Gòn để đón Phan Xích Long lên  ngôi hoàng đế. Do kế hoạch bị bại lộ, Phan Xích Long bị bắt trước đó 2 ngày.

Phan Xích Long bị bắt, Pháp thẳng tay đàn áp cuộc khởi nghĩa, bắt giam  hơn 100 người trong đó có 47 người quê quán Cần Đước.

– Hội Kín của Nguyễn An Ninh.
Khoảng năm 1927, ông Nguyễn An Ninh đến Cần Đước, tổ chức nhiều cuộc nói chuyện về về tinh thần yêu nước, quyền tự do, bình đẳng, dân chủ… và cổ động cho cuộc cách mạng giành độc lập. Tại Cần Đước ông bắt liên lạc với ông Tám Túc ( Nguyễn Văn Túc), một trong những chủ xe đò đầu tiên ở Cần Đước có tinh thần yêu nước, từ đó mở rộng thêm những hạt nhân nồng cốt, như: Đỗ Văn Cứng, Ngô Thiết Tùng, Phạm Văn Cứ, Nguyễn Văn Xuyến… Hoạt động trong nhóm Hội Kín này chỉ bó hẹp trong giới trung lưu, nhân sĩ, thân hào… nhưng đã ảnh hưởng khá lớn và sâu rộng trong lòng quần chúng, gieo cho họ tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh đánh đuổi quân Pháp xâm lược.

Nguyễn An Ninh năm 20 tuổi, vừa đỗ cử nhân Luật tại Paris (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).

Sau đó ông bị Pháp bắt ( lần thứ 5) đày đi tù Côn Đảo, mất năm 1944.

Nguyễn An Ninh, sinh ngày 15/9/1899, quê mẹ ở làng Long Thượng, huyện Cần Giuộc tỉnh Chợ Lớn, cha Nguyễn An Khương quê Hóc Môn, mẹ Trương Thị Ngự, vợ ông là bà Trương Thị Sáu (Cô ruột ông Trương Văn Bang).

Nguyễn An Ninh (bìa trái) và Nguyễn Thế Truyền (bìa phải) năm 1927 tại Pháp (Nguồn: Ảnh gia đình cung cấp).

Trong thời gian học ở Pháp ông cùng với Phan Châu Trinh, Nguyễn Thế Truyền, Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc thành lập nhóm “Ngũ Long” tại Pháp và là người biên tập tờ báo Le Paria….

Đến năm 1930, nhiều phong trào đấu tranh ở Cần Đước diễn ra mạnh mẽ, nhưng do chưa có đường lối đấu tranh đúng đắn nên các phong trào đều thất bại./.

Đặng Trường Vân

 

Bài trước“Cà lem” Vi Bổn!
Bài tiếp theoMừng sinh nhật Ngoại

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây